HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ HẠ TẦNG VÀ DOANH NGHIỆP

2013/11/13 11:26

ĐƯỜNG CAO TỐC DẦU GIÂY PHAN THIẾT: Cuối năm 2013 sẽ có danh sách nhà đầu tư cho tuyến đường này. Bộ GTVT đã tiến hành Hội nghị tiền sơ tuyển để chọn nhà đầu tư thứ 2 của Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Dự kiến đến cuối năm nay sẽ công bố danh sách các nhà đầu tư tham gia. Ông Lê Anh Tuấn, TGĐ Ban quản lý đầu tư các dự án công tư (PPP) thuộc Bộ GTVT , cho biết như trên. Công tác đấu thầu sẽ được tiến hành đầu năm 2014. Tất cả công đoạn tuyển chọn đều sẽ rất nghiêm ngặt, đấu thầu sẽ cạnh tranh minh bạch. 

Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là dự án cao tốc được áp dụng theo mô hình PPP nên nhà đầu tư được hưởng nhiều ưu đãi. Trong đó đơn vị trúng thầu sẽ được hỗ trợ một khoản kinh phí không hoàn lại từ Ngân hàng Thế giới. Các nhà đầu tư cũng không cần phải vay bên ngoài vì NHTG sẽ cho vay với lãi suất thấp. Về giải phóng mặt bằng Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm để có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án. 

Theo thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ là một mô hình mẫu cho việc phát triển cơ chế PPP tại nước ta, là tiền đề cho các dự án PPP về cơ sở hạ tầng.

Nhà đầu tư thứ nhất của dự án được Chính phủ chọn là Tập đoàn Bitexco sẽ góp 60% vốn của dự án. Nhà đầu tư thứ hai được chọn thông qua đấu thầu theo thông lệ PPP quốc tế sẽ góp phần vốn còn lại. Cuối tháng 7 năm 2013 dự án đã được quảng bá tại Ấn Độ, Hàn Quốc và Singapore. Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 98,7 km, điểm đầu nối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, điểm cuối trên Quốc lộ 1A đi Ba Bàu, Bình Thuận. Theo ước tính, tổng chi phí xây dựng sẽ vào khoảng 750 triệu US D.

HOÀN THIỆN HẠ TẦNG GIAO THÔNG CỬA NGÕ PHÍA ĐÔNG SÀI GÒN: Cửa ngõ phía đông SG tiếp giáp với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tầu thuộc trọng điểm phát triển kinh tế phía Nam. Không chỉ vậy đây còn là đầu mối tiếp nối thành phố HCM với các tỉnh miền Trung và miền Bắc, nên đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lưu thông hàng hoá và phát triển kinh tế xã hội của đất nước. 

Là tuyến đường chính dẫn vào TP HCM , kết nối giao thông trực tiếp đến các tỉnh miền Đông Nam bộ, xa lộ Hà Nội đang được mở rộng, nâng cấp với 16 làn xe riêng biệt. Dọc tuyến đường, nhiều đoạn đường đã được nâng cấp hoàn chỉnh, giao thông thông thoáng nhất là đoạn từ cầu Sài Gòn đến Ngã tư Thủ Đức. Điểm nhấn cho tuyến đường là cầu Rạch Chiếc Mới đã được thông xe vào tháng 7 vừa qua. Trước đó việc thông xe hai cầu vượt bằng thép vào đầu năm 2013 đã giúp giải quyết được nạ ùn tắc giao thông thường xuyên tại vòng xoay Hàng Xanh và Ngã tư Thủ Đức. Một công trình trọng điểm khác là Cầu Sài Gòn 2, dự kiến sẽ thông xe vào tháng 11 tới, vừa hợp long vào cuối tháng 8 vừa qua. Theo Công ty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc), chủ đầu tư tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài, đến nay các hạng mục chính của đoạn đường dài 5 km, từ Nút giao Nguyễn Thái Sơn Quận Gò Vấp đến Ngã tư Bình Triệu Quận Thủ Đức đã hoàn thành cơ bản. Đơn vị chủ đầu tư cũng đang hoàn thiên đoạn đường 18 nối từ đường Kha Vạng Cân, phường Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức đến nút giao cầu vượt QL 13. Đối với đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đang khẩn trương thi công để có thể thông xe kỹ thuật đoạn từ TP HCM đến Long Thành vào cuối năm nay và thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2014. Phát triển về phía Đông là hướng chính trong quy hoạch xây dựng TP HCM đến năm 2025. Những công trình trên cùng với các công trình đã làm xong mấy năm qua như Hầm vượt sông Sài Gòn, Cầu Thủ Thiêm, Cầu Phú Mỹ, Nút giao Cát Lái, Đại lộ Đông Tây… đã phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển trên của thành phố. 

VINASHIN SẼ SA THẢI 14.000 LAO ĐỘNG, TRỞ LẠI THÀNH TỔNG CÔNG TY: Tập đoàn Công Nghiệp Tầu Thuỷ Việt Nam (Vinashin) cho biết sắp tới chỉ giữ lại khoảng 8.000 lao động, cho nghỉ việc khoảng 14.000 lao động. Theo dự kiến đến hết tháng 9 này, Vinashin sẽ tái cơ cấu xong được 4 đơn vị, đưa tổng số doanh nghiệp hoàn thành tái cơ cấu lên con số 50. Hoạt động kinh doanh của Vinashin cũng có dấu hiệu phục hồi, 8 tháng đầu năm nay, Vinashin đạt doanh thu hơn 2.700 tỷ đồng, tăng 6,56% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy vậy so với kế hoạch đó mới chỉ là 39,67% kế hoạch năm. Theo thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, các thách thức mà Vinashin gặp phải là khoanh nợ, giãn nợ đang bị rất nhiều vướng mắc. Nguồn tài chính để tái cơ cấu, xử lý nợ của Vinashin rất hạn hẹp, huy động vốn khó khăn. Thêm vào đó đầu ra đabg gặp khó khăn khi thị trường đóng tầu trong nước đang bị thu hẹp do kinh tế suy giảm và chính sách thắt chặt đầu tư công, còn thị trường đóng tầu thế giới thì vẫn tiếp tục suy giảm. Thời gian qua đến nay, các bộ ngành tiếp tục phối hợp để tái cơ cấu Vinashin theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Theo dự kiến đến cuối tháng 9, Vinashin sẽ giáng xuống một cấp, từ Tập đoàn trở thành Tổng Công ty Công nghiệp Tầu thuỷ Việt Nam theo mô hình Công ty mẹ - con, trực thuộc Bộ GTVT . Nhìn chung câu chuyện về Vinashin chưa đến hồi kết. Năm 2010, tập đoàn này đứng trước nguy cơ đổ bể do không thể trả được món nợ 86.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu lên đến 11 lần. Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt đã bị bắt và Chính phủ đã tiến hành tái cấu trúc tập đoàn này cho đến nay.