Dấu ấn công nghệ trong sáng tác của người viết trẻ

2015/9/12 11:10 - Nguồn : Nguyễn Nhật Huy
 
“Năm 2005, tiểu thuyết “Chuyện của thiên tài” của Nguyễn Thế Hoàng Linh ra mắt. Năm 2006, Trần Thu Trang phát hành tiểu thuyết “Phải lấy người như anh”. Đây gần như là những cuốn sách đầu tiên đi ra từ trang mạng và thành công. Từ đó, dòng văn học mạng đã mang lại thành công cho nhiều cây bút trẻ, giúp họ tạo dựng tên tuổi.”[3]
 
Văn học mạng lúc đầu thường chỉ được hiểu đơn thuần là các sáng tác được viết trên mạng, nhưng thực tế, trong quá trình vận động không ngừng, phạm vi của khái niệm này đã được mở rộng ra vẫn tiếp tục biến đổi. Nói cách khác, công nghệ không còn là công cụ viết đơn thuần mà còn là chất liệu sáng tạo, là hình thức văn bản, là tâm thức, cảm quan… của tác giả. “Họ sống đời sống văn chương của mạng, viết trên mạng, đối thoại với độc giả và để độc giả cùng tương tác trên mạng, tồn tại trên mạng, buồn vui trên mạng, hi vọng hay thất vọng cũng trên mạng. Họ là công dân mạng toàn phần. Và có thể nói đây là thứ văn chương mạng đúng nghĩa, khác hẳn các sáng tác được đăng trên mạng. Văn chương mạng khi bước xuống thế giới giấy sẽ mất đi hơi thở đời sống mạng và, giảm “giá trị đích thực” của nó không ít!”.[1]
 
Bài viết không có tham vọng đưa ra một sự định hình nào cho văn học mạng mà chỉ khảo sát một vài dấu ấn và ảnh hưởng của yếu tố công nghệ đến việc sáng tác - sự khác biệt của các nhà văn trẻ so với thế hệ trước.
 
1. Dấu ấn công nghệ ở hình thức tác phẩm
 
Những người viết nói chung và các tác giả trẻ nói riêng đang tạo hẳn một thế giới sáng tạo trên mạng internet. Các tác phẩm của người viết trẻ không đơn thuần chỉ là viết trên mạng hay sách điện tử mà họ còn vận dụng các hình thức mạng để trình bày tác phẩm của mình.
 
Có thể nói, văn bản điện tử đã thay đổi sự cân bằng giữa chữ viết và hình ảnh. Khác với văn bản in ấn thông thường, hình ảnh luôn bị triệt tiêu thì văn bản mạng cho phép chúng ta phục hồi lại địa vị của nó. Đã từ rất lâu, những văn bản thông thường bị bỏ qua hình ảnh. Hình minh họa chỉ thực sự xuất hiện trong văn học trẻ em. Chúng ta thường nghĩ rằng trường hợp trẻ em (những người tập đọc) mới cần thỏa mãn với hình ảnh và người trưởng thành thì nhận thức tốt đồng nghĩa với việc đọc không hình ảnh. Nếu không như vậy họ sẽ bị coi như thất học hoặc đang tập đọc.
 
Thông qua tài nguyên vô tận của hình ảnh công nghệ, internet nhắc nhở chúng ta về sự vận động trở lại của ngôn ngữ hình ảnh. Những hình ảnh và âm thanh vừa chèn ép vừa làm khuếch trương các hình thái ngôn ngữ  để chiếm lĩnh lại không gian trong não người.  Đồ họa trong giao diện điện tử được cung cấp giúp chúng ta ý thức lại về cơ cấu của sự tưởng tượng. Nếu văn bản in ấn làm hao mòn sự nhận thức của chúng ta trong khi văn bản điện tử làm với các thao tác hình ảnh lại làm người đọc ý thức hơn về sự tưởng tượng. Phạm vi tri giác của người đọc trở nên phong phú hơn và phức tạp hơn với văn bản điện tử.
 
Chúng ta cũng thấy rõ khả năng sáng tạo được mở rộng đối với người viết khi họ được sự hỗ trợ của công nghệ qua trường hợp của các tác giả trẻ như  “Buồn làm sao buông” - Anh Khang, Nguyễn Phong Việt với tập thơ “Đi qua thương nhớ”…. Chỉ cần một trang blog hay facebook, họ có thể dễ dàng tạo ra một sản phẩm với đầy đủ các hiệu ứng về hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh. Điều mà khi qua các khâu xuất bản, kiểm duyệt hay in ấn sẽ tốn nhiều thời gian, tiền bạc và thậm chí không đúng với ý tưởng của người viết. Ở một mặt nào đó, với công nghệ hiện đại, họ có thể vừa là tác giả, vừa là nhà biên tập, xuất bản… khiến tác phẩm dễ dàng vượt qua các rào cản để đến với người đọc.
 
