Cách nào huy động vốn làm cao tốc Bắc - Nam?

2016/10/26 16:20

Đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP HCM

sẽ rút ngắn thời gian đi lại và chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác

(Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Tạ Tôn

 

Sáng qua (25/10), tại buổi tọa đàm trực tuyến do Báo Giao thông tổ chức, nhiều câu hỏi “nóng” liên quan đến Đề án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được lãnh đạo Bộ GTVT, tư vấn, chuyên gia kinh tế… giải đáp thấu đáo, nhất là việc huy động nguồn vốn để thực hiện dự án đặc biệt quan trọng này.

 

Huy động vốn nước ngoài phải có cơ chế

 

Sau khi phân tích cơ sở pháp lý, thực trạng và nhu cầu phát triển giao thông trên các lĩnh vực, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: “Việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM giai đoạn trung hạn 2016 - 2020 là rất cấp bách và không thể trì hoãn. Đầu tư tuyến cao tốc này sẽ đem lại hiệu quả lớn đối với phát triển KT-XH của đất nước. Đồng thời, tuyến đường sẽ tạo ra dịch vụ giao thông có tính cạnh tranh cao bởi rút ngắn thời gian đi lại và chi phí thấp hơn các tuyến đường bộ khác”.

 

Theo Thứ trưởng Nhật, Bộ GTVT đã trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM thực hiện bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) với chiều dài 1.372km, tổng mức đầu tư 229.829 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 136.286 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.534 tỷ đồng (chiếm 40,7%).

 

Đánh giá cao đề xuất dự án của Bộ GTVT, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia nói: “Đề án này có điểm rất đặc biệt là số tiền hỗ trợ của Nhà nước khoảng 93 nghìn tỷ đồng từ việc phát hành TPCP thay vì sử dụng vốn vay ODA. Tôi cho rằng, đây là đề xuất mạnh dạn, một cách làm sáng tạo của Bộ GTVT và có lẽ là cách duy nhất để chúng ta có thể triển khai được dự án này”.

 

Tuy nhiên, vấn đề khiến ông Nghĩa băn khoăn là việc huy động nguồn vốn tư nhân khoảng 136.286 tỷ đồng để tham gia đầu tư dự án. “Nguồn hỗ trợ của Nhà nước đã lấy từ nội địa, nếu nguồn vốn nhà đầu tư huy động tiếp tục lấy từ các ngân hàng thương mại trong nước sẽ rất khó khăn. Do đó, chúng ta phải có cơ chế hướng DN vay vốn từ nước ngoài. Tôi được biết, hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các dự án giao thông của Việt Nam, không chỉ đối với các dự án đường cao tốc mà còn cả CHK quốc tế Long Thành”, ông Nghĩa nói và gợi ý, chúng ta nên vay nước ngoài và có thể vay được. Có điều các nhà đầu tư nước ngoài họ lo ngại về rủi ro pháp lý của Việt Nam bởi đây là dạng đầu tư tài chính nên rất rắc rối. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần làm rõ về cơ chế thu phí hoàn vốn đầu tư, điều tiết nguồn lực để các nhà đầu tư an tâm.

 

Đồng tình với quan điểm nguồn vốn tín dụng trong nước hiện rất khó khăn, cần phải hướng đến nguồn vốn vay ở nước ngoài, song ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng - Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) nêu ra hàng loạt vướng mắc liên quan đến cơ chế trong quá trình huy động nguồn vốn này. “Bộ GTVT đã từng lập đoàn công tác tiếp xúc với hàng chục nhà đầu tư và khoảng 20 ngân hàng nước ngoài hàng đầu nhưng họ đều lo ngại rủi ro về chính sách. Một thách thức nữa là nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam đều yêu cầu bảo lãnh về doanh thu, tỷ giá, trong khi chúng ta chưa thể đáp ứng được. Chính vì vậy, trong tờ trình Đề án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.HCM, Bộ GTVT đã đề xuất với Chính phủ phải có cơ chế khơi thông nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào hạ tầng giao thông”, ông Huy chia sẻ và cho biết thêm, nếu không khai thông được nguồn vốn ở nước ngoài, chỉ trông cậy vào nguồn vốn trong nước, Chính phủ phải có những can thiệp nhất định, cho vay ở mức nào, thời hạn nào.

 

Dẫn chứng trực tiếp tại dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc TCT Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, trước đây, Nhà nước cam kết hỗ trợ 39% vốn cho dự án, trong đó hỗ trợ trực tiếp bằng tiền 23%. Tuy nhiên, hiện nay, nhà đầu tư không nhận được đồng nào, đặc biệt là phần GPMB. “Chúng tôi đã đàm phán chuyển nhượng dự án với nhà đầu tư Ấn Độ với số vốn lên tới 2 tỷ USD, nhưng khi có thông tin chưa biết lúc nào dự án có tiền hỗ trợ GPMB, họ đã dừng đàm phán ngay lập tức. Nếu cứ như vậy, chúng tôi sẽ bị phá sản oan”, ông Tỉnh chia sẻ.

 

Việc đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP HCM là rất cấp bách

(Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Tạ Tôn

 

Suất đầu tư cao tốc ở Việt Nam cao hay thấp?

 

Hoàn toàn ủng hộ chủ trương phân kỳ đầu tư và thực hiện GPMB theo quy mô hoàn chỉnh, song ông Lê Xuân Nghĩa tỏ ra băn khoăn: “Khi các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào dự toán thấy rằng, suất đầu tư các dự án rất cao. Tiền GPMB quá lớn, nền đường làm cao quá mức cần thiết, gây ảnh hưởng đến thuỷ lợi, ruộng vườn… Họ cho rằng, thà làm mặt đường thấp mà chắc sẽ rẻ hơn, có thể tiết kiệm chi phí hơn.

