VJEC luôn sẵn sàng vì chất lượng và tiến độ công trình
2016/5/4 16:17 - Nguồn : Trang Trần
Phóng viên Trang Trần đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Ngọc Trung - Phó Tổng Giám đốc thường trực xung quanh vấn đề trên.
Là một trong hai nhà thầu tư vấn giám sát xây dựng tuyến đường nối từ QL2 qua khu công nghiệp Thụy Vân đến đê sông Hồng thuộc địa phận TP Việt Trì, xin ông chia sẻ đôi nét về tiến độ dự án cũng như nỗ lực của VJEC để hoàn thành đúng tiến độ ký kết?
Việc đầu tư xây dựng tại thành phố Việt trì bao gồm nâng cấp và xây mới 3 tuyến đường theo 3 gói thầu VT1, VT2 và VT3, trong đó gói thầu VT3 - “Đường nối từ QL2 qua khu công nghiệp Thụy Vân đến đê sông Hồng” có giá trị xây lắp trên 160 tỷ đồng (87% vốn vay từ ADB) trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 13/8/2014. Là thành viên Lãnh đạo của Liên danh tư vấn giám sát (TVGS), chúng tôi xác định các Nhà thầu là đối tượng trực tiếp làm ra sản phẩm xây dựng, nên ngoài trách nhiệm chính là rà soát hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, chấp thuận biện pháp thi công và giám sát thi công (GSTC) theo chức năng, chúng tôi thường xuyên tư vấn cho Nhà thầu trong các công việc kiểm soát tiến độ và khối lượng thi công từng hạng mục, ưu tiên những hạng mục cần đẩy nhanh tiến độ.
Để kiểm soát được tiến độ thi công, ngay từ khi bắt đầu triển khai dịch vụ TVGS, VJEC đã kiến nghị Ban quản lý dự án (QLDA) yêu cầu từng Nhà thầu căn cứ vào năng lực thực lập biểu tổng tiến độ thi công từng gói thầu trong đó có gói VT3 làm cơ sở để các bên liên quan theo dõi, đánh giá và điều chỉnh để đảm bảo tiến độ chung của toàn bộ hợp phần thuộc dự án.
Bên cạnh đó, hệ thống các biểu mẫu kiểm tra, nghiệm thu công việc, hạng mục công trình, hệ thống quản lý và kiểm soát chất lượng thi công, cơ chế phối hợp quản lý điều hành, giao ban thi công... được TVGS thiết lập và được Ban QLDA phê duyệt làm cơ sở cho các bên thực hiện. Để khắc phục tình trạng chậm tiến độ gói VT3, từ tháng 02/2015 chúng tôi đã rà soát thường xuyên tiến độ từng hạng mục thi công đường nằm trên đất yếu tại Km4+156-Km4+520 theo đó kiến nghị nhà thầu huy động bổ sung nguồn lực máy móc thiết bị, nhân công cần thiết.
Tại các cuộc họp giao ban tuần, các giải pháp xử lý nhằm khôi phục tiến độ đã hoạch định luôn được đề cập. Vì vậy, từ đầu mùa khô năm 2015, Nhà thầu đã bổ sung máy móc, thiết bị và nhân lực, bố trí một số mũi thi công tăng ca để bắt kịp và vượt tiến độ gói thầu trước tết Nguyên Đán năm 2016 để hoàn thành gói thầu trước thời hạn hợp đồng.
Chúng tôi cho rằng việc thi công gói thầu VT3 không bị cản trở bởi bất kỳ lý do nào. Nếu Liên danh Nhà thầu tập trung nguồn lực và thi công liên tục, khả năng gói thầu VT3 được hoàn thành vượt tiến độ hợp đồng là khả thi.
Tại Phú Thọ, VJEC đã và đang có kế hoạch triển khai tiếp cận các dự án ra sao?
Trước mắt, VJEC đang tập trung nguồn lực để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ TVGS cho hợp phần dựán tại thành phố Việt Trì.
Kết quả hoàn thành nhiệm vụ này sẽ được các bên liên quan đánh giá, theo đó là cơ sở để chúng tôi đề xuất với Chủ đầu tư, ADB, WB hoặc một số tổ chức tài trợ quốc tế cho phép được tiếp tục tham dự thầu và triển khai các dịch vụ TVGS và quản lý dự án cho các công trình có quy mô tương tự hoặc lớn hơn trong tương lai ở Phú Thọ và một số tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.
Xin ông chia sẻ đôi nét về những bước đi chiến lược cũng như kỳ vọng của VJEC trong giai đoạn tới?
VJEC là một trong hai thành viên của Liên danh MI-VJEC thực hiện TVGS cho Dự án đầu tư xây dựng đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng theo hình thức BOT với trị giá khoảng hơn 2 tỷ USD cho tuyến đường dài 105,5km, 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc 120km/h. Ngày 05/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã cắt băng khánh thành toàn tuyến. Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước, đây là dự án đạt chuẩn chất lượng cao nhất Việt Nam. Với việc huy động hàng trăm kỹ sư TVGS đa ngành trong và ngoài nước (cầu, đường, địa kỹ thuật, trắc địa, vật liệu, kinh tế, điện...) có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm trong suốt 6 năm vừa qua, các nhân sự của VJEC đã được tích lũy nhiều kinh nghiệm tư vấn GSTC và QLDA theo chuẩn mực khu vực ASEAN.
Vì vậy, việc tiếp tục phát huy năng lực và kinh nghiệm sẵn có kết hợp với đào tạo nâng cao trình độ, năng lực về QLDA và TVGS là chiến lược ưu tiên hàng đầu của chúng tôi để xây dựng VJEC với đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp đạt trình độ khu vựcASEAN.
Song hành với lĩnh vực nêu trên, là một doanh nghiệp có 70% vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản và được sự hỗ trợ nguồn lực đặc biệt từ Trường Đại học xây dựng quốc gia (NUCE), chúng tôi đang thực hiện một số dự án nghiên cứu ứng dụng chuyển giao KHCN tiên tiến, trước mắt tập trung vào hai chuyên đề:
Một là: Nghiên cứu, khảo sát, thiết lập hệ thống quan trắc và cảnh báo rủi ro do sụt trượt đất nhằm ứng phó với thiên tai kết hợp bảo vệ môi trường;
Hai là: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vật liệu bê tông chất lượng siêu cao (UHPC) để xây dựng các cây cầu dân sinh cho vùng sâu, vùng xa hay cầu bộ hành tại các đô thị lớn.
Bằng định hướng chiến lược phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội, duy trì phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp chủ chốt, gìn giữ mối quan hệ chặt chẽ và minh bạch với đối tác, khách hàng và các nhà tài trợ, chúng tôi kỳ vọng dịch vụ tư vấn do VJEC cung cấp sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội làm tiền đề cho sự phát triển bền vững của VJEC tại Việt Nam và mở rộng sang một số nước trong khu vực như Lào, Myanmar trong những năm tới