Văn bản của họ không chỉ là sách in nữa mà nó đến với bạn đọc qua nhiều hình thức như audio, hình ảnh trên mạng. Tính liên văn bản được phát huy tối đa khiến tác phẩm mang nhiều màu sắc và sinh động hơn. Khoan bàn tới việc tác phẩm mang giá trị nghệ thuật hay giải trí đơn thuần, chúng ta có thể thấy một nền văn học đang bị “chèn ép” bởi các phương tiện nghe nhìn thì việc áp dụng công nghệ trong sáng tác văn học đang trở thành một sức mạnh mới cho các cây viết trẻ tồn tại.  
 
Một đặc điểm đáng chú ý về dòng văn học đang hình thành này đó là ngôn ngữ mạng cũng được những người trẻ sử dụng vào sáng tác một cách tự nhiên và linh hoạt. Trường hợp thơ lục bát của Nguyễn Thế Hoàng Linh là một ví dụ:
 
Va vào cả lưỡi cả răng
Vào không khí với những thăng và trầm
Xin em cố gắng hiểu lầm
Nút like facebook là cầm tay nhau
                                                            (Like – Mật thư)
Hay:
 
Điều anh tìm kiếm ở em
Anh không tìm thấy anh xem lại mình
Bao nhiêu kết quả tàng hình
Những lần anh hỏi linh tinh google
(kết quả tàng hình- mật thư)
 
Chúng ta có thể thấy văn học mạng không còn là những sáng tác trên mạng mà còn sử dụng ngôn ngữ mạng. Những khái niệm của công nghệ tin học lại trở thành những hình ảnh giầu chất thơ. Có lẽ đây chính là dấu ấn của một thế hệ sáng tác mới. Ngôn ngữ của họ không còn đơn thuần là ngôn ngữ của làng quê, của chiến tranh, của truyền thống… mà họ ghi dấu bằng những gì thuộc về thời hiện tại trong tác phẩm của mình. Kiểu ngôn ngữ ngắn gọn, bông đùa, phi chính thống… trong các truyện cực ngắn bên cạnh việc làm mới hay du nhập các từ ngữ hiện đại không tránh khỏi những cái nhìn thiếu thiện cảm nhưng phải chăng chính nó đã phản ảnh hơi thở của cuộc sống hiện nay.
 
Không chỉ dừng lại ở ngôn ngữ, Nguyễn Thế Hoàng Linh còn táo bạo khi mang giao diện của mạng internet vào trong hình thức tác phẩm của mình:
 
“.com
.net
.com…
Dày lên như một mái vòm thời gian
Ngày ngày thế giới bất an
Chạy lên đó để hỏi han tình hình”
                                   (. – Mật thư)
 
Hay biến tác phẩm của mình thành một văn bản mở khiến người đọc phải tự lựa chọn khi đứng trước các đường link, hoặc thay đổi phông chữ cũng như chèn các kí hiệu tin học vào câu thơ là những sáng tạo mang dấu ấn công nghệ ở Nguyễn Thế Hoàng Linh: “Khi đắm chìm trong thế giới ảo, con người sẽ vô tình hoặc hữu ý che bớt con người thật của mình. Thế giới ấy có biết bao điều được cho là “thời thượng” nhưng lại rất công thức, chẳng hạn như trào lưu chụp ảnh “tự sướng” (selfie) với những biểu cảm rập khuôn, những dòng trạng thái trên facebook với nội dung mòn cũ. Ngay cả cách bộc lộ ý kiến cũng chỉ còn tối giản lại trong nút “thích”; cảm xúc vui, buồn, giận dữ, phấn khích… bị khuôn lại trong những nút biểu tượng (icon)”[4]
 
Việc đánh giá sự tích cực cũng như hạn chế của những thử nghiệm sáng tạo với hình thức công nghệ như trên có lẽ còn cần thời gian. Những văn bản mở rộng cùng hình ảnh và âm thanh, những ngôn ngữ mới mẻ, những hình thức phá cách… sẽ còn cần nhiều tranh luận để đưa đến kết luận cuối cùng.
 
2. Cảm xúc qua lăng kính “màn hình”
 
Có nhiều ý kiến cho rằng các sáng tác trên mạng chủ yếu nói về các đề tài mang tính chất “sến” như: đồng tính, ngôn tình… nhưng đó chưa phải là những tác phẩm mang dấu ấn công nghệ thực sự. Dù tồn tại trên môi trường mạng nhưng sau khi nó rời khỏi môi trường đó và trở thành sách in thì các dấu ấn đó sẽ biến mất hoàn toàn.
 
Một tác phẩm mang dấu ấn công nghệ thực sự có lẽ là khi nó in dấu những cảm nhận về xã hội công nghệ, tình yêu mạng, nỗi cô đơn của “màn hình”… Đó chính là những cảm nhận chân thực về thế giới đang diễn ra khi con người sinh hoạt chủ yếu ở trên thế giới đó. Nơi đây cũng đủ ái ô hỷ nộ như thế giới thực, những cảm nhận về sự xa cách của con người hình như ở mức độ cao hơn:
 
Gần hai giờ sáng rồi ư
Con chim đợi một bức thư của mùa
Những refresh chẳng ăn thua
Email gió vẫn chưa lùa tới đây
Hoặc tới rồi những lá cây
Disconnected nên gây hiểu lầm
Con chim cứ thế âm thầm
Hót trong nhân loại cứ nhầm lẫn như
(chim chóc check mail- mật thư)
 
Một số nhà thơ đi tìm cảm giác lạc lõng của xã hội hiện đại trong thế giới công nghệ. Họ băn khoăn về những hơi thở lẩn khuất sau những màn hình điện thoại hay máy tính, những cảm xúc khi con người ở bên cạnh nhau mà không thể hiểu nổi nhau, băn khoăn về những đứa trẻ lớn lên với máy móc… Tất cả những xúc cảm đó mới thật sự mang hình ảnh của mạng xã hội. Thiên Di trong “Những giao diện ẩn” cũng có những cái nhìn về thế giới ảo đang dần chia tách con người: “Đôi khi chẳng cần phải có lý do mới gặp, có khi gặp nhau mà chẳng đứa nào mở miệng. Mỗi đứa lại chúi vào cái màn hình laptop, mải mê với những chuyện chỉ riêng mình mới biết. Thế giới thực cứ lặng lẽ trôi cho thế giới ảo đầy màu sắc bao trùm. Ngổ Ngáo và tôi ngồi đối diện nhau nhưng không nhìn nhau. Hai đứa mải mê với những giao tiếp ảo. Đôi khi sực nhớ ra cần hỏi chuyện gì đó lại lần khần vì sợ đối phương đang bận.”[2]
 
Cố tác giả Đinh Vũ Hoàng Nguyên, một hiện tượng của văn học mạng, cũng đi tìm những tiếng cười qua các tình huống nhầm lẫn trên thế giới công nghệ như truyện ngắn: Chat, học thuyết dạy vợ…Nhà văn đã có những cách khai thác các tình huống chữ không dấu gây ra hiểu lầm, hay tin nhắn của điện thoại. Những đoạn viết ngắn mang tính giải trí đơn thuần nhưng lại được đông đảo bạn đọc yêu thích bởi nó thật. Nó là sinh hoạt đang diễn ra của chính chúng ta. Những đoạn viết ngắn, hài hước và hóm hỉnh có lẽ chỉ phù hợp với không gian của blog đã nhanh chóng được chia sẻ trên các diễn đàn. Tập sách “Phố đi qua phố” của anh cũng được nhiều bạn đọc tìm đến đã chứng tỏ mạng internet có vị trí nhất định tạo nên dấu ấn của văn học hiện nay. Những cảm xúc mà thế giới hiện đại mang lại được phản ánh trong các tác phẩm kể trên mới thực sự mang màu sắc công nghệ rõ nét.
 
Để khái quát hết về tình hình các cây viết trẻ với công nghệ hiện đại là vấn đề khó khăn bởi: Thứ nhất, đa phần kiểu sáng tác này tồn tại như một “kẻ ngoài lề” bên cạnh dòng văn học chính thống; thứ hai, các sáng tác của họ chủ yếu nằm trên internet trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn” khiến chúng ta khó có thể tập hợp được đầy đủ; thứ 3, văn học mạng vẫn đang trên quá trình hình thành với sự phát triển không ngừng của công nghệ. Tuy nhiên, qua những trường hợp đã kể tới ở trên chúng ta không thể phủ định dấu ấn của nó tới văn học nghệ thuật từ khâu sáng tác, biên tập, phát hành đến tiếp nhận.
 
Dù nói thế nào, khẳng định hay phủ định, văn học mạng và những sáng tác mang dấu ấn công nghệ vẫn tồn tại. Giá trị cũng như những bất cập của nó vẫn đang “chênh vênh”, ‘thả nổi” trên các diễn đàn, các trang sách điện tử… như một con lắc liên hồi. Thời gian sẽ làm nó “tĩnh” lại và bạn đọc sẽ là nhà phê bình công tâm nhất cho những giá trị đó.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Inasara, Tiếp nhận văn học mạng của công chúng, vanhocquenha.vn
 
2. Thiên Di: “Những giao diện ẩn”, Giấy thông hành vào đời, NXB. Trẻ, TP. HCM, 2014, tr.291-292
 
3. Hiền Đỗ, (2014), Văn học mạng nâng cánh nhiều cây viết trẻ, vnexpress.net
 
4. Nguyễn Thị Phương Thúy, Chuyên san Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 4 – 2015
 
5. Nguyễn Thế Hoàng Linh, (2013), Mật thư, NXB. Văn học.

6. Đinh Vũ Hoàng Nguyên, (2014) Phố đi qua phố, nxb. Hội Nhà văn