Người tự nguyện xây 156 cầu cho “người dưng”
2013/9/3 20:10 - Nguồn : Trần Thắng - Tiến Mạnh
Đã có hơn 100 cây cầu cả gỗ lẫn bê tông được “lão nông” này tự thiết kế và cùng mọi người thi công mà không cần công sá. Tinh thần nghĩa hiệp của ông đã góp phần tạo nên một phong trào xây dựng giao thông nông thôn lan tỏa mạnh mẽ tại Đồng Tháp.
Đội xây cầu tình nguyện của ông Mai Văn Đâu tại xã Định Yên,
huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp
Quyết làm cầu sau lần đưa vợ đi đẻ
Lớn lên từ vùng Đồng Tháp Mười rất nhiều kênh rạch, ông Mai Văn Đâu thấu hiểu sự khó khăn trong việc đi lại của người dân. Cái duyên để ông Đâu trở thành thợ cầu xuất phát từ một đêm tháng 2/1981, vợ ông đau bụng chuyển dạ sắp sinh con, phải chuyển xuống bệnh viện huyện Lấp Vò gấp. Nhà chỉ cách bệnh viện hơn chục cây số nhưng do con đường đất lầy lội, lại không có cầu, nên phải đi đường vòng bằng ghe hơn 24km. Trên cả quãng đường trầy trật ấy, ông Đâu thấm thía nỗi khổ của việc thiếu những cây cầu.
Sau lần đó, ông Đâu quyết làm lại con đường trước nhà đàng hoàng hơn. Ông đi đến từng nhà vận động bà con trong xóm cùng nhau làm đường, bắc cầu và được mọi người ủng hộ nhiệt liệt. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, không lâu sau, một con đường trải đá và một cây cầu bắc qua con rạch trước khu làng đã được hoàn thành. Bà con ai nấy phấn khởi, vui mừng. Con đường hoàn thành giúp cho vùng quê của ông Ba Đâu thêm khởi sắc, việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.
Tổ xây cầu không công sá
Cũng từ đó, ông Đâu thường xuyên đến các làng xung quanh vận động người dân góp công, góp sức xây cầu. Vận động được kinh phí, được sự hỗ trợ nhiệt tình của người dân và chính quyền địa phương, ông Đâu bắt đầu xây những cây cầu kiên cố hơn bằng bê tông cốt thép có tải trọng từ 2,5 – 5 tấn. Làm những cây cầu kiên cố sẽ khó và tốn kém hơn, nên ông đề xuất một mô hình “ba nhà” gồm: Nhà nước, nhà đầu tư (là các mạnh thường quân) và nhà thi công. Với mỗi cây cầu như vậy, chính quyền sẽ hỗ trợ 50% kinh phí để mua vật liệu, thiết bị xây cầu, còn lại là tiền đóng góp của nhân dân và tiền tài trợ.
Đặc biệt, toàn bộ phần kinh phí thi công thì Tổ xây dựng cầu xã hội không lấy một đồng. Để duy trì hoạt động, mỗi khi xây cầu, chính quyền cấp xã chỉ cần tổ chức một đội hậu cần lo cơm nước. Tổ xây dựng cầu của ông Đâu đi đến đâu cũng được người dân quý mến. Nhiều hộ dân tự nguyện đến góp sức, mang đồ ăn, thức uống đến động viên thợ cầu. Ông Đâu bảo: “Những cử chỉ như thế đủ thấy tấm lòng của bà con và là sự động viên, khích lệ lớn đối với anh em thợ cầu chúng tôi…”.
Những ngày đầu tập tễnh vào nghề, ông phải đi nhiều nơi để học tập kinh nghiệm, rồi thành lập Tổ bắc cầu xã hội xã Định Yên để huy động nhân công. Ông Bảy Thành - một thành viên đội bắc cầu của ông Đâu kể: “Lúc đầu, Đội chỉ có vài người, hoạt động chủ yếu lòng vòng trong xã. Qua sự vận động của anh Đâu, đội thu hút nhiều người tham gia hơn, đến giờ, được hơn 30 thành viên chính thức thường xuyên làm việc, chưa kể số người làm việc không thường xuyên”. Những cây cầu gỗ, cầu tre, cầu bê tông được xây dựng đã làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Tiếng lành đồn xa, nhiều khu dân cư tìm đến tận nhà ông Đâu đề nghị được giúp xây cầu. Nhiều đêm ông thức trắng để thiết kế những cây cầu sao cho phù hợp với địa vật, địa chất của từng vùng.
Ông Mai Văn Đâu tại Hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu
trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013
“Vì cầu, một bàn tay tôi chỉ còn ba ngón”
Sau bao nhiêu năm đi xây cầu không công, bàn tay phải của ông Đâu giờ chỉ còn lại ba ngón tay, ông kể: “Có lần tôi cùng mấy anh em đi bắc cầu trong huyện, lúc khiêng cây cột bê tông to đùng tôi bị vấp ngã, một số anh em bị thương ở chân, còn tôi dập xương 2 ngón tay, phải tháo khớp. Nghĩ cũng hơi buồn nhưng cây cầu hoàn thành, bà con vui, mình cũng vui lây”. Hơn 30 năm đi xây cầu, ông Đâu chưa một lần từ chối bất cứ lời đề nghị nào của người dân. Cứ nơi đâu cần xây cầu, ông lại vác ba lô lên đường.
Ông Đâu còn lên tận TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp để vận động các mạnh thường quân ủng hộ, hỗ trợ người dân quê xây cầu. Mỗi lần đi, ông đều chụp ảnh những vùng quê đang thiếu cầu, đi lại khó khăn để thuyết trình với nhà tài trợ. Ông bảo: “Các anh cứ đến sẽ thấy các cháu nhỏ đi học, bà con đi lại khó khăn, vất vả thế nào thì sẽ hiểu thôi…”. Nghe những câu chuyện ông kể, những mạnh thường quân hiểu ra nhiều điều, nhưng quan trọng là họ cảm phục tinh thần nghĩa hiệp của ông.
Không chỉ có cầu...
Đến nay, Tổ xây dựng cầu xã hội của ông Đâu đã xây dựng được 86 cầu bê tông và 70 cây cầu gỗ. Với vai trò phụ trách Tổ xây dựng cầu, đường xã Định Yên, ông Mai Văn Đâu tổ chức hoạt động ngày càng hiệu quả. Tổ đã mua sà lan, cần cẩu đóng cọc, máy đầm bê tông, máy đột phá bê tông, máy trộn hồ, máy hàn, máy cắt và sửa sắt… trị giá hơn 700 triệu đồng. Các phương tiện, dụng cụ này bảo đảm thi công các loại cầu bê tông cốt thép dài khoảng 50m, rộng 4m, có tải trọng đến 5 tấn.
Ông Mai Văn Đâu còn vận động hàng chục ngàn lượt người đóng góp ngày công lao động, gạo, tiền cho bệnh nhân nghèo, tham gia phục vụ cơm, cháo, nước tại bệnh viện và chuyển viện cấp cứu; mỗi năm ông sưu tầm từ 40 - 50 tấn thuốc nam ở các tỉnh khác mang về phục vụ miễn phí cho bà con nghèo trong và ngoài xã. Nhờ có tấm lòng trong sáng, hết mình phục vụ mọi người mà không tính công, lại luôn công khai, minh bạch, rõ ràng mỗi khi nhận sự đóng góp của nhân dân, nên mọi người luôn tin yêu quý mến và nhiệt tình ủng hộ việc làm nhân nghĩa của ông.
Đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Định Yên, ông Mai Văn Đâu luôn ra sức cống hiến với phương châm mình vì mọi người, vì lợi ích xã hội, kinh tế - xã hội của địa phương. Mới đây, ông đã được chọn báo cáo tham luận tại hội nghị biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp tỉnh. Nếu có nhiều người như ông, những con kênh, rạch ở Đồng Tháp Mười không còn đáng ngại đến thế.