10 Sự kiện vấn đề về GTVT năm 2015 được xã hội quan tâm

2016/1/27 16:7 - Nguồn : CHU ĐỨC SOÀN

Với mục tiêu phát triển bền vững, từng bước đưa ngành đường sắt đi lên hiện đại và cũng là để xây dựng hình ảnh thân thiện và tốt đẹp của người dân về ngành đường sắt, ngày 28/1/2015, Công ty Vận tải hành khách Sài Gòn, đã đưa vào khai thác dịch vụ tàu Bắc - Nam, đạt tiêu chuẩn 5 sao, tương với đương dịch vụ hàng không. Đoàn tàu này xuất phát từ Hà Nội lúc 22h tối, tàu chạy hành trình 31 giờ vào đến ga Sài Gòn lúc 5h30 sáng. Tàu gồm 13 toa, trong đó có 11 toa hành khách và 2 toa phục vụ. Mỗi ngày có 2 chuyến xuất phát từ hai đầu Sài Gòn và Hà Nội. Dù được nâng cấp, nhưng giá vé SE3 không thay đổi so với tàu thường.

 

Doanh nghiệp này đã đầu tư 83 tỷ đồng để nâng cấp đôi tàu Thống Nhất SE3 và SE4 có tuổi đời 16 năm trở thành đôi tàu có các thiết bị, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn “5 sao”. Hai tàu này được phân thành các toa ngồi, nằm khác nhau, trong đó toa ngồi mềm điều hòa có giá vé 1,2 triệu đồng. Toa giường nằm có giá vé 1,5 triệu đồng.

 

Cao cấp nhất là toa xe 4 giường nằm, sức chứa 28 hành khách với giá vé là 1,7 triệuđồng/người. Đến cuối tháng 5, VNR lại tiếp tục đưa vào khai thác đoàn tàu khách chất lượng cao trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn).

 

Hằng ngày, sẽ có 4 chuyến tàu mang số hiệu HĐR1/2 và HĐR3/4 chạy Hà Nội - Đồng Đăng với thời gian chạy tàu chỉ 3 giờ 35 phút, rút ngắn gần 3 giờ so với tàu ĐĐ3/4 vẫn chạy trên tuyến. Tàu sẽ đón, trả khách tại các ga Gia Lâm, Bắc Giang, Lạng Sơn, Đồng Đăng. Vào các dịp cao điểm, trên cơ sở nhu cầu hành khách, công ty sẽ nối thêm toa phục vụ và đỗ thêm các ga Bắc Lệ, Bắc Ninh

 

Đây là đoàn tàu sử dụng toa xe Hàn Quốc, khổ đường 1.435mm, lắp điều hòa. Nội thất, trang thiết bị được làm bằng những vật liệu cao cấp, thiết kế hợp lý, rộng rãi, tạo cảm giác thoải mái cho hành khách. Trên các toa xe có lắp màn hình LCD phát các chương trình giải trí. Ngoài ra, đoàn tàu còn có 1 toa xe hàng ăn phục vụ ăn nhẹ và giải khát. Giá vé cao nhất tàu khách nhanh chất lượng cao tuyến Gia Lâm - Đồng Đăng là 105.000 đồng/vé. Không chỉ nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên các đoàn tàu, tập trung vào các đôi tàu Bắc - Nam.

 

Từ ngày 1/9/2015, TCT Đường sắt Việt Nam lại chính thức đưa ra phương thức bán vé tàu trên mạng điện tử. Thông qua bán vé qua mạng, hành khách có thể tự in vé tàu mọi lúc, mọi nơi và tra tìm, in hóa đơn điện tử. Theo số liệu thống kê, chỉ 2 ngày đầu triển khai, số vé bán tại cửa vé theo hình thức mới lên tới 56.500 vé. Nhiều hành khách cảm thấy thú vị xen lẫn bỡ ngỡ khi lần đầu tiên sử dụng công nghệ bán vé mới của ngành Đường sắt. Đa phần hành khách nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của nhân viên bán vé về hình thức mua vé mới và cách lấy hóa đơn điện tử. Hình thức bán vé mới rất thuận lợi, hành khách không phải ra ga mất thời gian chờ đợi in vé như trước, chẳng may khách làm hỏng, làm mất thẻ lên tàu, nhà ga vẫn có thể in lại để khách đi tàu. Hóa đơn được lưu rồi nên vẫn thanh toán được.

