Ban Cán sự đảng Bộ GTVT họp chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng

2015/5/14 7:46 - Nguồn : Nguồn: Bộ GTVT

Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng
 
Vượt tiến độ xây dựng văn bản QPPL
 
Báo cáo về tình hình xây dựng văn bản QPPL tháng 4, 4 tháng đầu năm 2015 và kế hoạch tháng 5, tháng 6 năm 2015 của Bộ GTVT, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2015, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo và chủ trì tham mưu trình văn bản quy phạm pháp luật đã cơ bản hoàn thành theo đúng kế hoạch được giao, đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
 
Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2014, Bộ phải trình Chính phủ 01 dự thảo Nghị định; cơ quan soạn thảo phải trình bộ 01 dự thảo Luật (Luật Đường sắt), 5 dự thảo Nghị định, 6 đề cương Nghị định, 3 đề cương Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
 
“Tính đến ngày 12/5, các đơn vị đã trình Bộ vượt kế hoạch chương trình 18/16 văn bản (trong đó có 2 văn bản ngoài chương trình)”, Vụ trưởng Trịnh Thị Hằng Nga cho biết.
 
Bà Nga cũng nhấn mạnh, tuy nhiên, một số văn bản QPPL có chất lượng chưa thực sự tốt, chưa thể hiện được đầy đủ tinh thần đổi mới của Hiến pháp  2013, nội dung cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, sự đổi mới, quyết liệt trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
 
Cho ý kiến về vấn đề này, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá cao kết quả việc xây dựng các văn bản QPPL và yêu cầu cần tiếp tục công tác này đến tháng 5 và tiếp cho tháng 6. Bộ trưởng cũng hoan nghênh các đồng chí Thứ trưởng đã coi trọng công tác xây dựng văn bản QPPL, thường xuyên lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp để có các hướng dẫn và kịp thời xử lý. Đơn cử như việc Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã rất quyết liệt trong việc giải quyết các vấn đề tại cảng Hải Phòng.
 
Tại cuộc họp, đồng chí Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đồng chí thành viên Ban Cán sự và các đồng chí đại diện các cơ quan, đơn vị phải xem xét lại việc xây dựng các văn bản QPPL đã cụ thể hoá được tinh thần Hiến pháp 2013, tinh thần cải cách hành chính vào trong các văn bản, đề án hay chưa? Đã thực sự vì người dân và doanh nghiệp chưa? Các thủ tục hành chính còn giảm được nữa hay không? Còn hiện tượng sợ mất quyền, ôm việc, gây chậm trễ hay không? Đặc biệt là đã kịp thời bổ sung xây dựng VPQPPL, bổ sung điều chỉnh phù hợp thực tiễn hay chưa trong các mặt trận “nóng” của Ngành như siết kinh doanh vận tải; ATGT và kiểm soát tải trọng phương tiện…
 
Bộ trưởng nhấn mạnh, khi xây dựng các văn bản QPPL phải thể hiện được tinh thần Hiến pháp 2013 và cải cách hành chính, thủ tục hành chính, vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải tăng cường phân cấp từ Bộ xuống các Tổng cục, cục, vụ, viện; địa phương, việc gì các cơ quan nhà nước làm được thì phải làm, cái gì địa phương có thể làm được thì phải để địa phương làm. Trong quá trình xây dựng văn bản phải quan tâm đến vấn đề thực tiễn cuộc sống đòi hỏi để kịp thời bổ sung, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Đối với Ngành GTVT, mục tiêu là phải làm sao đẩy mạnh được xã hội hoá, huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nhưng phải đúng với các quy định của pháp luật và phù hợp thực tiễn.
 
Xem xét lại chương trình đào tạo sát hạch lái xe
 
Tại cuộc họp, Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét lại chương trình đào tạo sát hạch lái xe, đối chiếu với các nước trên thế giới, thực tế đào tạo tại Việt Nam và nhu cầu thực sự của người dân để điều chỉnh chương trình dạy và học cho phù hợp với nhu cầu hiện nay của người dân. Đó là việc trong thực tế, đa số người dân mua và sử dụng các loại xe ô tô số tự động nhưng trong các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe lại chỉ đào tạo học viên điều kiển xe số sàn. Điều này là bất hợp lý, dẫn đến việc học viên có đi học đầy đủ, được cấp bằng loại khá, giỏi nhưng khi ra đường thì không lái được xe hoặc số tiết học trong các Trung tâm chưa đủ để học viên tự tin lái xe ra đường, trong khi đó, học viên muốn mượn xe để tự học thêm thì khó có thể mượn được xe số sàn. Đây là hiện tượng học không đi đôi với hành, gây lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân mà hiệu quả lại không cao, nguy cơ mất ATGT rất lớn.
 

Cần thay đổi chương trình đào tạo lái xe cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của nhân dân
 
Cho ý kiến về hoạt động của xe mô tô phân khối lớn, Bộ trưởng nói:  Chúng ta cho nhập về, tổ chức thi sát hạch cấp giấy phép lái xe mô tô phân khối lớn nhưng lại không cho chạy thì cho thi lấy bằng làm gì.
 
“Trước mắt, đề xuất thí điểm cho xe mô tô từ 175 phân khối trở lên được chạy vào 3 tuyến cao tốc gồm Hà Nội – Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Sài Gòn - Trung Lương. Người điều kiển các loại xe này phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và các quy định trên các tuyến đường cao tốc. Sau thí điểm có tổng kết đánh giá, nếu hợp lý sẽ đề xuất sửa Luật” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
Tiến độ cổ phần hóa đảm bảo tốt
 
Báo cáo Ban Cán sự về kết quả thực hiện công tác tái cơ cấu, CPH, thoái vốn tại các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, Vụ trưởng Vụ QLDN Vũ Anh Minh cho biết, đến 12/5, đối với các doanh nghiệp đã triển khai từ 2014, Bộ GTVT đã hoàn thành IPO, tổ chức đại hội đồng cổ đông lần đầu, chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần 7 công ty; hoàn thành thẩm định báo cáo quyết toán 14 doanh nghiệp; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH 3 doanh nghiệp là TCT Hàng hải VN, TCT Hàng không Việt Nam, Bệnh viện GTVT TƯ…
 
Đối với các doanh nghiệp triển khai mới trong năm 2015, ông Vũ Anh Minh cho biết, Bộ đã hoàn thành phê duyệt danh sách cổ phần hóa, thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa tại 28 doanh nghiệp; Phê duyệt thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn tư vấn xác định giá trị 25 doanh nghiệp để cổ phần hóa; đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án bổ sung vốn điều lệ cho TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN.
 
Đối với việc cổ phần hóa các đơn vị, sự nghiệp công lập, ông Vũ Anh Minh cũng cho biết, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cho phép CPH Bệnh viện Nam Thăng Long; 4 trung tâm đăng kiểm. Bên cạnh đó, Vụ QLDN cũng đã tổng hợp thực trạng tình hình hoạt động của 19 đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế và giáo dục đào tạo, trực tiếp khảo sát, làm việc với 6 trường để lựa chọn, đề xuất phương án cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, báo cáo lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương…
 
Chỉ đạo về vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh La Thăng biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp của Bộ và các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ này.
 
Đồng chí Bí thư Ban Cán sự, Bộ trưởng yêu cầu, ngành Đường sắt phải thay đổi tư duy, tiếp cận với tư duy mới để đưa ngành Đường sắt thoát khỏi tụt hậu, phát triển xứng tầm trong Ngành GTVT. Đối với các cảng biển, Bộ trưởng yêu cầu Vinalines bên cạnh nhiệm vụ đổi mới doanh nghiệp chung phải tập trung vào 3 cảng lớn là Cái Mép – Thị Vải; Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và kêu gọi đầu tư cả trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài vào cảng Vân Phong. Các cảng biển khác phải tập trung hoàn thành công tác cổ phần hóa, không cần giữ chi phối.
 
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng nhấn mạnh, phải tiếp tục thực hiện công tác cổ phần hóa theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, không được đầu hàng. Bởi cổ phần hóa là xu thế đúng đắn, tất yếu trong thời kỳ mới. Chỉ có con đường này thì mới thay đổi được bản chất công tác quản trị đơn vị, quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển.
 
“Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa phải có lộ trình, phải thống nhất quán triệt tư tưởng cho CBCNV đang làm việc, phải có các quy chế, quy định để cho các trường phát triển”, Bộ trưởng nói.
 
Đã hoàn thành 102/187 cầu treo dân sinh
 
Báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ GTVT về tình hình triển khai Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh (nay là 187) đảm bảo ATGT trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện cho biết, hiện nay đã hoàn thành 102/187 cầu, đang thi công 82 cầu, 3 cầu còn lại sẽ triển khai thi công trong tháng 5/2015.
 
“Để đảm bảo tiến độ hoàn thành theo yêu cầu của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN đã tổ chức họp kiểm điểm và đẩy nhanh tiến độ thi công với tất cả các đơn vị tham gia thực hiện đề án”, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết.
 

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo phải hoàn thành sớm Đề án xây dựng cầu treo dân sinh,
phục vụ nhu cầu cấp thiết của bà con vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn
 
Ông Nguyễn Văn Huyện cũng báo cáo thêm về Chương trình “Nhịp cầu yêu thương”, hiện đã có 18,60 tỷ đồng được chuyển về Quỹ của Chương trình; 19 nhà tài trợ đăng ký tài trợ xây dựng 41 cầu tương đương với số tiền 200,68 tỷ đồng.
 
“Đối với các cầu được đăng ký tài trợ xây dựng qua chương trình này, Tổng cục ĐBVN đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn triển khai thiết kế, thẩm tra ngay làm căn cứ phê duyệt và triển khai thi công”, ông Nguyễn Văn Huyện nói.
 
Về vấn đề này, Bộ trưởng nhấn mạnh, đối với dự án cầu 187 cầu phải cố gắng phấn đấu hoàn thành trong tháng 6, để tháng 7/2015 tổng kết Đề án này cùng với chương trình tổng kết công tác giao thông nông thôn.
 
Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan triển khai giai đoạn 2 phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật như rà soát lại thiết kế, tổng mức đầu tư, đảm bảo an toàn tuyệt đối nhưng thiết kế phù hợp, không gây lãng phí; Vụ KHĐT cùng TCĐB phải bám sát các Bộ, ngành và Chính phủ để hoàn thiện thủ tục, kịp thời thanh toán cho các nhà thầu; quyết toán rành mạch đúng quy định.
 

“Đây là chương trình cầu dân sinh cho bà con ở những nơi khó khăn nhất của xã hội nên phải lưu ý đến việc công khai minh bạch, làm đúng và chuẩn mực, hoàn thành sớm để mang lại hạnh phúc cho người dân. Tôi không chấp nhận việc một chương trình có ý nghĩa nhân văn như thế này mà xảy ra tiêu cực hoặc các vấn đề không hay khác”, Bộ trưởng yêu cầu.