Cầu Gành - Đồng Nai: NHỚ TIẾC CẦU XƯA XÂY LẠI XỨNG TẦM LỊCH SỬ
2016/6/15 22:44 - Nguồn : KS. VŨ ĐỨC THẮNG
Đó là cầu Gành, tiếng bắc là cầu Ghềnh, hoặc cầu Đồng Nai Lớn. Trong tuổi đời dài hơn thế kỷ, cầu Gành đã trải ba lần suýt chết trong gang tấc mà vẫn còn đứng vững. Sức sống của cây cầu đã in sâu trong ký ức tình cảm tâm linh và hoài niệm của người dân Biên Hòa cùng cả nước.
Cầu Gành trở nên linh thiêng vì vị trí lịch sử và phong thủy cuả nó rất đặc biệt chưa từng thấy trên dòng sông nào ở Việt Nam. Tầu xe ngày nay chỉ cần nửa phút để lướt qua Sông Đồng Nai, nhưng xưa kia tổ tiên ta đã phải dừng lại nhiều năm trên bờ bắc để tạo đà vượt sông, tạo dựng nên Trấn Biên Hòa giầu đẹp và Nông Nại Đại Phố nổi tiếng một thời, làm điểm tựa tiến vào khai phá đồng bằng giầu có phía nam. Về phong thủy cầu Ghềnh nằm tại khúc sông có động lực và lưu hướng kỳ lạ chưa đâu thấy, xói lở thắt hẹp đổi dòng bất thường, tạo nên thế đất Cù Lao Phố huyền thoại thăng trầm từ đô hội phồn hoa thành vườn rau bãi mía. Từ trên cao nhìn xuống, mới rõ cả một cánh tuyến đường sắt dài phải đột nhiên uốn khúc vòng quanh để né tránh đoạn sông mà dưới đáy có thần hộ mệnh của Cù Lao Phố, để giữ cho Cầu, Dáng Sông và Cù lao đều không bị xói lở phá hoại qua hơn trăm năm lũ xoáy. Giờ đây đã xây lại cầu mới trẻ khỏe hơn, nhưng ký ức cây cầu cũ vẫn còn lại mãi trong lòng người, gắn chặt quá khứ với hiện tại tương lai.
I. CÂY CẦU SOI BÓNG ĐỒNG NAI - SÔNG DÀI GIẦU CÁ CẢ CƠM
Sông Đồng Nai là hệ thống sông trong nội địa dài nhất Việt Nam, tạo nên một miền châu thổ giầu có, gắn liền với lịch sử khai thác mở mang đất phương nam.Sông bắt nguồn từ Cao Nguyên Lang Biang, phía nam dẫy núi Trường Sơn. Ngày nay du khách tới thăm Đà Lạt, có thể dễ dàng đi xe lên tận đỉnh núi Lang Biang cao +2163m, để ngắm nơi xuất phát của hai nhánh lớn thượng nguồn sông Đồng Nai. Phía Đông Bắc đỉnh Lang Biang, là dẫy núi Hon Giao cao +2010m và đỉnh Gia Rich +1923m có một thung lũng hẹp, từ đó có những giọt nước phải chẩy quanh co về cầu Gành rồi ra Cửa Biển. Đoạn thượng nguồn này có tên là Sông Đa Nhim, chẩy qua thung lũng giữa hai đỉnh Lang Biang cao +2163 và đỉnh Bi Đoup cao +2287m, rồi xuống đập Thủy điện Đa Nhim tại thị trấn Đ’Ran ở phía đông nam Đà Lạt trên cao độ khoảng +1000. Phía Bắc Tây Bắc, có 3 đỉnh cao +1913, +2009, và +1929m là đầu nguồn dòng sông Đăk Dung đổ xuôi về phía nam rồi hợp lưu với sông Đa Nhim tại thác Pông Gua trên cao độ +800 phía tây nam Đà Lạt.
