HỘI KHKT CẦU ĐƯỜNG ĐÀ NẴNG NHỮNG DẤU ẤN
2015/12/30 9:39 - Nguồn : TRẦN DÂN
Những công trình để lại dấu ấn Hội
Những năm trước năm 2010 là các cầu Trần Thị Lý, cầu Rồng, nút giao thông Đống Đa - Đà Nẵng. Cuối năm 2010, 03 đồng chí trong Thường vụ Hội được UBND thành phố Đà Nẵng mời chấm điểm chọn phương án thiết kế nút giao khác mức ngã ba Huế do các tư vấn trong và ngoài nước trình bày. Kết quả đã chọn được phương án có điểm cao nhất là phương án do Công ty tư vấn Việt Nam trình bày. Công trình đã khánh thành vào ngày 29/3/2015.
Năm 2011, Chi hội Văn phòng Cục Quản lý đường bộ III cùng với Trung tâm Cầu đường của Hội phối hợp với Khoa Sức bền vật liệu - Đại học Giao thông vận tải (Hà Nội), đại diện là Công ty SBTES đã trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho áp dụng tấm sợi thủy tinh và tấm sợi carbon (TYFO) công nghệ Mỹ vào việc dán các dầm bê tông cốt thép và bê tông cốt thép ứng suất trước bị rạng nứt để phục hồi và nâng cao năng lực chịu tải của cầu đường bộ trên các Quốc lộ tại Khu V.
Sau 5 năm áp dụng công nghệ này cộng với phương pháp căng dự ứng lực ngoài ngang cầu kết hợp khe co dãn hình răng lược bằng thép đã sửa chữa được hơn 30 cây cầu trong vùng đạt chất lượng, đảm bảo an toàn trong khai thác. Đây là công nghệ lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam từ năm 2011và hiện nay đang tiếp tục áp dụng cho những năm sau. Đầu năm 2014, Sở GTVT Đà Nẵng chuẩn bị khởi công cầu đi bộ Đống Đa qua sông Hàn do Công ty Louis Berger của Mỹ thiết kế và Tập đoàn Sungroup làm chủ đầu tư với vốn đầu tư 30 triệu USD. Sau đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng mời Hội KHKT Cầu đường Đà Nẵng phản biện. Hội đã làm phản biện báo cáo Hội đồng của thành phố, kết quả Thành phố đã cho dừng không khởi công công trình này như đề xuất của Hội. Sau khi lắng nghe ý kiến tham gia của các ban ngành và chuyên gia, thành phố Đà Nẵng đã quyết định giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi để làm cầu đi bộ phục vụ du lịch và lưu niệm. Thành phố đã giao cho Chi hội Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng BK.ECC khảo sát, thiết kế và thi công sửa chữa. Công trình sẽ được khánh thành nay mai; trong đó có việc phải tạo cho được một nhịp thông thuyền cao đủ 7m cho tàu du lịch đi qua cầu bằng cách kích nâng hai đầu nhịp tàu qua xong lại hạ xuống.
Ở cầu Thuận Phước Đà Nẵng, khi xây dựng có áp dụng lớp thảm bê tông nhựa trên mặt cầu bằng thép theo công nghệ SMA của Mỹ, nhưng công nghệ này chưa phù hợp cho nên vừa thi công xong đã hỏng. Thành phố đã thuê Chi hội Cầu đường Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cùng Chi hội Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng BK.ECC khắc phục. Sau gần 02 năm nghiên cứu khảo sát, đánh giá đã tìm ra được giải pháp sửa chữa chỗ hỏng “Bằng bê tông nhựa polimer kết hợp lưới sợi bằng vật liệu địa kỹ thuật”. Bước đầu đã đem lại kết quả đáng mừng. Ngoài ra hai Chi hội cùng với Công ty của Nhật Bản được Sở GTVT Đà Nẵng thuê tiến hành quan trắc đo đạc các thông số về ăn mòn sắt thép trong môi trường nước mặn phục vụ cho công tác quản lý duy tu được Sở GTVT và Ủy ban nhân dân Thành phố hoan nghênh sử dụng kết quả quang trắc đánh giá.
Sự trưởng thành của các chi hội thành viên
Chi hội Văn phòng Cục Quản lý đường bộ III cùng Chi hội Trung tâm Kỹ thuật Đường bộ 3 đã ứng dụng thành công “cấp phối đá dăm gia cố 5% xi măng” làm lớp móng trên để sửa chữa các Quốc lộ bị hằn lún vệt bánh xe. Hai Chi hội còn nghiên cứu tổng thể để “Nâng an toàn giao thông đoạn Km1407- 1410 đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh”, công trình đã thi công xong. Chi hội Công ty cổ phần Tư vấn giao thông công chính Đà Nẵng đã mạnh dạng áp dụng “Cọc ván bê tông cốt thép dự ứng lực” trong thiết kế kè bờ sông Hàn đoạn Cổ Viện Chàm tới Cầu Rồng đem lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật lớn cho Đà Nẵng. Công nghệ này năm 2014 còn được áp dụng vào bãi đỗ xe ngầm tại Trung tâm Hành chính Đà Nẵng, sẽ được khánh thành nay mai. Ưu điểm đặc biệt của công nghệ này là ứng dụng vào vùng nước mặn và nước lợ sẽ tăng tuổi thọ của cọc ván rất lớn.
Chi hội Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 có ứng dụng thạch cao để làm phẳng mặt mẩu bê tông trong phòng thí nghiệm thay cho lưu huỳnh độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân viên thí nghiệm. Ngoài ra, phòng thiết kế còn xây dựng được một số phần mềm trong khảo sát thiết kế đường bộ cũ, áp dụng quy trình hiện hành TCN211-06 có kết quả tốt tạo được năng xuất cao đã chuyển giao có thời hạn cho một số trung tâm tư vấn trong Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Chi hội phó, Thạc sĩ Nguyễn Biên Cương, giảng viên chính Khoa Cầu đường Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã có hai đề tài ứng dụng thành công vào cuộc sống đó là: “Dùng bê tông tính năng cao làm tấm chắn rác thay cho tấm gang và lưới thép hay bị mất cắp và bị rĩ” được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp áp dụng đầu tiên cho Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột và đề tài “Dùng xi măng làm chất dính kết để sản xuất ra đá granit nhân tạo” được cấp bằng độc quyền sáng chế của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đề tài tiến sĩ của hội viên Đỗ Hữu Đạo, Chi hội Khoa Cầu đường Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng về “Cọc xi măng đất làm móng nhà cao tầng” của Công ty FPT Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm năm qua (2011-2015), một nhóm giảng viên là hội viên Chi hội Khoa Cầu đường Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng dưới sự hướng dẫn của PGS. TS. Phan Cao Thọ - Phó Chủ tịch Hội đã dày công khảo sát thu thập tài liệu về giao thông đô thị đã xây dựng nên một đề án “Tổ chức giao thông đô thị tiên tiến” bước đầu được áp dụng một phần cho thành phố Nha Trang và thành phố Buôn Ma Thuột đạt kết quả tốt, triển vọng sẽ được áp dụng tiếp cho các thành phố khác trong vùng như Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa...
Đặc biệt vào tháng 10/2013, sau hơn một năm quan sát công việc khảo sát thiết kế, tổ chức thực hiện thi công, ông Trần Dân, Phó Chủ tịch thường trực Hội đã tự phản biện một số nội dung chủ yếu trong dự án mở rộng quốc lộ 1 lên 4 làn xe trong đó có vấn đề tận dụng các cầu còn dùng được để tăng cường và dùng cho một chiều xe không phá bỏ để tiết kiệm kinh phí xây dựng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án được Bộ trưởng Đinh La Thăng tiếp thu, có thư cảm ơn và tổ chức thực hiện, đã tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng cho công quỹ, góp phần làm cho dự án tiết kiệm được hàng chục ngàn tỷ mà Bộ đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội.
Một số kiến nghị
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển GTVT Việt Nam đáp ứng yêu cầu của đất nước, những năm tới (2016-2020) Bộ GTVT cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ:
- Tập trung trí tuệ hoàn thành quy hoạch vận tải của Việt Nam (2016 -2020) tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy. Xác định cho được các trục vận tải lớn; các cảng sông cảng biển lớn phục vụ các luồng hàng xuất nhập khẩu và tiêu thụ nội địa một cách khoa học, thiết thực và chính xác để quyết định đầu tư xây dựng đúng, kịp thời, đồng bộ tránh lãng phí như đã gặp một vài trường hợp vừa qua (đường sắt Yên Viên - Cái Lân...).
- Hoàn thành cho được việc cải tạo nâng cấp đường sắt theo kế hoạch Bộ GTVT đã vạch và công bố nhất là tuyến đường sắt Bắc Nam và tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân, Yên Viên - Lào Cai. Góp phần giảm xe quá tải cho đường bộ vừa được nâng cấp làm mới xong trong năm 2015, tăng tuổi thọ cho đường bộ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước.
- Cải tiến thủ tục giao nhận hàng hóa tạo thuận tiện cho vận tải, hạ giá cước đường sắt và đường thủy để thu hút nguồn hàng, giảm tải chờ hàng cho đường bộ. Nghiên cứu cấm chở hàng bằng đường bộ dài quá 600 km ở các trục có đường sắt và đường thủy (trừ các hàng tươi sống và hàng hóa đặc biệt).
- Xúc tiến gọi vốn và xây dựng sớm cảng biển trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hòa) vì ở đây có lợi thế lớn là nước sâu, mặt biển rộng lại kín gió quanh năm, đất để xây bãi hàng rất rộng có thể thay thế cho cảng Singapor để nhập và xuất hàng cho Việt Nam và các nước Đông Dương.