 

Khởi động việc chuyển nhượng sân bay, cảng biển, đường cao tốc và TCT

 

Tại Hội nghị sơ kết công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức vào ngày 26/3/2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT được lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để bán trọn gói cổ phần, một số sân bay, cảng biển và TCT và đến cuối tháng 4 Thủ tướng chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng Đề án cho thuê, nhượng quyền khai thác các dự án hạ tầng giao thông. Chủ trương này được hình thành từ năm 2014 khi có một số động thái mới liên quan đến cổ phần hóa, tư nhân hóa quyền sở hữu và khai thác cơ sở hạ tầng giao thông, vận tải như cảng biển, sân bay và đường cao tốc. Cụ thể là vào đầu năm 2014, cao tốc Sài Gòn - Trung Lương đã thực hiện việc chuyển nhượng bán quyền thu phí 2000 tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm cho Công ty TNHH Yên Khánh. Bởi vậy năm 2015, xu hướng huy động vốn tư nhân vào việc xây dựng, khai thác và quản lý hạ tầng giao thông vận tải tiếp tục được kỳ vọng sẽ có bước chuyển biến mạnh hơn khi Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ra đời ngày 14/2/2015. Sau đó đã có một bộ phận lớn nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để mắt đến các công trình hạ tầng cơ sở giao thông của Việt Nam chủ yếu vì họ nhìn thấy tiềm năng phát triển, sau khi rót thêm vốn, trang bị mô hình quản lý hiện đại..., nhờ đó sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn trong tương lai Trong đó đáng chú ý là các hãnh hàng không Việt Nam như: Vietnam Airlines, Vietjet Air và Jetstar Pacifice Airlines sốt sắng đề nghị mua lại hay nhận quyền khai thác sân bay và nhà ga ở Nội Bài, Phú Quốc và Đà Nẵng. Các tập đoàn tập đoàn tư nhân ngoài ngành như: Vingroup hay T&T cũng tỏ ra quyết liệt không kém khi đề nghị mua lại cả sân bay và cảng biển. Việc chuyển nhượng, thuê hoặc bán trọn lô cổ phần như trên hiện đã được Chính phủ cho phép thực hiện với Cảng Quảng Ninh và Bộ GTVT đang xin chờ ý kiến của Thủ tướng với cảng Hải Phòng và Sài Gòn Hiện tại Tổng Công ty đầu tư phát triển cao tốc VN (VEC) cũng đang xây dựng phương án chuyển nhượng quyền khai thác thu phí cho 5 tuyến cao tốc khác khoảng 5 tỷ đô, nhằm giảm nhẹ gánh nặng vốn đầu tư từ nguồn Ngân sách Nhà nước. Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vừa mới khánh thành cũng đang được nhà đầu tư thúc đẩy tiến độ nhượng quyền khai thác, thu phí tuyến cao tốc trên cho nhà đầu tư Ấn Độ. Theo Bộ GTVT, một trong những hình thức kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư kết cấu hạ tầng là hình thức chuyển nhượng quyền khai thác. Nhà đầu tư có trách nhiệm tổ chức đảm bảo hoạt động vận hành khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng, kinh doanh các dịch vụ kèm theo. Về nguyên tắc chuyển nhượng, Nhà nước nắm giữ quyền điều hành trong các hoạt động thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước. Ngoài đề xuất bán trọn gói, Bộ Giao thông còn muốn mạnh tay bán hết cổ phần tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ vai trò chi phối, như tại các doanh nghiệp xây dựng, vận tải thủy. Trước mắt là tại Tổng công ty Công nghiệp ôtô, các Tổng công ty Công trình giao thông 5 và 6. Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu vốn cho các dự án do Bộ GTVT trực tiếp quản lý là rất lớn, khoảng trên 1.000 tỉ đồng. Nhưng khả năng ngân sách và các nguồn vốn có gốc ngân sách chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Do vậy việc đa dạng hóa hình thức đầu tư, kêu gọi tư nhân là giải pháp cấp bách của Chính phủ và ngành GTVT.

