Năm 2016, doanh nghiệp giao thông sẽ được CPH như thế nào?

2016/2/26 15:25

Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường chủ trì cuộc họp.

 

Đường sắt đã CPH 56 doanh nghiệp

 

Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), theo kế hoạch năm 2016, Bộ GTVT sẽ triển khai thực hiện cổ phần hoá (CPH) 24 doanh nghiệp, đơn vị, trong đó bao gồm 14 đơn vị, doanh nghiệp chuyển tiếp từ năm 2015. Cũng trong năm nay, Bộ GTVT tiếp tục thoái vốn Nhà nước tại 51 doanh nghiệp, dự kiến thu về 1.693 tỷ đồng.

 

Phát biểu tại cuộc họp ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, đến nay kế hoạch CPH năm 2015 của Tổng công ty đã xong với toàn bộ 26 đơn vị đã tổ chức Đại hội cổ đông theo kế hoạch. Năm 2016, Tổng công ty chỉ còn một số đơn vị cần thoái vốn. Như vậy đến nay, Tổng công ty đã CPH 56 công ty và nhiệm vụ năm nay là đẩy nhanh việc thoái vốn.

 

Tuy nhiên ông Thành đề xuất giữ một phần vốn nhà nước tại hai mỏ đá, để đảm bảo sự chủ động nguồn vật liệu khi có sự cố cần huy động vật liệu kịp thời.

 

Tại cuộc họp, đại diện Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ (SBIC) cho biết, khó khăn nhất trong việc triển khai CPH tại 8 đơn vị thuộc Tổng công ty là vấn đề xử lý tài chính để không còn âm vốn. Trả lời băn khoăn này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đã yêu cầu Vụ Quản lý doanh nghiệp bố trí một buổi làm việc riêng, tiếp theo đối với SBIC và các bộ, ngành liên quan để đưa ra kế hoạch CPH cụ thể cho các đơn vị này.

 

Theo kế hoạch, năm 2016 sẽ có 5 trung tâm kỹ thuật đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai CPH. Phát biểu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, tài sản của cả 5 trung tâm này chỉ có con người, còn tài sản gần như không có gì. Hơn nữa đây là những đơn vị công ích, hoạt động hoàn toàn độc lập nên không nhất thiết phải CPH.

 

“Nếu CPH thì cũng rất khó khăn, ai sẽ bỏ tiền ra để mua rồi lập công ty cổ phần. Các trung tâm này là đơn vị sự nghiệp, không có biên chế. Nếu chuyển đổi không được thì nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho lĩnh vực đường bộ không còn, trong khi yêu cầu này ngày càng cần thiết. Khi đó có việc gì thì lại chạy lòng vòng chỗ khác. Theo quan điểm của Tổng cục là giữ nguyên, vì không ảnh hưởng gì”, ông Huyện cho biết quan điểm.

 

Về kế hoạch triển khai CPH các bệnh viện, ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế đồng tình với kế hoạch CPH hai bệnh viện GTVT tại Vinh và Đà Nẵng. Tuy nhiên theo ông Triển, cần kéo dãn kế hoạch thực hiện và trước khi làm cần có sự đánh giá về hiệu quả của việc CPH Bệnh viện GTVT TƯ. Đối với các bệnh viện GTVT khác thì nên cân nhắc kỹ.

 

“Khi có thông tin về CPH, tâm tư của cán bộ, CNV tại hai bệnh viện là rất lớn vì đây đều là các đơn vị tự chủ hoàn toàn và có số người đăng ký khám theo diện bảo hiểm y tế rất lớn. Vì thế cần có sự đánh giá về hiệu quả của việc CPH Bệnh viện GTVT TƯ và Nam Thăng Long rồi mới nên làm tiếp với hai bệnh viện Vinh, Đà Nẵng”, ông Triển đề xuất.

 

Xem xét lộ trình cụ thể để CPH các đơn vị, doanh nghiệp

 

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu. Đối với Tổng công ty đường sắt, cần tiếp tục thoái vốn nhưng cần đưa ra giải pháp cụ thể, khả thi để thu hồi vốn, đã thoái là thoái hết luôn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xem xét thoái vốn tại hai đơn vị vận tải. Đặc biệt, cần làm thế nào để đưa được các nhà đầu tư chiến lược vào. Thời gian tới, thậm chí có thể xem xét CPH cả các nhà ga.

 

Đối với việc CPH Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), theo Thứ trưởng, cần chờ kết luận chính thức của Thủ tướng Chính phủ để đưa ra kế hoạch cụ thể.

 

Đối với việc CPH 5 trung tâm kỹ thuật của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Thứ trưởng Trường đề nghị có nghiên cứu lại để xây dựng mô hình tự chủ tài chính và nhà nước có thể quản được nguồn thu ấy cũng như làm rõ được chức năng, nhiệm vụ của các trung tâm này.

 

Đối với việc CPH các bệnh viện, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đề nghị Cục Y tế GTVT xây dựng lộ trình vững chắc để cán bộ, CNV có thể tham gia mua cổ phần và có thể tham gia vào hoạt động của các bệnh viện.

 

Bên cạnh đó, nghiên cứu hướng CPH theo hình thức đầu tư máy móc, thiết bị bệnh viện. Đối với việc CPH Công ty Vận hành và Bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M), Thứ trưởng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) xây dựng lại tiến độ nhưng chậm nhất trước Quý II/2016 phải thực hiện CPH.

 

Theo baogiaothong