Vĩnh Phúc: đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông
2013/8/29 16:43
Trong 6 tháng đầu năm, Ban an toàn giao thông tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ngành đẩy mạnh việc tuyên truyền luật giao thông đường bộ, luật giao thông đường thủy, thông qua các hình thức băng zôn, khẩu hiệu, tuyên truyền miệng, ký cam kết với các cơ quan, các huyện, xã, thị trấn, lồng ghép vào các buổi học trên lớp, trên sóng của đài truyền thanh truyền hình. Do đó, tình hình trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm trên toàn tỉnh cơ bản được bảo đảm và ổn định, tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2013 giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Để đảm bảo an toàn giao thông, Ban đã huy động Lực lượng cảnh sát giao thông tập trung tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm, công khai các lỗi vi phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, giải tỏa các trường hợp vi phạm hành lang vỉa hè đường bộ, xử lý vi phạm trong kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm kém chất lượng. Kết quả đã phát hiện, lập biên bản 32.739 trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ, tạm giữ 5.397 phương tiện, 27.026 bộ giấy tờ xe; tước giấy phép lái xe có thời hạn 3.456 trường hợp; ra quyết định xử phạt 32.789 trường hợp = 29.084.703.000đ. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: vi phạm tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, chở quá tải, chở quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn, không có giấy phép lái xe, không có giấy đăng ký xe...
Trong công tác chỉ đạo triển khai Ban An toàn giao thông tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm Luật giao thông đường thủy và yêu cầu các chủ bến, chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện thủy ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của Luật giao thông đường thủy đồng thời cấp phát 200 dụng cụ nổi cầm tay cho các bến đò, bến phà.
Tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng phong trào văn hóa giao thông với bình yên sông nước”; Xây dựng Chương trình hành động “Vì an toàn trẻ em trên sông nước” số 1019/CTHĐ-BCĐ, ngày 24/6/2013 của Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” Công an tỉnh.
Ban an toàn giao thông các huyện, thành, thị đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hành động Năm an toàn giao thông 2013 và tháng cao điểm Tết Qúy Tỵ; Công tác chỉ đạo điều hành của các huyện, thành, thị có nhiều đổi mới, quyết liệt, chủ động, gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; cụ thể hóa kịp thời các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban an toàn giao thông tỉnh, từ đó đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đã huy động có hiệu quả các nguồn lực để triển khai công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn mình.
Công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông được Ban an toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông các huyện, thành, thị, các cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức đoàn thể duy trì coi là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi và phối hợp tuyên truyền trực tiếp cho quần chúng nhân dân. Các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên đăng tải các văn bản của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Sở giao thông vận tải phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị quản lý đường bộ trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo hiệu đường bộ, các “ điểm đen” về tai nạn giao thông và đề xuất các đơn vị quản lý quản lý đường bộ tiến hành sửa chữa, thay thế, nâng cấp, bổ sung các biển báo hiệu đường bộ, xây gờ giảm tốc, sơn vạch kẻ đường tại các đoạn đường cong, cua, tại các điểm giao cắt giao thông đường bộ, giữa đường bộ với đường sắt… những điểm dễ xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến QL2 và các tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu việc thí điểm tổ chức phân làn đường xe cơ giới trên một số tuyến đường có thể phân làn.
Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông tỉnh đã tham mưu, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các địa phương; phối hợp với Đảng bộ Công an tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra một số Đảng bộ, Chi bộ về việc thực hiện Chương trình hành động số 38-CTr/TU ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Thường xuyên đôn đốc, tập hợp kết quả tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh báo cáo UBATGTQG và UBND tỉnh.
Ngoài ra các công tác như: công tác đăng ký, đăng kiểm quản lý phương tiện xe cơ giới đường bộ, đào tạo sát hạch cấp GPLX; công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm trên tuyến giao thông; công tác TTKS, xử lý vi phạm, phối hợp đảm bảo TTATGT… cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Đạt được kết quả trên là do sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân, sự nỗ lực, cố gắng của lực lượng cảnh sát giao thông... Tuy vậy, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là tuyên truyền trực tiếp, cá biệt ở một số đơn vị chưa được lãnh đạo quan tâm đúng mức, nên chưa thực sự phát huy được hiệu quả của công tác này. Việc xây dựng pa nô, băng zôn tuyên truyền về an toàn giao thông ở trung tâm huyện, thành, thị chưa được lãnh đạo cấp huyện quan tâm chỉ đạo; nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực hiện việc treo khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông tại trụ sở cơ quan đơn vị mình; nguy cơ tai nạn giao thông gia tăng vẫn tiềm ẩn. Nguyên nhân chủ yếu là do người tham gia giao thông không chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, tránh, vượt sai quy định, chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, chuyển hướng sai quy định...
Để khắc phục những tồn tại trên và thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao, Ban An toàn giao thông tỉnh đã đề ra kế hoạch triển khai thực hiện trong 6 tháng tiếp theo với các giải pháp cấp bách, cụ thể là: Đẩy mạnh tuyên truyền và mở các đợt cao điểm xử lý vi phạm về tốc độ đối với doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Tiếp tục chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, các chỉ thị, chương trình hành động của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Cùng với đó, Sở Giao thông - Vận tải cần tập trung xử lý hạ tầng, tổ chức giao thông hợp lý; nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe; siết chặt quản lý phương tiện, vận tải theo Chỉ thị 12 của Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông nghiêm trọng trong hoạt động vận tải; tăng cường công tác đăng kiểm phương tiện giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự an toàn giao thông; phối hợp với các ban ngành, địa phương tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT với nội dung phong phú, đa dạng và phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương. Với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh phấn đấu giảm số vụ tai nạn giao thông, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra