"Ông gàn” kể chuyện cắm đất xây cầu

2013/12/11 17:22

Của chồng công vợ

Chúng tôi tìm đến thôn Lương Thác, xã Nhạc Kỳ, (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), không khó khăn mấy để hỏi thăm được đến nhà ông Thi, người lái đò bao năm dòng dã trên sông Kỳ Cùng. Chỉ cần hỏi ông Thi xây cầu, người ta đã rồi tận tình chỉ đến tận nơi. Căn nhà nhỏ, đơn sơ, tưởng chừng như toàn bộ tài sản của gia chủ cũng chỉ vẻn vẹn trong chừng mấy chục triệu đồng, ấy vậy mà ông Thi vẫn tự hào giàu hơn khối người ở cái đất này. Bởi lẽ, căn nhà mà vợ chồng ông đang ở, ông gần như không tính, cái giàu có của công chính ở cây cầu mà bao năm ông dồn tâm huyết vào, giờ đây ngày ngày vẫn ngược xuôi những cuộc đời qua lại. Ông Thi giàu cũng bởi cái tình, sự yêu mến của người dân dành cho. Có phải dễ đâu, ở một nơi mà cái ăn, cái mặc vẫn còn là nỗi đau đáu của nhiều người thì tự dưng bỏ ra tiền trăm triệu để xây cầu chung quả là một việc “động trời”, đến người giàu còn không dám nghĩ đến, huống gì người nghèo khó như ông Thi.

 


Ngồi trò chuyện với vợ chồng ông bên tích trà xanh, nhìn thẳng ra dòng Kỳ Cùng, đang là mùa cạn nên dòng nước xanh lơ, chảy êm, trông khá hiền hoà, ông Thi bảo mùa này, gặp chỗ cạn, bắc vài thanh tre là vượt được sông. Nhưng con sông này cũng “khái tính”, độ dốc cao nên chỉ cần một cơn mưa lớn là nước sông dâng lên rất cao, ào ào và xiết. Không hiểu được tính khí của “thuỷ thần” thì không làm cái nghề đưa khách sang sông được. Tiếp quản con đò từ cha và ông nội năm 17 tuổi, ông Thi xác định đây là kế sinh nhai, phải bám dòng, bám nước mà sống. Ngày ấy, mọi hoạt động qua lại, buôn bán giữa hai thôn Lương Thác (huyện Văn Lãng) và Điềm He (huyện Văn Quan) đều phải qua sông nhờ con đò của ông. Tuy nhiên, nhìn thấy bà con cứ vai gồng vai gánh từng thúng hàng, chen chúc nhau, người lên được đò, người phải đứng đợi khiến ông phải suy nghĩ. Tuy “độc quyền” trên khúc sông này nhưng ông lại không muốn giữ thế “độc quyền” ấy.

Nhất là khi mỗi năm có tới hàng chục người bị nước cuốn đi, nỗi buồn bên dòng sông cứ ám ảnh ông. Ông bàn với vợ về ấp ủ xây một cây cầu nối đôi bờ vui. Nghe ông nói, ban đầu bà cũng chỉ nghĩ cho vui, nhưng không ngờ ông làm thật. Tiền kiếm được từ việc chở đò mỗi ngày, ông không đưa cho vợ nữa mà để tiết kiệm, mọi chi tiêu trong nhà được chuyển sang đôi vai gầy của vợ.

Xây một cây cầu đâu phải dễ, mỗi ngày ông Thi cũng chỉ kiếm được từ vài chục đến vài trăm nghìn. Bà Thi cứ đợi, mười năm trôi qua, nhìn vào số tiền kiếm được thấy vẫn còn mênh mông lắm. Những tưởng ông Thi sớm từ bỏ ước mơ của mình, nhưng hoá ra ông lại càng kiên trì hơn. Sau hơn 20 năm, đến năm 2008, ông mới thủng thẳng nói với vợ, bảo số tiền dành dụm được chắc cũng phải đến lúc đem ra dùng rồi. Nói xong, ông mới ra chuồng dắt hai con trâu đem đi bán. Bán trâu xong, số tiền gom được cũng chỉ chừng 200 triệu đồng, tính công thợ, tính chi phí vật liệu xây dựng cũng vẫn không đủ. Ông thuyết phục vợ, đi cầm cố đất nhà để vay tiền ngân hàng. Nhắc lại chuyện xưa, ông Thi cười bảo: “Cũng may bà ấy khác với người ta, tôi bảo gì bà ấy cũng thuận tình theo, đem vốn liếng cả đời tích cóp được đem đi xây cầu. Được mất thế nào không biết, chỉ biết rủi ro thì nhiều. Nói là tôi xây cầu nhưng nếu không có bà ấy tảo tần thì làm sao xây được. Chính ra phải nói cây cầu là của bà ấy mới đúng”. Giờ đây, khi cây cầu đã hoàn tất, chính quyền địa phương cũng cho phép ông được thu một phần phí qua lại trên cầu để bù đắp lại, áp lực kinh tế cũng đã giảm đi được phần nào, nhưng bà Thi vẫn tất tả ngược xuôi với việc đồng áng, lợn gà. Ngày ngày vẫn vác đá đắp cầu Cây cầu bắc ngang qua khúc sông Kỳ Cùng, nối liền hai huyện Văn Lãng- Văn Quan được xây kiên cố bằng bê tông cốt thép, dài tới hơn trăm mét, mỗi ngày lại tấp nập xe cộ qua lại. Ông Thi kể, từ ngày quyết tâm xây cầu, cứ nghe thấy ở chỗ nào người ta xây cầu, ông lại lặn lội đến để học tập kinh nghiệm. Từ Văn Quan đến Tràng Định rồi lại Đồng Mỏ, Chi Lăng, tiền đi lại tốn kém thế nào ông cũng chịu.

