Nhựa đường pha lốp xe tái chế có thể chống lún mặt đường
2013/8/29 21:53 - Nguồn : Báo Giao thông
Xin chào ngài Serji! Chúng tôi được biết ngài là một trong những giáo sư hàng đầu về công nghệ nhựa đường, những dự án của ngài được áp dụng trên khắp nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Ngài vui lòng chia sẻ về những ưu điểm và những tính năng đặc biệt về công nghệ nhựa đường cao su do ngài nghiên cứu và đang được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới?
Nhựa đường cao su (Rubberized Asphalt) đã được nghiên cứu vào đầu năm 1960 và được thử nghiệm tại Arizona từ năm 1964. Hiện nay nhựa đường cao su được sử dụng rộng rãi toàn Hoa Kỳ vì ngoài việc tăng cao chất lượng nhựa đường, giảm giá thành so với những loại nhựa đường cao cấp còn giải quyết được vấn đề môi trường bằng cách tái tạo vỏ lốp xe cũ để làm nguyên liệu trong công nghệ này .
Sau hơn 30 năm sử dụng, mặt nhựa của cầu Thăng Long đã xuống cấp và được các cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành sửa chữa toàn diện, trong đó có thảm lại mặt đường. Tuy nhiên, do kết cấu của cầu Thăng Long rất phức tạp, nên nay tình trạng lún, nứt vẫn diễn ra. Là một chuyên gia hàng đầu về nhựa mặt đường trên thế giới, ông đánh giá thế nào về điều này?
Trong điều kiện bình thường, hầu hết các cây cầu đều chỉ sử dụng vật liệu bề mặt như các con đường thông thường. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chẳng hạn do bề mặt, hoặc kết cấu quá phức tạp nên việc thảm mặt cầu cần phải tiến hành một cách cẩn trọng nhất có thể. Lựa chọn nguyên vật liệu, các thiết bị xây dựng và quá trình tiến hành phải hết sức cẩn trọng, công phu.
Nếu chọn đúng nguyên vật liệu và quá trình xây dựng được tiến hành theo quy trình được quản lý nghiêm ngặt, tôi tin rằng mặt cầu Thăng Long sẽ được xử lý ổn thỏa, dù lưu lượng giao thông lớn.
Ba nguyên nhân gây lún
Thời gian gần đây, QL1 tại Việt Nam và một số tuyến đường khác xảy ra tình trạng lún theo vệt bánh xe, gây mất ATGT và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông của các phương tiện. Theo ông đâu là nguyên nhân chính gây ra việc trồi, lún trên?
Trên thế giới hiện tồn tại 2 loại lún mặt đường chủ yếu, đó là: Lún hỗn hợp và lún nền đường. Lún hỗn hợp xuất phát chủ yếu do công tác đầm, gia tải hoặc khi trộn hỗn hợp không tốt. Loại lún này thì nền đường thường không bị lún mà chỉ lún bề mặt là do trọng tải nặng gây ra. Trường hợp này, bề mặt bị lún và do đó, mặt đường bị lõm xuống.
Có 3 nguyên nhân chính gây ra lún có thể kể tới. Trước hết là do việc thi công ép các hỗn hợp nhựa đường không hiệu quả trong quá trình xây dựng; Thứ hai do kết cấu bề mặt không phù hợp. Và thứ ba là công tác pha trộn thành phần nhựa không phù hợp. Kể cả việc cho quá nhiều nhựa cường độ cao, nguyên vật liệu tốt, nhưng kết hợp không phù hợp như thiếu độ cứng cũng có thể gây ra lún.
Trong khi chất lượng nhựa đường nhập khẩu chưa kiểm soát được, nhựa polymer và các loại nhựa cường độ cao lại có giá thành rất cao, ông có đề xuất giải pháp công nghệ hay loại nhựa nào thích hợp để áp dụng rộng rãi tại Việt Nam, nhằm giải quyết vấn đề về lún, nứt đường không?
Mặc dù các loại nhựa đường polymer có thể khá đắt, nhưng nếu pha trộn với tỷ lệ phù hợp sẽ mang lại hiệu quả tối đa. Và khi xem xét khía cạnh chi phí vòng đời của bề mặt đường thì lợi ích kinh tế có khi còn lớn hơn cả các loại nhựa thông thường.
