CHỐNG THAM NHŨNG Ở NGA: THỰC VÀ HƯ
2013/11/13 14:56
• Thời Xô viết, các cuốn từ điển đều khẳng định rằng tệ tham nhũng chỉ là sản phẩm của chủ nghĩa tư bản (?!) Có thể tham nhũng ở Nga là một dạng đặc biệt chăng?
• Sao lại thế! Chừng nào còn tồn tại quan hệ giữa các cá nhân thì chừng đó còn tồn tại tham nhũng.
• Nhưng có thể có đặc trưng chứ? Chẳng hạn đặc trưng của tệ tham nhũng Xô viết là gì?
• Tất nhiên rồi. Là vấn đề tâm thế, là những nguyên tắc, những quy mô. Những phân xưởng bất hợp pháp, nơi sản xuất ra những đôi bít tất “tả khuynh” chỉ là chuyện vặt trên bối cảnh nền kinh tế chung.
• Có lẽ đóng vai trò ở đây là việc không có chế độ tư hữu đối với các phương tiện sản xuất?
• Và các ngân hàng tư nhân cũng không có. Tiền cũng không quay vòng nhiều đến thế. Kết toán không cần tiền mặt được phát triển. Tất cả mọi thứ đều thuộc về nhân dân và rất ít cái thuộc về các cá nhân cụ thể.
• Nhiều người cho rằng tham nhũng trong vòng 15 năm gần đây tăng lên rất nhiều. Những người khác thì bác lại. Họ bảo rằng chẳng qua là trước đây, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, người ta ít nói về chuyện đó, hoặc đã sửa lại thống kê…
• Tham nhũng đã trở thành đặc điểm của lối sống. Quá trình này không chỉ gia tăng. Hiện nay nó đụng chạm tới tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Trước đây dầu sao cũng có những cấu trúc không bị mắc tham nhũng. Chẳng hạn đa số cán bộ Uỷ ban an ninh quốc gia KGB không ăn hối lộ. Nhưng hiện nay tôi rất khó nói đến “những bàn tay sạch” Đang tồn tại vô số công ty và văn phòng nấp dưới chiêu bài của Cục an ninh liên bang. Các cơ quan sức mạnh tích cực thâm nhập vào cả nền kinh tế lẫn nền kinh tế tội phạm tạo ra nó.
• Với tư cách gì?
• Là những người phá án. Lợi dụng những điều kiện của mình, họ ra sức vơ vét của cải. Dù là sự thật ai cũng biết. Nói chung, vấn đề mà chúng ta đang nói đến đã quá cũ. Vừa qua tôi có đọc một cuốn sách được xuất bản cách đây gần 100 năm, tên là Về trách nhiệm tư pháp của các bộ trưởng. Dưới thời Nga hoàng, việc đấu tranh chống tham nhũng được bắt đầu từ những quan chức cao nhất. Những tham quan hạng bự chính là các bộ trưởng. Được phát triển mạnh, chế độ thuế quan bảo hộ rất sinh lợi. Có ai đó được nhận gói thầu béo bở, chẳng hạn trong việc xây cầu hay làm đường xe hoả. Dĩ nhiên không thể không “lại quả”. Tình hình hiện nay cũng y như vậy. Tôi xin nhắc lại: Hiện nay hiện tượng đó có quy mô thảm hoạ, ở chỗ không hề có cuộc đấu tranh nào chống lại nạn tham nhũng cả.
• Đa số nhận định về cuộc đấu tranh căn cứ vào sự hiện hữu hay thiếu vắng các vụ án động trời. Hiện nay diễn ra chuyện trái khoáy. Một mặt không có một vị chính khách nào lại không nói đến sự thao túng của nạn tham nhũng, nhưng mặt khác, trong những năm cải cách không hề xảy ra một vụ án lớn nào. Có ai đó bị bắt giữ, bị điều tra rồi được ỉm đi.Tội lỗi không bị trừng phạt. Có thể giải thích điều đó như thế nào đây?
• Với tư các cá nhân, do sự dun dủi của số phận mà tôi trở thành một trong số những người đấu tranh với nạn tham nhũng…
• Ông đã tham gia đội chống tham nhũng như thế nào?
