Bộ trưởng Đinh La Thăng: GTVT luôn là hiện thực gợi nhiều cảm hứng nhất cho văn nghệ sĩ

2015/8/21 11:21 - Nguồn : Nguồn: VanVN.net

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tại buổi lễ trao giải
 
PV: Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính (28/8/1945) đến nay, Ngành Giao thông vận tải Việt Nam đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, gắn liền với sự nghiệp Cách mạng của đất nước. Nhìn lại 70 năm đã qua của Ngành Giao thông vận tải, ông có thể nói điều gì về sự đồng hành đầy ý nghĩa đó? 
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Hiếm có một lĩnh vực nào mà mọi hoạt động luôn gắn liền với vận mệnh của dân tộc qua từng bước thăng trầm như Ngành Giao thông vận tải.
 
Vừa thành lập, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, công nhân lao động ngành GTVT đã hăng hái tham gia trực tiếp chiến đấu, đồng thời khẩn cấp vận chuyển sơ tán các cơ quan, công sở của Trung ương và địa phương vào những vùng căn cứ kháng chiến.
 
Khi Đảng đề ra chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, cán bộ, người lao động ngành GTVT là những người đi đầu trong việc phá hủy cầu, đường và giúp ngăn chặn hiệu quả bước tiến của quân thù, làm thất bại ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của chúng. Cũng chính lực lượng ấy, khi kháng chiến chuyển sang giải đoạn phản công, đã lại dốc sức gấp rút xây dựng, khôi phục các tuyến giao thông vừa tiêu thổ, làm mới thêm nhiều tuyến đường, cầu tạm, bến phà, tổ chức vận tải lương thực, vũ khí cung cấp cho chiến trường, góp phần quan trọng để chiến dịch Điện Biên phủ giành thắng lợi.
 
Thời kỳ miền Bắc bước vào khôi phục và phát triển kinh tế, chỉ trong vòng 10 năm, với khó khăn chồng chất, ngành GTVT đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ: Khôi phục hoạt động của hầu hết hệ thống giao thông bị tàn phá trong kháng chiến, mở rộng mạng lưới giao thông nông thôn, phục vụ kịp thời và đắc lực công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, Ngành GTVT vừa tiếp tục mở những tuyến vận tải huyết mạch như đường mòn Hồ Chí Minh (trên đất liền và trên biển) phục vụ tiếp tế cho chiến trường, vừa phải giải quyết hậu quả của gần ba triệu tấn bom, đại bác và thủy lôi Mỹ dùng để tàn phá đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng trên miền Bắc hậu phương lớn. Hàng ngàn cán bộ, công nhân viên của ngành cũng đã trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu. Hàng chục vạn thanh niên xung phong lên đường ra mặt trận theo tiếng gọi của Đảng và có mặt ở tuyến đầu lửa đạn, trong đó hơn 2.600 người đã hy sinh.
 
Khi nước nhà thống nhất, nhu cầu giao thông, vận tải tăng cao trong khi hệ thống hạ tầng hầu hết hư hỏng, cũ nát. Trong tình cảnh nguồn lực kiệt quệ, bị bao vây cấm vận, ngành GTVT phải chắt chiu từng đồng vốn, từng khoản viện trợ để làm cầu, mở những con đường mới, trong đó có nhiều công trình mang tính lịch sử như cầu Thăng Long, cầu Chương Dương... Ngoài ra, ngành GTVT phải dốc sức khôi phục hoạt động trên toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.700 km trong những điều kiện ngày nay khó mà tưởng tượng nổi.
 
Bước vào thời kỳ đất nước Đổi mới và Hội nhập, Giao thông vận tải được Đảng xác định là một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mang tính chiến lược. Nhờ ở những quyết tâm rất lớn của cả đất nước chứ không chỉ của ngành GTVT, bước đầu chúng ta đã xây dựng được một hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ trên cả năm lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và hàng không; trong đó, có những công trình quy mô mang tầm khu vực và quốc tế, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng kinh tế, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng của đất nước.
 
Như vậy là nhìn từ cả phía nhiệm vụ cách mạng, lẫn thành tựu mang tính lịch sử đều thấy rõ sự gắn bó của ngành GTVT với sự phát triển chung của đất nước trong suốt 70 năm qua. Chúng tôi cũng vừa tổng kết một cuộc thi khác, cuộc thi bình chọn 10 ca khúc đặc sắc nhất viết về ngành GTVT. Trong 10 ca khúc được chọn thì hầu hết mang âm hưởng của những cuộc kháng chiến, thời gian và không gian gắn liền với những giai đoạn, thời khắc đau thương nhất của dân tộc, với những địa danh đã đi vào lịch sử, với bom rơi, đạn nổ, mất mát hy sinh… Tức là qua ký ức nhân dân cũng có thể nhận thấy mối gắn bó máu thịt giữa lịch sử phát triển GTVT và lịch sử phát triển đất nước.
           
PV: Qua 70 năm xây dựng và trưởng thành của Giao thông vận tải Việt Nam là những trang sử vàng không bao giờ phai mờ trong ký ức vinh quang và hào hùng của dân tộc. Điều này đã được ghi nhận khá rõ nét trong các tác phẩm văn học từ nhiều năm nay, mà cuộc thi này là một phần tiếp nối của sự tri ân đó. Ông có thể cho biết mục tiêu lớn nhất của cuộc thi này là gì trong tổng thể chiến lược hoạt động của ngành Giao thông vận tải thời gian tới?
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Không thể hình dung được trong 70 năm phấn đấu, trưởng thành của ngành GTVT với những thành tựu được lịch sử ghi nhận, mà lại thiếu sự cổ vũ, động viên, khích lệ của những tác phẩm văn học, nghệ thuật. Nhân dịp này, thay mặt hàng vạn cán bộ, công nhân viên, người lao động của ngành qua các thời kỳ, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới đội ngũ các nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sỹ trong cả nước đã miệt mài đồng hành cùng chúng tôi qua mọi nẻo đường.
 
Trong giai đoạn hiện nay, tuy không còn tiếng súng, nhưng Giao thông vận tải vẫn tiếp tục là một trong những mặt trận nóng bỏng nhất. Nhiệm vụ đi trước mở đường cho đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa bao giờ cấp bách như hiện nay. Hàng loạt vấn đề lớn mà toàn ngành đang và sẽ phải đối mặt, rất cần có sự tiếp sức, trợ lực mạnh mẽ về tinh thần. Kinh nghiệm cho thấy, không ai có thể làm điều đó tốt hơn những văn nghệ sỹ. Nhưng chúng tôi hiểu rằng, trong lĩnh vực sáng tạo ra cái đẹp, cũng cần phải có những điều kiện nhất định. Một trong những điều kiện đó là tiếp cận thực tế đời sống của đội ngũ văn nghệ sỹ. Họ cần được mắt thấy, tai nghe những hiện thực sinh động nhất đang diễn ra trên các công trường xây dựng, những viện nghiên cứu, những sân bay, bến cảng… Đó là lý do để chúng tôi cùng với Hội nhà văn Việt Nam mở cuộc vận động sáng tác văn học về Đề tài Giao thông vận tải. Mục tiêu của chúng tôi là muốn thu hút trở lại mối quan tâm của đội ngũ văn nghệ sỹ nước nhà, về một mảng đề tài vốn đã được khai thác rất thành công và tạo ra tác dụng to lớn trong quá khứ, tiếp tục được khai thác trong bối cảnh hiện thực mới, ở những chiều sâu khác của đời sống. Trước kia là những thành tích trong chiến đấu, những tấm gương hy sinh anh dũng, với bối cảnh là những trận địa mù mịt khói bom, không còn khoảng cách giữa sống và chết, mọi phẩm chất xấu, tốt đều hiển lộ… Còn giờ đây là sự lao động chăm chỉ, tinh thần sáng tạo, năng lực vượt qua khó khăn, vượt qua những cám dỗ về tiền bạc… diễn ra âm thầm nhưng không kém phần dữ dội. Khoảng cách giữa xấu và tốt không phải lúc nào cũng rõ ràng. Chúng tôi muốn, qua lăng kính và sự tinh tế của các văn nghệ sỹ, những vẻ đẹp mà cuộc sống lao động ấy đang tạo ra sẽ được ghi nhận, làm cho bừng sáng, đồng thời những góc khuất, những hiện tượng tiêu cực được chỉ mặt, đặt tên không thương xót, thậm chí cảnh báo ngay từ quá trình còn là mầm mống. Mục tiêu cuối cùng, mục tiêu lớn nhất mà chúng tôi đặt ra, là tập hợp được sức mạnh của toàn xã hội cho sự nghiệp hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và tạo ra một không gian tinh thần lành mạnh từ đó giao thông phát huy được vai trò lớn nhất vào quá trình hiện đại hóa đất nước.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng và Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh trao giải Nhất cho các tác giả đạt giải
 
PV: Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986 – 2015), ngành Giao thông vận tải triển khai như thế nào, đã đạt được những kết quả ra sao, và điều gì là những tồn tại lớn nhất cần giải quyết trong thời điểm hiện nay?
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Bước vào thời kỳ đất nước Đổi mới và Hội nhập, GTVT được xác định là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, một trong ba trụ cột phát triển, mang tính mở đường và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại các Hội nghị lớn của Đảng từ khóa VI đến khóa XI, đều nhấn mạnh đến mục tiêu phải xây dựng được một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại. Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng liên quan đến phát triển GTVT đã được bàn thảo, ban hành. Đặc biệt tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã thông qua Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó đề ra những mục tiêu trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trước mỗi yêu cầu về nhiệm vụ cho mỗi giai đoạn khác nhau, ngành GTVT đều bám sát các Nghị quyết của Đảng, những chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ để triển khai thực hiện, trên tinh thần chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, chịu sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và cử tri cả nước. Có thể nói, cho đến nay, hầu hết những nhiệm vụ lớn của ngành đều đã và đang được thực hiện có hiệu quả.
 
Trong khuôn khổ của một cuộc trao đổi hạn chế, tôi không thể đáp ứng được dù chỉ một phần yêu cầu của bạn về thành tích của ngành giao thông, mà tôi hiểu cũng là mong muốn của rất nhiều độc giả. Bản thân tôi chưa muốn đưa ra bất cứ đánh giá nào có hơi hướng tổng kết. Hành trình mà chúng tôi đang đi, so với cả một chặng đường đã qua và sẽ còn kéo dài thì chỉ là một đoạn ngắn, rất ngắn và tất nhiên là không thể cắt khúc. Hãy để thời gian và người dân sẽ đưa ra những đánh giá toàn diện và khách quan.
 
Chúng tôi hiểu rằng, muốn tiến bộ thì điều quan trọng là phải dám chỉ ra và đối mặt với những yếu kém. Như bất cứ lĩnh vực nào khác, ngành GTVT còn một số vấn đề tồn tại, cả do chủ quan và khách quan. Chúng tôi đang tìm mọi cách để hạn chế, khắc phục, loại bỏ. Trong công việc khó khăn này, chúng tôi muốn có sự hợp tác chặt chẽ của người dân, của giới văn nghệ sỹ, các cấp, các ngành liên quan. Về phần mình, tôi sẵn sàng chỉ ra bất cứ yếu kém nào của ngành nếu phát hiện thấy, qua năng lực cá nhân hoặc qua các kênh thông tin khác. Tồn tại lớn nhất mà ngành GTVT đang đối mặt, theo tôi, với tư cách là người chịu trách nhiệm cao nhất, chính là chưa tận dụng tối đa được các cơ hội. Điều này có nguyên nhân một phần từ các yếu tố khách quan, nhưng phần lớn vẫn là do chủ quan, trong đó có cả tư tưởng tự mãn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công nhân viên.
 
PV: Với văn học, đồng hành với cuộc sống, kịp thời phản ánh những vấn đề nổi bật trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước là một trong những chức năng, nhiệm vụ mà mỗi nhà văn nói riêng và Hội Nhà văn Việt Nam nói chung luôn quan tâm. Ngành Giao thông vận tải là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần kiến tạo cơ sở hạ tầng cho cả nền kinh tế. Lâu nay, hoạt động và kết quả hoạt động của ngành Giao thông vận tải vẫn được xem là những đề tài hấp dẫn và nóng bỏng đối với các nhà văn. Ông có suy nghĩ gì về mối liên quan cũng như sự đóng góp của văn học đối với nhiệm vụ chính trị của ngành Giao thông vận tải từ trước đến nay cũng như trong tương lai?
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Nhiều văn nghệ sỹ đưa ra nhận định, cả trong quá khứ và hiện tại, GTVT luôn là hiện thực gợi nhiều cảm hứng nhất cho họ. Tôi tin đó là những tình cảm rất chân thành, thể hiện sự đánh giá khách quan và công bằng. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm cho tình cảm ấy ngày thêm gắn bó và khai thác sức mạnh của những giá trị tinh thần mà các văn nghệ sỹ tạo ra.         
 
Rõ ràng có một mối liên quan rất mật thiết, mang tính số phận, tính nhân quả giữa giới văn nghệ sỹ và sự nghiệp của ngành GTVT. Những khi ngành GTVT gặp khó khăn nhất, thì giới văn nghệ sỹ đều luôn có mặt kịp thời, sát cánh cùng chúng tôi, cổ vũ, động viên chúng tôi rất lớn. Nhiều tác phẩm văn học viết về GTVT ở những giai đoạn đó đã trở thành tài sản văn hóa của đất nước, tiêu biểu cho những thành tựu của văn học nước nhà. Với vai trò đặc thù không thể thay thế của mình là kiến tạo những giá trị tinh thần, dự cảm về những điều tốt đẹp, chúng tôi hy vọng với những gì mà ngành giao thông vận tải đang nỗ lực thực hiện, cũng sẽ tạo cảm hứng sáng tác mạnh mẽ cho giới văn nghệ sĩ. Tôi chia sẻ với những khó khăn mà các nhà văn, nhà thơ đang gặp phải trong đời sống hàng ngày. Trong khả năng của mình, ngành GTVT sẽ tạo cho các văn nghệ sỹ những điều kiện thuận lợi nhất để có thể cho ra đời những tác phẩm phản ánh đời sống một cách sâu sắc, có giá trị nghệ thuật cao, góp phần quan trọng giúp ngành GTVT thực hiện thành công những nhiệm vụ chính trị của mình.
 
PV: Ông có đánh giá gì về chất lượng các tác phẩm tham gia cuộc thi này? Ý nghĩa của nó đối với phong trào của ngành Giao thông vận tải như thế nào? Kết quả đó có liên quan gì đến chủ trương hợp tác của Bộ Giao thông vận tải và Hội Nhà văn Việt Nam trong tương lai? 
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Cuộc vận động sáng tác văn học về Đề tài Giao thông vận tải là hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Ngành. Đây là lần đầu tiên Bộ GTVT tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học với quy mô toàn quốc. Tôi rất vui mừng vì Cuộc vận động lần này đã đạt được các mục tiêu đề ra và có sức lan tỏa lớn. Do điều kiện công việc, tôi chưa thể đọc hết những tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi lần này. Nhưng tôi tin vào trách nhiệm lương tâm và năng lực chuyên môn rất cao của Ban giám khảo khi đưa ra những đánh giá khách quan và trung thực về chất lượng từng tác phẩm được giải.
 
Nhưng theo tôi, thành công lớn nhất của cuộc vận động có lẽ là ở sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người cầm bút, trong đó có rất nhiều nhà văn tên tuổi, nhà văn lão thành là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Tôi rất xúc động khi biết nhiều nhà văn đã ở tuổi tám mươi vẫn hăng hái tham gia Cuộc vận động, thậm chí lặn lội đi thực tế để có được sự nóng hổi của hiện thực đời sống. Chẳng hạn như nhà văn Anh Động, mặc dù không còn trẻ khỏe, nhưng đã dày công viết cả một bộ tiểu thuyết tư liệu “Vùng biển lửa” về Ngành Giao thông vận tải, được Ban chung khảo trao giải cao về thể loại tiểu thuyết. Hay nhà văn Trần Thanh Giao, năm nay 83 tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia Cuộc vận động và với tác phẩm “Dọc Đại lộ Đông Tây” và nhận giải Nhì của cuộc vận động ở thể loại Bút ký. Ngoài ra là hàng chục tác giả khác, đều thể hiện trách nhiệm và sự ưu ái lớn cho sự nghiệp GTVT. Qua cuộc vận động lần này, nhờ ở sự nhiệt tình, khả năng tổ chức cũng như uy tín của lãnh đạo Hội nhà văn, đã khích lệ nhiều cây bút trong Ngành mạnh dạn viết về chính những công việc mà họ trực tiếp tham gia và giành nhiều giải cao. Xin hoan nghênh và chúc mừng tác giả Nguyễn Đình Tâm, nguyên sỹ quan đội tàu Giải Phóng thuộc Cục Vận tải đường biển trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước với trường ca “Thức với biển” (giải Nhất trường ca); tác giả trẻ Đặng Minh Sáng, cán bộ Sở Giao thông vận tải Kon Tum với truyện ngắn “Mở núi” (giải Nhất truyện ngắn); GS. TSKH. Lã Ngọc Khuê với tập thơ “Cách đi là cách sống” (giải Nhì tập thơ), kỹ sư Vũ Phạm Chánh với tập ký “Mặt đường cháy bỏng” (giải Nhì tập bút ký); Hoàng Hữu Ninh, nguyên Đội phó Đội Tiếng hát át tiếng bom của lực lượng Thanh niên xung phong Giao thông vận tải trên đường Trường Sơn với tập thơ “Con số thống kê” (giải Ba tập thơ); nguyên cán bộ lão thành của Ngành Giao thông vận tải Quảng Ninh, Vũ Thanh Bình 85 tuổi với bút ký “Thuyền buồm ra trận” (giải Khuyến khích bút ký)…
 

Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải tới Hội Nhà văn Việt Nam và cá nhân Chủ tịch, nhà thơ Hữu Thỉnh; cảm ơn Báo Văn Nghệ đã thường xuyên thông tin, công bố các tác phẩm tham gia Cuộc vận động đến với rộng rãi công chúng, bạn đọc.