Đánh thức dự án đường sắt 7.600 tỷ dở dang

2017/6/5 9:10

Ga Cái Lân đã xây dựng xong, nhưng để không từ cuối năm 2014 đến nay - Ảnh: Huy Lộc

Việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc kết nối và khai thác cụm cảng biển Quảng Ninh. Bộ GTVT mới đây đề nghị Chính phủ cho chủ trương xã hội hóa đầu tư phần còn lại của dự án để khởi động lại tuyến đường sắt đặc biệt quan trọng này.

Chậm khai thác ngày nào, lãng phí ngày đó

Ga Cái Lân là điểm cuối của tuyến đường sắt Yên Viên (Hà Nội) - Quảng Ninh, thuộc dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân triển khai từ năm 2004. Với dự án này, đường sắt ở Quảng Ninh được nối dài thêm hơn 5km từ ga Hạ Long đến cảng biển Cái Lân và với ga Cái Lân chuyên chở hàng hóa, container. Không những vậy, khổ ray của tuyến đường sắt từ Cái Lân đến ga Kép còn được nâng lên khổ rộng 1.435mm để tăng vận tốc và tải trọng của các đoàn tàu.

Cùng đó, dự án còn xây mới chặng Hạ Long - Cái Lân, Lim - Phả Lại nhằm tạo thành tuyến đường thẳng từ Quảng Ninh về Hà Nội thay vì đi vòng qua Bắc Giang, rút ngắn hành trình 37km và thời gian chạy tàu tuyến Yên Viên - Quảng Ninh chỉ còn từ 2-2,5 giờ so với hành trình 168km hiện nay. Tuy vậy, đáng tiếc là tất cả những mục tiêu đó vẫn dang dở do dự án đang trong quá trình triển khai đã phải tạm dừng vì thiếu vốn. Đáng nói hơn, ga Cái Lân dù đã xây dựng xong nhưng chưa thể đưa vào khai thác vì chưa có đường kết nối.

Cuối tháng 5, lãnh đạo Cục Hàng hải VN và Cục Đường sắt VN đã trực tiếp khảo sát hiện trạng kết nối vận tải cảng biển - đường sắt khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh để có giải pháp tăng năng lực kết nối vận tải cho các tuyến đường sắt nối đến các địa phương.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông tại ga Cái Lân cuối tháng 5, nhà ga này được xây dựng nằm trọn trong khu vực cảng biển Cái Lân, có tới 7 đường ray để chờ xếp hàng. Cùng đó, nhà ga được bố trí đầy đủ hệ thống nhà kho, bãi xếp container chuyên dụng. Nhưng đáng buồn là trong nhiều năm qua không hề được sử dụng và không có chuyến tàu nào vào làm hàng. Cả nhà ga hiện đại và đường ray vắng lặng như “Chùa Bà Đanh”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Tân, Trưởng ga Cái Lân thuộc Chi nhánh Khai thác đường sắt Hà Lạng cho biết: “Từ cuối năm 2014 đến nay dự án không có đoàn tàu nào hoạt động. Đơn vị quản lý chỉ làm công việc duy tu, bảo dưỡng đường ray, hạ tầng theo quy trình của ngành đường sắt để tránh xuống cấp”.

Tương tự, ga Hạ Long cũng được xây dựng khang trang, nhưng hàng ngày chỉ đón duy nhất 1 chuyến tàu chở hỗn hợp vài chục hành khách và buôn bán hàng hóa dân sinh.

Lý giải rõ hơn về điều này, ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, dự án đường sắt Yên Viên - Cái Lân có tổng mức đầu tư ban đầu gần 7.700 tỷ đồng, đã giải ngân được khoảng 4.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm 2011 Thủ tướng Chính phủ có quyết định tạm dừng do gặp khó khăn về vốn. Từ đó đến nay, sau khoảng 6 năm nhưng dự án chưa được bố trí vốn để khởi động lại.

“Sau khi dự án nối tuyến từ ga Hạ Long đến cảng Cái Lân, năm 2014 đường sắt đã khai thác hơn chục chuyến tàu chở thép, nhưng rất buồn là sau đó không khai thác được hơn nữa. Nguyên nhân do hạ tầng đường sắt chưa hoàn thiện. Doanh nghiệp vận tải, chủ tàu cũng chưa mặn mà vì chưa có kết nối”, ông Duy nói và giải thích thêm, khổ ray từ ga Cái Lân về ga Kép là 1.435mm, nhưng từ đó đi các tuyến khác lại là đường ray khổ 1.000m nên phải chuyển tàu. Điều này phát sinh hàng loạt khó khăn, thời gian và chi phí tăng lên khiến tuyến đường sắt này mấy năm qua không thể thu hút được hàng hóa.

Ga Cái Lân đã xây dựng xong nhưng để không từ năm cuối năm 2014 đến nay

Tìm nguồn lực xã hội hóa “tiếp sức”

Đáng nói hơn, cảng biển khu vực Quảng Ninh những năm qua dư thừa khá nhiều năng lực khai thác. Cả cụm cảng có 6 cầu bến, với khả năng khai thác hơn 12 triệu tấn/năm, nhưng hiện mới khai thác khoảng hơn 7 triệu tấn. Lý do cụm cảng Quảng Ninh vắng khách không gì khác do kết nối vận tải yếu, trong đó không loại trừ do tuyến đường sắt chưa hoàn thiện. Vài năm trước tại cảng Quảng Ninh còn có tàu chuyên chở container cập bến, nhưng đến nay hầu hết đã chuyển về cảng Hải Phòng. Thực tế, các cụm cảng Hải Phòng đang quá tải, ùn tắc nhưng nhiều khách hàng không muốn chuyển sang Quảng Ninh.

Trước thực tế trên, tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp khai thác cảng rất tha thiết khơi thông lại dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Cái Lân để thu hút hàng hóa vào cảng biển. Tháng 3 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc khi làm việc với Bộ GTVT đã trực tiếp đề nghị khởi động lại dự án nhằm khơi dậy tiềm năng vận tải bằng đường sắt đi - đến Quảng Ninh.

Ông Bùi Quang Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP cảng Quảng Ninh bày tỏ: “Bất lợi cho cảng là đường sắt đã được nối vào cảng nhưng lại chưa thông. Nếu đường sắt được kết nối tốt sẽ giúp thuận lợi hơn cho cảng trong việc thu hút hàng hóa”.

Theo Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN Khương Thế Duy, để khởi động lại dự án này cần khoảng 6.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách Nhà nước rất khó khăn, trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể huy động từ nguồn lực xã hội hóa. Bộ GTVT đã đề nghị Chính phủ cho phép tìm nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư hoàn thành dự án trên. “Hiện, Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành về cơ chế triển khai dự án. Sau khi có ý kiến chính thức, Bộ GTVT sẽ đề xuất các cơ chế cụ thể để thu hút các nhà đầu tư”, ông Duy nói.

Nguồn: Baogiaothong