• Tôi đã tham gia đội quân đó sau khi viết loạt bài Mafia và biển cả. Sau đó, vụ án được điều tra bởi Uỷ ban do Elsin lập ra. Người đứng đầu Uỷ ban là Putin, hồi đó là Cục trưởng Cục kiểm tra pháp lý trực thuộc Văn phòng tổng thống. Sau này tôi được đưa vào uỷ ban chống tham nhũng của Duma, vào chủ tịch đoàn của uỷ ban chống tham nhũng quốc gia. Bởi vậy tôi có thể tuyên bố với đầy đủ tinh thần trách nhiệm rằng, tất cả những gì chúng tôi làm khi đó chỉ là đấu tranh giả hiệu. Không một ai thực sự quan tâm đến việc đấu tranh, bắt đầu từ những cấp cao nhất.
• Tại sao?
• Bao che cho nhau hết.
• Thế họ sợ cái gì?
• Sợ là, việc chặt đứt một mắt xích sẽ tạo ra tiền lệ, và những người bị lên án sẽ hỏi “Thế còn bản thân ngài thì sao?”. Hiện nay không thể tuyên án bằng “tam toà”, và điều đó thật là may. Cần phải xét xử công khai. Mà xét xử công khai có nghĩa là phơi bày trước xã hội những mối liên hệ tham nhũng. Nhỡ ra có ai đó bắt đầu lên tiếng. Người ta chúa sợ cái đó.
• Nhưng quá đủ những lời hô hào tăng cường đấu tranh. Nào diễn văn tại Duma, nào bài viết trên báo chí, nào là các cán bộ Viện kiểm sát xuất hiện trên truyền hình…
• Ở tất cả các cấp, bắt đầu từ Tổng thống, đã thành lập những uỷ ban dâu tranh chống tham nhũng. Có uỷ ban của Duma, nơi tôi đã làm việc cùng với ông Juri Sherochikhin, với những vị đại diện cho những đảng phái khác.
• Kết quả ra sao?
• Có thể nói là chẳng đáng là bao. Chúng ta có sáng kiến huỷ bỏ mười phần trăm cho kiểm sát viên. Ở đây nói tới quỹ hỗ trợ cho Viện kiểm sát vốn được trích 10% từ số tiền thu được từ những kẻ vi phạm pháp luật. Trên thực tế điều này chỉ là việc vòi tiền một cách thô thiển. Uỷ ban đã huỷ bỏ quỹ này. Chúng ta đã nhiều lần đặt vấn đề về việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ Viện kiểm sát. Tất cả những cái đó được làm một cách rùm beng ầm ĩ. Chúng ta có thể khua chiêng gõ trống, nhưng phỏng có ăn thua gì?
•Tiện thể nói thêm, ở một mức độ không nhỏ, “cuộc cách mạng màu da cam” đã được tiên định bởi sự lộng hành của nạn tham nhũng. Như người ta thường nói, đã lĩnh đủ.
• Tham nhũng quả thật đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của xã hội Ukraina. Và không phải ngẫu nhiên ở Nga người ta đã nói đến việc liệu chúng ta có cần làm một cuộc cách mạng như vậy? Có thể điều này hơi quá, nhưng thực tế thì đa số người Nga không phải hàng ngày đụng độ với những biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố. Còn với nạn tham nhũng thì thường xuyên. Ở đây họ thường nghe nói rằng nhiệm vụ chính là đấu tranh chống khủng bố. Nhiều tiền của và sức lực đã được huy động cho nó. Thể còn chống tham nhũng? Có thể nhiệm vụ này còn quan trọng hơn? Bằng việc không-làm-gì, tự chính quyền xô đẩy dân chúng đến việc thực hiện kịch bản Ukraina.