Thấy ông quyết tâm, làng xóm ban đầu cũng chỉ gọi ông là “gàn”, dần dà cũng hiểu và chia sẻ với ông. Sau khi vay thêm ngân hàng 100 triệu đồng, ông mới “nhờ” bà con chòm xóm, anh em họ hàng đến giúp đỡ. Nghe tin đồn từ phía nhân dân, UBND huyện Văn Lãng cũng cử đoàn kiểm tra tới. Sau đó kết luận muốn xây được cầu chi phí có khi phải lên tới tiền tỉ, phải thuê kĩ sư, thiết kế, tính toán đo đạc đàng hoàng. Nhiều người khuyên ông nên từ bỏ cây cầu đi, tuổi của ông cũng đến lúc dưỡng già rồi, số tiền tích cóp cũng đủ cho vợ chồng ông sống thảnh thơi lúc cuối đời. Vậy mà “ông gàn” vẫn quyết tâm làm cho bằng được. “Lúc ấy tôi cứng miệng lắm, nhưng bên trong thì cũng run không kém”, ông Thi tiết lộ. Thế là suốt nửa năm ròng, cả chục con người bao gồm bà con hàng xóm, anh em góp công, góp sức cùng ông bê từng hòn đá, vác từng bao xi măng, mang từng cây sắt để dựng cầu. Với vốn kiến thức “nông dân” chân chất, ông Thi phải khó khăn lắm mới hiểu được thế nào là bê tông cốt thép, thế nào là trọng lực, lực đỡ,… Cuối cùng, nhờ có sự quân sư của những người thợ giỏi khắp trong xã ngoài huyện, ông cũng thiết kế được cây cầu với các trụ xi măng cao 2m, mặt cầu rộng 2m, chiều dài mỗi nhịp 4m. Cách tính toán của ông cũng chỉ đơn giản: quan sát dòng nước mùa lũ, ông phán đoán lực tác động của nước và các loại gỗ lớn trên cây cầu là bao nhiêu tấn. Một khúc gỗ to bằng một người ôm, dài 2m trôi với vận tốc 10km/giờ thì sẽ tác động lên cầu một lực tương đương khoảng 1 tấn, kèm với lực đẩy của nước thì lực này sẽ tăng lên nhiều.

Vì vậy, ông Thi đã cho xây trụ cầu to gấp 20 lần so với lực tác động của cây gỗ. Ông cũng không cho xây lan can cầu vì sợ khi nước lên, có khi sẽ tràn lên đến mặt cầu, rác rưởi sẽ mắc theo, tạo nên lực kéo tác động lên cầu, sự hư hại sẽ nhanh hơn nhiều. Đến tháng 9/2008 thì cầu xây xong. Vấn đề tiếp theo mà ông Thi phải đối phó là việc giữ cầu mùa nước lũ. Nước từ thượng nguồn kéo về ào ào, ông sợ nước trôi quá mạnh, cây cầu không đủ lực sẽ bị cuốn trôi. Những hôm mưa gió, bất chấp nguy hiểm, ông cũng soi đèn ra kiểm tra từng mống cầu. Nhìn những khúc gỗ từ thượng nguồn thi nhau thúc vào cầu khiến ông cũng muốn “rớt tim”. Năm 2011, cũng có tới hai nhịp cầu bị đánh bật. Sau khi lũ rút đi, ông lại phải bỏ ra thêm 50 triệu đồng nữa để xây lại. Hàng ngày, ông Thi vẫn cần mẫn kiếm, bê từng tảng đá lớn để kê thêm vào các trụ cầu. Ông chỉ cười hể hả nếu như có ai đó trêu mình giống như bà Nữ Oa đội đá vá trời.

Cây cầu bê tông bảy nhịp trở thành một kỳ công của người dân huyện Văn Lãng, còn ông Chu Văn Thi lại trở thành một người hùng nhỏ bé trong mắt người dân ở đây. Sau khi cây cầu hoàn tất, các cơ quan chức năng huyện Văn Lãng cũng đến đánh giá, kiểm tra, thẩm định chất lượng tiêu chuẩn. Từ ngày có chiếc cầu, con đường liên huyện giữa huyện Văn Lãng và Văn Quan được nối liền. Cuối năm 2012, ông Thi được cử đi Hà Nội dự lễ tuyên dương và được đích thân bộ trưởng bộ Giao thông vận tải trao tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào làm đường giao thông ở nông thôn, nhưng đối với ông, sự khen thưởng lớn nhất vẫn là ánh mắt trìu mến của người dân mỗi khi qua cầu