Đoạn thượng nguồn Đồng nai còn có Sông Bé, Đa Huai, La Ngà hợp lại. Một giọt nước rơi xuống đầu nguồn ở cao độ +2287m, nếu được theo đường chim bay chẩy xuống mặt biển vịnh Cam Ranh thì chỉ cách xa chừng 55km. Nhưng thực tế nó phải chẩy uốn mình theo hai bờ sông từ nguồn về cửa biển Gành Rái Cần Giờ, kéo dài đến 586 km. Đó là vì cao nguyên Lang Biang có một gờ núi cao viền theo mép phía đông nam, khiến cho nước rơi trên lòng cao nguyên không thể theo đuờng ngắn đi ra biển cả. Nó bắt buộc phải chảy quanh co trên cao nguyên, hạ thấp cao độ với độ dốc dọc rất lớn, tạo ra nhiều ghềnh thác cao và cảnh quan hoành tráng. Từ cầu Đại Ninh Km256 trên quốc lộ 20, sông Đa Nhim đã xuống cao độ +836m, phải qua thác Pông Gua ở cao độ +800m để hợp lưu với sông Đak Dung, chẩy thêm một vòng cua lớn qua phía tây Cao Nguyên Di Linh, về Rừng Cát Tiên rồi đổi hướng vuông góc về phía đông nam. Đến Tà Lài nó đã thấp xuống đến +100m, bắt đầu từ giã vùng núi cao, tràn xuống bình nguyên rộng lớn. Tới Định Quán, sông Đồng Nai hợp lưu với sông La Ngà ở cao độ +75m rồi về thác Trị An, nay đã thành Hồ thủy điện Trị An. Tiếp đó nó xuống +25m hợp lưu với Sông Bé tại Tân Uyên, rồi lại ngoặt sang Đông Nam về cầu Gành Biên Hòa. Qua Cát Lái, Sông Đồng Nai nhập với Sông Sài Gòn thành Sông Nhà Bè, rồi lại tỏa ra nhiều chi lưu. Chi lưu lớn nhất là sông Lòng Tầu đổ ra Vịnh Gành Rái, và sông Soài Rạp đón thêm sông Vàm Cỏ cùng theo ra vịnh Đồng Tranh Cần Giờ.
Hệ thống sông này chảy qua những vùng sinh thái cảnh quan đặc sắc và thiên nhiên hùng vĩ, tạo thành các miền rừng núi, đồng bằng, đô thị phồn vinh giầu có. Điểm lại hành trình của dòng sông để thấy cả một quá trình đào xới thượng nguồn mãnh liệt, từ cao độ hơn 2000m xuống dốc đến +100 gần Tà Lài, dòng sông đã đem phù sa bồi đắp lên thành đồng bằng mầu mỡ, đồng thời nó cũng đem về xuôi những sản phẩm quý báu của đuờng rừng. Nhờ đó dân số đã phát triển nhanh chóng. Đến năm 2012, lưu vực sông này đã có 16 triệu dân cư trú. Riêng từ nguồn về đến Biên Hòa thì lưu vực sông Đồng Nai rộng 23.500m2 triệu dân. Do dòng sông có độ dốc rất lớn tạo nên nhiều bậc thác rất cao có thể xây dựng nhiều đập thủy điện. Sau thủy điện Đa Nhim đến nay đã có 16 nhà máy thủy điện vận hành với công suất 2480MW. Theo quy hoạch sông này có tới 21 nhà máy thủy điện. Dòng chính Đồng Nai có 11 đập (Đa Nhim, Đại Ninh, Bắc Bình, Đa Dâng, Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đồng Nai 5, Đăk Tik, Đăm Bri, Trị An). Sông La Ngà có 3 đập (Bảo Lộc, Hàm Thuận, ĐaMi). Sông Bé có 4 đập (Thác Mơ, Cần Đơn, Srok PhuMiêng, Phước Hòa). Sau thác nước cuối cùng tại Trị An, dòng sông đã đi vào giai đoạn già nua, uốn khúc mạnh mẽ quanh châu thổ, xói lở rồi lại bồi đắp trên thềm sông cổ xưa của nó. Dòng sông rộng hẹp thất thường, tạo ra nhiều cù lao và bãi cạn rồi nước lũ lên lại xói đi bồi lại. Phía hạ lưu sông là vùng đất đai tươi tốt, sản vật dồi dào, thời xưa vốn là vùng hoang vu bí ẩn, đầy nguy hiểm và bất trắc, để lại dấu ấn hãi hùng trong thành ngữ: “muỗi bay như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”, “dưới sông sấu lội trên bờ cọp um”. Ngày nay, trên lưu vực sông này là những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước với tam giác kinh tế Sài Gòn - Biên Hòa - Vũng Tầu giầu có. Cầu Gành là một gạch nối quan trọng trong tam giác đó.
