NHÌN LẠI NHỮNG BƯỚC ĐI BAN ĐẦU HỘI CẦU ĐƯỜNG TP. HỒ CHÍ MINH
2015/12/30 9:55 - Nguồn : KS. VŨ ĐỨC THẮNG
Lúc này, nhìn lại quá khứ một chút, càng thấy những thành công hôm nay là bước tiến rất lớn lao. Hội Cầu đường Cảng TP. Hồ Chí Minh đã trải qua thời gian hoạt động trên 30 năm, từ 1984 đến nay. Vì khi ấy chưa có Hội KHKT Cầu đường Việt Nam là cấp trên, cho nên đã phải trải qua những bước đi ban đầu, tự tìm đường rất khó khăn vất vả để tồn tại, và tìm ra cơ chế hoạt động hợp pháp để có nguồn vốn tự trang trải và giúp hội viên có thêm thu nhập. Vào đầu những năm 1980 là lúc đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn thời hậu chiến, đời sống nhân dân còn thiếu thốn vất vả, hệ thống cầu đường xuống cấp nghiêm trọng, nguồn vốn còn phải tập trung cho nhiều việc hệ trọng và cấp bách khác.
Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh là một đầu mối giao thông lớn, tập trung nhiều chuyên gia cầu đường hoạt động trên nhiều lĩnh vực thiết kế, thi công, xây dựng, quản lý, giảng dậy, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đồng thời lại có nhiều chuyên gia cấp trên từ Miền Bắc có tâm huyết muốn đóng góp cho việc tháo gỡ khó khăn cho hệ thống cầu đường Thành phố. Vậy mà khi gặp nhau chỉ biết cùng than thở về khó khăn trước mắt của hệ thống cầu đường thiếu vốn xuống cấp, và bàn chuyện làm sao cải thiện đời sống trước tình cảnh Giá-Lương-Tiền ngày càng mâu thuẫn. Bàn mãi rồi phải quay về giúp nhau kinh nghiệm nuôi lợn, nuôi cá trê phi, nuôi dê, kiếm đất tăng gia cải thiện để tồn tại qua thời kỳ gian khó.
Hội trí thức yêu nước của TP. Hồ Chí Minh không đủ sức bao quát các hoạt động đặc thù của các chuyên ngành, hoạt động cũng còn nhiều hạn chế. Hội cũng phải lập ra một cái căng tin để lo đời sống bằng cách tìm kiếm các nguồn hàng ngoài luồng, hàng từ trao đổi hai chiều, hàng ưu tiên phân phối cho trí thức, để bán đủ từ thịt cá mắm muối đậu ngô gạo củi, bán cả hàng tem phiếu để giúp hội viên đỡ phải xếp hàng và đỡ phải lo cập nhật thông tin nóng hổi xem ở cửa hàng nào bán cái gì để đi xếp hàng mua kẻo đến lần mình thì hết. Hàng ngày các chuyên gia cặm cụi viết hàng chồng dự án, luận văn, nhưng vẫn chỉ hưởng lương bao cấp, theo luật không có cách gì để khoán việc rút tiền công để tăng thêm phụ cấp theo giá trị hoàn thành công việc.
Trước tình hình đó, nhiều chuyên gia cầu đường đã họp lại bàn cách tháo gỡ cơ chế bao cấp để vừa làm việc tốt vừa có thu nhập khá hơn, vừa có tổ chức để đối thoại, góp tiếng nói hiến kế cho cầu đường vược qua được khó khăn trước mắt. Thời ấy an ninh xã hội còn phức tạp, các hoạt động đông người còn phải cân nhắc kỹ. Được sự ủng hộ của nhiều người tâm huyết với xu hướng đổi mới, nhiều nhà lãnh đạo khuyên rằng bước đầu hãy tập hợp lực lượng lại, xây dựng một Hội chung cho Ngành Xây dựng Thành phố. Thế là ngành Cầu đường có một Phân hội Cầu Đường - Cảng trong Hội Xây Dựng Thành phố
Hội nghị trù bị thành lập Hội đặt ra một câu hỏi khó: Lấy đâu tiền để chi cho hoạt động Hội?
Bấy giờ TP. Hồ chí Minh đang đề xuất với trên cho xây dựng một cảng mới trực thuộc Thành phố theo một cơ chế mới về quản lý cảng biển để phù hợp với cơ chế thông thoáng của nhiều cảng biển trên thế giới và tiện giao dịch tìm kiếm nguồn hàng, thanh toán quốc tế. Sau nhiều cân nhắc cảng này được chọn tên là cảng Bến Nghé. Anh Ngô Lực Tải, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh là người rất tâm huyết với những cải tiến quản lý vận tải biển và cảng biển, đã ủng hộ việc giao khoán cho Hội Xây dựng lập Luận chứng Kinh tế Kỹ thuật Cảng Bến Nghé để có kinh phí hoạt động, và cử tôi làm nhiệm vụ “Phó ban chủ nhiệm công trình”. Thời ấy cơ chế bao cấp còn rất chặt, cách làm này bị những “Nhà bao cấp” phê phán là “vi phạm chế độ quản lý tiền bạc”, bị những lời đồn là có tiêu cực. Nhưng những mầm mống đổi mới cũng đã mạnh, có nhiều người dũng cảm đi tiên phong, cho nên được Thành phố cho phép thực hiện.
Cũng phải nói rằng sau năm 1990, mới được chính thức chấp nhận cơ chế mới khi xác định rõ chủ trương xóa bỏ “cơ chế hành chính quan liêu bao cấp”. Khi ấy tôi là Phó phòng Kiến thiết cơ bản Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh với các KS. Phạm Công Khanh - Trưởng phòng, PTS. Cảng biển Ngô Ngọc Cẩn cùng lo việc khảo sát chọn địa điểm, điều tra thị trường, thuyết trình chuyên môn, soạn thảo nội dung Luận chứng dưới danh nghĩa làm ngoài giờ cho Hội Xây dựng. Anh Ngô Lực Tải lo trình duyệt và thuyết phục chuyên gia cấp trên.
Công việc hoàn thành kịp khi thành lập Hội KHKT Xây dựng, gây được quỹ cho Hội. Các anh Ngô Ngọc Cẩn và Huỳnh Kim Trương được bầu làm Phó Chủ tịch Hội, lo việc chuẩn bị đầu tư Cảng Bến Nghé. Tôi được Đại hội bầu làm Ủy viên Chấp hành Hội, đại diện cho khối Cầu đường Cảng. Khi hoàn thành nhiệm vụ thì dòng tiền chẩy theo con đường riêng: Thành phố khoán chi phí cho Hội; Hội khoán lại cho cơ quan có tư cách pháp nhân chịu trách nhiệm thẩm định và đóng dấu xuất xưởng; Cơ quan khoán lại cho cá nhân. Tiền công lập luận chứng chia theo nguyên tắc ai làm tới đâu thì hưởng tới đấy.
Bấy giờ đã có phong trào khoán hộ nông nghiệp đang thử nghiệm nên Hội Xây dựng cũng là nơi thử nghiệm mô hình khoán mới. Sau một thời gian, Hội Cầu đường Thành phố được tách riêng, rồi hoạt động trong Liên Hiệp Hội KHKT TP. Hồ Chí Minh. Cơ chế và phương pháp hoạt động từ bước đi ban đầu được rút kinh nghiệm cải tiến, ngày càng vững chắc, càng nhiều công trình được sự tin cậy của TP. Hồ Chí Minh giao cho Hội thực hiện, đời sống vật chất càng được cải thiện hơn, vị thế của Hội ngày càng tốt hơn. Mô hình hoạt động của Hội ngày càng nhân rộng. Khó khăn ngày càng rõ nét là thiếu một Hội chuyên ngành cầu đường từ Trung ương để chỉ đạo. Tuy vậy các lực lượng chuyên môn cầu đường của Thành phố vẫn cố gắng tập trung lực lượng trí tuệ vào việc chống xuống cấp cầu đường, xây dựng cầu đường trên đất yếu, chuẩn bị sẵn nhiều dự án để tìm cơ hội đầu tư, xây dựng Quy hoạch giao thông TP. Hồ Chí Minh liên kết với toàn vùng, xây dựng quy hoạch giao thông tam giác Vũng Tầu - Biên Hòa - TP. Hồ chí Minh, và phát triển đến hôm nay.
Bước sang thời kỳ đổi mới, Đại Hội Khóa I thành lập Hội KHKT Cầu đường tháng 12/1987 đã mở ra cho những người làm Cầu đường TP. Hồ Chí Minh một giai đoạn mới, có một Hội chuyên ngành từ Trung ương. Từ đó vị thế của Hội Cầu đường Cảng Thành phố được nâng cao, thu hút được nhiều lực lượng chuyên ngành trong toàn quốc, đóng góp được nhiều công sức và tâm huyết cho ngành Cầu đường như những báo cáo và đánh giá của Đại hội khóa VII Hội KHKT Cầu đường hôm nay.