Tuy nhiên, nhiều vật liệu và cấu trúc phù hợp cần phải được sử dụng kết hợp nhằm kéo dài vòng đời của bề mặt đường. Một cách khác để hạ chi phí nguyên vật liệu và chi phí vòng đời của nhựa đường là việc sử dụng vật liệu từ vụn cao su.
Hiệu quả từ nhựa đường pha Vỏ lốp
Được biết ông là người đang nắm giữ công nghệ làm nhựa đường có pha chế với vỏ lốp xe để tạo nhựa đường chất lượng tương đương với polymer nhưng giá thành thấp hơn nhựa polymer rất nhiều, công nghệ này đã được triển khai ở những nước nào, thực tế hiệu quả ra sao?
Gần 25 năm nghiên cứu các nguyên vật liệu cao su vụn để bổ trợ cho nhựa đường, tôi có thể khẳng định, nhựa đường tráng cao su có thể mang lại một bề mặt đường tốt hơn nhiều các loại vật liệu khác trên thị trường. Tuy nhiên, các thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào và quy trình công nghệ xây dựng phải được tuân thủ một cách hết sức gắt gao. Thực tế đã chứng minh, loại nhựa này đã được sử dụng tại Mỹ hơn 40 năm và mang lại thành công rất to lớn.
Nghiên cứu của riêng tôi trong 25 năm cho thấy, hiệu quả của nhựa tráng cao su rất đáng chú ý. Các nghiên cứu khác trên thế giới, trong đó có Cục Quản lý đường cao tốc liên bang Mỹ cũng cho thấy kết quả tương tự.
Tôi tin rằng Việt Nam có thể hưởng lợi rất nhiều từ việc sử dụng vật liệu nhựa đường tráng cao su. Công nghệ và chuyên môn phù hợp có thể mang lại hiệu quả cho quá trình này. Và để việc thực hiện thành công, một lần nữa tôi khẳng định là phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, theo rất nhiều bước, từ trang thiết bị, đào tạo chuyển giao công nghệ cho các bên liên quan, lựa chọn nguyên vật liệu (độ kết dính, vụn cao su, cốt liệu bê tông), thiết kế trộn nhựa đường, áp dụng công nghệ xây dựng, hệ thống thoát nước, chi tiết kỹ thuật, đến việc kiểm soát chất lượng và cam kết tất cả các bên liên quan đều phải phù hợp và chặt chẽ.
Vậy thưa ông, phía Việt Nam có lời đề nghị ông chuyển giao hoặc hợp tác trong chương trình này, ông nghĩ sao?
(Cười to)... Cảm ơn bạn, tôi trả lời chân thành nhé. Nếu được Chính phủ và Bộ GTVT quan tâm cũng như mong muốn hợp tác, tôi nghĩ không có lý do gì để từ chối lời đề nghị cao cả và tốt đẹp này. Gần 30 năm nghiên cứu và gắn bó với công việc này, tôi nhận ra, một quốc gia hay một lãnh thổ có được đường sá và giao thông tốt thì không những kinh tế phát triển mạnh mà còn phát triển cả văn hóa, xã hội và con người. Cầu mong cho đất nước bạn được phồn vinh và hạnh phúc.
Cảm ơn ông!
----------------------------------------------------------------------------------
Giáo sư Serji Amirkhanian là đồng Giám đốc của Tổ chức Sáng kiến tái chế Sản phẩm cao su quốc tế (IR2PI) tại Đại học Nevada, Las Vegas (UNLV) và Giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển công nghiệp Phoenix, Las Vegas.
Ngoài ra, ông là giáo sư trợ giảng và Khoa Nghiên cứu tại Đại học bang Arizona (ASU) và UNLV. Ông đã tham gia nhiều nghiên cứu và các dự án liên quan đến lĩnh vực nhựa cao su. Nghiên cứu của ông được công bố trong hơn 250 bài tạp chí chuyên đề cùng với hơn 300 bài thuyết trình trên thế giới.