Thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM thực hiện thế nào?
2016/12/21 8:57
Việc áp dụng thu phí nội đô được kỳ vọng sẽ giảm tình trạng kẹt xe trung tâm quận 1
Thu phí ô tô tự động không dừng khi vào trung tâm TP.HCM: Đầu tư 1.200 tỷ đồng
Đề án thu phí ô tô vào trung tâm đã được UBND TP.HCM chấp thuận từ năm 2012 song vì nhiều lý do chưa thể triển khai được, theo Sở GTVT TP.HCM,
Theo đề án, việc thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM hoàn toàn sử dụng công nghệ tự động không dừng. Các vị trí thu phí sẽ lắp camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe ô tô. Dự kiến sẽ thu phí tại các tuyến đường gồm: Đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường Cách Mạng Tháng Tám) và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.200 tỷ đồng. Việc thu phí sẽ được thực hiện từ 6h-20h hàng ngày.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP HCM cho biết, dự án thu phí vào trung tâm TP.HCM đã có đề án từ năm 2012. Nhưng đến nay Sở GTVT mới đề nghị Công ty Tiên Phong bổ sung hoàn chỉnh đề án.
Ông Đường cũng cho biết, việc triển khai đề án chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. “Ngoài những phản ứng từ phía người dân, dư luận, còn phải kể đến các khó khăn về mặt pháp lý, giá vé, chế tài”, ông Đường nói và cho biết thêm: Đề án này chưa nằm trong quy định của Chính phủ về việc thu phí ô tô vào nội đô nên muốn triển khai thành phố phải báo cáo T.Ư. Đối với biện pháp chế tài, cần tính toán việc xử phạt nguội qua camera hay xử phạt trực tiếp để tạo được sự công bằng và nghiêm minh. Việc thu phí cũng còn phải bàn bạc, nếu T.Ư đồng ý thì HĐND thành phố sẽ cân nhắc quyết định mức thu phí cho hợp lý.
“Mục tiêu của đề án này không phải là lợi nhuận về tài chính mà nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô thành phố. Để người lái xe sẽ cân nhắc việc đi ô tô vào trong trung tâm thành phố nếu không thực sự cần thiết. Khi ấy, tình trạng ô tô vào trung tâm sẽ giảm”, ông Đường nói.
Mức thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM: Thấp nhất 40.000 đồng xe/lượt
Phía Công ty Tiên Phong, đơn vị đề xuất lập dự án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố, ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc cho biết, về mặt công nghệ thiết bị công ty đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ về mặt pháp lý để có thể triển khai hoạt động.
“Chúng tôi đã đề xuất mức thu phí ô tô từ 40.000 - 60.000 đồng/xe; Đối với xe du lịch là 30.000 đồng, 50.000 - 60.000 đồng với xe tải, xe khách… (đi vào, chiều ra không thu). Mức này có thể điều chỉnh tùy vào giờ cao điểm hay thấp điểm, không thu phí đối với xe buýt và xe công vụ”, ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, mức phí đề xuất mới là dự kiến. Phần thu phí này sẽ do HĐND thành phố quyết định.
Được biết, để người dân biết được khu vực trung tâm thành phố có thu phí ô tô, trên đường vành đai thu phí sẽ lắp đặt các biển quang báo điện tử. Các ô tô khi vào trung tâm thành phố sẽ được lắp thiết bị nộp phí, các thiết bị này do chủ xe tự sắm. Thiết bị này tương thích với thiết bị thu phí tự động mà Bộ GTVT sẽ yêu cầu các xe ô tô trang bị để qua các trạm thu phí không dừng trên các trạm thu phí sắp tới.
Theo ông Quân, thiết bị này trên thị trường hiện giá chỉ khoảng 50.000 đồng. Do đó, hệ thống thu phí tự động sẽ tự động trừ tiền vào tài khoản chủ xe hoặc trừ vào số tiền mà chủ xe đã nộp sẵn trong thiết bị.
“Trong trường hợp các xe không chịu lắp thiết bị thu phí thì khi đến trạm hệ thống sẽ báo xe không qua được. Hoặc khi đã lắp thiết bị mà chủ xe không chịu trả phí thì hệ thống camera sẽ chụp lại biển số xe. CSGT sẽ căn cứ vào hình ảnh đã chụp để xử phạt nguội”, ông Quân nói.
Tính toán kỹ nếu không sẽ ùn tắc ngay tại điểm thu phí
Nhận định về đề án, TS. Vũ Thế Sơn, giảng viên Trường ĐH GTVT phân hiệu tại TP HCM cho rằng, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng thu phí xe ô tô vào trung tâm hiệu quả như: Anh, Ý, Singapore… Với số tiền thu từ các xe ô tô, họ có kinh phí để cải thiện hệ thống giao thông. Tuy nhiên, đối với TP HCM, vấn đề triển khai như thế nào cần phải tính toán thật kỹ. Nếu tổ chức tốt thì trung tâm sẽ thông thoáng, giảm ùn tắc, nhưng tổ chức chưa tốt thì sẽ ùn tắc ngay tại các trạm thu phí. Bởi, không thể bắt tất cả các xe phải gắn thiết bị thu phí. Chẳng hạn, đối với những xe ở tỉnh, thỉnh thoảng mới đi họ không gắn thiết bị và họ muốn trả phí trực tiếp, nếu nhiều xe như vậy sẽ gây ùn tắc ngay tại các trạm này.
“Ngoài ra, với người dân có ô tô sống trong khu vực trung tâm, khi mua xe họ đã chịu các khoản phí, trong đó có phí bảo trì đường bộ, giờ đi ra đường lại còn bị thu phí nữa liệu họ có đồng tình và công bằng hay không?”, ông Sơn nói.
Theo baogiaothong