• Những biện pháp của chính phủ mới ở Kiev cũng rất đáng chú ý. Người ta đã quyết định chuyển giao những khu đất bảo tồn mà các tư nhân chiếm đoạt thành tài sản quốc gia. Hoặc việc phi tư hữu hoá các xí nghiệp, kể cả nhà máy Liên hợp “Krivoroshtal” vốn được mua bằng việc vi phạm pháp luật và theo giá thấp. Đương nhiên ở đây chắc chắn có sự hiện diện của chủ nghĩa dân tuý, có kiểu trả thù cho những người bị thua thiệt và cần phải chờ đợi những kết quả thực tế! Song chiều hướng của những quyết định là rất có ý nghĩa, và vô hình trung làm nảy sinh sự tương đồng với hiện thực của chúng ta.
• Còn ở Nga thì có ý kiến nói rằng không nên làm như vậy. Nếu không thì sẽ xảy ra nội chiến. Xin lỗi, không ai nói đến toàn bộ kết quả của việc tư hữu hoá. Không ai định tước đoạt tài sản của các chủ căn hộ, chủ hiệu cà phê, chủ hiệu cắt tóc, v.v… Hiện có 50 đến 100 công trình đã từng mang lại những số tiền khổng lồ cho ngân khố nhà nước. Điều gì ngăn cản việc phân tích một cách khách quan, không định kiến, xem những công trình đó đã được chuyển nhượng vào tay cá thể như thế nào? Đã được soạn thảo một bản phúc trình của Viện kiểm sát, trong đó nói rõ ai đã mua được những gì và với giá bao nhiêu. Nếu như chứng minh được rằng những cơ sở sản xuất lớn - tôi xin nhắc lại - không phải một nhà máy nhỏ hay một cơ sở lắp ráp mà là những kỳ hạm của nền kinh tế nước nhà - đã được sang tay với sự vi phạm pháp luật trầm trọng, thì những chủ sở hữu ấy phải hoàn lại chúng cho nhà nước. Nếu đã trả ít hơn giá trị của công trình thì bây giờ phải trả thêm cho đủ. Họ đã “vớ bẫm” cho nên bây giờ thay vì chuyển tiền ra nước ngoài, phải đưa vào ngân sách. Để chí ít bù lại những khoản chi phí cho việc tiền tệ hoá các ưu đãi. Những nhà tư tưởng của động thái này đã tạo ra ở trong nước cuộc khủng khoảng hoàn toàn vô nguyên cớ. Không ai thúc ép chính phủ cả. Không có những cuộc mít tinh, không có những yêu sách đòi thay thế những khoản ưu đãi bằng tiền tệ. Tự chính quyền đã chuốc lấy chuyện đó. Và họ đã thu hoạch được gì? Họ muốn chỉ tốn 170 tỷ rúp. Bây giờ phải chi ra những 500 - 600 tỷ. Ngân sách bị sụp đổ. Và chưa hết. Thật ra không cần phải nói toạc móng heo, mà cần phải xem xét nghe ngóng, phải tiến hành những bước thí nghiệm. Phải bắt đầu từ những tầng lớp khá giả. Bãi bỏ việc đi tầu xe không mất tiền đối với các kiểm sát viên, các thẩm phán, các cán bộ thuế. Còn đừng đụng đến các ông già bà cả. Đó là điều sơ đẳng!
• Trong cuộc đấu tranh giả với nạn tham nhũng, đã bộc lộ rõ trò mị dân…
• Dưới chiêu bài đấu tranh chống đặc quyền đặc lợi, Elsin đã từng đi xe “Moskvich” và vất vả lắm mới chui lọt vào bên trong, ông ta thường đi khám bệnh ở bệnh viện đa khoa của quận. Cái trò đó kết thúc bằng sự bành trướng nạn tham nhũng với mức độ khủng khiếp. Chính ông ta đã tạo cơ sở cho nạn tham nhũng. Cơ sở ấy là gì? Là sự dối trá. Và hiện nay sự dối trá đó vẫn đang tiếp diễn như không có chuyện gì xảy ra. Không có thực mà chỉ là cảm giác. Không phải đấu tranh mà là làm ra vẻ đấu tranh. Hiện nay có thể mua bất cứ chức vụ nào. Có mức giá cho từng “phi vụ” một.
