Cần 65.000 tỷ đồng làm đường Hồ Chí Minh
2013/10/15 12:24 - Nguồn : Phương Thảo
UB Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38 năm 2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Tờ trình Chính phủ do Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trình bày khẳng định, dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh được triển khai đã cơ bản bám sát yêu cầu của Nghị quyết về việc lựa chọn hướng tuyến, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở những vùng có tuyến đường đi qua; đồng thời tạo được khả năng liên kết giữa các khu đô thị, vùng dân cư, các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm.
Dự án đã được xem xét và phân kỳ đầu tư một cách tương đối hợp lý cho từng đoạn tuyến căn cứ vào nhu cầu phát triển, khả năng cân đối vốn và tính phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ toàn quốc. Từ khi đưa vào khai thác đến nay tuyến đường đã thực hiện tốt chức năng hỗ trợ quốc lộ 1, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và đảm bảo giao thông thông suốt khi quốc lộ 1 bị ách tắc trong mưa lũ.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cho biết, đến năm 2015, số vốn thiếu để hoàn thành giai đoạn 2 đường Hồ Chí Minh là 24.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng GTVT nêu đề nghị điều chỉnh một số nội dung cơ bản về tổng chiều dài toàn tuyến, hướng tuyến, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật... Theo phân kỳ đầu tư, dự kiến, đến năm 2015 cơ bản hoàn thành nối thông hai làn xe từ Pác Bó đến Đất Mũi những đoạn có nhu cầu cấp thiết, các đoạn tuyến còn lại và một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020. Việc phân kỳ đầu tư và tổng mức đầu tư giai đoạn cao tốc (giai đoạn 3) tùy thuộc vào tình hình triển khai thực tế và khả năng cân đối vốn.
Về vốn, Bộ trưởng Thăng cho biết, tổng nhu cầu vốn từ nay đến năm 2020 cho việc thực hiện thông tuyến hai làn xe đường Hồ Chí Minh khoảng 65.000 tỷ đồng. Để có thể hoàn thành giai đoạn 2 và nâng cấp mở rộng đoạn qua Tây Nguyên (quốc lộ 14 cũ) vào năm 2015, nhu cầu vốn còn thiếu khoảng 24.000 tỷ đồng.
Thẩm tra nội dung này, UB Khoa học - Công nghệ & Môi trường chỉ rõ, băn khoăn lớn nhất là nguồn vốn, tổng vốn đầu tư, tiến độ phân kỳ đầu tư. Về nguồn vốn, trong dự thảo Nghị quyết điều chỉnh chưa rõ, có ưu tiên vốn hay không, tiền đâu để làm, khi nào làm, cái nào trước và cái nào sau, ngoài nguồn vốn trái phiếu, các nguồn vốn khác là nguồn nào?
Do nhu cầu vốn lớn, các ủy viên UB Thường vụ yêu cầu xác định cụ thể khả năng huy động các nguồn vốn bảo đảm tính khả thi. Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu lo lắng, trong tình hình khó khăn hiện nay, liệu dự án có hoàn thành vào năm 2020?
Ông Hiển cho rằng, cần rà soát kỹ hơn việc thay đổi hướng tuyến, vì xem trên bản đồ, trên cùng một trục miền Trung, mật độ các tuyến đường tương đối dày đặc, có đoạn đường Hồ Chí Minh trùng với quốc lộ 14. Ông Hiển nhấn mạnh, vấn đề không nên quyết ở UB Thường vụ mà cần đưa ra Quốc hội xem xét vì Quốc hội đã quyết định về chủ trương đầu tư dự án thì Quốc hội cũng phải "bấm nút" về vấn đề kinh phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ làm rõ các nguồn vốn lấy ở đâu, cân đối trả nợ khi phát hành trái phiếu, trả trái phiếu Chính phủ trong thời hạn bao nhiêu năm, nói rõ về các hình thức hợp tác đầu tư. Theo đó, bà Phóng yêu cầu nên có bản tổng hợp ý kiến của các địa phương, các đường tránh cần thuyết minh thêm trong bản báo cáo tóm tắt.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng quán triệt, xây dựng dự thảo Nghị quyết về nội dung này cần thể hiện rõ ràng, từ tiến độ dự án, nguồn vốn, số vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ đến phân kỳ đầu tư, điều chỉnh hướng tuyến, mặt cắt... “không thể làm chung chung theo kiểu tùy khả năng, tùy điều kiện hoàn cảnh”.