Chung quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN nêu ý kiến: “Hiện tại, có nhiều thông tin liên quan đến dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Đông, gồm cả ý kiến ủng hộ và trái chiều. Riêng giới vận tải, chúng tôi rất phấn khởi khi biết được thông tin Bộ GTVT trình Chính phủ và Quốc hội đề án này, bởi tuyến đường được xây dựng sẽ tạo điều kiện rất lớn cho ngành vận tải phát triển. Tuy nhiên, hiện trong dư luận vẫn còn ý kiến cho rằng, suất đầu tư Việt Nam cao nhất thế giới hoặc làm xong đường xuống cấp, rẻ cũng hóa thành đắt”.

 

Giải đáp thắc mắc này, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc TCT vấn thiết kế GTVT (TEDI) khẳng định, việc xây dựng đơn giá định mức hoàn toàn theo quy định của pháp luật. Số liệu xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội đã được kiểm soát chặt chẽ trên toàn tuyến. So sánh với các dự án ODA hay các dự án hiện đang triển khai, đơn giá của các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP HCM được TEDI rà soát qua nhiều tầng lớp, từ đánh giá rút kinh nghiệm của dự án mở rộng QL1 đến sự vào cuộc của các đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ GTVT… nhằm xem xét tính đúng, tính đủ, đảm bảo tính khả thi.

 

Đại diện cho DN đã và đang đầu tư nhiều tuyến cao tốc, ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) khẳng định, suất đầu tư đường cao tốc cao hay thấp phụ thuộc vào từng dự án, công trình. Đơn cử như, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, suất đầu tư 1km khoảng 6 triệu USD, Cầu Giẽ - Ninh Bình khoảng 12 triệu USD/km, nhưng cao tốc Bến Lức - Long Thành lên tới 25,8 triệu USD/km. Nhiều khi chi phí cho một cây cầu lớn, một nút giao hoàn chỉnh lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình là cao tốc Bến Lức - Long Thành trong tổng số 58km có tới 20km cầu, trong đó có 2 cầu dây văng lớn là Bình Khánh và Phước Khánh áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới... nên suất đầu tư của dự án này có cao hơn hẳn các dự án khác”, ông Tuấn Anh nói và chia sẻ, theo đánh giá chung, suất đầu tư cao tốc ở Việt Nam tương đương các nước trong khu vực, thậm chí còn thấp hơn một số quốc gia trên cùng một mặt bằng.

 

“Vừa qua, Thủ tướng yêu cầu làm thí điểm một số đoạn cao tốc để xác định suất đầu tư. Đây là chỉ đạo rất đúng vì làm thì phải sát thực tế. Việc xác định đúng suất đầu tư là rất cần thiết để đảm bảo sự minh bạch và đồng thuận của xã hội”, ông Tuấn Anh cho hay.

 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật: Có đường mới thúc đẩy phát triển KT-XH


Cơ sở hạ tầng luôn phải đi trước một bước mới có thể thúc đẩy phát triển KT-XH. Vì vậy, cần phải đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, phù hợp với nguồn lực của quốc gia để bảo đảm tính khả thi của dự án.


Việc đầu tư phải tránh dàn trải và có sự chia sẻ của các địa phương, đoạn nào có nhu cầu lớn thì làm trước.


Về một số chính sách huy động nguồn lực, ngoài 40,7% vốn NSNN hỗ trợ để đầu tư cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT đang trình nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài nguồn vốn đó, Bộ GTVT sẽ kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, có thể khẳng định việc thu hút nguồn vốn nước ngoài là khó khăn vì hiện nay đầu tư bằng PPP chúng ta chưa có luật, mới chỉ dừng ở mức nghị định nên mức độ ổn định chưa cao. Theo tìm hiểu, các nhà đầu tư nước ngoài thường có những yêu cầu về bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh nguồn vay, những điều này Việt Nam chưa làm được. Vì thế, chúng tôi đang tính đến các nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, vấn đề làm sao để huy động được thôi.


Các cơ chế chính sách cụ thể sẽ được chúng tôi xây dựng và đề xuất khi được Quốc hội thông qua, nhưng chắc phải tách dự án GPMB ra thành một dự án riêng và phần xây dựng ra thành một dự án để bảo đảm thành công. Việc GPMB phải quyết liệt, đẩy nhanh để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ xây dựng cơ chế đặc thù trình Chính phủ để đầu tư đường cao tốc.



TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia:  Nên vay ngoại tệ ít rủi ro tỷ giá


Nếu chúng ta vay bằng USD để đầu tư cao tốc Bắc - Nam, đây là đồng tiền đầu tư tài chính quốc tế nên hay biến động vì bị lũng đoạn bởi giới đầu tư tài chính. Còn đồng nhân dân tệ và Việt Nam đồng thì chỉ đơn giản là các đồng tiền quốc gia, vì vậy bất ổn tài chính sẽ không ảnh hưởng. Chỉ có điều, đồng nhân dân tệ không hoàn toàn thả nổi mà được Chính phủ Trung Quốc định hướng theo hướng yếu đi nên sẽ có lợi nếu chúng ta vay. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta có thể chấp nhận vay đồng nhân dân tệ để tránh rủi ro về tỷ giá.

 

Theo baogiaothong