Bộ GTVT đi đầu trong thực hiện công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN
2015/12/10 10:9 - Nguồn : Bộ GTVT
Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Vũ Văn Ninh;
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,
Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh
nghiệp Lê Mạnh Hà chủ trì Hội nghị
Đến hết năm 2015, Bộ GTVT sẽ hoàn thành IPO 124 doanh nghiệp
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Nguyễn Hồng Trường cho biết: Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch phê duyệt. Đến hết năm 2015, sẽ hoàn thành IPO 124 doanh nghiệp, trong đó có 12 Tổng công ty, thực hiện nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổng số tiền: 1.701 tỷ đồng (chưa bao gồm Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV))
Về cổ đông chiến lược, trong 12 Tổng công ty hoàn thành cổ phần hóa, 07 Tổng công ty tìm được nhà đầu tư chiến lược và thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO; 01 Tổng công ty đang đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài (Tổng công ty Hàng không VN); 01 Tổng công ty đã công bố tiêu chí cổ đông chiến lược (ACV). Có 4/12 tổng công ty không bán hết số lượng cổ phần theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt.
“Trong tổng số 137 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, có 16 Tổng công ty, trong đó quy mô lớn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam tổng tài sản trên 57 nghìn tỷ đồng; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, tổng tài sản trên 40 nghìn tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, tổng tài sản trên 17 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp chưa hoàn thành CPH (VEC, SBIC). Bộ chỉ đạo Vinalines thực hiện cổ phần hóa 11 doanh nghiệp cảng biển”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường báo cáo tại Hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường báo cáo tại Hội nghị Theo Thứ trưởng, hiện Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm cổ phần hóa 12 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương và bệnh viện Nam Thăng Long. Đến nay, đã hoàn thành CPH 10 Đoạn quản lý đường thủy, đối với Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương đã hoàn thành bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, IPO và bán cho cán bộ công nhân viên, dự kiến chuyển sang hoạt động là công ty cổ phần vào tháng 01/2016; Bệnh viện Nam Thăng Long dự kiến hoàn thành việc cổ phần hóa trong quý II/2016. Đồng thời, Bộ GTVT đã báo cáo, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục thí điểm cổ phần hóa 10 đơn vị sự nghiệp trong năm 2015.
Đối với công tác thoái vốn, đến nay, Bộ đã hoàn thành việc thoái vốn tại 113 doanh nghiệp, trong đó có 07 Công ty mẹ - Tổng công ty và 106 doanh nghiệp thành viên thuộc các Tổng công ty với tổng số tiền thu về trên 4.399,3 tỷ đồng.
“Giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn tất thủ tục bàn giao phần vốn nhà nước tại 06 công ty cổ phần với tổng số vốn là 581 tỷ đồng cho SCIC. Đối với các doanh nghiệp thuộc diện bàn giao vốn nhà nước về SCIC, sau khi thực hiện thoái vốn, nếu doanh nghiệp nào chưa hoàn thành thoái hết, Bộ sẽ bàn giao phần vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp về SCIC theo quy định”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong 05 năm 2011 - 2015, Bộ đã hoàn thành sắp xếp, tổ chức lại 50 doanh nghiệp, bao gồm: Chuyển 10 doanh nghiệp thuộc Cục Hàng hải Việt Nam về 2 Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam; chuyển 24 doanh nghiệp từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về các Tổng công ty XDCT giao thông 1, 4, 5, 6 và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long; chuyển Công ty Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa (doanh nghiệp thuộc Bộ) về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Vận tải thủy.
Ngoài ra, Bộ đã hợp nhất 03 Tổng công ty Cảng hàng không thành 01 tổng công ty; phá sản 02 doanh nghiệp; giải thể 01 doanh nghiệp, bán 01 doanh nghiệp; thành lập mới 09 doanh nghiệp.
Cũng theo Thứ trưởng, trong giai đoạn từ 2011-2014, tổng doanh thu của 18 Tổng công ty thuộc Bộ đã tăng trưởng 15,28%. tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 194,84%, bình quân tăng 48,7%/năm; nộp ngân sách nhà nước tăng 51,52%, bình quân tăng 12,85%/năm; thu nhập bình quân người lao động tăng 32,28%, bình quân tăng 8,07%/năm.
