Tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của hoạt động KHCN trong ngành GTVT
2016/6/22 10:19 - Nguồn : Xuân Nguyên (Bộ GTVT)
Bộ trưởng Quang Nghĩa phát biểu bế mạc Hội nghị
Sau thời gian làm việc hết sức nghiêm túc và khẩn trương, phiên họp toàn thể Hội nghị Tổng kết hoạt động KHCN giai đoạn 2011 - 2015, định hướng hoạt động đến năm 2020 của ngành GTVT đã hoàn thành các nội dung chương trình. Cùng với các nội dung đã tiến hành tại các phiên họp tại các Tiểu ban chuyên ngành Công trình giao thông; Tiểu ban Công nghiệp và Tiểu ban Vận tải, trong đó nhiều báo cáo khoa học có ý nghĩa học thuật, nghiên cứu chuyên sâu, bám sát và phục vụ có hiệu quả cho thực tế sản xuất của ngành GTVT đã được các tác giả trong và ngoài nước trình bày.
Tại phiên họp toàn thể sáng 21/6 Hội nghị đã tiếp tục nghe Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động KHCN ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng cho giai đoạn 2016 - 2020 cũng như các báo cáo của đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trường Đại học Công nghệ GTVT...
Các báo cáo tham luận tại Hội nghị đã nêu lên các thành tựu thể hiện tính đúng đắn của định hướng phát triển KHCN đến 2020, mục tiêu và lộ trình đổi mới công nghệ đã được Bộ GTVT xây dựng, khẳng định lại vai trò đóng góp xứng đáng của công tác KHCN trong việc nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN; lựa chọn nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến phù hợp áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo được sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có chất lượng, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học cho việc hoạch định cơ chế, chính sách, hệ thống quy phạm, pháp luật quản lý chuyên ngành phù hợp với sự phát triển của cơ chế thị trường, góp phần quyết định vào tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững của ngành trong thời gian qua.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Bộ trưởng Quang Nghĩa khẳng định, việc ứng dụng thành công các công nghệ hiện đại, giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong xây dựng công trình giao thông như: Cầu dây văng Nhật Tân, Cầu Rồng, nút giao Ngã ba Huế, các đường ôtô cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, cảng Tân Vũ - Lạch Huyện, Cửa Lạch Giang, chế tạo các sản phẩm tàu thủy cỡ lớn 100.000 T đến 150 000 T, sản phẩm công nghiệp và sửa chữa ôtô, cơ khí đường sắt, công nghệ thông tin... đã khẳng định trình độ làm chủ KHCN, tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân ngành GTVT hiện nay đạt tầm khu vực và đang từng bước tiếp cận trình độ thế giới.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: "Đây là những tiền đề vững chắc để chúng ta tiếp tục triển khai ứng dụng KHCN hiện đại nhằm tạo ra những công trình, sản phẩm GTVT có quy mô lớn, công nghệ, kỹ thuật cao, chất lượng tốt, chi phí đầu tư ít, bền vững và thân thiện môi trường... trong thời gian tới”.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của hoạt động KHCN trong ngành GTVT
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, những thành tựu đạt được của công tác KHCN ngành GTVT giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua là rất đáng ghi nhận, đồng thời qua Hội nghị này cũng đã chỉ ra được những bài học kinh nghiệm quý báu để khắc phục những tồn tại, vượt qua những thách thức để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KHCN của Ngành. Để đáp ứng nhiệm vụ tiếp tục xây dựng và phát triển ngành GTVT hiện đại, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, bền vững, an toàn, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, hội nhập khu vực và Quốc tế, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của hoạt động KHCN trong ngành GTVT tập trung vào 5 vấn đề.
Một là tiếp tục tăng cường ứng dụng KHCN phục vụ công tác quản lý Nhà nước của ngành, tiếp tục rà soát, bổ sung chỉnh sửa Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình công nghệ áp dụng trong ngành GTVT; trong đó ưu tiên những nhiệm vụ khoa học phục vụ hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tăng cường mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước và điều hành của Bộ; hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng cập nhật thường xuyên, liên tục, tiếp cận trình độ Quốc tế, lựa chọn các tiêu chuẩn quy chuẩn phù hợp điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu thuỷ văn, vật liệu và trình độ kỹ thuật chế tạo, thi công của Việt Nam. Ngoài các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn cần chú trọng biên soạn thêm hệ thống chỉ dẫn kỹ thuật, kiểm định, đánh giá chất lượng, sổ tay hướng dẫn... nhằm cụ thể, chi tiết hoá các vấn đề kỹ thuật công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai ứng dụng trong thực tế.
Hai là tiếp tục tăng cường hơn nữa vai trò của KHCN trong tăng năng suất, hạ giá thành, quản lý chất lượng công trình xây dựng, sản phẩm công nghiệp giao thông, chất lượng dịch vụ vận tải, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường; trong đó, tăng cường hơn nữa việc ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới vào xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng tốt, tiết kiệm chi phí đầu tư, bền vững, thân thiện môi trường; tiếp tục hợp tác, nghiên cứu chuyển giao các công nghệ phục vụ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại; cần quan tâm nghiên cứu hoàn thiện công nghệ thích hợp cũng như cơ chế bảo trì hiệu quả đối với hệ thống kết cấu hạ tầng ở nông thôn, miền núi, hải đảo; tiếp tục đầu tư chiều sâu cho công tác nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực công nghiệp GTVT và trong công nghiệp phụ trợ (công nghiệp nguồn).
Ba là chú trọng đẩy mạnh ứng dụng KHCN phục vụ quản lý khai thác có hiệu quả, an toàn, bền vững các sản phẩm, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông; trong đó, ứng dụng công nghệ hiện đại trong tổ chức, quản lý điều hành kiểm soát giao thông; hiện đại hóa thu phí đường bộ, lắp đặt thiết bị kiểm soát hành trình xe tải, hệ thống trạm cân; triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống quan trắc liên tục (SHMS) kiểm soát trạng thái làm việc của các công trình giao thông quan trọng; tập trung triển khai ứng dụng các công nghệ hiện đại phục vụ công tác quan trắc, kiểm soát, đánh giá kiểm định chất lượng, duy tu, bảo trì sửa chữa, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường an toàn giao thông, phòng chống sụt trượt, kiên cố hóa công trình giao thông, bảo vệ môi trường…
Bốn là tăng cường ứng dụng KHCN trong phát triển vận tải, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; trong đó ưu tiên các nhiệm vụ KHCN nghiên cứu cơ chế chính sách nhằm phát triển cân đối, hài hòa hợp lý các loại hình vận tải; nghiên cứu áp dụng các công nghệ, giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn vận tải, đảm bảo vệ sinh môi trường vận tải, đặc biệt là công nghệ xử lý chất thải độc hại trong hoạt động hàng hải, sự cố tràn dầu và phát thải khí ô nhiễm do hoạt động của các phương tiện vận tải; nghiên cứu liên kết các loại hình vận tải, phát triển vận tải đa phương thức, logicstic, kết nối các loại hình vận tải liên vận quốc tế; ứng dụng công nghệ hiện đại trong tổ chức, quản lý điều hành vận tải.
Năm là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện về tổ chức, quản lý và cơ chế hoạt động KHCN. Phát triển nguồn nhân lực và năng lực hoạt động KHCN của ngành: tăng cường hiệu quả của các cơ chế tổ chức, quản lý nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, công trình GTVT; cần tập trung hơn nữa để nghiên cứu các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút các chuyên gia, lực lượng cán bộ KHCN, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành trong việc biên soạn quy chuẩn, tiêu chuẩn, cũng như triển khai các đề tài nghiên cứu giải quyết các vấn đề kỹ thuật cấp thiết của ngành; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu, kiểm soát chất lượng, thí nghiệm công trình, đăng kiểm sản phẩm công nghiệp ngành GTVT cũng cần từng bước tiếp tục tăng cường và quản lý để phát huy hiệu quả tốt hơn.
“Tôi tin tưởng rằng từ kết quả của Hội nghị này các hoạt động KHCN sẽ phát huy tốt các thành tích và kết quả trong thời gian qua, thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được hoạch định trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành GTVT giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2030, góp phần vào việc hoàn thành chiến lược tổng thể phát triển ngành GTVT đến năm 2020” - Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.