VEC tổ chức ký kết hợp đồng Gói thầu xây lắp A5, A6, A7 Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (hợp phần ADB tài trợ)
2017/9/27 10:57 - Nguồn : VEC
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành khởi công ngày 19/7/2014 và dự kiến thông xe toàn tuyến trong năm 2020. Đây là dự án đường bộ cao tốc thứ hai ở phía Nam do VEC làm Chủ đầu tư, có ý nghĩa quan trọng là động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực kinh tế Đông Nam Bộ; khai thác tối đa thế mạnh, thu hút đầu tư, du lịch… của TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, tỉnh Đồng Nai và các vùng lân cận.
Dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2925/QĐ- BGTVT ngày 08/10/2010; được phê duyệt điều chỉnh thiết kế cơ sở tại Quyết định số 968/QĐ-BGTVT ngày 12/4/2013 và Quyết định số 5096/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014 về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành.
Lễ ký kết hợp đồng Gói thầu xây lắp A5, A6, A7 Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài 57,1km; đi qua các tỉnh/thành phố: Long An, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h; có 17 hạng mục cầu với tổng chiều dài trên 20km, trong đó có 2 công trình cầu dây văng (cầu Bình Khánh, cầu Phước Khánh) có độ tĩnh không thông thuyền lớn nhất Việt Nam hiện nay (55m); có 06 nút giao trong giai đoạn I và 02 nút giao trong giai đoạn II; 02 trạm dừng nghỉ; đường gom dân sinh, cống hộp dân sinh, cống thoát nước và các công trình ngầm; tường chống ồn; hệ thống chiếu sáng, hệ thống an toàn giao thông và hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) toàn tuyến. Toàn bộ dự án chia thành 11 gói thầu; bao gồm 05 gói thầu phía Tây sử dụng vốn ADB tài trợ (A1, A2-1, A2-2, A3 và A4), 03 gói thầu (J1, J2 và J3) thuộc phân đoạn giữa sử dụng vốn Jica tài trợ, và 3 gói thầu phía Đông cũng sử dụng nguồn vốn ADB (A5, A6 và A7). Các gói thầu phía Tây và các gói thầu Jica hiện đang triển khai thi công; trong đó Gói thầu J2 (cầu Sông Chà) đã tiên phong cán đích.
Tổng mức đầu tư Dự án (giai đoạn I) là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.489 triệu USD), được huy động từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
1) Gói thầu xây lắp A5 (tiếp giáp Gói thầu J3-cầu Phước Khánh), có lý trình Km32+450 – Km35+900 (theo lý trình tim tuyến chính), với chiều dài gói thầu là 3,45km; trong đó bao gồm 2,72938km đường và 0,72062km cầu, hệ thống an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng… 2 Có 2 cầu nằm trên tuyến chính: cầu Ông Kèo và cầu Bầu Sen, với tổng chiều dài 720,62m, chiều rộng 24,5m.
2) Gói thầu xây lắp A6, có lý trình Km35+900 – Km52+400, với chiều dài gói thầu là 16,5km; trong đó bao gồm 15,8895km đường và 0,6105km cầu; 01 nút giao Phước An; 01 trạm thu phí; hệ thống an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng… Có 01 cầu vượt trên tuyến chính: cầu vượt Phước An, với chiều dài 0,6105km, chiều rộng 24,5m.
3) Gói thầu xây lắp A7, có lý trình Km52+400 – Km57+700, với chiều dài gói thầu là 5,3km; trong đó bao gồm 2,0634km đường và 3,2366km cầu; 01 nút giao Quốc lộ 51; 01 trạm thu phí; tường chống ồn; hệ thống an toàn giao thông và hệ thống chiếu sáng…
Có 2 cầu nằm trên tuyến chính: cầu Thị Vải và cầu Rạch Ngoài, với tổng chiều dài 3,2366km, chiều rộng 24,5m.
Tiêu chuẩn đặt ra đối với 3 gói thầu:
* Đường được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 100km/h trên toàn bộ phạm vi các gói thầu.
