Cầu Phùng và những chuyện chưa kể
2013/10/1 15:52 - Nguồn : Khánh Lê
Nhập vai “đóng thế”
Năm 2007, người dân thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng và Phúc Thọ tỉnh Hà Tây vui mừng khôn tả khi đón nhận thông tin một cây cầu mới sẽ được bắc qua sông Đáy trên QL32. Bởi, cảnh ngập lụt và nỗi lo mỗi khi mùa mưa bão về qua đập tràn Phùng luôn là nỗi ám ảnh thường trực của người dân nơi đây. Khi cầu Phùng xong, các phương tiện tham gia giao thông và người dân sẽ vĩnh viễn “chia tay” với cảnh bì bõm mỗi khi phải vượt qua đập tràn nguy hiểm. Cây cầu mơ ước sẽ như một dải lụa nối liền mảnh đất Đan Phượng và Phúc Thọ.
Ông Phạm Quang Vinh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, khi đó còn là Tổng giám đốc Cienco4, đơn vị lãnh trọng trách thi công cầu Phùng nhớ lại: “Tháng 3/2008, dự án Cầu Phùng được khởi công bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Ngày đó, cầu Phùng chưa được đưa vào danh sách các công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, tháng 8/2008, niềm vui như được nhân đôi với người dân Đan Phượng, Phúc Thọ, bởi không chỉ trở thành công dân của Thủ đô khi Hà Tây và Hà Nội hòa chung làm một, cầu Phùng còn được đưa vào danh sách các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng, khởi đầu một trang mới của người Hà Tây nói chung, Đan Phượng, Phúc Thọ và cầu Phùng nói riêng. Cũng từ đây, niềm tự hào đi cùng với áp lực của đơn vị thi công - những người thợ cầu Cienco4 cũng lớn hơn bội phần bởi chỉ cần chậm đưa cầu Phùng vào khai thác, dù chỉ vài ngày thì “món quà” được kết từ thành quả hàng trăm ngày đêm miệt mài thi công của những người thợ cầu Cienco4 và ngành GTVT dâng lên Đại lễ sẽ giảm đi nhiều ý nghĩa.
Cienco4 đã phải lập riêng một ban chỉ đạo, thường xuyên có một Phó tổng giám đốc chỉ huy ngay tại công trường. Tiến độ dự án được cập nhật từng ngày, thậm chí từng giờ. Mỗi tháng Tổng giám đốc chủ trì họp tổng thể một lần. “Hà Tây chuyển về Hà Nội, các cơ chế, thủ tục theo đó thay đổi nhiều. Cộng thêm thời điểm đó, giá nguyên vật liệu leo thang chóng mặt, mặt bằng của công trình cũng vướng mắc kéo dài, trầy trật mãi cũng không xong. Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng công ty vẫn hạ quyết tâm bằng mọi giá phải xong cầu đúng Đại lễ” - ông Vinh nhớ lại.
Công nhân của Cienco4 trên công trường xây dựng cầu Phùng
Gian nan thử sức
Lại nói về chuyện mặt bằng, dù là công trình trọng điểm mừng Đại lễ nghìn năm, nhưng sau hơn hai năm khởi công mà cầu Phùng vẫn chưa được bàn giao hết mặt bằng. Chủ đầu tư đứng ngồi không yên, còn nhà thầu như “ngồi trên đống lửa”. Thời gian như vó ngựa, ngày về đích đã được ấn định như đinh đóng cột, khó có thể khất lần. Cực chẳng đã, Cienco4 vẫn phải lệnh cho các đơn vị thi công tập trung lực lượng, bám sát địa bàn, có mặt bằng đến đâu triển khai thi công hết đến đó.
Chia sẻ khó khăn trong những ngày thi công cầu Phùng, ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty Cổ phần 473 tâm sự: “Chuyện chậm giải phóng mặt bằng là “căn bệnh kinh niên” của xây dựng cơ bản. Không tránh khỏi chậm trễ, đặc biệt khi thay đổi về địa giới hành chính. Khi thi công cầu Phùng, phải nói đây là lần đầu tiên trong đời làm cầu vượt sông mà chúng tôi không thể cho sà lan vào tiếp cận công trường. Hàng trăm anh em công nhân ngày ngày phải tăng bo, đưa từng khối thiết bị cồng kềnh qua con đê cao vượt mặt”.
Dự án đầu tư xây dựng cầu Phùng với mục tiêu xây dựng tuyến QL32, một trong các tuyến nan quạt quan trọng từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc, được xây dựng nằm trong chiến lược từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông cửa ngõ Thủ đô. Cầu Phùng được thiết kế bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu, với 22 nhịp, rộng 18m, tải trọng HL93, vận tốc thiết kế 60km/h. Cầu chịu được động đất cấp 8.
Ông Hải cho biết thêm, những tưởng vạn sự chỉ khó ban đầu, ai dè vừa bắt tay vào thi công lại gặp ngay trận lụt lịch sử của Hà Nội. Mưa liền trong 3 ngày, giao thông Thủ đô đình trệ, cuộc sống của tất thảy người Hà thành đảo lộn. May mắn thay, các đơn vị thi công đã kịp thời đưa thiết bị, máy móc lên cao, thiệt hại, mất mát vì thế cũng giảm đi phần nhiều.
Lũ lớn qua vẫn chưa hết gian nan. Khoảng tháng 4/2009, khi khoan đến trụ T9 (phía ngoài sông), dù đã khoan được 46/50m vẫn đụng phải nền địa chất cứng. Cứ hễ thả khoan xuống là gãy mũi. Những kỹ sư, công nhân lành nghề của Công ty cũng phải nhìn nhau lắc đầu. Loay hoay cả tuần lễ cũng không tìm ra cách.
“Ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh Thanh tra Bộ GTVT lúc bấy giờ là Phó tổng giám đốc Cienco4, sau khi xem xét tình hình thực tế đã quyết định sử dụng búa chuyên dùng thả từ trên cao xuống để phá đá, lấy bơm hút mạt đá lên rồi gia cố lại ống vách để tiếp tục khoan. Khó mấy cũng phải làm để không ảnh hưởng đến tiến độ. Cuối cùng, phương pháp này đã phát huy hiệu quả và chỉ sau đó không lâu mũi khoan đã hoàn tất. Công việc thi công cầu Phùng lại trở lại đúng quỹ đạo” - ông Hải nhớ lại.
Hình mẫu để nhân rộng
Trước khi thi công cầu Phùng, 60% sản lượng của Cienco4 là tập trung ở các tỉnh phía Nam. Khi tham gia đấu thầu cầu Phùng, Cienco4 cũng dự thầu luôn cầu Đông Trù. Trong cùng một ngày, Cienco4 trúng thầu liền hai cây cầu lớn. Ông Phạm Quang Vinh nhớ lại, cầu Phùng hoàn thành gần ba năm sau thì cầu Đông Trù mới hoàn thiện. Cùng với đó là chiến lược của lãnh đạo Tổng công ty cũng có phần thay đổi và chuyển hướng nhắm đến nhiều hơn các công trình phía Bắc, đặc biệt là địa bàn Thủ đô.
Ông Vinh cho biết, cầu Phùng được giao cho Chi nhánh Cienco4 Hà Nội và Công ty Cổ phần 473 đảm nhận thi công. Điều quyết định để đưa công trình về đích trước tiến độ là công tác tổ chức phân công, thi công hợp lý, nên đã giảm thiểu chi phí, nâng cao năng lực thiết bị của đơn vị thi công. Thông thường khi nhận được một gói thầu lớn, đơn vị trúng thầu thường chia nhỏ các gói thầu cho các công ty thành viên để cùng làm, dẫn tới các công ty thành viên đầu tư dàn trải vừa lãng phí trong đầu tư, thời gian thu hồi vốn lâu. Khắc phục tình trạng này, Cienco4 chỉ phân cho hai đơn vị thi công, lắp đặt hai trạm trộn bê tông hai đầu, tổ chức thi công hợp lý, phát huy tối đa hiệu quả các thiết bị, máy móc và nhân lực tại công trường.
Vào những thời điểm vốn liếng khó khăn, Tổng công ty ứng trước tiền cho đơn vị thi công để mua nguyên vật liệu và đây là công trình hoàn toàn do cán bộ công kỹ sư, công nhân của Cienco4 đảm nhận từ công việc khoan cọc, đổ bê tông cho đến lao dầm, không phải đi thuê từng hạng mục như những đơn vị khác. Ông Vinh cho biết chính mô hình này đã được Cienco 4 nhân rộng ra toàn Tổng công ty để phát huy tối đa năng lực, thiết bị của các đơn vị thành viên. Từ đó đã gây dựng nên một thương hiệu Cienco4 với năng lực tổ chức thi công thuộc loại mạnh nhất trong các tổng công ty xây lắp hiện nay.
Đúng ngày 30/9/2010, Cầu Phùng được khánh thành và đưa vào khai thác, thỏa ước vọng bao đời của người dân Đan Phượng và Phúc Thọ. Người dân sẽ chẳng còn phải chịu cảnh đã thấy nhà rồi mà không sao về được mỗi mùa mưa đến. Mối hiểm nguy và TNGT rình rập mỗi lần qua tràn Phùng cũng vĩnh viễn không còn nữa.