Từng bước chuyên nghiệp hóa công tác tìm kiếm cứu nạn
2013/12/31 2:25 - Nguồn : báo điện tử chính phủ

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu từng bước chuyên nghiệp hóa
công tác tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Đây là mục tiêu định hướng lâu dài được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn nhấn mạnh khi chủ trì Hội nghị tổng kết hoạt động tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2013, xây dựng nhiệm vụ kế hoạch năm 2014, tổ chức sáng nay, 30/12.
Theo báo cáo năm 2013, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai bất thường với số lượng bão lũ, áp thấp nhiệt đới kỷ lục trong vòng 50 năm, trong đó siêu bão Haiyan cường độ giật cấp 17. Các vụ tai nạn cháy nổ, giao thông do con người gây nên có chiều hướng gia tăng. Trong tình hình đó, nhìn chung công tác TKCN đã được các cấp, ngành, nhất là lực lượng chuyên trách, triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Trong công tác phòng chống bão lũ, sự cố… tổng cộng đã điều động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sỹ và dân quân tự vệ giúp dân bảo vệ tính mạng, tài sản, thực hiện nhiều chuyến bay cứu nạn, chở hàng cứu trợ.
Các lực lượng TKCN đã trực tiếp xử lý hàng trăm vụ tai nạn trên sông, trên biển, đường không. Đặc biệt, chỉ đạo kiểm đếm kêu gọi cứu hộ cứu nạn tàu thuyền nên trong các cơn bão không có tàu thuyền nào bị đắm trên biển. Cùng với đó phối hợp với các lực lượng khác tổ chức TKCN, xử lý các vụ cháy nổ lớn, tràn dầu và sập đổ hầm lò trong khai thác than.
Năm 2013 cũng đánh dấu kết quả toàn diện trong công tác diễn tập ứng phó với thiên tai, các thảm họa tự nhiên hoặc do con người gây ra như động đất, hóa chất, cháy nổ... Đặc biệt, Việt Nam đã lần đầu tổ chức thành công cuộc diễn tập thực binh ứng phó thảm họa khẩn cấp trong khu vực ASEAN với sự tham gia của 15 nước, các tổ chức quốc tế tham gia và quan sát viên.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những kết quả nổi bật của lực lượng TKCN trong năm qua. Đó là tính sẵn sàng, chủ động của các thành viên Ban Chỉ đạo, các lực lượng TKCN trong công tác đặc biệt cấp thiết này. Trong đối phó với thiên tai, các tình huống khẩn cấp trong năm qua, việc TKCN cũng đảm bảo tính thông tin chủ động, tuyên truyền và tạo được phản ứng hiệu quả trong nhân dân nên đã triển khai được những việc rất lớn như sơ tán hàng chục nghìn tàu, thuyền, hàng triệu người dân. Qua đó giảm thiểu đáng kể thiệt hại về người và tài sản trong thiên tai.
Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ luôn dành sự quan tâm cao nhất cho công tác đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản người dân, đặc biệt trước tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, khó lường hiện nay. Vì vậy, đối với TKCN sẽ được chuẩn bị, ưu tiên cao về nâng cao hiệu quả hoạt động, đầu tư trang thiết bị, yêu cầu bắt buộc về lực lượng, diễn tập với các quy mô...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng công tác TKCN cần tiếp tục nhìn nhận những hạn chế về công tác xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó ở một số địa phương, đơn vị chưa sát thực tế, vẫn còn tâm lý chủ quan, chưa nghiêm túc chấp hành các cảnh báo, kế hoạch phòng chống thiên tai, sự cố, dẫn đến một số trường hợp thiệt hại không đáng có trong mưa lũ về người và tài sản. Thời gian tới, lực lượng TKCN các cấp, ngành cần tiếp tục kiện toàn tổ chức, từng bước chuyên nghiệp hóa và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ảnh: VGP/Nguyên Linh
Về các nhiệm vụ cụ thể, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo cần đẩy mạnh tuyên truyền, làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành trong hoạt động TKCN, hạn chế những tư tưởng chủ quan, đơn giản. Rà soát, cập nhật các phương án, kế hoạch, diễn tập cho sát với tình hình thực tế của từng địa bàn, khu vực, vùng miền. Các lực lượng duy trì nghiêm chế độ trực, chủ động theo dõi nắm chắc tình hình, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời và xử lý có hiệu quả các tình huống có thể xảy ra.
Phó Thủ tướng cho ý kiến về việc xây dựng Đề án Trung tâm đào tạo, huấn luyện gắn với xây dựng thao trường tổng hợp phục vụ huấn luyện TKCN, đưa nội dung bảo đảm an toàn dân sự vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội nhằm đối phó có hiệu quả những thách thức do biến đổi khí hậu gây nên.
Về một số nhiệm vụ phát sinh trong tình hình mới, giao Bộ Xây dựng rà lại, ban hành các tiêu chuẩn xây dựng ứng với các cấp động đất. Bộ NNPTNT tiếp tục xây dựng, mở rộng hệ thống cảnh báo sớm về động đất, sóng thần. Bộ KHCN phổ biến các kết quả nghiên cứu khoa học về ứng phó thiên tai. Bộ TNMT có đánh giá tổng thể các tuyến thoát lũ, trước hết các lưu vực sông chính, từ đây đánh giá được các phương án căn cơ, phù hợp.