- Các gói thầu có mặt cắt ngang điển hình của đường thông thường giai đoạn 1 với chiều rộng nền đường 22,25 - 25m; bao gồm 04 làn xe chạy, 02 làn dừng xe khẩn cấp, có dải phân cách giữa, dải an toàn giữa và lề đường (trong giai đoạn 1 không thi công lớp bê tông tạo nhám 3cm và lớp nhựa dính bám liền kề).
- Tải trọng thiết kế đường: tải trọng trục 100KN, theo tiêu chuẩn thiết kế đường cao tốc TCVN 5729-1997.
* Cầu có kết cấu phần dưới mố trụ bằng bê tông cốt thép; kết cấu nhịp sử dụng dầm Super-T và dầm hộp. Tải trọng thiết kế cầu: HL-93, theo tiêu chuẩn thiết kế cầu 22TCN 272-05, chịu được động đất cấp 7.
Sau một thời gian thu xếp nguồn vốn, thiết kế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu..., được sự chấp thuận của Nhà tài trợ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngày 31/5/2017 Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đã có Quyết định số 333/QĐ-VEC- HĐTV, Quyết định số 339/QĐ-VEC- HĐTV và Quyết định số 340/QĐ-VEC- HĐTV phê duyệt kết quả đấu thầu Gói thầu A5, A6 và A7 Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (hợp phần ADB tài trợ) với nội dung chủ yếu như sau:
* Gói thầu A5, A7:
+ Nhà thầu trúng thầu theo thủ tục đấu thầu cạnh tranh quốc tế: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 - Công ty cổ phần (Cienco 6).
+ Giá trúng thầu Gói thầu A5: 435.659.628.962 VNĐ (bao gồm các loại thuế, phí và dự phòng theo quy định).
+ Giá trúng thầu Gói thầu A7: 1.046.920.467.172 VNĐ (bao gồm các loại thuế, phí và dự phòng theo quy định)
+ Hình thức hợp đồng: Theo đơn giá có điều chỉnh.
+ Thời gian thực hiện hợp đồng: 1.065 ngày (35 tháng).
* Gói thầu A6:
+ Nhà thầu trúng thầu theo thủ tục đấu thầu cạnh tranh quốc tế: Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng BMT và Hanshin Engineering&Construction Co.,Ltd.
+ Giá trúng thầu: 940.691.965.143 VNĐ (bao gồm các loại thuế, phí và dự phòng theo quy định).
+ Hình thức hợp đồng: Theo đơn giá có điều chỉnh.
+ Thời gian thực hiện hợp đồng: 1.080 ngày (35,5 tháng).
Như vậy, 3 gói thầu xây lắp cuối cùng của đoạn tuyến phía Đông Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành đã được ký kết hợp đồng, tạo điều kiện để Chủ đầu tư và Nhà thầu khẩn trương triển khai thi công, đảm bảo kết nối liên hoàn đồng bộ phân đoạn phía Tây với phân đoạn giữa và phân đoạn phía Đông, phấn đấu hoàn thành thông tuyến đưa vào khai thác toàn Dự án vào năm 2020, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư cũng như hiệu quả kinh tế-xã hội của Dự án.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành khi hoàn thành đưa vào khai thác sẽ giúp cho giao thông liên vùng phía Tây và phía Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP. Hồ Chí Minh; nối trực tiếp với mạng đường cao tốc – quốc lộ, với hệ thống cảng biển quốc tế lớn nhất khu vực như Hiệp Phước, Thị Vải - Cái Mép và với Sân bay quốc tế Long Thành. Đồng thời, Dự án góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, giảm thiểu tai nạn giao thông; rút ngắn quãng đường cũng như thời gian lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ tỉnh Long An đến TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và ngược lại, từ đó phát huy hiệu quả đầu tư các khu công nghiệp tại các tỉnh phía Nam.
Việc hình thành cao tốc Bến Lức – Long Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông cũng thể hiện chủ trương đầu tư ”đi tắt, đón đầu” đúng hướng của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, bởi trong tương lai nếu kết nối cao tốc Bến Lức – Long Thành với cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tạo thành một phần của tuyến Hành lang kinh tế phía Nam thuộc Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) từ Bangkok qua Phnom Penh, TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu.