“Đơn đặt hàng” đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

2015/9/12 10:56 - Nguồn : Nguyễn Hùng/Dân Trí
Toàn cảnh buổi gặp
 
Sáng 11/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gặp gỡ 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng. Tại cuộc gặp này, câu chuyện về con đường nghiên cứu khoa học của TS Nguyễn Bá Hải - Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và đào tạo nhân lực công nghệ cao ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đã trở thành sự kiện nóng nhất. TS Nguyễn Bá Hải là người có 5 sáng chế quốc tế ở tuổi 28, một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2104, Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2012.
 
Khi được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân giới thiệu là công ty của TS Nguyễn Bá Hải đã sáng chế và sản xuất trao tặng gần 1.000 “mắt thần” - thiết bị dẫn cho người khiếm thị tại Việt Nam và một số nước trên thế giới, chàng tiến sĩ trẻ ngay lập tức đính chính một cách hóm hỉnh: "Em xin đính chính lại. Dự án này được nhiều người dân Việt Nam và Trung ương Đoàn đã chung tay góp sức. Đến ngày hôm nay, dự án cũng nhận được sự tài trợ của hơn 200 tổ chức, cá nhân để duy trì hoạt động. Việc tặng 1.000 “mắt thần” xuất phát từ nguồn phi lợi nhuận từ kinh phí của bản thân và các nhà tài trợ, hảo tâm để cùng Trung ương Đoàn tặng cho người khiếm thị nghèo ở những địa bàn khó khăn. Bên cạnh đó, sản phẩm đã được xuất khẩu sang Mỹ.
 
Sáng chế "mắt thần" cho người khiếm thị
 
Được đề nghị nói kỹ về sáng chế "mắt thần" cho người khiếm thị, TS Hải cho biết đây là một nghiên cứu mà thời sinh viên dự định làm nhưng đã bỏ lỡ khi đi du học. Sau khi làm tiến sĩ ở Hàn Quốc trở về nước năm 2010, từ sự cảm thông với những thiệt thòi của người khiếm thị, TS Hải đã tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm mắt kính dành cho người khiếm thị.
 
TS Hải bày tỏ: “Những con robot có thể đi trên mặt trăng, đi tới đi lui mà không cần có mắt, vậy thì sao không mạnh dạn làm cho người khiếm thị có thể đi được mà không cần nhìn?”. Với quan điểm như vậy, TS Hải đã bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm “mắt thần”. Phiên bản đầu tiên là một cái nón nặng gần 2kg, chi phí sản xuất khoảng 20 triệu đồng. Hút theo niềm đam mê này đã hơn 4 năm và cải tiến 9 phiên bản, giờ đây “mắt thần” chỉ còn 200g.
 

TS Nguyễn Bá Hải chia sẻ, trao đổi về công tác nghiên cứu khoa học với Thủ tướng Chính phủ
 
Háo hứng “quảng bá” sản phẩm "mắt thần" với Thủ tướng, TS Hải cho biết: Thời gian tới, “mắt thần” sẽ không còn có dây, trong phòng thí nghiệm đã có phiên bản gọi được điện thoại nhận được màu sắc, có thể nghe nhạc… Sản phẩm hiện tại đã sản xuất để tặng cho một số đối tượng miễn phí như thương binh, bệnh binh, giáo viên, trẻ, những người nghèo đang bán vé số ở TPHCM. “Mắt thần” nhìn bề ngoài giống như kính mắt thông thường nhưng thực chất là một loại kính điện tử gọn nhẹ. Trong một khoảng cách nhất định được lập trình sẵn, kính sẽ nhận diện các vật cản trái phải, trên dưới, đứng yên hay di động. Sau đó, thiết bị sẽ báo rung cho người sử dụng biết để chọn hướng đi an toàn.
 
Với những tính năng “ưu việt” của sản phẩm “made in Việt Nam, Thủ tướng quan tâm ngay đến giá thành của sản phẩm. Giải đáp câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, TS Hải cho biết: Hiện giá thành của sản phẩm chỉ còn khoảng 2 triệu đồng nếu số lượng sản xuất trên 1.000 chiếc. Nếu tăng quy mô sản xuất lên cao thì giá thành còn giảm xuống có thể còn 1,2-1,3 triệu.
 
“Sáng chế này đang đứng tên em. Nếu Nhà nước cần, em sẵn sàng tặng lại Nhà nước. Còn về chất lượng sản phẩm thì chỉ cần nhấc điện thoại lên hỏi những người đang sử dụng là sẽ nhận được câu trả lời chi tiết” - TS Hải bày tỏ.
 
Báo cáo với Thủ tướng, TS Hải cũng cho hay, ở Việt Nam có khoảng 1,2 triệu người khiếm thị, có khoảng 300.000 người là mù hoàn toàn. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục sản xuất 5.000 chiếc để tặng cho các đối tượng nói ở trên. Nguồn kinh phí để thực hiện thì đã có. Trong năm 2015 thì việc làm này sẽ được hoàn tất.
 
Trước sản phẩm thiết thực và sự đóng góp vì cộng đồng, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định “đặt hàng” ngay nhà khoa học trẻ Nguyễn Bá Hải với 300.000 kính để tặng miễn phí cho người mù Việt Nam. Theo quan điểm của Thủ tướng thì đây là sản phẩm do người Việt Nam sáng chế ra, không có lý gì người Việt Nam lại không được dùng.
 