“Mức tăng trưởng của các chỉ tiêu trên cho thấy rõ hiệu quả của quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới gắn liền với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Bộ trong thời gian qua. Đặc biệt, thông qua tổ chức lại sản xuất, bố trí lao động hợp lý, tăng năng suất lao động nên thu nhập bình quân của người lao động đã có sự cải thiện rất đáng ghi nhận, tạo điều kiện cho người lao động phát huy năng lực, đảm bảo an sinh xã hội”, Thứ trưởng đánh giá.
Về số lượng lao động dôi dư trong quá trình thực hiện 05 năm (2011 - 2015) là trên 20.000 người, với tổng số tiền đã chi trả cho người lao động dôi dư khoảng 750 tỷ đồng từ nguồn thu tái cơ cấu doanh nghiệp và nguồn ngân sách cấp, tạm ứng. Việc trợ cấp, hỗ trợ đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động dôi dư: Bộ Giao thông vận tải luôn bám sát, chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị căn cứ chiến lược, kế hoạch phát triển sau cổ phần hóa để xây dựng phương án sử dụng lao động phù hợp, trong đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại người lao động đúng yêu cầu bố trí công việc cho người lao động của doanh nghiệp.
Sau khi thực hiện CPH hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hiệu quả hơn
Tổng giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh phát biểu tham luận tại Hội nghị
Tổng giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh phát biểu tham luận tại Hội nghị Phát biểu tham luận tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Minh - Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (VNA) cho biết: Việc thực hiện cổ phần hóa một hãng hàng không là chưa có tiền lệ tại VN, do vậy đã phát sinh nhiều nội dung có tính chất đặc thù và chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp quy của VN nên cũng không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc. Tuy vậy, được sự chỉ đạo và giải quyết kịp thời của Bộ GTVT và các cơ quan nhà nước có liên quan cùng với sự tích cực triển khai của VNA, công tác cổ phần hóa của Công ty mẹ - Tổng công đã hoàn thành theo đúng lộ trình được phê duyệt.
Tổng công ty đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất và chính thức hoạt động theo mô hình công tác cổ phần kể từ ngày 1/4/2015. Song hành với việc triển khai IPO trong nước, quá trình lựa chọn cổ đông chiến lược được Tổng công ty phối hợp cùng với tư vấn quốc tế khởi động từ tháng 9/2014. Hiện các nhóm đám phán của VNA đang triển khai đàm phán Hợp đồng bán cổ phần và các Hợp đồng hợp tác phụ trợ khác với các nhà đầu tư chiến lược. Theo tiến trình, VNA và nhà đầu tư chiến lược tiềm năng dự kiến hoàn tất các điều kiện cơ bản về hợp đồng mua bán cổ phần vào cuối tháng 12/2015 hoặc đầu tháng 1/2016.
“Nhờ sắp xếp lại sản xuất, bố trí lại nguồn lực một cách hợp lý nên từ năm 2012 - 2015, VNA hầu như không tăng định biên lao động mà vẫn hoàn thành khối lượng vận chuyển tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, năng suất lao động hàng năm đều tăng cao với tốc độ tăng trưởng bình quân 7%/năm theo khách luân chuyển, 5%/năm theo ghế luân chuyển và 3,5%/năm theo doanh thu”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo ông Trần Trung - Giám đốc Bệnh viện GTVT TW, việc tiến hành thí điểm CPH Bệnh viện GTVT TW là vinh dự, cơ hội nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với toàn thể cán bộ công nhân việc Bệnh viện - Đơn vị sự nghiệp công lập chuyên về Y tế đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm CPH. Hầu hết các cán bộ viên chức là chuyên ngành Y chỉ biết khám chữa bệnh đơn thuần…Nên lúc đầu có tâm lý lo lắng và phân vân là không tránh khỏi.
