Đề xuất cơ chế đặc thù triển khai cao tốc Bắc - Nam

2017/2/13 9:49

Bộ GTVT đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách triển khai đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam

(Trong ảnh: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, thuộc thành phần cao tốc Bắc - Nam, đã hoàn thành và đưa vào khai thác)

- Ảnh: Khánh LInh

Xác định lợi nhuận thông qua đấu thầu, tối thiểu 14%

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư Bộ GTVT (ban PPP) cho biết, Bộ GTVT đang hoàn thiện các cơ chế, chính sách triển khai đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

“Các cơ chế, chính sách này bao gồm nhóm cơ chế, chính sách về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ; Nhóm cơ chế, chính sách về tài chính, hợp đồng dự án và nhóm cơ chế, chính sách trong tổ chức thực hiện dự án”, ông Huy nói và cho biết thêm: Theo tính toán, từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đến thời điểm có thể khởi công công trình tối thiểu là 35 tháng. Nếu không được chấp thuận một số cơ chế đặc thù về trình tự thủ tục thì dự án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam chỉ có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017 và khởi công công trình vào năm 2020.

Kết quả tham vấn các nhà đầu tư tiềm năng, các ngân hàng tiềm năng và các tổ chức tài chính quốc tế cho thấy, những quan ngại về các rủi ro do chính sách pháp luật của Việt Nam thay đổi nhiều, công tác GPMB, tái định cư quá phức tạp… và mong Chính phủ chia sẻ các rủi ro về chính sách, cần thiết phải có bảo lãnh của Chính phủ đối với các rủi ro này.

Cũng theo ông Huy, một trong những nội dung quan trọng được Bộ GTVT đề xuất là mức lãi suất vốn vay.

“Thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính quy định mức lãi suất vốn vay không quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất phát hành TPCP có kỳ hạn 10 năm, phát hành dưới phương thức đấu thầu trong thời gian 3 tháng trước thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, trong thực tế, mức lãi suất cho vay dài hạn của các ngân hàng thương mại đều cao hơn mức lãi suất quy định tại Thông tư 55 của Bộ Tài chính. Do vậy, để đảm bảo tính khả thi huy động vốn, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng mức lãi suất vốn vay tính toán trong phương án tài chính được xác định bằng mức lãi suất cho vay dài hạn cùng kỳ hạn bình quân của ba ngân hàng thương mại lớn và cố định trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng dự án”, ông Huy chia sẻ.

Về lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, qua tham vấn các tư vấn quốc tế, các nhà tài trợ quốc tế và thực tiễn triển khai dự án cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Dầu Giây - Phan Thiết, vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, các nhà đầu tư đều kỳ vọng và chỉ quan tâm đầu tư khi lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu tối thiểu đạt 15 - 17%.

“Dự án PPP giao thông thường có thời gian thu hồi vốn dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro mà nhà đầu tư chưa lường trước được. Do đó, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép xác định mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong báo cáo nghiên cứu khả thi là 14%/năm. Mức lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư được hưởng sẽ xác định thông qua đấu thầu”, ông Huy cho hay.

Liên quan đến công tác GPMB, Bộ GTVT đề xuất tách hợp phần công việc bồi thường, GPMB và tái định cư để hình thành dự án riêng và giao cho địa phương nơi có dự án tổ chức thực hiện. Theo Bộ GTVT, việc lập, thẩm định, phê duyệt đối với dự án này như một dự án độc lập và tiến hành GPMB ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Ngoài ra, Bộ GTVT kiến nghị một số cơ chế khác trong triển khai đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam như: Chính sách ưu đãi đầu tư; Giá sử dụng dịch vụ đường bộ; Bảo lãnh doanh thu tối thiểu; Bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ…

Doanh nghiệp nói gì?

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp đã và đang tham gia đầu tư nhiều dự án giao thông theo hình thức PPP, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Phương Thành Tranconsin khẳng định, việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam là rất cấp thiết.

Đề cập đến mức lãi suất vốn vay tính toán trong phương án tài chính của các dự án PPP giao thông, ông Khôi nói: “Nếu áp theo Thông tư 55 sẽ không có nhà đầu tư nào có thể tham gia đầu tư. Phần lãi suất vốn vay để thực hiện dự án phải do thị trường quyết định chứ không thể chốt cứng”.

Lý giải về điều này, ông Khôi nói: Mức lãi suất TPCP có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới hình thức đấu thầu hiện nay dao động khoảng 7%/năm. Nếu theo Thông tư 55, mức lãi suất vốn vay cho các dự án PPP sẽ không vượt quá 9,5%/năm. Tuy nhiên, thực tế mức lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của các ngân hàng hiện đang phổ biến ở mức 10,5 - 11%/năm. “Đề xuất của Bộ GTVT về việc cho phép áp dụng mức lãi suất vốn vay xác định bằng mức lãi suất cho vay dài hạn cùng kỳ hạn bình quân của ba ngân hàng thương mại lớn và cố định trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng dự án là hợp lý”, ông Khôi nói.

Liên quan đến lợi nhuận của nhà đầu tư tại các dự án PPP giao thông, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CIENCO4 chia sẻ: “Các dự án BOT giao thông thời gian qua đều khống chế lợi nhuận của nhà đầu tư ở mức 11% là quá thấp. Cần phải tăng lên khoảng 13 - 15% mới có thể thu hút được các doanh nghiệp có năng lực tốt tham gia đầu tư vào các dự án đường cao tốc”.

Theo Baogiaothong