Thủ tướng Chính phủ chăm chú lắng nghe câu chuyện của TS Nguyễn Bá Hải
 
“Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Đoàn cần xúc tiến ngay dự án này. Chính phủ sẽ cam kết hỗ trợ chi phí do dự án” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
 
Tự hào vì được Thủ tướng “đặt hàng”, TS Hải tranh thủ trao đổi luôn về hai dự định lớn của mình đó là quy trình nâng giá trị thương phẩm cho cà phê xuất khẩu của Việt Nam; Kế hoạch sản xuất robot có nhiều chức năng. Trong đó có thể làm nhiệm vụ dạy tiếng Anh để sử dụng cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi người học không có điều kiện tiếp cận với các hình thức học với người bản ngữ…
 
Day dứt về việc giá cà phê tươi trong nước được bán với giá thành thấp, TS Hải chia sẻ: “Về việc sản xuất máy sản xuất cà phê thì lúc đầu em không muốn làm vì người làm khoa học không muốn bay bổng quá xa với chủ đề nghiên cứu của mình, nhưng khi một doanh nghiệp nói: Việt Nam xuất khẩu 2 tỷ kg cà phê/năm, đứng thứ 2 thế giới nhưng mình không có công nghệ pha chế hay hương liệu. Nghe xong “cái máu” khoa học của em lại nổi lên, lúc đó nghĩ làm sao để người nông dân bán từ 38.000 đồng/kg cà phê tươi thì liệu bây giờ bán 500.000 đồng/kg được không?. Em quyết định nghiên cứu máy sản xuất làm cà phê mất 2 năm trời và vừa rồi đã có 25 đơn đặt hàng”.
 
Chia sẻ với những băn khoăn của TS Hải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ: Cà phê Việt Nam được đánh giá là ngon nhất thế giới nhưng đúng là giá thành cà phê tươi đang còn rất thấp. Việc nâng cao giá thành sản phẩm phải dựa vào khoa học công nghệ, đây chính là nhiệm vụ của các nhà khoa học.
 
Nghiên cứu khoa học: Kiên trì sẽ thành công
 
Ngoài việc nói những thành tựu mình đã đạt được trong nghiên cứu khoa học, TS Nguyễn Bá Hải cũng thẳng thắn chia sẻ những kinh nghiệm cũng như góp ý với lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành trong việc phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới.
 
TS Hải chia sẻ: Khi nghiên cứu làm sản xuất máy cà phê thì cũng rất lo sợ bởi với những thiết bị bảo hộ thô sơ thì rất dễ gặp tai nạn khi có cháy nổ. Nhưng nếu nhụt chí thì sẽ không làm được. Sáng kiến, công trình khoa học của mình thì phải “đẻ” bằng ra sản phẩm.
 
“Có những lúc vì những sáng kiến của mình, tôi phải bán xe máy của vợ để lấy tiền thực hiện. Nếu chờ tiền của nơi tôi công tác thì chắc phải mất 1 năm. Qua đây cho thấy, nếu mình kiên trì và quyết tâm thì sẽ thành công. Nhà khoa học cần phải lấy hiệu quả làm đầu để cho xã hội tin mình” - TS Hải nói.
 

Trong nghiên cứu khoa học thì kiên trì sẽ thành công
 
TS Hải cũng cho rằng, đầu tư phải gắn liền với hiệu quả. Khi có sáng chế thì nghiệm thu sản phẩm của họ và thành lập các doanh nghiệp sản xuất. Chính phủ, Nhà nước cần phải hết sức ủng hộ việc làm này. Ở Hàn Quốc, chính sách này rất tốt nên có những sản phẩm cạnh tranh đánh bật hàng ngoại. Việt Nam chúng ta ngay cả nước uống cũng vẫn đang dùng sản phẩm của nước ngoài, đây là một chuyện rất đau lòng.
 
Chính sách cho khoa học cần phải linh hoạt bởi hiện nay có 3 nhóm nghiên cứu. Nhóm đầu tiên là những người vì đam mê, vì thỏa ước sự sáng tạo nên họ chẳng yêu cầu gì. Nhóm thứ hai là khen thì mới làm. Nhóm thứ ba là phải thuê mới làm.
 
“Ở trường khi chia tiền xuống cho mỗi người làm công tác nghiên cứu đề tài khoảng 35 triệu đồng và em quyết định từ chối, thà bị đuổi việc chứ không làm việc đó. Với 35 triệu thì không thể làm được việc gì cả” - TS Hải bày tỏ.
 
Từ sự bất cập này, TS Hải kiến nghị: “Đối với các nhóm đầu tư, đào tạo, cử đi học…thì Bộ khoa học và Công nghệ, Chính phủ nên chọn những người nhóm đầu tiên, họ là những người có khả năng thành công cao bởi có một động lực lớn nhất. Cần phải chọn đúng đối tượng. Chọn sai người là sai hết”.
 

TS Hải cũng nhắn nhủ, đối với các nhà khoa học thì phải sáng tạo, dấn thân và đoàn kết. Coi khó khăn là bệ đỡ nâng mình lên, càng khó khăn càng vui. Điều quan trọng nhất là tranh thủ mọi thời cơ vàng.