Việt Nam và giấc mơ về một nền công nghiệp robot phát triển
2013/9/1 9:51 - Nguồn : Nguyễn Văn Phú
Theo ông Trần Thanh Thủy, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (một bộ phận thuộc Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam đã có những bước tiến mang lại những thành tựu ban đầu cho ngành công nghiệp robot trong vòng 25 năm qua.
Những công trình nghiên cứu về hoạt động của robot được tiến hành từ trước tới nay ở Việt Nam chủ yếu liên quan đến chuyển động học, động lực học, các bộ cảm biến xử lý thông tin, thiết bị truyền động và điều khiển thông minh.
Đặc biệt, trong lĩnh vực điều khiển robot, bên cạnh các phương pháp truyền thống như PID và tính toán động lực, các nhà khoa học Việt Nam cũng tiến hành nghiên cứu theo phương pháp điều khiển thông minh như chuỗi lập luận hoặc thuật toán di truyền. Các công trình nghiên cứu khoa học này đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế hoặc được trình bày tại các hội nghị quốc tế robot.
Tuy nhiên, ông Thủy khẳng định rằng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có một ngành công nghiệp robot thực sự. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện được các sản phẩm robot nhưng họ vẫn phải loay hoay không biết sẽ phát triển theo hướng nào cho phù hợp.
Về mặt lý thuyết, các nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát triển các sản phẩm robot thông minh. Tuy nhiên, họ đang phải đối mặt với quá nhiều rào cản. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật vẫn còn yếu kém và các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, trong khi thị trường vẫn còn nhỏ khiến cho chi phí sản xuất bị đẩy cao hơn.
Vì vậy, ông Thủy cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam nên tập trung vào phát triển robot công nghiệp.
Người Việt Nam được cho là rất thông minh và trí thông minh của họ không hề thua kém so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Điều đó giải thích lý do tại sao tại các cuộc thi Robocon châu Á các đội Việt Nam luôn giành được giải thưởng cao.
Các cuộc thi Robocon quốc gia luôn luôn thu hút một lượng lớn các đội tham gia tranh tài. Điều này thể hiện sự háo hức của sinh viên Việt Nam đối với công nghệ robot. Năm 2002, chỉ có một số đội tham gia nhưng hiện nay số lượng đã lên đến hàng trăm đội đến từ các trường đại học và cao đẳng khác nhau.
Ở Việt Nam, Tosy được biết đến như là một công ty tiên phong trong ngành công nghiệp robot. Tuy phát triển các sản phẩm robot trong bối cảnh các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước vẫn còn yếu kém và nhiều hạn chế trong nghiên cứu khoa học, Tosy ấp ủ kế hoạch đầy tham vọng của họ là “tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp robot với chi phí thấp”.
Một số đối tác nước ngoài, sau khi nhìn thấy các sản phẩm robot công nghiệp của Tosy tại Automatica 2010, đã bày tỏ ý muốn trở thành nhà phân phối của Tosy ở nước ngoài. Điển hình là Motoman, một nhà sản xuất robot công nghiệp của Nhật Bản đã có kế hoạch hợp tác với Tosy để cung cấp sản phẩm robot chi phí thấp cho các thị trường Mỹ và Nhật Bản.
Lợi thế cạnh tranh của Tosy đó chính là chi phí sản xuất thấp. Một sản phẩm robot công nghiệp của Tosy có giá chỉ bằng 1/4 các sản phẩm cùng loại của các công ty khác.
Ông Thủy đồng ý rằng việc phát triển robot chi phí thấp phục vụ sản xuất công nghiệp là hoàn toàn nằm trong tầm tay của Việt Nam. Ông cũng cho biết thêm người Việt Nam có thể thiết kế các phần mềm để điều khiển robot hoặc sản xuất các mạch điện tử, những thiết kế được xem là “linh hồn” của robot.
Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn trong việc sản xuất các “bộ phận cơ thể” của robot, bởi các ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn yếu kém. Vì vậy, ông Thủy cho rằng nền công nghiệp robot sẽ có thể phát triển nếu nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp.