Tận dụng xỉ phế thải làm gạch lát
2013/7/11 13:43
Học hỏi từ xứ người
Trong những năm làm nghiên cứu sinh ngành bê tông, xi măng tại Nhật, TS Trần Văn Miền được tiếp xúc với quy trình sản xuất gạch lát từ xỉ sắt. Cùng tham gia thi công một số dự án thiết kế công trình công cộng nơi xứ người đã giúp TS Miền làm quen với loại gạch thân thiện môi trường này. Nhưng phải khi trở về nước, trực tiếp chứng kiến hàng tấn xỉ sắt “đổ đống” bên ngoài các nhà máy cán thép, anh mới nảy ra ý định tận dụng nguồn nguyên liệu tưởng chừng không có giá trị.
Ý tưởng đã có, TS Miền cùng những cộng sự trong Bộ môn Vật liệu của trường lập tức tìm kiếm các số liệu có liên quan đến xỉ sắt tại Việt Nam, để có thể hình dung được trữ lượng, từ đó đánh giá tiềm năng kinh tế của ý tưởng nghiên cứu. “Các nhà máy gang, thép rất nhiều. Mỗi năm thải ra một lượng lớn xỉ sắt. Nguồn nguyên liệu coi như không thiếu. Nhưng ở nước ngoài, mình chỉ tiếp cận được quy trình tạo sản phẩm, chứ có ai chỉ cho mình thông số của từng nguyên liệu đầu vào đâu? Nghĩa là mình phải bắt tay vào nghiên cứu dựa trên tính chất nguồn nguyên liệu ở nước ta”, TS Miền cho biết.
Xỉ phế thải nếu không xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu có hướng xử lý thích hợp, loại chất thải này sẽ là nguồn phụ gia phục vụ cho ngành vật liệu xây dựng. Đặc biệt, nhiều nơi sử dụng xỉ phế thải để tạo bê tông rỗng (BTR), độ bền cao và thoát nước tốt. “Phối trộn 30%-50% xỉ sắt với nước và xi măng sẽ tạo ra hỗn hợp làm BTR có cường độ nén và chịu kéo cao nhất. Chúng tôi cũng cho ra sản phẩm tương tự như loại gạch hiện đang sử dụng để lát vỉa hè, cùng quy trình sản xuất mức công nghiệp. Đủ khả năng chuyển giao cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn ứng dụng”, TS Miền chia sẻ.
Tiềm năng lớn
TS Đỗ Minh Đạo, chuyên viên Hiệp hội Gốm sứ miền Nam, nhận định, vấn đề ô nhiễm từ xỉ phế thải trong sản xuất gang, thép đã được nhắc đến từ thập niên 60 ở nước ta. Đơn cử như tại Nhà máy gang, thép Thái Nguyên, ở bãi chứa loại xỉ này, cây cối không mọc nổi, không xây dựng được nhà ở... Còn theo nhóm nghiên cứu, tại Khu CN Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), có nhiều nhà máy luyện thép bắt đầu đi vào sản xuất như Nhà máy thép Việt, Nhà máy thép miền Nam… Dự kiến lượng xỉ phế thải phát sinh ra môi trường lên đến 451.000 tấn xỉ/năm.
Nói về khả năng ứng dụng, nhóm nghiên cứu nhìn nhận, ở TPHCM hiện nay thường bị ngập nước vào mùa mưa, nước mưa theo đường ống cống chảy đi, trong khi nguồn nước ngầm đang thiếu do quá trình bê tông hóa. Chưa kể, một số khu vực công cộng còn sử dụng đá hoa cương để lát vỉa hè. Tuy có đẹp nhưng đắt tiền và dễ trơn trượt. Với loại bê tông mới này, có thể áp dụng vào các công trình công cộng như vỉa hè, bãi đỗ xe, mái dốc, bờ kè… Việc thi công ngoài công trường có thể đổ bê tông toàn khối, hoặc đúc thành khuôn gạch thuận tiện. Theo tính toán, giá thành loại bê thông này vào khoảng 100.000 đồng/m², rẻ hơn so với các loại gạch lát “con sâu” phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Trực, Ban quản lý KCN-KCX TPHCM (Hepza) nhìn nhận, hiện xỉ sắt được miễn phí nên không đáng lo. Nhưng khi sản phẩm BTR được đưa ra ngoài thị trường và chứng minh được giá trị, khi đó xỉ sắt không thể là thứ mà các doanh nghiệp cho không. Ngoài ra, BTR có khuyết điểm là nặng hơn gạch lát con sâu hiện nay, nên nhóm nghiên cứu cũng phải tính toán vị trí nhà máy để giảm chi phí vận chuyển. Trước mắt, sẽ xem xét để chuyển giao công nghệ này phục vụ cho các công trình tại Hepza.