Đề xuất cơ chế đặc thù khởi công nhanh cao tốc Bắc - Nam

2017/3/9 16:1

Để đẩy nhanh quá trình triển khai đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đề xuất

Thủ tướng Chính phủ chấp thuận một số cơ chế đặc thù cho dự án

(Trong ảnh: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, hợp phần dự án cao tốc Bắc Nam)

- Ảnh: K.Linh

 

Sau khi trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh quá trình đầu tư dự án đặc biệt quan trọng này theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

 

Khơi thông nguồn vốn tín dụng

 

Theo Bộ GTVT, việc đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã trở nên cấp bách, không thể trì hoãn. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật hiện hành, từ thời điểm hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đến thời điểm trình Quốc hội mất khoảng 9 tháng; Từ thời điểm Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đến thời điểm có thể khởi công công trình tối thiểu là 35 tháng. “Nếu không có một số cơ chế đặc thù cho dự án, chỉ có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2017 và khởi công dự án sớm nhất vào năm 2020”, Bộ GTVT cho biết.

 

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng, Quốc hội cho phép trong bước nghiên cứu tiền khả thi chỉ sơ bộ đánh giá tác động môi trường; Việc lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thực hiện trong bước nghiên cứu khả thi. Trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chỉ thành lập một hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định cả nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi tất cả các dự án; Rút ngắn thời gian thẩm định mỗi dự án.

 

Kiến nghị dừng dự án thí điểm PPP Dầu Giây - Phan Thiết Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký nêu rõ: “Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng có ý kiến với Ngân hàng Thế giới (WB) về việc dừng triển khai dự án mô hình thí điểm theo hình thức PPP để triển khai theo hình thức PPP chung với các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, đồng thời giao Bộ GTVT đàm phán với Bitexco theo hai phương án. Phương án 1: Không tiếp tục tham gia dự án và hoàn trả phần kinh phí Bitexco đã thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư từ trước đến nay (khoảng 150 tỷ đồng) và một khoản chi phí cơ hội hợp lý. Phương án 2: Bitexco tham gia với tỷ lệ phù hợp hoặc tham gia với tư cách nhà đầu tư độc lập, được hưởng ưu đãi 5% khi tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”.

 

Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật và tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình đối với các dự án triển khai đầu tư trong giai đoạn I, trong đó chỉ định Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm tra tổng mức đầu tư và thẩm tra dự toán xây dựng công trình để nâng cao chất lượng.

 

Liên quan đến việc huy động nguồn vốn tín dụng cho các dự án cao tốc Bắc - Nam, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban PPP (Bộ GTVT) cho biết, hiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng đang ở mức cao. Tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm dần tỷ lệ này nên khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước rất khó khăn. “Thực tế, vừa qua, dù một số dự án khả thi về tài chính, nhưng các ngân hàng thương mại trước đây cam kết cung cấp tín dụng đã có văn bản từ chối”, ông Huy cho hay.

 

Theo ông Huy, để khơi được nguồn vốn vay trong nước, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các tổ chức tín dụng không tính trong tỷ lệ huy động nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn; Không tính trong tỷ lệ giới hạn tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng thương mại lớn cũng được hình thành gói tín dụng riêng cho dự án để huy động được nguồn vốn trong nước theo hướng cho vay một khách hàng vượt quá 15% vốn điều lệ và một nhóm khách hàng vượt quá 25% vốn điều lệ để đầu tư dự án.

 

“Đây chỉ là giải pháp tình thế và ngắn hạn vì rất khó khăn để huy động được nguồn vốn lớn, đồng thời tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống tín dụng”, ông Huy chia sẻ và cho biết thêm, về lãi suất vốn vay tính toán trong phương án tài chính, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xác định bằng mức lãi suất cho vay dài hạn cùng kỳ hạn bình quân của ba ngân hàng thương mại lớn, lãi suất chính thức xác định thông qua đấu thầu và lợi nhuận đối với phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trong phương án tài chính để lập hồ sơ mời thầu là 14%/năm.

 

Tách hợp phần GPMB thành dự án riêng

 

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ GTVT cũng kiến nghị một số cơ chế ưu đãi đầu tư đối với dự án cao tốc Bắc - Nam. Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị cho phép nhà đầu tư được kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng dọc hai bên tuyến đường trong phạm vi GPMB của dự án. Đối với trạm dừng nghỉ, do không thể tính toán xác định trước được doanh thu trong quá trình vận hành khai thác nên không xác định trong nguồn thu của dự án để tính toán phương án tài chính.

 

“Toàn bộ chi phí liên quan đến GPMB và đầu tư xây dựng do nhà đầu tư tự cân đối và được kinh doanh khai thác tương ứng với thời gian hoàn vốn dự án, cơ quan nhà nước hỗ trợ trong việc tổ chức thực hiện GPMB cùng với dự án”, Bộ GTVT cho biết.

 

Về công tác GPMB, tái định cư của dự án, để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thủ tục, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tách hợp phần công việc GPMB, tái định cư tương ứng theo phạm vi từng tỉnh, thành phố để hình thành dự án riêng và giao cho địa phương nơi có dự án tổ chức thực hiện. Đồng thời, tiến hành công tác GPMB ngay sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.

 

“Đối với khu tái định cư, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu liên quan đến việc xây dựng khu tái định cư và địa phương được tạm duyệt phương án tái định cư sau khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, cắm cọc giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, việc bồi thường nhà ở, công trình của người dân nằm ngoài phạm vi GPMB của dự án do ảnh hưởng trong quá trình thi công xây dựng, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng nguồn kinh phí GPMB của dự án để chi trả đền bù và giao UBND các tỉnh, thành phố quyết định mức đền bù, hỗ trợ và chi trả cho các hộ dân”, văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Nhật ký nêu rõ.

 

Đặc biệt, để thống nhất chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia để chỉ đạo triển khai đầu tư dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam với trưởng ban là Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Trưởng ban thường trực là Bộ trưởng Bộ GTVT; Các phó trưởng ban là bộ trưởng các Bộ KH&ĐT, Tài chính; Ủy viên là thứ trưởng các bộ liên quan (KH&ĐT, Tài chính, GTVT, TN & MT, Xây dựng, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước) và Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố có dự án đi qua.

 

Theo Baogiaothong