CẦU GÀNH
II. KẾT NỐI BIÊN HÒA - CÙ LAO PHỐ VÀ SÀI GÒN HUYỀN THOẠI
Trên con đường khai hoang mở cõi, tổ tiên ta đã dừng chân ở bờ bắc, xây dựng nên Trấn Biên Hòa và Nông Nại Đại Phố để từ đó phát triển qua sông. Biên Hòa nằm ở thế đất vượng phát, chuyển tiếp giữa vùng núi cao và đồng bằng rộng mở. Phía Đông Bắc, Biên Hòa tựa lưng vào chân giải Trường Sơn hùng vĩ, phía Tây Nam nhìn ra đồng bằng bồi tích của Sông Vàm Cỏ và Cửu Long. Tới Biên Hòa, sông Đồng Nai đột ngột mở rộng khác thường, tạo nên hình thái kỳ lạ, dẫn đến nhiều truyền thuyết bí ẩn được giải đoán khác nhau.
Thông thường thì các sông chẩy xuống đồng bằng vẫn uốn khúc chia dòng, quanh co lượn xoắn ruột gà. Ngay như sông Sài Gòn cũng nhiều đoạn uốn khúc gần trọn một vòng tạo ra các bán đảo Thanh Đa, Thủ Thiêm, là một ví dụ điển hình. Tại đó dòng sông đem toàn bộ động lực của nó để bồi xói và uốn khúc. Nhưng khi qua Trấn Biên Hòa xưa thì sông Đồng Nai mở rộng bất thường. Chiều rộng sông ở khúc quanh trước đường Huỳnh văn Nghệ là 212m, xuôi xuống 2,5km mở rộng thành 700m, xuôi xuống 1km thu lại còn 500m, xuôi 1,25km mở ra 800m, xuôi tiếp 0,6km thu lại còn 650m để tách thành hai nhánh. Nhánh sông lớn xuôi đến Cầu Gành chỉ còn 235m, sau đó lại to ra. Nhánh sông nhỏ kỳ lạ chảy ngược với dòng sông chính một khúc quanh khá rộng, khiến cho phạm vi 2 nhánh sông phình ra tới 4000m, rồi xuôi xuống 4,4km thì chỉ còn 500m, xuôi tiếp 1,25 km thì thắt lại còn 250m. Hai nhánh ấy tạo thành Cù Lao Phố có hình quả chuông diện tích là 695hecta, chiều dọc sông là 3km, chiều ngang sông là 3,5km. Nhánh nhỏ rộng tới 120m, cho nên đuợc đặt tên riêng là Rạch Cát, còn nhánh chính rộng 240 đến 300m vẫn mang tên là Đồng Nai. Vì sao dòng sông lại quanh co phình ra thắt lại liên tiếp như vậy, có nhiều giải đoán khác nhau về phong thủy tạo thành nhiều huyền thoại bao quanh nó. Đáy sông gần khu vực xây cầu có những bẫy đá ngầm xen với các lớp chất đất khác nhau đã lái cho luồng nước chẩy bất thường gây nên chỗ xói chỗ bồi.
Nhiều khảo sát đo đạc cho thấy phía trước Thành Biên Hòa xưa, ở thượng lưu Cù Lao phố có một gờ đá ngầm như lưng con cá sấu. Đó là mầm mống để tạo nên tại đây một bãi cát ngầm, có thời kỳ nổi cao, có thời kỳ xói sâu được thấy rõ trên các bản đồ đo đạc từng đợt trong thế kỷ qua. Tại đây có cồn Gáo rất lớn giữa sông gần đây đã bị xói mất dấu. Vì các gành đá này lái luồng nước thành hai hướng tạo nên hai dòng chẩy bao bọc cù lao, cho nên có vai trò là thần hộ mệnh cho Cù Lao Phố. Các kỹ sư cầu thời xưa đã nghiên cứu hiểu thấu các động thái của dòng chẩy để chọn vị trí cầu an toàn chắc chắn. Người phóng tuyến tim cầu đã có ý tránh động chạm đến thần hộ mệnh Cù Lao Phố ở thượng lưu. Do đó phải uốn nắn cho đuờng sắt đi vòng một khúc cua khác thường, oằn xuống như cánh võng rất lớn về hạ lưu dòng sông.
Vì vậy mà phải bắc hai cây cầu Rạch Cát, và Cầu Gành cho đường sắt đi qua Cù Lao Phố. Qua hơn một trăm năm cầu Gành cầu Rạch Cát và Cù Lao Phố vẫn ổn định, chứng tỏ vị trí làm cầu là tốt, bảo vệ được cảnh quan môi trường cho Cù Lao Phố tồn tại. Biên Hòa và Cù Lao Phố đã từng có một lịch sử phát triển huy hoàng rất sớm. Theo Đại Nam Nhất thống Chí, đã có nhiều bộ tộc đã khai phá và xây dựng đất Biên Hòa xưa thành một vùng dân cư giầu có.
Di tích Thành Cựu Biên Hòa xây bằng đất đã có từ thế kỷ 14-15. Ngày nay ở trung tâm Biên Hòa xưa còn lại các ngôi chùa Long Thiền xây dựng năm 1664, Đại Giác 1665, Bửu Phong 1679, Long Ẩn 1675, Chùa Ông 1684. Sử cũ còn ghi năm 1679, chúa Nguyễn cho Trần Thượng Xuyên đến Cù Lao Phố khai khẩn vùng đất sa bồi rừng rậm hoang vu tại đây, mở đường sá, dựng nhà cửa, xây phố chợ. Chỉ mươi năm sau, nơi này trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế lớn của vùng đất phương nam, với cái tên Nông Nại Đại Phố. Đại Nam nhất thống chí mô tả: “Trần Thượng Xuyên xây dựng đường phố, lầu quá đôi tầng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội...”.
Trong cuốn Gia Định thành thông chí, mục Xuyên sơn chí, Trịnh Hoài Đức chép về Cù Lao Phố: “Các thuyền ngoại quốc tới nơi này bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ đọng. Đến ngày trở buồm về, gọi là “hồi đường”, chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua dùm. Như thế, khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi...”.
Những mô tả trên đây cho thấy Cù Lao Phố đã là một vùng đô thị phát triển cao về công trình đường phố và đời sống xã hội, trình độ chuyên nghiệp cao về dịch vụ thương mại và hàng hải, là thị tứ giầu có nổi tiếng một thời. Nhiều ngành nghể đã phát triển mạnh như dệt, trồng dâu nuôi tằm, nghề mộc, nghề gốm, làm pháo, trồng mía, ép đường đã tạo ra nhiều sản phẩm nổi tiếng, giao thương với nước ngoài.
Đáng tiếc là năm 1747, một nhóm thương khách nước ngoài thấy cù lao này giầu có đã nổi lòng tham muốn chiếm đoạt, gây nên cuộc bạo loạn do Lý văn Quang cầm đầu, gây nhiều hủy hoại cho Cù Lao Phố. Tiếp đến cuộc giao tranh giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Phúc Ánh năm 1776 và 1777 đã tàn phá bến sông phố phường chợ búa, khiến dân cư lưu tán vào Chợ Lớn, Mỹ Tho để tạo dựng những trung tâm thương mại mới. Từ đó, Cù Lao Phố nhanh chóng suy tàn, phố chợ sầm uất trở thành đồng hoang, dân cư thưa thớt cụm lại trong vài thôn ấp nhỏ. Ngày nay Cù Lao Phố trở thành Xã Hiệp Hòa, một vùng nông thôn thuộc Thành phố Biên Hòa, dân cư thưa thớt, nhà cửa sơ sài, đất đai bạc mầu, nghề phụ còn yếu, tiền thuế không đủ chi. Di tích thời xưa chỉ còn lại trong một số đình chùa đền miếu, và những truyền thuyết linh thiêng về một thời hưng thịnh. Những cây cầu nối Cù Lao Phố với Sài Gòn và Biên Hòa như niềm hy vọng vực dậy huyền thoại lịch sử của đất này. Ngày nay Biên Hòa là Thành phố công nghiệp và tỉnh lỵ của Tỉnh Đồng Nai bao trùm diện tích 284km2, với 1,1 triệu dân với 6 khu công nghiệp hiện đại đồng bộ và 6 cụm công nghiệp truyền thống thủ công mỹ nghệ.
