Dự án QL1 qua Quảng Bình về đích trước 8 tháng
2015/5/4 15:34 - Nguồn : Nguồn: Báo Giao Thông
Dự án nâng cấp mở rộng QL1 qua Quảng Bình dài 29,8km.
Khẩn trương đưa dự án cán đích
Những ngày trung tuần tháng 4, chúng tôi trở lại công trường thi công dự án QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Bình do Tasco làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Dọc tuyến đường, những tốp công nhân đang tất bật sơn kẻ vạch phân làn và lắp đặt lưới chống chói. Tại Km 641, đoạn qua xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, điểm cuối cùng của Dự án nâng cấp, mở rộng QL1 do nhà thầu Bắc Phương thi công đã hoàn thiện việc lắp đặt hệ thống dải phân cách giữa và lưới chống chói.
Hiện chỉ còn gần 10 công nhân của đội sơn đường Công ty CP Sao Thiên Ưng đang tiến hành những công đoạn cuối cùng hoàn thiện hệ thống ATGT: Sơn phản quang, cọc tiêu và cột biển báo. Kỹ sư Phạm Văn Trường, Trưởng ban điều hành của Công ty Bắc Phương (đơn vị thi công đoạn Km626-Km632 và đoạn Km638-Km641) cho biết: Đến nay, toàn bộ gần 9 km do công ty thi công chỉ chờ hoàn thiện nốt phần sơn kẻ đường, để 22/4 sẽ nghiệm thu kỹ thuật và bàn giao cho chủ đầu tư.
Cùng thời điểm, tại đoạn qua ngã tư thị trấn Ba Đồn, nơi được bàn giao mặt bằng muộn nhất trên toàn tuyến, công ty Nasaco cũng đã kịp hoàn thành quá trình thảm bê tông nhựa lớp 2, bắt đầu thi công hệ thống dải phân cách giữa và sơn kẻ vạch phân làn, dự kiến muộn nhất đến ngày 25/4 sẽ hoàn thành và bàn giao cho chủ đầu tư.
Ông Hồ Hữu Viễn, Trưởng ban QLDA không giấu được niềm vui khi trải qua 18 tháng thi công, vượt nhiều khó khăn, cuối cùng dự án cũng sắp hoàn thành. “Hiện tại, chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị thi công trên tuyến khẩn trương hoàn thiện hệ thống cọc tiêu, biển báo và sơn vạch kẻ đường để một tuần nữa sẽ chính thức làm lễ thông xe kỹ thuật, đưa 29,8 km của dự án vào sử dụng, vượt tiến độ 8 tháng so với hợp đồng BOT”, ông Viễn cho biết.
Dự án nâng cấp mở rộng QL1 do Tasco làm chủ đầu tư có chiều dài 29,8 km, với tổng mức đầu tư 2.004 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, dự án do 6 đơn vị thi công, trong đó có năm đơn vị xây lắp, một đơn vị chuyên trách đảm bảo ATGT.
Những con số biết nói…
Cùng đi dọc tuyến đường, kỹ sư Nguyễn Văn Dưỡng, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Công ty Tasco Quảng Bình, chỉ cho chúng tôi từng vị trí trước đây liên tục bị vướng mặt bằng, đến nỗi hàng ngày các cán bộ trong công ty và đại diện nhà thầu phải xuống tận thôn xóm, phối hợp trực tiếp với các cấp chính quyền địa phương, đi đến từng nhà dân tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân giao mặt bằng thi công. Rồi những vị trí giáp đèo Ngang, bị ảnh hưởng yếu tố thời tiết mưa chân đèo, cứ thi công là gặp mưa, phải đào lên làm lại nhiều lần mới đảm bảo chất lượng.
Kỹ sư Dưỡng chia sẻ: 18 tháng qua đối với đội ngũ cán bộ, kỹ sư của công ty là một khoảng thời gian dài đầy gian nan thử thách, bởi lẽ, ngoài sức ép từ phía ban lãnh đạo công ty, sức ép từ quần chúng nhân dân, Ban QLDA còn phải chịu sức ép ngược từ đường găng tiến độ do anh em trong ban đề ra.Khởi công ngày 24/4/2013, lãnh đạo công ty đã giao nhiệm vụ cho Ban QLDA phải bám tuyến, đôn đốc nhà thầu triển khai thi công nhanh, đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, do phải triển khai công tác GPMB nên đến tháng 9/2013 các nhà thầu mới chính thức triển khai thi công. Lúc đó, lại gặp đúng mùa mưa nên phải đến tháng 3/2014 mới có thể thi công đồng loạt. Thế nhưng, với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt từ Bộ GTVT, chủ đầu tư Tasco, Ban QLDA đã yêu cầu nhà thầu tăng cường tối đa nhân lực, thiết bị để bù lại khối lượng bị chậm.
“Tháng 5/2014, dự án đã cơ bản hoàn tất quá trình đào đắp nền đường, xử lý nền đất yếu; ba tháng sau hoàn thành cấp phối đá dăm lớp 2; tháng 11/2014 hoàn thiện cấp phối đá dăm lớp 1 để tháng 2/2015 hoàn thành thảm bê tông nhựa C19 và tiến hành thảm bê tông nhựa lớp trên C12,5”, đó là những con số ngắn gọn đầy ấn tượng mà kỹ sư Dưỡng nói với tôi về dự án QL1.
