Thu hút vốn tư nhân nước ngoài phát triển hạ tầng giao thông

2016/10/27 10:6

Việt Nam sẵn sàng thu hút vốn tư nhân nước ngoài đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông - Ảnh: Lã Anh

 

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa có bài phát biểu tại phiên họp “Huy động vốn vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam”, trong khuôn khổ Hội nghị Kinh tế thế giới về Mê Kông diễn ra ngày 25/10.

 

Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, với quan điểm “kết cấu hạ tầng đi trước một bước”, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã dành ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Qua đó, các tuyến hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông GMS trên địa phận Việt Nam cũng đã cơ bản được đầu tư phù hợp với khuôn khổ chiến lược của Chương trình hợp tác kinh tế GMS giai đoạn năm 2012 - 2022 như: Đầu tư nâng cấp QL22, QL51 để kết nối Thái Lan - Campuchia - Việt Nam ra khu cảng biển nước sâu Thị Vải thuộc hành lang thương mại số 2; nâng cấp QL9 từ cửa khẩu Lao Bảo - Đông Hà thuộc hành lang thương mại số 5; xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Hà Nội - Hải Phòng thuộc hành lang thương mại số 7; hoàn thành hành lang ven biển phía Nam thuộc tuyến thương mại số 8... Nhờ đó, tính khả dụng của hạ tầng giao thông Việt Nam, theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2014, đứng ở vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với năm 2010.

 

"Đối với Việt Nam, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 950.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 45 tỷ USD), trong khi nguồn đầu tư công chỉ đáp ứng khoảng 26%. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam xác định để thực hiện thành công đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, một trong những giải pháp ưu tiên là kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân”.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa

 

Tuy vậy, theo Bộ trưởng, nhìn chung hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi về năng lực và chất lượng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cấu trúc hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam còn bất cập, tỷ lệ các công trình hiện đại, năng lực lớn, chất lượng cao như đường bộ cao tốc, cảng biển nước sâu... còn thấp; một số tuyến quốc lộ quan trọng vẫn chưa được đầu tư nâng cấp; mạng lưới đường sắt khổ hẹp, lạc hậu đã xuống cấp; mạng lưới đường thủy hầu hết đang khai thác tự nhiên; thiếu đồng bộ giữa năng lực cảng với hệ thống giao thông kết nối; các cảng hàng không trọng điểm đã và đang đối mặt với nguy cơ quá tải... Một số mục tiêu trong chiến lược phát triển giao thông kết nối Tiểu vùng sông Mê Kông 2015 - 2022 còn chưa hoàn thành, như kết nối đường sắt.

 

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng nhấn mạnh, các quốc gia nói chung, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển luôn đối mặt với các thách thức giữa nhu cầu đầu tư và khả năng nguồn lực của quốc gia, trong đó luôn thiếu hụt nguồn đầu tư công để phát triển kết cấu hạ tầng. Đối với Việt Nam, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 950.000 tỷ đồng (khoảng 45 tỷ USD), trong khi nguồn đầu tư công chỉ đáp ứng khoảng 26%. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam xác định để thực hiện thành công đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, một trong những giải pháp ưu tiên là kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân. Trong giai đoạn vừa qua, Bộ GTVT đã huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

 

Cụ thể, lĩnh vực đường bộ, giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 8,9 tỷ USD để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT. Tuy nhiên, các dự án đầu tư theo hình thức PPP thời gian vừa qua mới chỉ kêu gọi được các nhà đầu tư trong nước tham gia, nguồn vốn tín dụng cũng do các ngân hàng trong nước cung cấp.

 

Lĩnh vực cảng biển và cảng đường thủy đã thu hút vốn đầu tư tư nhân khá sớm và tương đối thành công, đạt khoảng 8,41 tỷ USD theo thời giá năm 2014, đặc biệt là giai đoạn sau khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải và điều hành khai thác cảng biển trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam để hình thành các liên doanh đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển hiện đại.

 

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, Việt Nam cam kết nỗ lực thực hiện thành công các thỏa thuận khung hợp tác GMS mà đặc biệt là lĩnh vực GTVT; Đồng thời, mong muốn được đón nhận nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân của các nước nói chung và đặc biệt là từ các quốc gia thành viên trong tiểu vùng sông Mê Kông để cùng nhau xây dựng, hình thành hệ thống giao thông kết nối hiện đại, hiệu quả.

 

Theo baogiaothong