Hạ tầng giao thông “lột xác” sau 40 năm thống nhất
2015/4/27 15:11
Hạ tầng giao thông đang có sự phát triển ngoạn mục, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội - Ảnh: Tường Vy
Từ chỗ lạc hậu, yếu kém, sau 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, bộ mặt hạ tầng giao thông trên cả nước đã dần thay da đổi thịt, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Bức tranh giao thông ảm đạm sau chiến tranh
Nhớ lại khoảng thời gian trước ngày non sông thu về một mối, TS Nguyễn Ngọc Long, nguyên Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN cho biết, bức tranh giao thông rất ảm đạm. Cả giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy đều lạc hậu. Riêng về đường bộ, giai đoạn đó, QL1 chỉ rộng 9 m, nhiều đoạn chỉ 7 m. Ngoại trừ 30 km tuyến QL21 đoạn Xuân Mai - Hòa Lạc mà Cuba làm giúp được thảm nhựa, còn lại tất cả các tuyến đường khác toàn đường đất, cấp phối.
“Ổ gà, ổ voi trên đường rất nhiều, giao thông đi lại thời đó là trở ngại lớn. Đi từ Hà Nội ra Quảng Ninh mất cả ngày trời. Còn từ Hà Nội vào Vinh là cả một vấn đề, cách trở vô cùng”, TS Long dẫn ví dụ và cho biết thêm, ngay cả đường mòn Hồ Chí Minh, con đường có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng ở khu vực phía Tây cũng xấu vô cùng, đi lại rất khó khăn.
"Muốn tạo được sự đột phá, GTVT phải đi trước một bước. Ngành GTVT cần xây dựng được hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Nếu chưa có điều kiện để làm toàn bộ thì chia nhỏ ra từng đoạn, từng khu vực để triển khai. Ngoài ra, việc hoàn thiện tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam cũng rất cấp bách bởi đây là tuyến vận tải có vai trò quan trọng đối với công cuộc phát triển của đất nước”.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên
Với đường sắt, TS Nguyễn Ngọc Long cho biết, khi đó tàu chỉ chạy được từ Hà Nội vào Vinh. Từ Vinh vào Quảng Trị phải đi bằng goòng. Về đường thủy cũng rất yếu kém. Ngày đó rất ít cầu lớn. Gần như tất cả các sông lớn đều phải đi bằng phà, nhiều phà phải kéo tay thủ công. Sau 30/4/1975, nhiệm vụ lớn đầu tiên của ngành GTVT là khôi phục khẩn cấp tuyến đường sắt Thống Nhất. Đến cuối năm 1976, nhiệm vụ này mới hoàn thành và chuyến tàu khách đầu tiên chở đoàn đại biểu miền Nam ra Bắc được thực hiện thành công.
TS Long cho biết, giai đoạn từ 1976 đến đầu những năm 1990 là quãng thời gian khó khăn vô cùng. Vốn liếng trong nước khó khăn, việc khôi phục giao thông sau chiến tranh diễn ra rất chậm chạp. “Công cuộc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chỉ thực sự bắt đầu khi đất nước đổi mới. Dự án đầu tiên được triển khai phải kể đến là Khôi phục mạng lưới GTVT do Ngân hàng Thế giới viện trợ không hoàn lại. Dự án này được hoàn thành vào khoảng năm 1992”, TS Long kể và cho biết, bắt đầu từ đó, ngành GTVT mới hình thành các Ban QLDA để tiếp nhận vốn ODA từ các nhà tài trợ, hạ tầng giao thông có những bước phát triển đột phá mới.
Ngày đất nước mới thống nhất, khắp nơi là cảnh đổ nát của các công trình giao thông
(Cầu Thạch Hãn đang được xây dựng lại năm 1975) - Ảnh: Văn Sắc
Giao thông luôn là mặt trận nóng bỏng
Đến nay, sau 40 năm đất nước thống nhất, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta đã có những bước đột phá mạnh mẽ. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên rất ấn tượng với những kết quả khả quan trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của ngành GTVT. “Với thế tổng tiến công trên tất cả các lĩnh vực, ngành GTVT đã đưa hàng loạt công trình vào khai thác, sử dụng. Sắp tới, hai công trình quan trọng quốc gia là dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ hoàn thành toàn bộ ngay trong năm 2015, đó thực sự là một thành quả to lớn của ngành GTVT. Tôi cho rằng, ngành GTVT thời chiến hay thời bình cũng đều là mặt trận nóng bỏng, nhưng với cách làm như hiện nay tôi đánh giá là rất tích cực và cần phải phát huy”, Trung tướng Nguyên nói.
Theo Bộ GTVT, về kết cấu hạ tầng đường bộ, trong những năm qua, ngành GTVT đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hệ thống quốc lộ chính, các tuyến quốc lộ hướng tâm (QL 2, 3, 5, 6, 32, 13, 51, 22,...), hệ thống đường vành đai biên giới phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ (QL 279, 4A, 4B, 14, 14C,…), các tuyến quốc lộ nối đến các cửa khẩu quốc tế, các vùng kinh tế trọng điểm,...
Đặc biệt, hàng loạt tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Nội Bài - Lào Cai, TP Hồ Chí Minh - Long Thành, Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, Hà Nội - Thái Nguyên,…
Các dự án này đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả cao, không những giảm áp lực cho giao thông, giảm tai nạn, ùn tắc, mà còn thúc đẩy KT-XH các địa phương phát triển. Cùng với đó, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt đã từng bước nâng cấp, hiện đại hóa các tuyến đường sắt hiện có, đồng thời triển khai dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân và nghiên cứu xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Ở lĩnh vực hàng hải, ngành GTVT đã hoàn thành nâng cấp giai đoạn 1 các cảng biển tổng hợp quốc gia chủ yếu như các cảng: Cái Lân, Hải Phòng, Cửa Lò, Vũng Áng, Tiên Sa, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ,… đồng thời đang triển khai các dự án cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện,…
Đánh giá về những bước phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của nước ta, năm 2014, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã xếp Việt Nam ở vị trí 74 thế giới, tăng 16 bậc về năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.
Đi trước mở đường phát triển đất nước
Mặc dù, đã tạo được những chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH và còn thua kém nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý giao thông cho biết, trong những năm qua, ngành GTVT đã xây dựng được nhiều tuyến đường cao tốc nhưng chủ yếu là các tuyến có cự ly ngắn chứ chưa xây dựng được tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong khi đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện nay vẫn ở vào thế độc tuyến, chưa tạo được các liên kết dạng mạng và còn thiếu những tuyến đường sắt dẫn tới các khu kinh tế. “Chất lượng cơ sở hạ tầng của ngành Đường sắt vẫn còn kém, nhất là khổ đường hẹp khiến tàu không thể chạy được với tốc độ cao”, ông Thụ đánh giá.
Theo ông Thụ, để tạo ra sự đột phá trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của đất nước, trong thời gian tới, ngành GTVT phải khẩn trương xây dựng và hoàn chỉnh tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, kết nối các vùng miền, các trung tâm kinh tế. “Chúng ta phải phát triển hệ thống đường bộ để làm sao tất cả các xã trong cả nước đều có đường ô tô vào trung tâm xã, không còn nơi nào bị cô lập khi lũ lụt do không có cầu. Đối với lĩnh vực đường sắt cần xây dựng ngay tuyến đường sắt Bắc - Nam khổ 1,435m, kết nối với các nước trong khu vực và quốc tế”, ông Thụ chia sẻ.
Nguồn: baogiaothong