 

Từ 2015 cấp đổi giấy phép lái xe qua mạng điện tử trên toàn quốc

 

Từ tháng 6/2015, các tỉnh, thành phố trên cả nước bắt đầu áp dụng hình thức cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) từ thẻ giấy sang thẻ nhựa PET qua mạng. Để triển khai đồng bộ việc cấp đổi GPLX qua mạng điện tử, ngay từ cuối năm 2014 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với phía FPT thiết lập hệ thống phần mềm và ngay sau khi hoàn thiện hệ thống, từ tháng 11/2014 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thí điểm cấp đổi GPLX qua mạng ngay tại Tổng cục. Qua đây, kết quả thí điểm cấp đổi GPLX qua mạng sẽ được đánh giá, hiệu chỉnh. Đến tháng 1/2015 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã triển khai phầm mềm cấp đổi GPLX qua mạng tới tất cả các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố để chính thức áp dụng hệ thống trên toàn quốc. Như vậy từ khi hệ thống cấp đổi GPLX qua mạng đi vào vận hành, người dân có nhu cầu cấp đổi GPLX, chỉ cần đăng ký, gửi các thông tin qua mạng điện tử. Khi hoàn thiện đúng theo quy định, người dân sẽ nhận được lịch hẹn của cơ quan cấp đổi GPLX. Đến ngày hẹn, người đăng ký cấp đổi GPLX chỉ đến chụp ảnh, đối chiếu hồ sơ và nhận GPLX. Trước đây thời hạn cấp đổi GPLX là không quá 5 ngày và người dân vẫn phải mất ít nhất 2 lần đi lại tới cơ quan cấp đổi GPLX. Khi áp dụng cấp đổi GPLX qua mạng, hiệu quả nhìn thấy là người dân chỉ phải đến cơ quan cấp đổi GPLX 1 lần theo lịch hẹn và chỉ sau 1-2 tiếng là đã nhận được GPLX mới. Dich vụ công Đổi giấy phép lái xe tạo thuận lợi cho người dân đăng ký, kê khai thông tin qua mạng, được chủ động đăng ký thời gian đến đổi GPLX tại cơ quan quản lý. Trước đây, nếu đổi giấy lái phép lái xe theo kiểu truyền thống, người dân phải đi lại nhiều lần, mất khoảng 5 - 6 ngày chờ đợi. Bây giờ chậm nhất sau 03 ngày đăng ký trên trang thông tin điện tử, nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được sắp xếp lịch hẹn và thông báo đến người đăng ký qua hộp thư điện tử hoặc tin nhắn điện thoại; nếu hồ sơ không hợp lệ người đăng ký cũng được thông báo rõ lý do.

 

Riêng sở Giao thông vận tải Hà Nội, khi triển khai thí điểm cấp, đổi giấy phép lái xe qua mạng tại địa chỉ số 2 Phùng Hưng, Hà Đông vào đầu tháng 4/ 2015, người dân đăng ký thông tin qua mạng, chỉ mất 2 tiếng sau khi hoàn thành thủ tục sẽ được cấp giấy phép lái xe mới.

 

Quốc hội thông qua chủ trương xây sân bay Long Thành

 

Ngày 25/6/2015 với 86,64% phiếu thuận, trong tổng số 461 đại biểu Quốc hội tham gia bỏ phiếu (chiếm 93% tổng số đại biểu nhiệm kỳ này), Quốc hội đã thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành tại tỉnh Đồng Nai. Trước đó vào ngày 4/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, đã thay mặt Chính phủ báo cáo chủ trương đầu tư dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành để Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp. Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), được đánh giá là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực, góp phần giảm tải và thay thế dần sân bay Tân Sơn Nhất. Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn I là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến phát biểu tại hội trường và gửi ý kiến tham gia bằng văn bản đều tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Một số ý kiến còn đề nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm đưa vào khai thác.

 

Đại lễ kỷ niệm ngày truyền thống và đại hội TĐYN ngành GTVT

 

