Nguyễn Đăng Chế: Một thời bão lửa, giờ về “gối trăng”

2018/5/28 11:49 - Nguồn : Nguyễn Thùy Vinh (báo Nghệ An)
Và bây giờ, sau 10 năm, tôi mới thực hiện được dự định ấp ủ của mình. Không chỉ có ông Chế, mà vợ ông - bà Nguyễn Thị Huệ cũng ân cần ngồi tiếp chuyện và… đọc thơ của chồng cho tôi nghe. Trong căn nhà ấm cúng, hai vợ chồng- hai người bạn tâm giao cùng sống lại bao nhiêu hồi ức. “Ngày xưa, o Huệ ni - là Tiểu đội trưởng một tiểu đội rà phá bom từ trường trên sông Lam. O ni dân Cửa Hội, giỏi bơi lội lắm, bỏ xa cánh đàn ông. Hồi đó, tui là thủ trưởng của mấy đơn vị rà phá bom từ trường trên sông Lam, cảm mến o ni cũng vì cái đức gan dạ”.
 
Câu chuyện về người Trưởng phà Bến Thủy những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt tôi đã nghe kể nhiều lần. Không chỉ qua những người bạn của ông, những người gắn bó với dòng sông Lam và con phà Bến Thủy xưa, những người đã sống trong lòng Vinh những năm lửa đạn, mà còn qua những trang sách của nhà văn Đào Thắng. Thế nhưng, bằng tất cả sự khiêm tốn, giản dị, ông đã ngồi trước tôi với một nụ cười: “Thời ngang dọc của tui qua rồi. Giờ trở về cùng rơm rạ và toàn tâm, toàn ý với thơ thôi!”
 
Anh hùng Nguyễn Đăng Chế trên cầu Bến Thủy - "tọa độ lửa" năm xưa. Nguồn: báo Nghệ An
 
“Một thời ngang dọc”
 
Trong một bài thơ với giọng điệu ngang tàng, ngất ngưởng, Nguyễn Đăng Chế nhìn lại mình đã có “một thời ngang dọc, bất cần”. Là ông nói vui, chứ quá khứ và những năm tháng “ngang dọc” ấy luôn cháy trong ông như những ngày đẹp nhất.
 
Sinh năm 1942 tại một ngôi làng bình dị như bao nhiêu làng quê khác thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, Nguyễn Đăng Chế có niềm tự hào riêng với dòng dõi “mấy đời làm cách mạng, mấy đời yêu thơ phú”. Ông nội Nguyễn Đăng Chế là cụ Nguyễn Thế Mỹ, còn gọi là cụ đồ Mỹ, là một nhà nho yêu nước - một chí sỹ của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, đã từng bị tù đày tại nhiều nhà lao thời đế quốc, phong kiến. Cụ đồ Mỹ đã có nhiều bài thơ bày tỏ lòng yêu nước và khí khái của một nhà nho như: Vịnh cây hồng, Cày trại; có nhiều câu đối, bài điếu chuẩn mực: Lên sáu mươi tự vịnh, Điếu các chiến sỹ hy sinh ở Thái Lão...
 
Cha của Nguyễn Đăng Chế là nghệ sỹ Nguyễn Đăng Khầm (hay còn gọi là Nguyễn Thanh Khầm), trước là chuyên viên của Ty Văn hóa Nghệ Tĩnh, nổi tiếng với giọng ngâm thơ hay và là thầy dạy về cải lương, tuồng, dân ca... cho nhiều nghệ sỹ bấy giờ. Nguyễn Đăng Chế là con thứ 2 trong gia đình có 7 người con (anh trai đầu đã hy sinh tại chiến trường Campuchia). Những năm 1961-1964, ông theo học ngành Giao thông và trở về Nghệ An nhận nhiệm vụ tại Ty Giao thông vào tháng 7/1964.
 
Chỉ sau đó chưa đầy 1 tháng, quê hương bước vào cuộc chiến chống Mỹ ác liệt. Những con đường đạn bom cày xới, những con đường xuyên rừng, núi lên vùng cao đã có dấu chân của người cán bộ khảo sát giao thông Nguyễn Đăng Chế. Năng động, sáng tạo và dũng cảm, người cán bộ trẻ luôn được tin mến, trở thành đội trưởng đội khảo sát, thiết kế đường thủy, rồi đội trưởng đội rà phá bom trên sông Lam.
 
Đến năm 1968, trước diễn biến của chiến tranh, Phà Bến Thủy được nhận định là trọng điểm, phải chuẩn bị nhiều phương án tác chiến, có thể phải tiêu hủy người, xe nhưng phải đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt. Lúc này, cấp trên đã chọn Nguyễn Đăng Chế - một đảng viên trẻ 27 tuổi làm người đứng đầu sóng ngọn gió: Trưởng phà Bến Thủy. Nhận nhiệm vụ, Nguyễn Đăng Chế không khỏi suy nghĩ: “Mình về nhận nhiệm vụ to lớn này đúng lúc phà vừa nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, một tập thể kiên cường, giàu thành tích là thế, anh em ở đây toàn những người dạn dày kinh nghiệm của 3 đại đội: Pháo binh Hoàng Mai, Pháo binh Nam Đàn và Công binh Bến Thủy, chắc là sẽ rất khó khăn để anh em thừa nhận.
 
Lo thì rất lo, nhưng là đảng viên không lẽ mình lùi bước? Nếu không phải là lớp trẻ đứng ra nhận trách nhiệm bám trụ dòng sông, hứng chịu đạn bom.. thì là ai đây?” Vậy là Nguyễn Đăng Chế trở thành Trưởng phà Bến Thủy từ đầu năm 1969. Trong hồi ức của nhà văn Đào Thắng, thì Nguyễn Đăng Chế khi đó “lúc nào cũng đeo băng đỏ có dòng chữ Trưởng phà Bến Thủy nơi cánh tay, cao to, vững chãi như nhà chỉ huy quân sự”. Và ông đã trở thành một người lính thực thụ, gắn bó với hơn 300 con người nguyện sống chết với dòng sông để đảm bảo mạch máu giao thông, gắn bó với tổng đài - ngôi nhà chung vĩ đại đặt trong lòng rú Quyết - địa đạo nổi của Vinh- Bến Thủy.
 
Cứ 9 người 1 chuyến phà, chịu trách nhiệm trước tài sản của quân đội, của nhân dân. Phà chạy liên tục ngày đêm, chở gạo, đạn, thực phẩm, lán bạt, tư trang... cho chiến trường. Công nhân thay phiên nhau xuống phà, sẵn sàng thay thế người bị thương, người hy sinh. Mỗi đêm, tính ra có hàng ngàn chuyến xe qua Bến Thủy. Vị Trưởng phà hồi đó, cũng nằm hầm, ăn mỳ trộn nước mắm nướng trên bếp, sáng nào cũng ướt như chuột lột, và lo nhất phà tắc, ùn xe, pháo Mỹ từ biển câu vào...
 
Tháng 11/1972, phà bị tắc hàng tuần do máy bay Mỹ ném bom nổ chậm và bom từ trường thế hệ mới. Phương án dùng thuyền khử từ rà phá không hiệu quả. Huy động tàu phóng từ hải quân cũng chưa rà phá hết được số lượng bom dưới lòng sông sâu, Trưởng phà Nguyễn Đăng Chế nêu sáng kiến dùng phà lớn, tốc độ nhanh, lướt trên bom với kích từ mạnh để buộc nó phải nổ. Câu hỏi được đặt ra “Ai sẽ là người chỉ huy con phà cảm từ này?”. Nguyễn Đăng Chế đã dõng dạc trả lời: Tôi là phà trưởng, tôi trực tiếp chỉ huy con phà này!
 
Tinh mơ hôm ấy, con phà chở người chỉ huy dũng cảm rà trên sông đến vòng thứ 3 thì 2 quả bom từ phát nổ kích thích những quả bom khác cùng phát nổ. Những cột nước dữ dội bùng lên từ lòng sông đã giật tung xích của 2 chiếc ca nô, hất tung phà lên trời. Con phà chìm dần, Nguyễn Đăng Chế bi sức ép nặng nổi bồng bềnh trên mặt sông. Tin báo về tỉnh, về gia đình, Trưởng phà Bến Thủy đã hy sinh. Nhưng với nỗ lực của bác sỹ và tinh thần thép của chính mình, Nguyễn Đăng Chế đã trở về với đồng đội, với những chuyến phà qua sông.
 
Với những thành tích nổi bật trong nhiều năm, Nguyễn Đăng Chế được tỉnh Nghệ An đề nghị làm hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, nhưng ông đã một mực chối từ. Ông nghĩ: Có biết bao nhiêu người đã anh dũng và nằm lại, có bao nhiêu người can đảm và lặng lẽ khác. Họ xứng đáng hơn mình. Mình có vinh dự được tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua nhiều năm, được nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng, ấy đã là xứng đáng rồi. Năm 1973, Phà Bến Thủy được tuyên dương Anh hùng lần thứ 2, trong đó có không ít đóng góp của vị Trưởng phà can trường Nguyễn Đăng Chế...
 
Với thơ, “tôi là kẻ không ngờ”
 
Ông Nguyễn Đăng Chế và bìa tập thơ "Dòng sông vô hình"
 
Bước ra từ cuộc chiến, sau bao nhiêu năm làm cán bộ của ngành Giao thông cho tới ngày nghỉ hưu, Nguyễn Đăng Chế ngỡ ngàng nhìn lại “Thế mà lão ngỡ còn lâu/ Nắng mưa, sương gió nhuộm màu tóc râu/ Vượt sông, xẻ núi, bắc cầu/ Qua đường máu, có ngờ đâu vẫn còn”. Ông tìm đến với thơ, và “Lại về với trăng”, với “rơm rạ một thời” (tên những bài thơ của Nguyễn Đăng Chế). Trong một cuộc “Trò chuyện với thơ”, ông đã tự bạch: “Thơ ơi thơ, tôi là kẻ không ngờ”. Lời nói ấy, thực ra là một lời đầy khiêm tốn trước Nàng Thơ. Và có lẽ, chỉ đứng trước thơ - trước cái đẹp cao quý của cuộc đời, con người to lớn, hiên ngang ấy mới bất chợt cúi đầu. Ông thấy mình thật may mắn khi biết viết thành vần điệu những suy nghĩ, những tình cảm trào dâng. Nhưng, Nguyễn Đăng Chế làm thơ, đâu phải điều bất ngờ, khi ông thừa hưởng gen của ông nội, của cha mình và ông cũng đã viết và say thơ từ rất sớm. Từ nhỏ, ông đã rất giỏi về văn học, rất mê văn chương. Năm 1961, khi 19 tuổi, ông đã đặt bút viết bài thơ đầu tiên mà cho đến giờ ông vẫn thuộc làu từng dấu chấm, phẩy (Nguyễn Đăng Chế có tài nhớ thơ.
 
Ông thuộc tất cả hơn 100 bài thơ của chính mình, ngoài ra thuộc rất nhiều thơ của các tác giả khác). Ấy là bài thơ “Chào mừng người anh hùng vũ trụ” viết về Anh hùng của đất nước Liên Xô Gagarin. Rồi sau đó, trong sổ tay, trên vỏ bao thuốc lá, những mảnh giấy xé vội... Những bài thơ lần lượt ra đời, là Đêm sông Cầu, Hương nếp rồng, Gặp nhau trên đỉnh Truông Kè, Dấu hỏi trong tôi... Cứ ngỡ như ông bộc bạch, là đã thanh thản “mải vui thủng thẳng”, đã về “gối trăng” rồi, trong những bài thơ ông viết sau ngày nghỉ hưu, nhưng không, trong những dòng thơ ấy vẫn là ăm ắp thế sự, ăm ắp nỗi niềm. Hai tập thơ “Với người năm xưa” và “Dòng sông vô hình” được in ra, người ta vẫn thấy một chân dung Nguyễn Đăng Chế hào sảng mà bộc trực, tưởng nhẹ bẫng như không mà lắm nỗi nghẹn ngào.
 
Ông dành khá nhiều tâm sự cho làng quê Nhạn Tháp, cho người dân một nắng hai sương và người mẹ vất vả, tảo tần. Đứng trước “Làng”, ông “thưa”: “Thưa làng, quỷ sứ về đây/ Cái tên làng đặt từ ngày ấu thơ”. Ông đang soi ngắm chính mình, đang gọi chính mình và trân trọng một quá khứ đã xa “Sáu mươi -sàng lọc dại khôn/ Tìm về cái thuở lon ton để nhìn”. Thế đấy, nhưng vẫn khôn xiết những trở trăn, những vò xé, còn đâu, tìm đâu cái “hương nếp rồng” (nếp chẳng còn, nồi hông còn đó) thuở nhỏ, còn đâu “bò gặm nắng sông”, đâu “củi lửa nướng ngô bông, sắn lùi”, và mẹ thì bao năm vẫn “sững sờ trước cổng bên thềm/ Mẹ ngồi náu lặng chờ đêm ập về” suốt “ba lăm năm vẫn chòng chành bóng con”.
 
Ký ức, một phần ký ức về làng quê đã luôn đau đáu trong trái tim ông, để ngẩn ngơ “Tuổi thơ gần đấy mà xa/ Chợ quê gần đấy mà ta khó về”. Ngồi trên nệm êm ô tô, ông lại miên man nghĩ về cái thời “trèo ổ rơm trong chuồng bò”, uống cốc bia lại nghĩ về cái thời “vục miệng uống nước ruộng buổi cày trưa”. Thế đấy, ông đến với thơ đâu phải để thanh thản mà là để nghĩ suy...
 
Không ít bài thơ của ông, dấu ấn những tháng ngày bão đạn vẫn chưa phai. Ta có thể thấy dấu chân của người trưởng phà năm xưa, nay đi trên những con đường mới thênh thang, đi trên cây cầu bắc qua sông xưa mà như trĩu nặng “Đường vui nhớ bến tưởng nguồn/ Con phà bom dội gọi hồn ta chăng”. Ông vẫn thấy trong hoàng hôn, trong những ban mai “Những người kéo phà đi sơ tán/ Để lại dấu chân/ Hoàng hôn ra đi, trở về mờ sáng/ Dấu chân/ Dấu chân/ Dấu chân/ Bùn đen máu lẫn/ Khắc vào đất niềm tin và lòng bất khuất...”. Những kỷ niệm gọi về nhức nhối, biết “Còn ai quên nhớ mảnh trăng máu bầm?” cái hôm “Hạ huyệt bom đào bật áo quan”? Một lần đi xe qua Nghĩa trang Quỳnh Xuân (Quỳnh Lưu) đêm trăng sáng, thấy người ta đang quét vôi lại nghĩa trang, ông đã dừng xe vào đó ngắm “mỗi tấm bia liệt sỹ mỗi tên người”. Ông xúc cảm để nghĩ đến hình hài, tâm trạng của những người lính đã nằm xuống với “làng mới” của mình.
 
Người ta còn gặp trong thơ ông nhưng bài thơ tếu, thơ vui, thơ tặng vợ. Đọc trong câu chữ có phần ngất ngưởng, hóm hỉnh ấy, là cả tấm lòng hồn hậu, yêu thương thiết tha cuộc đời, tinh thần chia sẻ, sự lạc quan và cũng không ít những chiêm nghiệm sâu sắc: “Hoa thật héo mau - hoa giả tươi lâu”, “Thật nhất là lúc ngu ngơ”, “Đêm nay tung thứng lên trời/ Thả câu thơ với nụ cười mà say”. Ông có “Cách tính” rất độc đáo: “Độc lập tính bằng nước mắt/ Cơm áo tính bằng mồ hôi/ Thời gian kiểm nghiệm tình người”. Khi ông đọc bài thơ này trong một hội nghị thay cho lời phát biểu, người ta đã trầm trồ thán phục “cách tính” này, và thán phục cả con người và tính cách của ông.
 
Còn nhiều điều lắm, tôi chưa viết hết về “người anh hùng - thi sỹ” ấy. Nhưng nói như ông, thì “đừng nhắc về chú nữa, bây giờ chú đã về “gối trăng” rồi”. Trước khi tôi về, bà Huệ đã đọc cho tôi nghe về bài thơ ông làm tặng vợ trong một đêm không ngủ: “Em nằm hay trở mình/Đêm thêm dài, thêm buốt/ Cột sống anh nhói đau/ Cả hai không ngủ được” để nghiệm rằng “Chiến tranh qua lâu rồi/ Nắng mưa thường len lỏi/ Tìm ta lúc trở trời”. Thế đấy, hai vợ chồng ông, hai người thương binh, họ đã sống qua trận mạc để giờ tìm niềm vui từ những điều giản dị...