“Chúng tôi vẫn đang thường xuyên tuyên truyền phổ biến chủ trương và các bước tiến hành CPH cho tập thể cán bộ viên chức trong bệnh viện một cách công khai. Tâm lý lo lắng trước khi CPH nay đã được thay thế bằng không khí háo hức chờ đợi sự thay đổi về quản trị mới, phong thái làm việc mới và hy vọng vào sự phát triển ổn định”, ông Trung nói.
“Việc thực hiện IPO thành công ngoài mong đợi khi có tới 33 nhà đầu tư cá nhân và tổ chức với giá cổ phiếu bình quân là 23.597đ/CP là điều minh chứng cho việc CPH đơn vị sự nghiệp công là hoàn toàn có thể thực hiện tốt với điều kiện là quá trình tiến hành CPH phải được sự chỉ đạo quyết liệt, minh bạch và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Việc chuyển sang Công ty cổ phần sẽ giúp Bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.”, ông Trung khẳng định.
Cũng tại Hội nghị, Lãnh đạo Tổng công ĐSVN, Tổng công ty Cảng hàng không VN, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Xây dựng đường thủy đã có tham luận.
Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Vũ Văn Ninh
nhiệt liệt biểu dương những kết quả Bộ GTVT trong việc thực hiện công tác tái cơ cấu,
sắp xếp, cổ phần hóa DNNN trong 5 năm qua
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Vũ Văn Ninh cho biết: Bộ GTVT hoàn thành vượt mức kế hoạch về tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa. Cụ thể, Bộ GTVT triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, tăng 67 doanh nghiệp so với kế hoạch phê duyệt. Trong đó có 16 Tổng công ty có quy mô lớn. “Các hình thức sắp xếp khác như giải thế, phá sản, sát nhập cũng được Bộ GTVT triển khai tích cực. Ngoài ra, Bộ GTVT đã triển khai thi điểm từng bước cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập”, Phó Thủ tướng đánh giá.
“Chúng ta thực hiện tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa nhắm tới hai mục tiêu là thoái vốn ở những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ để đầu tư lĩnh vực nhà nước cần nắm giữ; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp để phục vụ tốt hơn cả về số lượng và chất lượng. Với mục tiêu như thế, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện rất tích cực”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng cho rằng, sau khi thực hiện CPH hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đều có hiệu quả hơn. Tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, doanh thu, thu nhập bình quân người lao đông đều tăng trong khi tỷ suất nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu lại giảm. Cùng với đó, Bộ GTVT triển khai nghiêm túc việc chuyển giao vốn về SCIC.
“Quá trình triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc về đặc thù các doanh nghiệp là khác nhau trong khi chính sách lại chung cho tất cả. Tuy nhiên, Bộ GTVT chủ động phối hợp với các Bộ trình Chính phủ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc một cách kịp thời”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh.
Thay mặt Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đánh giá rất cao, ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những kết quả Bộ GTVT đã đạt được trong việc thực hiện công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN trong 5 năm qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục rà soát thực hiện tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa ở các doanh nghiệp đã tiến hành cổ phần hóa nhưng tỷ lệ CPH chưa đáp ứng chỉ tiêu đề ra; nâng cao hiệu quả hoạt động, áp dụng phương thức quản trị tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; tập trung chỉ đạo hoàn thành cổ phần một số doanh nghiệp hết sức khó khăn; tiếp tục chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải VN tiến hành cổ phần hóa theo kế hoạch; tập trung tái cơ cấu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN...
Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng cảm ơn sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng mà trực tiếp là sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng như sự giúp đỡ phối hợp của các Bộ, ban, ngành…đã quan tâm chỉ đạo rất nhiều tới công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN của Bộ GTVT. Nhờ vậy, Bộ GTVT đã hoàn thành vướt mức các kế hoạch đặt ra.
Thay mặt Bộ GTVT, Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan thông tấn báo chí đã đồng hành cùng ngành GTVT trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa của Bộ GTVT nói riêng, sự nghiệp phát triển Ngành GTVT nói chung để có được thành công hôm nay…