Ngày 22/8/2015 Bộ GTVT đã tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội thi đua yêu nước ngành GTVT. Trong diễn văn chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Tuyên cáo của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Giao thông công chính. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 41, chuyển giao Nha Giao thông từ chính quyền cũ của thực dân Pháp, sang Bộ Giao thông công chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc hoàn thiện bộ máy của ngành Giao thông, là bằng chứng cho thấy Đảng và Nhà nước ta, ngay từ đầu, đã đặc biệt ưu tiên cho sự nghiệp phát triển giao thông vận tải. Bởi vì như chính Hồ Chủ tịch đã nói: “Giao thông là mạch máu của tổ chức. Giao thông tốt thì mọi việc dễ dàng. Giao thông xấu thì các việc đình trệ”. Kể từ thời điểm lịch sử ấy, ngành GTVT bắt đầu một cuộc hành trình đầy gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và đã góp phần không nhỏ để quân và dân ta lập hòa bình ở miền Bắc năm 1954 và đánh bại quân Mỹ, ngụy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Bước vào thời kỳ đất nước Đổi mới và Hội nhập, ngành GTVT đã có một cơ hội lớn, tập trung trí tuệ, nhân lực, thu hút các ngồn vốn đầu tư tham gia xây dựng nhiều công trình giao thông có quy mô hiện đại, để lớn mạnh khi được xác định là một trong ba khâu đột phá phát triển, mang tính mở đường và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những công trình đó đã góp phần rất lớn cho công cuộc xây dựng và bảo đảm bảo an ninh - quốc phòng và đưa nước ta từ vị trí 103, lên vị trí 74 (tăng 16 bậc so với năm 2012 và 29 bậc so với năm 2010) về năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2014. Hệ thống giao thông Việt Nam từ chỗ biệt lập, manh mún, giờ đây đã có thể tự tin kết nối với khu vực và thế giới, thậm chí nhiều lĩnh vực còn có mức độ tăng trưởng hàng đầu trên nhiều lĩnh vực. Tại buổi lễ, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành GTVT hãy đồng tâm hiệp lực, cùng nhau dấn thân, cùng nhau tận hiến, cùng nhau hăng hái thi đua yêu nước, nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển ngành Giao thông vận tải đi trước một bước theo hướng đồng bộ, hiện đại, với mục tiêu chung “Phát huy truyền thống 70 năm đi trước mở đường, tiếp tục đổi mới, quyết liệt cải cách, vì sự hài lòng hơn của người dân và doanh nghiệp”, góp phần cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Đảng.

 

Khánh thành cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang

 

Ngày 22/11 tại Nam Định, Bộ GTVT tổ chức khánh thành cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang thuộc Dự án WB6. Dự án được đầu tư xây dựng hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc trên phạm vi 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ với tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Trong đó, vốn vay của Ngân hàng Thế giới 170 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 30 triệu USD. Công trình có ý nghĩa quan trọng giúp cho các tàu công suất lớn có thể tiếp cận được với đường thủy nội địa 24/24 trong suốt quanh năm. Cửa Lạch Giang được đầu tư xây dựng cải tạo đã giải quyết được vấn đề tồn tại từ nhiều năm nay là các tàu có trọng tải lớn hơn 600T không thể đi qua; mở ra một cửa ngõ giao thông quan trọng, giúp cho các tàu pha sông biển (1000T - 3000T) có thể vào sâu trong đất liền dẫn đến giảm chi phí vận chuyển, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường, từ đó góp phần phát triển bền vững khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Sau khi đưa vào khai thác, cụm công trình này cho phép tàu pha sông biển có trọng tải 1.000 tấn đi sâu vào đất liền đến các cảng trên sông Hồng và 2.000 - 3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ và cảng Ninh Phúc. Đây là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển kinh tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ . Dự án công trình luồng qua cửa Lạch Giang ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến hành lang đường thủy chính, các cảng sông và bến khách ngang sông thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ nhằm nâng cao năng lực, tính hiệu quả và an toàn cho hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức; đồng thời góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và từng bước nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

 

Lắp 400 Camera ở nhiều tuyến đường phố Hà Nội để... phạt nguội

 

Bắt đầu từ ngày 1/12/2015 Công an Hà Nội sẽ bắt đầu xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh camera ghi lại. Tất cả các phương tiện, trong đó có cả ô tô, xe máy, xe đạp điện nếu vi phạm đều bị xử lý theo quy định. Hiện Công an Hà Nội đã trang bị khoảng 400 camera giao thông tại hầu hết các tuyến đường trọng điểm trong khu vực nội thành. Với hệ thống này, Công an Hà Nội có thể nắm được tình hình giao thông, đô thị trên địa bàn, đồng thời ghi hình các vi phạm giao thông để xử lý. Từ hình ảnh phương tiện vi phạm Luật Giao thông mà camera ghi lại, lực lượng CSGT sẽ linh động áp dụng hai hình thức xử phạt, phạt tại chỗ hoặc gửi giấy thông báo về nhà chủ phương tiện và mời lên trụ sở để giải quyết. Ngoài việc gửi thông báo đến chủ phương tiện vi phạm, lực lượng CSGT còn kết hợp với việc xử lý ngay tại đường. Ngoài ra, Phòng CSGT cũng sẽ kết hợp với cơ quan đăng kiểm, các đơn vị nghiệp vụ khác để xác minh ai là chủ xe, ai là người điều khiển xe vi phạm để có biện pháp xử lý. Trong năm 2016 Phòng CSGT Hà Nội sẽ tiếp tục trang bị lắp đặt thêm camera tại một số khu vực trọng điểm trong nhiều khu vực nội thành và ngoại Hà Nội, để tăng cường việc xử lý vi phạm thông qua hình ảnh, góp phần làm giảm thiểu nguy cơ tai nạn và các vi phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông đô thị.

