Điện Biên: Ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn
2020/1/7 8:4 - Nguồn : Nguồn: Báo Điện Biên
Cán bộ Đội CSGT Công an TP. Điện Biên Phủ kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông
Sáng 5/1, tại chốt kiểm tra của Đội CSGT Công an TP. Điện Biên Phủ trên đường Nguyễn Chí Thanh, trong số gần 20 trường hợp được kiểm tra chỉ phát hiện 1 trường hợp vi phạm. Đó là trường hợp của anh Trần Văn Cương, sinh năm 1987 điều khiển xe gắn máy khi trong người có nồng độ cồn 0,394mg/l lít khí thở. Anh Cương cũng thừa nhận trước đó khi đi ăn sáng có uống mấy chén rượu với bạn bè.
Theo ghi nhận của phóng viên, đa số các trường hợp được kiểm tra trong hơi thở không có nồng độ cồn. Nhiều người trong số đó đã được nghe, được tìm hiểu về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Anh Hoàng Đình Duân (38 tuổi) lái xe taxi Mai Linh cho biết: Ngay từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa có hiệu lực thì chúng tôi vẫn luôn ý thức được rằng đã uống bia, rượu thì tuyệt đối không lái xe, đó cũng là nguyên tắc của nghề lái xe và quy định của công ty chúng tôi.
Đại úy Bùi Tuấn Anh, Đội phó Đội CSGT Công an TP. Điện Biên Phủ cho biết: Qua kiểm tra từ ngày 1/1 đến nay trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, Đội CSGT phát hiện 21 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, trong đó 10 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đã bị lập biên bản. Đại úy Bùi Tuấn Anh cũng cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mới có hiệu lực và mức xử phạt về hành vi điều khiển phương tiện khi máu hoặc trong hơi thở có nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ là rất nghiêm khắc. Do vậy, việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm vừa để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của người dân được thực hiện một cách nghiêm túc vừa mang tính tuyên truyền, răn đe để mọi người dân đều biết đến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và nghiêm túc thực hiện.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì mức xử phạt cao nhất đối với người lái ô tô mà trong hơi thở có nồng độ cồn là từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng. Đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng. Đáng chú ý, người đi xe đạp, xe đạp điện cũng bị phạt 80-100 nghìn đồng khi lái xe mà trong hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở… Đây là những điều chỉnh xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi đặc biệt là các nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia...Có thể thấy, mặc dù Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 nhưng đa số người dân Điện Biên đã biết và thực hiện khá nghiêm túc.
Có được kết quả như vậy, một phần cũng bởi Chính phủ điều chỉnh mức xử phạt khá nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nên đã nhanh chóng tác động đến đông đảo người dân. Cùng với việc ra quân tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông cũng tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của Nghị định 100/NĐ-CP để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông, giảm thiểu những vụ tai nạn thương tâm, đặc biệt là các vụ tai nạn mà nguyên nhân từ bia, rượu.