Bộ GTVT tiết giảm được hơn 39 tỷ trong thực hiện các dự án

2015/11/16 10:55

Dự án cầu Nhật Tân là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội,

không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội.

 

Đó là con số được Chính phủ đưa ra trong báo cáo về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 trong lĩnh vực GTVT.

 

Bộ GTVT quản lý hiệu quả các dự án đầu tư

 

Theo đánh giá của Chính phủ, Bộ GTVT đã tăng cường quản lý hiệu quả các dự án đầu tư được thực hiện từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, kiên quyết không bố trí vốn cho phần điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư không phù hợp; thực hiện nhiều giải pháp tăng cường quản lý đầu tư, đổi mới việc phân bổ vốn theo kế hoạch để đảm bảo không bị dàn trải, hiệu quả thấp, gây lãng phí và không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

 

“Nhờ đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua việc rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, phân kỳ đầu tư các hạng mục công trình hợp lý, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp… trong những năm qua đã tiết giảm được 39.492 tỷ đồng“ – báo cáo của Chính phủ nêu rõ và đánh giá cao việc Bộ GTVT tiếp tục huy động các nguồn lực khác, nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

 

Báo cáo của Chính phủ đánh giá, Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đang phát triển thành công trong việc triển khai áp dụng chặt chẽ quy định đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy, với tỷ lệ tuân thủ trên 95% (có nơi đạt 98%). Thành công này cũng được Tổ chức Y tế thế giới, Liên hợp quốc đánh giá cao.

 

Nhờ triển khai một số giải pháp như thường xuyên rà soát ban hành nhiều quy định, quy chế về quản lý các dự án triển khai theo hình thức đối tác công – tư, chủ động mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán dự án để kịp thời phát hiện những sai sót trong quá trình triển khai và có các giải pháp khắc phục kịp thời; Xây dựng các đề án xã hội hóa để kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; Tổ chức xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài để cung cấp thông tin, kêu gọi các nhà đầu tư…., chỉ tính từ tháng 6/2013 đến nay, Bộ GTVT đã kêu gọi được 46 dự án với tổng mức đầu tư lên đến 136.990 tỷ đồng. Dự kiến trong giai đoạn 2016 - 2020, sẽ tiếp tục thu hút thêm được khoảng 250.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

 

Kết cấu hạ tầng giao thông chuyển biến tích cực

 

Nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý bảo trì và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, liên tục các năm từ năm 2012 đến nay, Bộ GTVT đã triển khai “Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông” với nhiều giải pháp được thực hiện.

 

Tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây được dánh giá là một trong

những tuyến đường hiện đại nhất cả nước

 

Chính phủ đánh giá cao việc nhiều công trình, dự án đã hoàn thành, phát huy hiệu quả khi đưa vào sử dụng, như: mở rộng Quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Cần Thơ, đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên, Quốc lộ 3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Năm Căn, cầu Cổ Chiên, cầu Mỹ Lợi; Nhà ga hành khách quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Cảng hàng không quốc tế Vinh; cảng Cái Mép - Thị Vải, dự án đầu tư nâng cấp Luồng cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải vào cảng Cửa Lò, Hệ thống quản lý hành hải tàu biển (VTS) luồng Hải Phòng; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai…

 

“Việc chủ động, quyết liệt triển khai các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn BOT là kết quả huy động nguồn vốn ngoài ngân sách có ý nghĩa rất quan trọng và thể hiện tính hiệu quả của các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư công” – báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh và cho rằng, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã có những chuyển biến tích cực, các dự án được hoàn thành đúng và vượt tiến độ, đảm bảo chất lượng; việc phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.

 

Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí

 

Theo báo cáo của Chính phủ, liên tiếp trong 4 năm (từ 2011 - 2014) và 9 tháng đầu năm 2015, tai nạn giao thông đã được kiềm chế và giảm cả ba tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương. Cụ thể:

 

Năm 2012 so với năm 2011, tai nạn giao thông giảm 7.490 vụ (-17,06%), giảm 1.647 người chết (-14,33%) và giảm 9.527 người bị thương (-20,02%). Đây là năm đầu tiên có số người chết vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 10.000 người tính từ năm 2001.

 

Năm 2013 so với năm 2012, tai nạn giao thông giảm 1.610 vụ (-5.19%), giảm 55 người chết (-0,58%) và giảm 3.045 người bị thương (-9,36%).

 

Năm 2014, cả nước đã xảy ra 25.322 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người. So với năm 2013, giảm 4.063 vụ tai nạn (-13,8%); giảm 373 người chết (-4%); giảm 5.083 người bị thương (-17,2%). Đặc biệt, đây là năm đầu tiên trong 14 năm gần đây số người chết vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 9.000 người.

 

Trong 9 tháng đầu năm 2015 (từ ngày 16/12/2014 đến 15/9/2015): cả nước xảy ra 16.459 vụ, làm chết 6.518 người, làm bị thương 14.929 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 2.239 vụ (-11,97%), giảm 240 người chết (-3,55%), giảm 2.906 người bị thương (-16,29%).

 

Theo baogiaothong