Đường nối cao tốc Nội bài – Lào Cai đến Sa Pa: Động lực mới trong phát triển Kinh tế - Xã hội tỉnh Lào Cai và cả vùng Tây Bắc.

2017/10/13 9:50 - Nguồn : Đình Trang

Dự án được khởi công vào ngày 27/2/2016, với quy mô gồm 02 tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, bao gồm: cải tạo tuyến Quốc lộ 4D hiện hữu với chiều dài L= 29Km (điểm đầu Km108, thuộc thị trấn Sa Pa, điểm cuối tại Km137+055 thuộc thành phố Lào Cai) và xây dựng mới tỉnh lộ 155 với chiều dài L=22,203Km nối Sa Pa với Lào Cai theo hướng song song với Quốc lộ 4D (điểm đầu Km0, giao với QL4D tại Km133+180, điểm cuối Km22+203,74 giao với QL4D tại Km105). Tổng vốn đầu tư của dự án là 2.518.579.962.000 đồng, trong đó: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 128.286.000.000 đồng; Vốn huy động tín dụng là 726.954.000.000 đồng; Vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương là 1.663.357.307.000 đồng (kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng được tách riêng là 252.777.859.000 đồng). Giá trị phần nhà đầu tư thực hiện là 2.265.820.103.000 đồng, trong đó số vốn góp của nhà nước để hỗ trợ xây dựng là 1.410.579.448.000 đồng. Dự án do liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng miền Trung - Công ty Cổ phần Thương mại Nước giải khát Khánh An thực hiện.

Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng xông trình đường nối Cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Sa Pa

Quốc lộ 4D là tuyến đường huyết mạch kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với khu du lịch Sa Pa và tỉnh Lai Châu, việc xây dựng tuyến đường nhằm nâng cao tính cơ động của các lực lượng trong tác chiến khu vực phòng thủ tỉnh Lào Cai nói chung, tăng cường sự cơ động của các hoạt động quân sự dọc biên giới Việt - Trung của cả vùng Tây Bắc (kết nối các quốc lộ 4C, 4D, 4E từ Cao Bằng – Hà Giang - Lào Cai - Lai Châu - Điện Biên) góp phần đảm bảo Quốc phòng - An ninh trong thời kỳ mới. Từ tháng 9 năm 2014 khi đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào khai thác, đặc biệt là khi khu du lịch Sa Pa đang khẩn trương xây dựng hạ tầng xứng tầm với tiềm năng của trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam và khu vực, trong đó công trình cáp treo lên đỉnh Fansipan đã hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm 2015 thì các phương tiện vận tải tăng nhanh về số lượng và chủng loại trên tuyến đường QL4D. Lưu lượng xe năm 2015 và 2016 trung bình 4.000 CPU/ngày đêm (xe quy đổi/ngày đêm). Cá biệt những dịp cuối tuần, ngày lễ, tết lưu lượng xe lên tới 10.500 CPU/ngày đêm, trong khi tuyến đường có nhiều đường cong bán kính nhỏ, độ dốc dọc một số đoạn trên 10%, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, năm 2016 do ảnh hưởng của cơn bão số 1, số 2, số 3 đã làm sụt trượt mái taluy, phá hỏng nền đường của nhiều đoạn nên việc đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông ngày càng khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của nhân dân và du khách đến Sa Pa và tỉnh Lai Châu. Vì vậy, khi dự án hoàn thành, không chỉ tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế xã hội, khai thác tiềm năng du lịch của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai mà còn tác động tích cực đến các tỉnh trong khu vực.

Thi công mặt bằng gói thầu số 1

Hiện nay, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho dự án, UBND tỉnh Lào Cai đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương phân kỳ đầu tư và điều kiện thu phí với dự án nhằm hoàn thành đoạn tuyến, đảm bảo mục tiêu đầu tư cũng như phát huy hiệu quả của dự án. Theo đó ngân sách Nhà nước đã bố trí được 450 tỷ đồng (không bao gồm 10% dự phòng) từ nguồn dự phòng chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (2016 – 2020). Tuy nhiên, qua thống kê, cập nhật khối lượng và các chế độ chính sách ở thời điểm hiện tại thì chi phí GPMB và hỗ trợ tái định cư có xu hướng tăng cao. Nếu thi công toàn tuyến theo dự án thì nguồn vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016 – 2020 chỉ đáp ứng cho công tác GPMB, không có vốn nhà nước để đầu tư cho phần xây lắp. Ngoài ra, việc giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB sẽ rất khó khăn cũng như kéo dài thời gian, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, thời gian thu phí cũng như phương án tài chính của nhà đầu tư.

Để bảo đảm mục tiêu đầu tư cũng như phát huy hiệu quả của Dự án thì tổng kinh phí cần khoảng 1.800 tỷ đồng. Do đó, UBND tỉnh Lào Cai đã đề xuất phân kỳ đầu tư dự án làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (thực hiện ngay) cho phép triển khai thi công và hoàn thành Tỉnh lộ 155 đoạn từ nút giao đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với QL4D (tại Km135+900 QL4D) đến nút giao giữa QL4D với đường tránh QL4D thị trấn Sa Pa (tại lý trình Km110+052 QL4D) với chiều dài 21 km để bảo đảm phương án tổ chức giao thông một chiều theo hướng Lào Cai đi Sa Pa và ngược lại. Giai đoạn 2, sẽ tiếp tục triển khai đoạn còn lại khi được Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư hoặc huy động được vốn từ các nguồn hợp pháp khác. Về điều kiện thu phí, UBND Tỉnh đề xuất cho phép tiến hành thu phí ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1 để từng bước hoàn vốn, phát huy hiệu quả đầu tư cho Dự án.

Với chức năng làm đơn vị quản lý dự án, thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án: Đường nối cao tốc Nội Bài –Lào Cai đến Sa Pa, tỉnh Lào Cai theo hình thức BOT. Ban QLDA Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông tỉnh Lào Cai đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai về dự án, thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc nhà đầu tư, nhà thầu thi công, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát để công trình đảm bảo an toàn, chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai khi dự án hoàn thành.