Gần đây, nhiều quy hoạch đã đánh thức tiềm năng vị thế của Cù Lao Phố. Có người muốn vẽ Cù Lao Phố thành một Trung tâm Thương mại Tài chính tầm cỡ thế giới. Nhưng cũng nhều người muốn xây dựng tại đây một không gian xanh, bảo tồn cảnh quan sinh thái, và tôn tạo di tích lịch sử. Cây cầu đường sắt hơn trăm năm nối kết Biên Hòa với Cù Lao Phố và Ga Sài Gòn, cùng với 4 cây cầu đường bộ mới bắc thêm đã tạo ra hành lang mới liên thông với toàn khu vực, tạo tiền đề phát triển hạ tầng cơ sở chuẩn bị cho các bước phát triển mạnh trong thời kỳ mới.
III. CÂY CẦU TRĂM NĂM THÂN THIẾT - GẮN BÓ KÝ ỨC TÌNH NGƯỜI
Năm 1901 Cầu Gành được khởi công cùng với tuyến đuờng sắt Sài Gòn Nha Trang. Cầu dài 238m, phần chính 224m gồm 4 nhip 56m, Cách cầu Gành khoảng 500m là Cầu Rạch Cát dài 125m còn có tên là Cầu Đồng Nai Bé. Tên của Cầu Gành xuất phát ở chỗ có những gành đá dưới đáy sông, sau này được gọi theo giọng Bắc là Cầu Ghềnh, hoặc Cầu Đồng Nai Lớn. Ngày 14/1/1904, cầu Gành và Cầu Rạch Cát khánh thành đã thông xe đường sắt Sài Gòn - Xuân Lộc 77km. Năm 1905 thông tiếp Xuân Lộc - Gia Ray 18km, rồi 1910 thông tiếp Gia Ray - Mường Mán 80km, và 1913 thông xe toàn tuyến Sài Gòn - Nha Trang 411km.
Cầu Gành gồm 4 nhịp dầm vòm thép chiều dài 56m chiều cao 9m có kiểu dáng kiến trúc mỹ quan hài hòa với cảnh đẹp của dòng sông êm đềm soi bóng các hàng dừa xoài và cổ thụ xanh mát của miền đất Đồng Nai. Các trụ cầu đặt trên các nền móng giếng chìm khối lớn, là kiểu móng cầu thông dụng của những năm đầu thế kỷ 19. Kỹ thuật thi công đơn giản, kết hơp máy móc công nghệ của Pháp với nhân lực người thợ Việt Nam. Trụ mố cầu được thi công với chất lượng tốt.
Bấy giờ chưa có xi măng và bê tông cấp cao, theo truyền thuyết thì mố trụ được xây bằng một hợp chất đặc biệt theo kinh nghiệm dân gian, nay vẫn còn nhân chứng vật chứng tại cầu. Qua nhiều trận lũ lịch sử lòng sông xói mòn biến đổi mãnh liệt, nhưng mố trụ vẫn không bị nghiêng lún. Dầm cầu được thiết kế theo kiểu dàn vòm thanh thẳng là thành tựu công nghệ sắt thép tiên tiến của thời kỳ đầu thế kỷ 20, cùng lứa với tháp Ephen Pari và nhiều cầu khác trên thế giới. Dàn thép được thiết kế độc bản cho cầu Ghềnh, có một hình dáng kiến trúc mỹ thuật riêng biệt, được đặt hàng chế tạo từ Pháp chở sang. Dàn thép như hình chiếc lược, có hai thanh đứng thấp ở đầu dầm, khác hẳn các kiểu dàn vòm ở nơi khác có đầu vuốt nhọn. Mỗi dàn có các song đứng chia thành 10 ô đều nhau. Mỗi ô lại có 2 thanh bắt chéo hình chữ X tạo nên ấn tượng tinh tế nhẹ nhàng như những đường thêu đăng ten uyển chuyển. Đó cũng là kiểu hoa văn khác với các sêri cầu khác. Nó cong vồng theo độ uốn của dầm, làm tăng độ cứng và giảm độ võng, tạo ra ấn tượng vững chắc cho người qua cầu. Hai dàn thép hai bên đặt cách nhau 4m20, ở giữa là hệ mặt cầu rộng 3m80 đặt một đường tầu hỏa đi chung với ô tô.
Cấu tạo các thanh dầm cầu gồm nhiều chi tiết bằng sắt hình chữ V cỡ nhỏ và các bản thép mỏng 10mm đến 16mm được nối kết bằng đinh tán (ri-vê) ghép lại. Đinh tán được ghép bằng súc lực thủ công người thợ. Phải dựng những dàn dáo cao đặt các lò nướng đinh đỏ rực. Các tấm ghép khoan lỗ chính xác thẳng hàng gồm các tập thép thông thường từ 3 đến 5 lớp. Người thợ nướng đinh gắp lấy những con đinh vừa chín đỏ, tung lên dàn dáo cao cho người thợ tán đón lấy, tra vào lỗ đinh rồi nhanh tay quai búa tán lại, tạo cho mũ đinh đúng hình dạng chỏm cầu ngay từ lúc đinh còn độ dẻo. Sau đó để nguội, lực ép do co rút ép chặt các lớp thép vào nhau.
Những người thợ Việt Nam vững tay nghề đảm bảo kỹ thuật chất lượng theo đúng những tiêu chuẩn khắt khe. Trên thực tế hàng trăm năm sau cầu vẫn tốt là một thành công đáng nể phục Thời trước năm 1945, do lưu lượng giao thông ít, cầu dùng chung cho tầu hỏa ô tô và cả các xe thô sơ và xe súc vật qua lại. Hai bên cầu là đường khách bộ hành. Dân chúng hàng ngày đi bộ qua cầu, hoặc đi xe thổ mộ do ngựa kéo, có nhạc thay chuông rất vui tai. Các xe trâu xe bò đóng đôi vẫn cho phép lững thững qua cầu. Khi hết lượng xe một chiều thì người gác cầu đóng chắn, mở chiều ngược lại. Tầu hỏa chạy rất đúng giờ, có chuông báo từ ga hai bên cầu để đón tầu qua cầu. Ga phía Bắc là Ga Biên Hòa Km1697. Ga phía Nam là Ga Chợ Đồn Km1702. Cho đến sau năm 1954 thì cầu cấm xe súc vật kéo, chỉ dành cho ô tô đi chung với tầu hỏa cho đến đầu thế kỷ 21. Cầu Rạch Cát cũng có dạng giống cầu Ghềnh, nhưng nhỏ hơn, dùng 3 nhịp dàn thép 41m50, kể cả khe đầu dầm thành 125m. Các dàn thép cũng được thiết kế đồng dạng với cầu Gành như anh em sinh đôi. tạo nên ấn tượng cây cầu vẫn to, cân đối hài hòa. Vì vậy, tuy nhỏ nhưng vẻ đẹp của nó không kém gì cầu lớn.
Từ phía Sài Gòn đi ra bắc qua Thủ Đức, Dĩ An, đoàn tầu sẽ tới đầu cầu Ghềnh trước. Nơi đó xưa kia có ga Chợ Đồn để đón bà con buôn bán đi tầu chợ qua sông. Thời trước dân ta quen đi chân, cho nên vẫn đi bộ để học hành mua bán suốt từ bờ nam qua Cù Lao Phố sang Biên Hòa. Nếu đi tầu từ Bắc vào Sài Gòn, thì sau khi qua ga Biên Hòa chừng hơn cây số, ta sẽ thấy Cầu Rạch Cát trước, lướt qua mỏm đầu của Cù Lao phố là đến Cầu Gành. Nhìn vể cửa sổ bên trái đoàn tầu là toàn cảnh Cù Lao Phố vẫn giữ nguyên vẻ đồng quê Nam Bộ, với bóng dừa xoài bưỏi xanh mát và những mái đình chùa miếu mạo lưu giữ quá khứ lịch sử xa xưa. Hai cầu trên sông Đồng Nai trở thành nhân chứng lịch sử gắn liền với đời sống tình cảm tâm linh và sinh hoạt kinh tế ngày càng thịnh vượng của toàn vùng Biên Hòa và Sài Gòn qua suốt nhiều thế hệ, từ khởi đầu khai hoang lập ấp cho đến ngày nay.
Tầm vóc kiến trúc và chất lượng công trình, tác động bảo vệ môi trừing của nó qua hai thế kỷ hoàn toàn xứng đáng là báu vật được giữ gìn và bảo vệ để tồn tại lâu dài...
Hết phần 1
Xin xem tiếp phần 2:
IV. BA LẦN HIỂM NGUY SUÝT CHẾT - VẪN CÒN GIỮ ĐƯỢC VỮNG VÀNG
V. TAI NẠN THẢM KHỐC CUỐI CÙNG - CƯỚP MẤT CÂY CẦU LỊCH SỬ
VI. TẬP TRUNG THI CÔNG THẦN TỐC - XÂY LẠI CẦU MỚI XỨNG TẦM.