NHÌN LẠI “BỨC TRANH” GIAO THÔNG

2016/1/27 15:48 - Nguồn : NGÔ ĐỨC HÀNH

Những mảng sáng của “bộ mặt” hạ tầng giao thông

 

Tại lễ khánh thành đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng diễn ra ngày 5/12/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, với việc đưa tuyến đường cao tốc này vào sử dụng, nước ta đã có 710 km cao tốc. Như vậy, so với chiến lược phát triển ngành Giao thông vận tải (GTVT) là trong giai đoạn 5 năm từ 2010 - 2015 sẽ có 600 km đường cao tốc thì chúng ta đã vượt chỉ tiêu 110 km. Điều này càng có ý nghĩa khi chúng ta vượt chỉ tiêu trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn.

 

Thủ tướng cũng cho biết, theo kế hoạch đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 2 nghìn km đường cao tốc. Bộ trưởng Đinh La Thăng hy vọng, nếu huy động tốt hơn các nguồn lực trong và ngoài nước, tạo được cơ chế thông thoáng thì đến năm 2020 chúng ta còn có thể đạt 2.500 km đường cao tốc. Nếu đạt được mục tiêu này sẽ có ý nghĩa rất quan trọng để làm khâu đột phá, phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2011 đến nay, Bộ GTVT đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách cho lĩnh vực đường bộ lên tới 186.660 tỷ đồng, gấp nhiều lần hàng chục năm trước cộng lại. Cảng biển thu hút được 121.453 tỷ đồng. Hệ thống cảng, bến thủy nội địa do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng hình thành qua nhiều năm, giá trị đầu tư khoảng 18.997 tỷ đồng. Các cảng hàng không, sân bay phần lớn được đầu tư từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam với 22 cảng hàng không, sân bay dân dụng trên toàn quốc... Bằng các giải pháp, chính sách được triển khai đồng bộ và tổ chức thực hiện có hiệu quả, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng, bộ mặt kết cấu hạ tầng giao thông của đất nước đã có những chuyển biến rõ rệt. Hàng loạt công trình lớn, hiện đại được đưa vào khai thác như: Các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên; Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Nhật Tân; Các cầu có quy mô lớn như: Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì; Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải; Tuyến đường thủy kênh Chợ Gạo; Nhà ga T2 Nội Bài, Pleiku, Đà Nẵng...

 

“Từ việc tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm của Bộ GTVT đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật nói. Ông dẫn chứng, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc so với năm 2011.

 

Còn phải nỗ lực liên tục vì mục tiêu phát triển bền vững

 

Dưới góc nhìn của một chuyên gia nhiều năm gắn bó với lĩnh vực GTVT, TS. Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam đánh giá, trong 5 năm qua, ngành GTVT đã đạt được những kết quả rất to lớn trong lĩnh vực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Theo ông Long, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về vốn nhưng ngành GTVT đã chủ động huy động mọi nguồn lực đầu tư bằng các hình thức xã hội hóa để đưa hàng loạt công trình tầm cỡ vào khai thác, sử dụng như: Dự án QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai... Ông Long cũng khẳng định, trong giai đoạn này, ngành GTVT đã có giải pháp đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm và xử lý triệt để tình trạng vượt tổng mức đầu tư so với thời gian trước. “Đây là những thành tựu nổi bật nhất trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng ngành GTVT cần phải tiếp tục phát huy trong thời gian tới”, ông Long nhấn mạnh.

 

TS. Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng: “Quy luật tất yếu là khi anh làm nhiều, chắc chắn sẽ phải có những thiếu sót. Đơn cử như việc đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, có nhiều cái sẽ phải vượt qua những trình tự thủ tục thông thường nên có thể gặp phải những thiếu sót trong việc đảm bảo trình tự, thủ tục. Tôi đánh giá tiến độ dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên vừa qua là rất tốt nhưng bây giờ ngành GTVT cần phải rà soát lại về mặt trình tự thủ tục xem cái gì còn thiếu, cái nào chưa hoàn thiện để bổ sung hoàn chỉnh thủ tục”.

 

“Tôi đặc biệt ấn tượng với hệ thống đường cao tốc và nhiều cây cầu với quy mô hiện đại mà ngành GTVT đã đầu tư không kém so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Những kết quả đạt được của ngành GTVT trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng đã được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng, nhưng ý nghĩa hơn cả đó là sự ghi nhận và đánh giá cao của cử tri cả nước”, ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn TP. Hà Nội) khẳng định.

 

Chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định: “Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Đảng, ngành GTVT đã làm được nhiều việc khi đưa hàng loạt công trình dự án phát triển hạ tầng vào khai thác, sử dụng. Đồng thời, ngành GTVT đã thành công trong việc huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế để cùng tham gia phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông”. Tuy nhiên, ông Kiên cũng thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề tồn tại ngành GTVT cần phải quan tâm, khắc phục trong công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thời gian tới như: Chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, chính sách phát triển bền vững...

 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp như: Thu hút các nguồn vốn BOT, PPP, chuyển nhượng khai thác hạ tầng. Bên cạnh đó, cần có sự rà soát tổng thể các quy hoạch để loại bỏ những chồng chéo, không cần thiết, bổ sung những gì còn thiếu. Đặc biệt, cần có sự thống nhất trong quy hoạch ở cấp quốc gia để khai thác tối đa hiệu quả của các công trình như: Cảng biển, nhà ga, sân bay và hạ tầng đối ngoại... ‘‘Dù chỉ số cạnh tranh được nâng lên, khoảng cách đã được rút ngắn lại với các nước khác nhưng Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ cao hơn một số nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Myanmar, Philippines... Vì thế, cần có sự cố gắng liên tục và nỗ lực hơn nữa. Cần có sự đồng bộ, giảm chi phí đầu tư để giảm mức phí lưu thông - yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của chúng ta”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

 

Ngày 30/9/2015, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố báo cáo về Chỉ số cạnh tranh giai đoạn 2015 - 2016 thực hiện tại 140 nước cho thấy: Vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu là 56 (giai đoạn 2014 -2015 là 68). Trong đó, chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2015 - 2016 tăng 9 bậc, đứng ở vị trí 67 so với vị trí thứ 76 giai đoạn 2014 - 2015.

 

Cụ thể: Chỉ số cạnh tranh về chất lượng đường bộ giai đoạn 2015 - 2016 đứng thứ 93, tăng 11 bậc (giai đoạn 2014 - 2015 đứng thứ 104); Chất lượng đường sắt giai đoạn 2015 - 2016 đứng thứ 48, tăng 4 bậc (giai đoạn 2014-2015 đứng thứ 52); Chất lượng cảng đứng thứ 76, tăng 12 bậc (giai đoạn 2014-2015 đứng thứ 88); Chất lượng hàng không đứng thứ 75, tăng 12 bậc (giai đoạn 2014-2015 đứng thứ 87).

 

So sánh mức tăng chỉ số cạnh tranh cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam so với các nước lớn trong khu vực châu Á như: Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia... có thể thấy chỉ số của Việt Nam tăng đột phá. Chẳng hạn, Trung Quốc và Indonesia vẫn giữ nguyên vị trí, Malaysia tăng 1 bậc; Singapore bị hạ 1 bậc.