THÀNH TỰU CỔ PHẦN HÓA ĐÁNG MỪNG CỦA NGÀNH GTVT
2016/4/1 10:32 - Nguồn : Nguyễn Hiếu
Phóng viên: Năm 2015 là năm cuối cùng Bộ GTVT thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông có thể cho biết thành tựu của công tác này?
ThS. Vũ Anh Minh: Trong giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua, Bộ GTVT đã triển khai cổ phần hóa 137 doanh nghiệp nhà nước (16 tổng công ty và 121 công ty con, công ty, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ), hoàn thành toàn bộ kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, Bộ GTVT được đánh giá là đơn vị dẫn đầu về việc thực hiện công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, Bộ GTVT cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, Bệnh viện GTVT Trung ương là bệnh viện đầu tiên của cả nước thực hiện thành công chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần.
Phóng viên: Theo ông nguyên nhân nào đã tạo ra sự thành công đó?
ThS. Vũ Anh Minh: Để có được kết quả trên, theo tôi nguyên nhân chính là sự đồng lòng nhất trí từ tập thể lãnh đạo Bộ đến các cơ quan tham mưu và các doanh nghiệp đã tận tâm, quyết liệt, tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, Bộ GTVT đã nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự phối hợp kịp thời của các Bộ, ngành có liên quan.
Phóng viên: Qua theo dõi cổ phần hóa ở các cơ sở, ông có thể cho biết hiệu quả của sự chuyển đổi này?
ThS. Vũ Anh Minh: Kết quả là sau tái cơ cấu, cổ phần hóa, hầu hết các doanh nghiệp thuộc Bộ đã có cải thiện đáng kể hiệu quả sản xuất kinh doanh. So với năm 2013 (thời điểm trước khi cổ phần hóa), năm 2015 tổng tài sản của 11 công ty mẹ - tổng công ty sau cổ phần hóa đạt 104.710 tỷ đồng, tăng 37%; vốn chủ sở hữu đạt 18.218 tỷ đồng, tăng 33%; doanh thu đạt 77.585 tỷ đồng, tăng 9%; nợ phải trả là 86.593 tỷ đồng, tăng 38%; lợi nhuận trước thuế đạt 890 tỷ đồng, tăng gần 300%; thu nhập bình quân của người lao động đạt 9.53 triệu đồng/ người/tháng, tăng 48%.
Các số liệu trên cho thấy toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp và thu nhập người lao động chỉ sau 01 năm cổ phần hóa đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt lợi nhuận tăng rất mạnh trong khi doanh thu tăng không lớn đã khẳng định sau cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã đổi mới quản trị, tăng cường công khai minh bạch, kiểm soát tốt chi phí, nâng cao năng suất lao động.
Như vậy, sau tái cơ cấu, cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã từng bước trở thành những doanh nghiệp mạnh, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng giao thông đã trở thành lực lượng nòng cốt giúp Bộ đột phá thành công, hoàn thành vượt tiến độ những dự án giao thông trọng điểm. Góp phần to lớn để xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả đạt được như trên đã tăng cường củng cố niềm tin người lao động, cán bộ lãnh đạo, các cấp quản lý và toàn xã hội và là minh chứng khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, thực hiện đúng mục tiêu: Huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.
Phóng viên: Trong quá trình cổ phần hóa như vậy, Bộ GTVT đã gặp những khó khăn gì và giải pháp Bộ đã thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ?
ThS. Vũ Anh Minh: Giai đoạn đầu khi tập trung triển khai công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp (năm 2012), Bộ Giao thông vận tải đã gặp không ít khó khăn, cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, tư duy lãnh đạo, người lao động nhiều doanh nghiệp còn e ngại, thị trường tài chính suy giảm, chậm hồi phục, thị trường việc làm còn thiếu. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, Bộ GTVT coi công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong giai đoạn này. Vì vậy, Bộ đã chủ động tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc chủ quan, giảm những khó khăn, vướng mắc mang tính chất khách quan. Nhờ vậy, từng nội dung đã được giải quyết kịp thời.
- Bộ đã chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn về các cơ chế, chính sách để áp dụng trong cả nước.
- Đồng thời huy động các tổ chức chính trị, xã hội vào cuộc để nhằm tuyên truyền, giải thích rõ về chủ trương chính sách, cơ chế, chế độ đãi ngộ, ưu nhược điểm của công tác cổ phần hóa nhằm tạo sự đồng thuật cao từ lãnh đạo đến người lao động.
- Bên cạnh đó, cùng với công tác tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nên đã tạo ra thị trường việc làm rất lớn, góp phần tác động mạnh mẽ đến các nhà đầu tư tham gia làm nhà đầu tư khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp trong ngành.
- Cùng với sự hồi phục của nền kinh tế, khả năng tiếp cận vốn của các nhà đầu tư được thuận lợi đã góp phần quan trọng để công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ thành công.
Như vậy, đến này công tác cổ phần hóa của Bộ GTVT cơ bản không còn vướng mắc lớn, Bộ GTVT luôn xác định công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp là việc làm thường xuyên, tuyệt đối không được thỏa mãn với kết quả đã đạt được mà phải liên tục tái cơ cấu để đổi mới quản trị, công nghệ đối với cả những doanh nghiệp đã cổ phần hóa, thoái vốn nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế.
Phóng viên: Chân thành cám ơn Thạc sĩ đã trả lời câu hỏi của chúng tôi. Chúc sự nghiệp CPH của ngành GTVT đạt kết quả tốt đẹp.