• Nghe vậy thì ta có cảm giác bế tắc không lối thoát. Ăn hối lộ là đơn vị đo lường chủ yếu của nạn tham nhũng. Ở ta ai cũng ăn hối lộ. Không chỉ các quan chức mà còn cả các bác sĩ và các giáo viên… Ăn hối lộ đã trở thành một yếu tố của sinh hoạt. Biết đến bao giờ có thể đánh bại được căn bệnh nan y này?
• Chừng nào chúng ta còn chưa trả đủ lương cho mọi người, còn họ lại không yêu quý công việc của mình, thì nạn tham nhũng là không tránh khỏi. Ở mọi cấp đã hình thành những quy tắc thúc đẩy người ta ăn hối lộ. Hãy lấy cuộc cải cách hành chính hiện nay làm ví dụ. Nếu kiểm tra những thể lệ liên quan đến cuộc cải cách này theo quan điểm mà chúng ta quan tâm tới, thì sẽ bộc lộ ra tính chất tham nhũng rành rành của chúng. Một là quyền lực của quan chức càng được củng cố, hai là anh ta càng ngày càng xa rời trách nhiệm.
• Thế Uỷ ban chống tham nhũng là như thế nào?
• Uỷ ban là người cùng tuổi với tư cách Tổng thống của Putin. Uỷ ban được thành lập khi ông ấy lên nắm chính quyền. Nó lớn mạnh do sự quan tâm của tất cả mọi người, kể cả tổng thống, do những quy mô của nạn tham nhũng. Đây là một tổ chức xã hội. Tham gia vào tổ chức này là những người nổi tiếng. Hiện thời chưa có những biện pháp kế tiếp đáng kể nào. Nếu như không tính đến những tấm biểu ngữ căng khắp thành phố với những lời kêu gọi vô nghĩa “Kiên quyết đấu tranh…”
• Tuy vậy có tiếng nói quyết định trong vấn đề này không phải là những nhà hoạt động xã hội, mà là các chuyên gia
• Tất nhiên rồi, họ phải hiểu biết nhiệm vụ của mình. Thường có ấn tượng là những quan chức cao cấp trong các cơ quan bảo vệ pháp luật lại hay phú lỉnh khỏi cuộc đấu tranh chống tham nhũng như quỷ nhìn thấy pháp sư. Đây không phải là lời khẳng định vu vơ. Trước mắt tôi đã diễn ra sự đổ bể của nhiều “vụ án” Chẳng hạn như vụ “cá”. Chúng ta đã bộc lộ những sự lạm dụng quá đáng. Mặc dầu những tội phạm đã có những bằng chứng rõ rệt, mặc dầu sự thiệt hại cho nhà nước lên tới hàng tỷ đô la, nhưng những ông trùm thì chỉ bị khiển trách nhẹ nhàng. Artjiukhov, nguyên Bộ trưởng bộ Tài nguyên Thiên nhiên, đã “hạ cánh an toàn” bằng cách bị đưa về vườn. Nguyên chủ tịch Uỷ ban Thuỷ sản nhà nước được điều sang công tác tại Hội đồng an ninh. Ba quan chức của Uỷ ban quốc gia bị khởi tố về hình sự. Họ đã bị đưa ra xét xử nhưng được hưởng thời hạn tù ước lệ. Không ai bị trừng phạt cả. Và đó chỉ là một trong những ví dụ.
• Những chuyện như thế này làm dấy lên một câu hỏi thiêng liêng mang tính chất Nga-la-tư: “Làm gì?”
• Hoặc chúng ta sẽ chỉ bàn suông về đấu tranh chống tham nhũng như trước đây, hoặc rút cuộc, khí phách chính trị sẽ được bộc lộ. Hiện nay đã tích luỹ được nhiều tư liệu đến mức có thể truy cứu trách nhiệm hình sự không phải “chú cá chép” mà là những “con cá mập” chính cống.
• Có thể những tư liệu sẽ nằm bất động là do người ta muốn dùng chúng không phải để xét xử mà để thuần dưỡng chăng?
• Chính thế! Bởi vậy tôi mới nói tới khí phách chính trị từ bên trên. Còn ở dưới thì khí phách đó đã có thừa!