Giao thông TP HCM thay đổi thế nào sau 40 năm
2015/11/9 15:54 - Nguồn : vnexpress
Triển lãm "Ngành giao thông vận tải TP HCM - 40 năm xây dựng và hướng đến tương lai" với hàng trăm bức ảnh thể hiện một chặng đường phát triển của giao thông thành phố đang được tổ chức tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), từ 3 đến 12/11.
Sự tàn phá của chiến tranh đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ tầng giao thông của thành phố. Suốt 20 năm sau ngày đất nước thống nhất, do kinh tế khó khăn, ngân sách eo hẹp, thành phố chỉ tập trung cho công tác duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn. Trong giai đoạn này rất ít công trình lớn được xây dựng.
Từ năm 1996, hệ thống hạ tầng giao thông TP HCM ngày càng được mở rộng, xây mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông không chỉ của thành phố mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong quá trình phát triển và hội nhập. Trong ảnh là cầu Phú Mỹ - cầu biểu tượng của đô thị lớn và đông dân nhất nước - được khánh thành dịp Quốc khánh năm 2009 với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.
Cùng với việc mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường cũ, hàng loạt trục đường mới được quy hoạch, xây dựng. Trong đó, Đại lộ Phạm Văn Đồng thông xe năm 2013 với 12 làn, tuyến đường được xem là đẹp nhất TP HCM với vốn đầu tư 340 triệu USD kết nối từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1A và quốc lộ 1K, tạo ra hướng giao thông mới qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.
Cùng với việc di dời các khu "ổ chuột", nhiều tuyến đường hiện đại được xây dựng chạy dọc theo các bờ kênh rút ngắn khoảng cách giữa các quận huyện. Trong đó, tuyến đại lộ Đông Tây với mức vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng chạy dọc theo kênh Bến Nghé - Tàu Hủ kết nối 2 đầu Đông - Tây của thành phố thông xe năm 2009 là điểm nhấn đột phá giao thông của TP HCM.
Nút giao đại lộ Đông - Tây với Quốc lộ 1 nhìn từ trên cao trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Hầm Thủ Thiêm với kinh phí xây dựng gần 2.000 tỷ đồng là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng đại lộ Đông Tây của TP HCM. Công trình hầm vượt sông Sài Gòn này có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49 km; rộng 33 m, cao 9 m; 6 làn xe, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/h.
Đại lộ Nguyễn Văn Linh, một trong những công trình giao thông quy mô lớn, hiện đại được xây dựng sớm nhất tại TP HCM. Công trình có tổng chiều dài gần 18 km, nối từ đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 đến Quốc lộ 1A (đoạn đi qua Bình Chánh). Đại lộ được quy hoạch lộ giới 120 m, gồm 10 làn xe, 10 cây cầu, với tổng kinh phí đầu tư khoảng 100 triệu USD. Đại lộ này là tuyến đường huyết mạch có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam TP HCM, kết nối với những công trình trọng điểm như: Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Nhà máy điện Hiệp Phước, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Cảng Hiệp Phước, Cầu Phú Mỹ...
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè một thời được mệnh danh là dòng kênh bẩn nhất Sài Gòn với những căn nhà ổ chuột, nay khang trang với 2 tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa sạch đẹp chạy dọc suốt 2 bờ kênh.
Trước năm 1975, phương tiện vận tải công cộng tại TP HCM là những chiếc xe lam nhỏ, hoạt động không có trạm dừng (ảnh trên). Ai muốn đi cứ ra sát vệ đường vẫy xe, muốn dừng lại chỗ nào cũng có thể xuống. Do chiến tranh tàn phá, sau ngày đất nước thống nhất, hệ thống vận tải thành phố không đủ đáp ứng nhu cầu. Từ năm 2002, hệ thống vận tải công cộng bắt đầu hồi sinh khi 8 tuyến xe buýt mẫu với 50 chiếc đầu tiên đi vào hoạt động (ảnh dưới). Hiện, thành phố đã có hơn 3.000 xe buýt với gần 200 tuyến, phục vụ hàng trăm triệu lượt khách mỗi năm.
Giao thông thủy của TP HCM trước năm 1975 là những chiếc phà cũ kỹ... Ngày nay đã được thay thế bằng những chiếc phà hiện đại, khả năng chuyên chở lớn, an toàn hơn. Bên cạnh đó, nhiều bến phà chỉ còn là quá khứ khi được thay thế bằng những cây cầu, hầm chui...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong 40 năm qua, hệ thống giao thông đô thị TP HCM vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế phát triển của thành phố. Cụ thể, tình trạng kẹt, ngập nước vẫn đang là vấn đề gây bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu như kỳ vọng và đang có xu hướng giảm. Tiến độ xây dựng các tuyến metro còn chậm...