Trường Trung cấp Nghề giao thông – vận tải Thanh Hóa: không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo

2020/1/11 22:4 - Nguồn : Nguồn: Báo Thanh Hóa

 

Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ô tô các hạng của Trường Trung cấp Nghề giao thông – vận tải.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đào tạo, Trường Trung cấp Nghề giao thông – vận tải luôn chú trọng huy động các nguồn lực cho việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học. Đến nay, nhà trường có 2 cơ sở đào tạo, với diện tích đất được giao hơn 90.493m2 (cơ sở 1 tại TP Thanh Hóa 47.595m2, cơ sở 2 tại huyện Ngọc Lặc hơn 42.898m2); 27 phòng học lý thuyết đạt tiêu chuẩn với tổng diện tích 1.800m2, 2 trung tâm sát hạch (loại I và loại III), 1 xưởng thực hành sửa chữa phương tiện. Đồng thời, có đủ các phòng học chuyên môn, phòng mô hình học cụ, 2 phòng học và thi Luật Giao thông đường bộ trên máy vi tính với 55 máy, 2 máy chủ; hệ thống sân học và thi đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông – Vận tải; đã lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống chấm điểm tự động trên sân sát hạch và các sân tập phụ; hệ thống chiếu sáng phục vụ học ban đêm. Ngoài ra, năm 2019, nhà trường đã đầu tư mua 13 xe ô tô phục vụ cho tập lái; lắp bệ thử phanh và mua 3 xe mô tô phục vụ cho học hạng A1, với tổng giá trị gần 7,3 tỷ đồng. Nhà trường đầu tư một số hạng mục công trình tại cơ sở 2 huyện Ngọc Lặc, như: Đường giao thông, sân sát hạch, tường rào, hệ thống thoát nước, giá trị đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Hiện nhà trường có 10 máy công trình (máy xúc, máy lu, máy ủi, máy cẩu); 13 chủng loại trang thiết bị phục vụ cho công tác sửa chữa và đáp ứng nhu cầu giảng dạy, thực hành của học sinh. Đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên..., tham gia các lớp đào tạo trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển đào tạo nghề. Đồng thời, thực hiện rà soát, bố trí cán bộ, giáo viên, nhân viên phù hợp nhằm phát huy năng lực của từng người trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao... Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo để lập kế hoạch giảng dạy; thực hiện nhiều biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng đào tạo, như: Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; đầu tư đổi mới phương tiện phục vụ cho việc dạy và học, tăng thời gian học, nhất là thời gian học thực hành. Tổ chức khám sức khỏe tại trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học. Tiếp nhận, kiểm tra chặt chẽ hồ sơ của người học đến quá trình học lý thuyết, học thực hành nhằm góp phần bảo đảm chất lượng đào tạo. Nhà trường chỉ đạo giáo viên thực hiện nghiêm việc soạn giáo án, giáo trình phù hợp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy để người học dễ hiểu, dễ tiếp thu nội dung. Ngoài ra, nhà trường phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, Trung tâm giáo dục thường xuyên của các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị trong tỉnh mở các lớp đào tạo, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, các lớp đào tạo nghề theo đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân... Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, những năm gần đây chất lượng đào tạo của Trường Trung cấp Nghề giao thông – vận tải không ngừng được nâng lên, đáp ứng nhu cầu học ngày càng tăng của nhân dân. Năm 2019, nhà trường tuyển sinh 6.806 học viên lái xe ô tô các hạng, đã tốt nghiệp 5.947 học viên; lái xe mô tô hạng A1 cho 19.117 học viên, đã tốt nghiệp 13.484 học viên; lái xe mô tô hạng A2 cho 49 học viên và đã tốt nghiệp 100%... Ngoài ra, nhà trường tuyển sinh đào tạo các nghề cho 312 học viên.
 
Đồng chí Phan Thanh Hải, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Thời gian qua, nhà trường luôn quan tâm nâng cao chất lượng ở tất cả các chương trình, nội dung đào tạo. Trong đó, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên; tinh thần trách nhiệm phục vụ của nhân viên nhà trường. Ngoài ra, nhà trường tiếp tục đầu tư đổi mới phương tiện, trang thiết bị phục vụ dạy và học; tăng thời gian học, nhất là học thực hành để bảo đảm chất lượng tốt nhất trong quá trình đào tạo. Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức lối sống, nhận thức xã hội cho mỗi cán bộ, giáo viên, người lao động để bảo đảm mọi công tác đều hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học của nhân dân. Nhà trường tập trung chỉ đạo bảo đảm chất lượng cho tất cả các ngành nghề đào tạo, phấn đấu kết quả sát hạch lái xe ô tô và xe mô tô đạt từ 75% trở lên; các ngành nghề khác thi tốt nghiệp đạt 100%; trong đó, có 70% khá giỏi trở lên. Đồng thời, tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển các ngành nghề đào tạo, nhất là đào tạo nghề trọng điểm theo phê duyệt của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội).