Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16: Đồng hành cùng đất nước

2018/3/5 15:14 - Nguồn : Mai Nam Thắng
 
Chủ đề chính của Ngày Thơ năm nay là “Nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước”, với nội dung phản ánh, ghi sâu những tháng năm văn chương đồng hành với những vấn đề sống còn của quốc gia, của nhân dân, của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Văn chương Việt Nam đã góp phần khắc họa hình ảnh người lao động sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, nhất là những con người đang đứng ở "đầu sóng, ngọn gió" bảo vệ toàn vẹn Tổ quốc, họ cũng chính là những nhân vật trung tâm của văn học thời kỳ đổi mới, là cảm hứng không bao giờ vơi cạn của những người "lao động văn học" trên cả nước. 
 
Biểu tượng chính của Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI là hình ảnh “Cánh buồm thơ”. Ngay từ lối vào dẫn đến sân thơ chính, những cánh buồm đỏ thắm được sắp đặt trên nền sóng cỏ xanh mướt gợi nên nhiều xúc cảm đẹp trong lòng người yêu thơ đến với lễ hội thi ca. Trong khuôn khổ Ngày Thơ này, Ban tổ chức cũng đã mở triển lãm chân dung và hình ảnh các nhà văn Việt Nam tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, giúp công chúng có thêm những góc nhìn sâu sắc về lịch sử hào hùng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người dân.
 
 
Trong lời khai mạc Ngày Thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh xúc động phát biểu: "Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI tổ chức trong cả nước đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm bài thơ "Nguyên tiêu" bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Ngày Thơ Việt Nam năm nay cũng là một hình thức thể nghiệm để tiến tới việc đưa Ngày Thơ Việt Nam dần trở thành Ngày Văn chương Việt Nam với nhiều hoạt động tôn vinh cả thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương".
 
Năm 2018, lần đầu tiên Ngày Thơ Việt Nam diễn ra trong 4 ngày (từ 27-2 đến ngày 02-3-2018) với hai hội thảo lớn về thơ và tiểu thuyết Việt Nam đương đại với chủ đề với chủ đề “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay” và “Đổi mới tư duy tiểu thuyết”. Tiếp đó là các hoạt động trên sân thơ được tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào đúng Rằm tháng Giêng. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của 60 câu lạc bộ thơ với các hoạt động trình diễn, giới thiệu thơ, trưng bày gian thơ tại khuôn viên Hồ Văn...
 
 
Trên sân thơ truyền thống, sau tiết mục ngâm thơ “Nguyên Tiêu” do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác cách đây 70 năm, nhiều nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam đã thể hiện những tác phẩm tâm đắc của mình như: Hữu Thỉnh, Trần Nhuận Minh, Lê Thành Nghị, Trần Quang Quý, Mai Văn Phấn... Riêng nhà thơ Anh Ngọc lại kể về kỷ niệm với nhà thơ, liệt sỹ, bạn đồng môn Nguyễn Trọng Định (hy sinh tại chiến dịch Mậu Thân 1968) và đọc bài thơ “Nước vối quê hương” của người bạn không còn trở về khiến nhiều người lặng đi vì xúc động. Các nhà thơ Việt Nam cũng đã đón chào 4 nhà thơ tiêu biểu đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản sang gặp gỡ, giao lưu với công chúng yêu thơ Việt Nam ở cả sân thơ truyền thống và sân thơ trẻ.
 
Năm nay, lần đầu Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sân thơ Trẻ. Mở đầu chương trình là tổ khúc “Những đứa con bất tử của mẹ tổ quốc” đã được Đoàn công tác của Hội nhà văn Việt Nam trình diễn trên tàu HQ 996 trong đợt đi thực tế sáng tác tại Trường Sa tháng 4 năm 2014. Kịch bản dựa theo truyện ngắn “Những bức thư gửi từ biển” của nhà văn Võ Thị Xuân Hà và thơ của các nhà thơ tham gia đoàn công tác: Đặng Huy Giang, Hữu Việt, Nguyễn Thị Mai, Bàng Ái Thơ, Nguyễn Quang Hưng, Phạm Vân Anh.
 
 
Các tác giả trẻ đến với sân thơ từ nhiều miền đất nước đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả khi thưởng thức những tác phẩm viết về đất nước, quê hương, tình mẫu tử, tình yêu đôi lứa, khát vọng tuổi trẻ như: Hoàng Xuân Tuyền, Thy Nguyên, Trương Xuân Thiên, Ngô Gia Thiên An, Nam Thiên Phú, Lý Hữu Lương, Trần Thị Hằng, Trần Nhật Minh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Tạ Anh Thư, Đặng Thiên Sơn, Hoàng Anh Tuấn.
 
 

Lễ hội thơ Nguyên Tiêu 2018 đã kết thúc bằng màn thả thơ truyền thống. 50 câu thơ được tuyển chọn của các nhà thơ sáng tác qua nhiều thế kỷ còn ghi lại dấu ấn trong lòng người đọc đã bay lên bầu trời xuân rực nắng, mang theo nhiều ước vọng về một nền thi ca phát triển rực rỡ cả trong quá khứ và tương lai.