Để thực hiện được con số trên, Tasco và các nhà thầu trên tuyến đã phải thường xuyên phân ca chia kíp làm việc liên tục 24/24h bất kể ngày lễ, ngày nghỉ. Trên công trường lúc cao điểm các nhà thầu huy động tới gần 500 kỹ sư, công nhân, vận hành trên 300 phương tiện, trang thiết bị các loại, chia làm 15 mũi thi công đồng thời trên chiều dài toàn tuyến.
Đặc biệt, khi bước vào giai đoạn thi công bê tông nhựa, trên công trường có đến ba trạm trộn hoạt động với công suất 120 tấn/h để phục vụ thảm (trong khi theo quy trình thì 30km chỉ cần hai trạm công suất 120 tấn), huy động bốn dây chuyền thảm, cùng số lượng “khủng” phương tiện, thiết bị vận chuyển vật liệu phục vụ dự án.
Cùng đó, vấn đề quản chất lượng được chủ đầu tư đặc biệt quan tâm, bằng việc đưa Tư vấn kiểm định chất lượng tham gia dự án ngay từ đầu triển khai thi công, công tác kiểm tra chất lượng được thực hiện thường xuyên liên tục. Kỹ sư Vũ Anh Tuấn, người đã theo sát dự án trong gần hai năm qua với vai trò chuyên viên của Ban QLDA cho biết: “Ban QLDA gồm 10 người, mỗi người được phân công theo dõi 3km. Cứ thế, sau mỗi bước thi công, chuyên viên phụ trách lại cùng với TVGS, TVKĐ kiểm tra ngẫu nhiên các hạng đã nghiệm thu, hạng mục nào thi công không đảm bảo chất lượng thì phải bóc lên làm lại, cấu kiện bê tông không đủ cường độ phải đập bỏ… 100% chi phí phát sinh do thi công không đảm bảo đều do nhà thầu bỏ “tiền túi” ra sửa chữa”.
Thậm chí, khi Bộ GTVT chưa yêu cầu các nhà thầu bảo hành công trình bốn năm thì trước đó, tất cả các nhà thầu thi công dự án do Tasco làm chủ đầu tư đều đã phải cam kết bảo hành công trình ba năm kể từ khi bàn giao.Vừa qua Tasco tiếp tục tiên phong cải tiến thiết kế hệ thống cọc tiêu nhằm nâng cao tính năng đảm bảo ATGT trên tuyến. Cọc tiêu kiểu mới có dạng trụ tròn, được sơn trắng đỏ và dán phản quang chất lượng cao. So với cọc tiêu truyền thống, cọc tiêu mới làm tăng khả năng dẫn hướng, nhất là vào ban đêm. Sáng kiến này đã được Tổng cục đường bộ, Cục QLXD & CL CTGT và các cơ quan tham mưu của Bộ GTVT đánh giá rất cao.
Thu phí không dừng“3 nhà” hưởng lợi
Cùng với việc hoàn thành dự án, trong tháng 3/2014, Tasco cũng đã trở thành đơn vị đầu tiên tiến hành lắp đặt, chạy thử nghiệm thành công Trạm thu phí tự động không dừng tại Km 604+900 QL1 đoạn qua xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, đây là một trong ba trạm thu phí đầu tiên của cả nước sử dụng công nghệ thu phí tiên tiến này.Với việc đưa vào sử dụng trạm thu phí không dừng của Tasco, người tham gia giao thông thay vì phải mua vé, trả tiền vé trực tiếp cho nhân viên thu phí thì số tiền trả phí đường bộ sẽ được thanh toán hoàn toàn tự động.
Trạm thu phí tự động không dừng sử dụng công nghệ ETC, nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) do Mỹ phát triển hiện đang được áp dụng rộng rãi, được ưa chuộng trên thế giới. Khi xe đã dán thẻ định danh E-Tag chạy vào làn thu phí, hệ thống tự động nhận diện bằng công nghệ laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống ăng-ten phát tín hiệu để đọc thẻ E-Tag. Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản đủ điều kiện, barie sẽ được mở tự động để xe đi qua… tổng thời gian xe qua trạm chỉ còn 3 – 5 giây.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco, chủ đầu tư trạm thu phí không dừng cho biết: “Việc áp dụng công nghệ ETC tại các trạm thu phí trong toàn quốc sẽ giúp Nhà nước tiết kiệm được khoảng 70 tỷ đồng/năm tiền in vé, 233 tỷ đồng tiền nhiên liệu, 2.800 tỉ tiền tiền lương các loại. Như vậy, tổng cộng lợi ích KT - XH hàng năm mang lại khi áp dụng hệ thống thu phí không dừng trên toàn quốc là 3.400 tỷ đồng/năm”.
Đánh giá về dự án do Tasco làm chủ đầu tư, ông Trần Văn Luận, Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình nhấn mạnh: QL1 đối với Quảng Bình được xem là xương sống trong mạng lưới giao thông của tỉnh đã xuống cấp sau nhiều năm khai thác. Khi tuyến đường được nâng cấp mở rộng với bốn làn xe tách biệt, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa ngày một cao của nhân dân, mà còn góp phần giảm ùn tắc và nguy cơ TNGT trên tuyến.