Tai nạn liên tiếp: Hệ thống đường sắt đang ở thời mông muội
2018/5/28 14:14 - Nguồn : Thu Hằng
Theo ông, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt cực kỳ nghiêm trọng có nguyên nhân từ hệ thống quy định bảo đảm cho vận hành và an toàn đường sắt chưa hoàn thiện.
“Đây là vấn đề hàng đầu cần nghiên cứu hoàn thiện ngay”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ủy viên thường trực UB Về các vấn đề xã hội nhấn mạnh.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng. Ảnh: Quang Phúc
Lạc hậu
ĐB tỉnh Bến Tre nhận định ngành đường sắt duy trì quá lâu các quy định từ thời bao cấp đến giờ, chậm đổi mới, hạ tầng kỹ thuật cơ sở quá kém.
“Từ máy tàu, đoàn tàu, hệ thống đường sắt vẫn đang vận hành ở thời kỳ mông muội. So sánh với hệ thống đường sắt thế giới thì thấy đây là hệ thống đường sắt lạc hậu bậc nhất trong khi nền kinh tế của chúng ta phát triển vài chục năm nay”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
Thêm vào đó, ý thức tuân thủ của người dân trong quá trình vận hành, tham gia giao thông rất thấp. Ngay ở xung quanh thủ đô Hà Nội, tuyến đường sắt còn nham nhở, việc tham gia giao thông của nhiều cá nhân trên đường có liên quan đường sắt còn nhiều vi phạm.
Vì thế, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong giao thông đường sắt, nảy sinh nhiều vi phạm pháp luật nói chung và xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng.
Ông phân tích: “Khi nói về hoàn thiện hệ thống thể chế, đây là trách nhiệm của trưởng ngành vì bộ trưởng phải tham mưu cho Nhà nước, Chính phủ hoàn thiện hệ thống giao thông đường sắt và phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức người dân, phối hợp với bộ, ngành địa phương khác thực hiện an toàn, hiệu quả, phòng tránh tai nạn”.
Muốn khắc phục tình trạng hiện nay, ông Nhưỡng cho rằng phải làm đồng bộ hệ thống tàu, đường tàu.
“Nếu chỉ bố trí các phương tiện 4.0 cho đường ngang ngõ tắt trong khi có con tàu lạc hậu, đường sắt lạc hậu và bản thân ý thức còn rất lạc hậu thì tôi nghĩ không đồng bộ”, ông nói.
Theo ĐB Nhưỡng, củng cố hệ thống đường sắt phải từ chể thế cho đến hạ tầng kỹ thuật, công nghệ đến ý thức tuân thủ, ý thức trách nhiệm, ý thức pháp luật và cả vấn đề đạo đức xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cần lên tiếng
Giải pháp trước mắt, theo ĐB Nhưỡng là phải rút kinh nghiệm ngay. Ngành đường sắt nói riêng và Bộ GTVT phải chủ trì với bộ ngành nghiên cứu đề án khả thi, báo cáo Chính phủ về củng cố hệ thống đường sắt, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đồng thời nâng cấp quy định và tăng cường hơn nữa ý thức trách nhiệm, ý thức công dân.
“Theo tôi những việc như thế này Bộ trưởng cần lên tiếng, vào cuộc ngay lập tức. Ngoài động viện, thăm hỏi các nạn nhân, phải xem xét, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền báo cáo. Tôi biết Bộ trưởng có chỉ đạo nhưng cần công bố cho báo chí và người dân biết cùng tham gia”, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu.
Ông cho rằng, với tư cách tư lệnh ngành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cần lên tiếng liên quan trách nhiệm của ngành và cả trách nhiệm của Chính phủ, địa phương chứ không chỉ mỗi ngành GTVT.
“Phải đầu tư ngay lập tức hệ thống đường sắt hiện đại, đây là vấn đề dài hơi. Nhưng vấn đề trách nhiệm hết sức quan trọng”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý, nếu chỉ coi đây là vấn đề riêng của ngành GTVT, nhiệm vụ của địa phương hay nhiệm vụ của người tham gia giao thông thông đều không đúng mà đây là vấn đề của toàn xã hội.