Người mở đường “lên trời” ở Đông Trường Sơn
2014/1/18 14:28 - Nguồn : Tuấn Linh
Tới Tây Giang, bạn sẽ được nghe bất kỳ người dân nào kể say sưa về những huyền thoại của già làng Cơ Lâu Blao một cách đầy tự hào. Huyền thoại về việc khôi phục nghề làm áo từ vỏ cây. Huyền thoại về việc truyền dạy nghệ thuật khắc tượng nhà Gươi, nhà Mồ cho lớp thanh niên.
Già làng Cơ Lâu Blao
Khi ước mong trở thành ám ảnh
Bên bếp lửa bập bùng ở ngôi nhà Dài truyền thống của người Cơ Tu, già làng Cơ Lâu Blao bằng chất giọng trầm khàn đầy âm điệu như người hát sử thi bắt đầu kể về câu chuyện 35 năm trước. Đó là năm 1977, ông Blao khi ấy là y sĩ của làng. Ông nói rằng người Cơ Tu mình cực lắm, không có đường như bây giờ để đi, muốn đi lại giữa các thôn, các bản thì phải trèo núi vượt khe, phạt cây rừng làm mốc thậm chí có bà con đã từng vong mạng bởi sự heo hút của núi, rừng. Vì thế mà ông luôn ao ước người Cơ Tu mình có được một con đường đi thực sự, để bà con đi lại được an toàn và thuận tiện hơn.
Xưa kia ở vùng núi Đông Trường Sơn này, bà con các xã Tr’Hy và các xã như AXan, Ch’Ơm và Ga Ry muốn xuống được trung tâm huyện Tây Giang (xã Lăng) phải đi bộ ròng rã 2 đến 3 ngày. Năm 1977 khi sáp nhập hai huyện Tây Giang và Đông Giang thành huyện Hiên thì trung tâm huyện được di dời về thị trấn P’Rao ngày nay, bà con muốn xuống trung tâm cũng phải đi mất 4 đến 5 ngày mới tới nơi. Đường đi hiểm trở, nguy hiểm rình rập khắp mọi nơi bởi vậy mà bà con ít ai dám đi lại trên trục đường ấy, chỉ có cán bộ của các buôn làng về thị trấn họp buộc phải “cơm đùm cơm nắm” mà đi.
Qua hồi ức của già làng Blao, mỗi lần đi họp như thế trên vai ông lúc nào cũng nặng trĩu đồ ăn thức uống được chuẩn bị cho một tuần cùng với cái rựa để vừa đi vừa phát cây làm lối. Băng qua các khe suối bờ vực lúc nào cũng nơm nớp sợ trượt chân ngã xuống. Đó là còn chưa kể tới những cơn mưa nguồn dai dẳng suốt hàng giờ. Những lúc như thế lũ ống có thể bất thần đổ ầm bên tai, tựa như những cửa sông sẽ cuốn đi tất cả mọi thứ trên đường đi.
Qua bao lần ấy, nỗi mong ước thường trực về một con đường đã biến thành nỗi ám ảnh. Ông Blao đã bắt đầu nung nấu ý tưởng tự tay mình mở ra một con đường mà từ đó nó sẽ mang lại cho dân bản cuộc sống no ấm.
Con đường được mở bằng ý chí nối Tr’Hy tới trung tâm huyện
Mở đường bằng ý chí
Bằng ý chí, lòng quyết tâm sắt đá, tới cuối năm 1977 già làng Blao bắt tay vào làm đường. Phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, trước những mảng kiến thức còn quá đỗi lạ lẫm với những người Cơ Tu, nào là số học, căn chỉnh, kẻ vẽ, góc nghiêng độ dốc… những lúc ấy già làng Blao gần như tuyệt vọng, nhưng rồi ông lại tin rằng: “Giàng đã bảo mình làm thì phải làm cho được”. Vậy rồi người “Y sĩ của bản làng” khi ấy mới chừng 34 tuổi đã tìm ra được chút ánh sáng cho niềm tin về một con đường theo cách thật… đại ngàn.
Dọc theo con đường rừng xuống trung tâm huyện mà già làng Blao vẫn thường đi, ông tìm những cây cao nhất rồi trèo lên để có tầm nhìn xa hơn, để mường tượng và “kẻ vẽ” trong trí nhớ mình con đường trong tương lai. Tại mỗi chân đồi, sườn núi đều có một cây được chọn làm mốc mở lối cho con đường mơ ước. Các cây lớn dùng để làm mốc, cây nhỏ được phạt đi dần tạo thành một con đường mòn. Ròng rã như vậy suốt bốn năm, cuối cùng con đường đã hiện hình và ý nghĩ về một con đường thực sự đã được Blao đem ra trình bày với bà con dân bản và cán bộ xã Tr’Hy.
Công trình huyền thoại
Đường đã mở, “bản vẽ kỹ thuật” đã sẵn sàng nhưng phải tận cuối năm 1981 quyết định mở đường mới được thông qua. Thêm một lần nữa Blao lại thoăn thoắt dẫn đoàn khảo sát đi “nghiệm thu” công trình huyền thoại của mình. Để rồi tới nửa cuối năm 1982, gần 500 con người với đủ các thành phần từ cán bộ xã cho tới thanh niên, bà con dân bản trên dưới một lòng đi theo ông mở ra con đường nối thôn Voòng với Lăng. Với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, Blao đi trước làm dấu mở đường, nhóm “công nhân” đi sau chia theo từng thôn, mỗi thôn làm đoạn đường mà mình được phân công. Sau bao khó khăn, con đường rộng 1m, dài 37km nối Tr’Hy tới trung tâm huyện đã hình thành trong niềm hân hoan.
Kể từ ngày con đường được mở ra, việc đi lại trở nên dễ dàng hơn, việc giao lưu giữa các thôn bản diễn ra thường xuyên hơn. Công cuộc thông thương giữa đồng bào Cơ Tu với đồng bào các dân tộc khác cũng dần hình thành, bởi vậy mà cuộc sống đã đổi khác. Ông Blao vui lắm, không phải bởi dân bản đã lấy tên ông đặt cho con đường này mà bởi từ nay bà con bị thương, bị bệnh sẽ được chuyển tới trạm y tế nhanh chóng để được cứu chữa kịp thời. Thế mới biết trái tim của người y sĩ, của người con đại ngàn bao la vĩ đại tới chừng nào, nó dường như đã ôm trọn được cả núi rừng Trường Sơn hùng vĩ bằng thứ tình yêu giản dị vô ngần.