Từ 1/4/ 2017, VEC chính thức đưa vào khai thác nút giao IC7 ( Km48+890) thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1).

2017/3/30 16:14 - Nguồn : TB

Dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là dự án đặc biệt quan trọng thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mekong. Dự án đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.

 

Với chiều dài 245km, hiện tại giữ “kỷ lục” về chiều dài trong số các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác, việc đưa vào khai thác tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đánh giá là bước đột phá lớn của toàn ngành Giao thông vận tải, tạo đà dịch chuyển kinh tế-xã hội, đòn bẩy tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho các tỉnh khu vực Tây Bắc; giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn một nửa so với thời gian lưu thông theo tuyến quốc lộ cũ (từ 7 giờ xuống còn 3,5 giờ); đồng thời, tiết kiệm 20-30% chi phí vận tải, ước tính 1 năm tiết kiệm cho xã hội khoảng 1.800 tỷ đồng.

 

Nhờ có cao tốc Nội Bài – Lào Cai, sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đã tăng trưởng vượt bậc về, nhất là các tỉnh Yên Bái, Lào Cai tăng trưởng tới 21% đối với vận tải hàng hóa và 15% đối với vận tải hành khách/năm. Giảm áp lực giao thông, giảm thiểu tắc nghẽn và giảm từ 85- 95% số vụ tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ lân cận.

 

Kể từ thời điểm thông xe toàn tuyến (ngày 21/9/2014) đến cuối tháng 3/2017, đã có 18,5 triệu lượt phương tiện lưu thông thông suốt qua tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Trong đó, riêng năm 2016 tuyến đón xấp xỉ 7,2 triệu lượt phương tiện, tăng 35% về lưu lượng so với năm 2015; và 3 tháng đầu năm 2017 tuyến phục vụ 2,3 triệu lượt phương tiện lưu thông an toàn hiệu quả.

 

VEC cho hay nút giao IC7 được khởi công ngày 05/02/2014, với tổng giá trị hợp đồng là hơn 221 tỷ đồng (bao gồm dự phòng). Kết nối với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai tại Km48+890, thuộc xã Hùng Lô, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. IC7 là nút giao liên thông có dạng loa kèn (trumpet), bao gồm các hạng mục:

 

Phần đường: dài 2,3km bao gồm nhánh A1, A2, B, C, D và các đường dẫn vào tuyến chính. Các nhánh ra, vào đường cao tốc được thiết kế nối với nhánh chính A1 để nối vào đường Phù Đổng đi TP. Việt Trì.

 

Phần cầu: 01 cầu vượt trên đường cao tốc thuộc nhánh A1, quy mô: 4 nhịp x 24m, chiều rộng 15,5m. 2 - Công trình thoát nước: làm mới 07 cống tròn thoát nước, nối dài 05 cống tròn thoát nước đã thi công thuộc đường cao tốc.

 

Cống hộp dân sinh: xây dựng mới 1 cống hộp dân sinh và nối dài 02 cống hộp dân sinh hiện tại đã thi công trên tuyến chính đường cao tốc. - Xây dựng trạm thu phí, hệ thống thu phí; Nhà điều hành.

 

Các hệ thống phụ trợ bảo đảm an toàn giao thông và biển chỉ dẫn, dải phân cách, hệ thống chiếu sáng; hệ thống cân động cảm biến thạch anh kiểm soát tải trọng phương tiện; hệ thống cây xanh được bố trí tại dải phân cách giữa để chống lóa và tạo cảnh quan…

 

Nút giao IC7 là nút giao quan trọng, kết nối đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai với đường Phù Đổng - TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Thông qua nút giao IC7, các phương tiện đi từ Hà Nội đến TP. Việt Trì và ngược lại sẽ rút ngắn được khoảng 15km.

 

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã nỗ lực cùng các Nhà thầu sớm hoàn thành và tổ chức thông xe nút giao IC7 trước dịp Giỗ Tổ Hùng Vương theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất phục vụ người dân tham gia Lễ hội Đền Hùng năm Đinh Dậu 2017.

 

Các loại phương tiện đều được phép lưu thông qua nút giao IC7 (ngoại trừ xe công nông, 3 bánh, xe máy, mô-tô, xe thô sơ...). VEC đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân sự, phương án tổ chức giao thông và phương án thu phí, khai thác nút giao IC7 để tổ chức triển khai thu phí các phương tiện lưu thông qua nút giao này từ 0h ngày 01/4/2017.

 

Cùng với nút giao IC9, việc đưa vào khai thác nút giao IC7 sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh Phú Thọ, góp phần nâng cao đời sống cho người dân địa phương và các vùng lân cận; đồng thời, phát huy tối đa năng lực và hiệu quả lan tỏa của tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai.

 

Về Phương án tổ chức giao thông tại nút giao IC7, VEC cho biết các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc từ hướng Hà Nội tách làn ra khỏi đường cao tốc tại lý trình Km46+687 theo nhánh A2 đi thành phố Việt Trì. Các phương tiện từ thành phố Việt Trì rẽ phải vào nhánh D và nhập làn vào đường cao tốc tại lý trình Km48+520 đi Hà Nội. Các phương tiện từ TP. Việt Trì đi theo nhánh A1 vượt qua đường cao tốc rẽ trái vào nhánh B và nhập làn vào đường cao tốc tại lý trình Km49+350 đi Lào Cai. Các phương tiện lưu thông trên đường cao tốc từ hướng Lào Cai tách làn ra khỏi đường cao tốc tại lý trình Km49+260 theo nhánh C và rẽ phải đi TP. Việt Trì.

 

Về phương thức thu phí tại nút giao IC7. Tại nút giao IC7, bố trí 4 làn thu phí (02 làn vào và 02 làn ra). Việc thu phí được thực hiện theo hình thức thu phí kín: Phương tiện vào đường cao tốc được phát thẻ, ra khỏi đường cao tốc trả thẻ và thanh toán số tiền ứng với chiều dài quãng đường di chuyển.

 

Mức phí và đối tượng chịu phí: Ngày 22/01/2016, Hội đồng thành viên VEC đã 3 ban hành Quyết định số 30/QĐ-VEC- HĐTV về việc phê duyệt phương án tổ chức thu và ban hành mức thu phí tại các nút giao IC7 và IC9 Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn khai thác tạm).