 

Sàn giao dịch vận tải đầu tiên tại Việt Nam lên mạng

 

Ngày 3/12/2015, sàn giao dịch vận tải (SGDVT) đầu tiên tại Việt Nam lên mạng. Đây là sự nỗ lực rất lớn của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam bởi chỉ sau một năm thực hiện, SGDVT đã có thể đưa vào sử dụng. Ngành GTVT đang quyết liệt tái cơ cấu, trong đó có lĩnh vực vận tải với mục tiêu giảm chi phí vận tải. Hiện chi phí logistic của chúng ta đang cao hơn so với các nước trong khu vực, chiếm tới 20% GDP. Với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc xây dựng SGDVT, chúng ta hy vọng có thể làm giảm chi phí vận tải, đưa giá cước về đúng chi phí thực tế, giúp tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Mục đích của SGDVT hàng hóa là tạo môi trường để các đơn vị kinh doanh vận tải đăng tải, giới thiệu năng lực của mình và nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng để vận chuyển. Các chủ hàng đăng tải nhu cầu vận tải, tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị vận tải đáp ứng nhu cầu và có giá cước thấp nhất. Đây cũng là nơi để các công ty logistic nghiên cứu nhu cầu vận tải, kết nối với chủ hàng để tổ chức kết nối các phương thức vận tải và các dịch vụ khác trong quá trình vận tải. Mặt khác thông qua hoạt động của các SGDVT, người làm tổ chức vận tải sẽ phát hiện các quy luật của các luồng hàng đi, hàng về trên các hành lang vận tải để có tỷ lệ hàng hai chiều cao nhất, sử dụng các phương thức vận tải tối ưu và giá cước hợp lý, công khai minh bạch nhất. Từ đó, mang lại hiệu quả cho các đơn vị kinh doanh vận tải. Để SGDVT hoạt động hiệu quả, các cơ quan của Bộ và Tổng cục Đường bộ VN đã và đang phối hợp cùng Công ty TNHH Vinh Hiển tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các phần mềm, cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để sàn hoạt động đúng quy định. Bên cạnh đó cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi, kết nối với các loại hình vận tải khác để nâng cao hiệu quả của SGDVT, vì chính lợi ích của doanh nghiệp, giảm thiểu tác động môi trường và tai nạn giao thông. Đặc biệt cần lắng nghe, tiếp tục cải tiến SGDVT để đây thực sự là ứng dụng hữu ích cho công tác quản lý nhà nước và tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

 

Hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

 

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng chiều dài 105km, dó Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - chủ đầu tư dự án với tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD). Dự án đi qua 4 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đã chính thức được thông xe vào chiều ngày 5/12/2015. Việc đầu tư dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng khác như cảng biển, sân bay và các quần thể du lịch, thúc đẩy giao thương, du lịch, dịch vụ và sản xuất trong khu vực phát triển. Theo đó, tuyến đường cao tốc này sẽ giảm tải cho Quốc lộ 5, giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí xăng dầu cho các phương tiện vận tải lưu hành từ Hà Nội đến Hải Phòng đồng thời đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc cho các phương tiện vận tải lưu thông trên tuyến, kết nối kinh tế - xã hội với các vùng phía Bắc, trong đó trọng điểm là đồng bằng sông Hồng và sôngThái Bình. Sau bảy năm thi công với nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn và thử thách và hơn 47.000 hộ đồng bào trong vùng nơi dự án đi qua đã chấp nhận tái định cư, bàn giao đất mặt bằng để các nhà thầu có thể thi công xây dựng tuyến đường này. Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có vị trí quan trọng trong hệ thống đường cao tốc nước ta, cùng với các tuyến đường cao tốc tại Đồng bằng Bắc Bộ là xung lực, khâu đột phá để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của khu vực và là một thể hiện sinh động của việc thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng của nước ta trong thế kỷ 21.