Những công trình giao thông được kỳ vọng ở TP HCM
2014/2/4 18:54 - Nguồn : VnExpress
4 cây cầu bắc qua kênh
Cầu Bông (quận 1 - Bình Thạnh), cầu Kiệu (quận 1 - Phú Nhuận), cầu Lê Văn Sỹ (quận 3 - Phú Nhuận) mới bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và cầu Hậu Giang mới (quận 6) bắc qua kênh Tân Hóa - Lò Gốm là 4 dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).
Đến cuối năm 2014 là hết hạn vay, vì vậy TP HCM bắt buộc phải hoàn thành cả 4 công trình này trong năm nay nếu không muốn bị cắt vốn giữa chừng. Hiện cả 4 cầu cũ đã được tháo dỡ và xây dựng cầu mới (cầu Kiệu vừa được đóng và khởi công xây mới vào ngày 4/2 (Mùng 5 Tết).
Phối cảnh cầu Bông bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trên đường Đinh Tiên Hoàng.
Tổng số vốn để xây dựng 4 cầu mới là gần 37 triệu USD nhằm thay thế các cầu cũ đã sử dụng hơn 50 năm, không đảm bảo an toàn, đồng thời nâng cao năng lực giao thông trên tuyến đường và khu vực. Trong đó, số tiền đầu tư cầu Bông là 130 tỷ đồng, cầu Hậu Giang là 128 tỷ đồng, cầu Kiệu 115 tỷ đồng và 110 tỷ đồng xây cầu Lê Văn Sỹ.
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài giai đoạn 2
Dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi đi qua 4 quận Tân Bình - Gò Vấp - Bình Thạnh - Thủ Đức. Đây là tuyến huyết mạch của TP HCM vì khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện kết nối trung tâm thành phố với các khu đô thị vệ tinh xung quanh và các tỉnh liền kề như Bình Dương, Đồng Nai, góp phần giảm ùn tắc.
Đây là tuyến đường nằm trong hệ thống giao thông vành đai của TP HCM với tổng chiều dài gần 14 km chạy dài từ sân bay Tân Sơn Nhất đến quốc lộ 1. Dự án có tổng vốn đầu tư là 340 triệu USD do tập đoàn GS (Engineering Contruction - Hàn Quốc làm chủ đầu tư) được khởi công vào tháng 6/2008. Đây cũng là dự án đầu tiên tại Việt Nam do nước ngoài đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đã được thông xe giai đoạn 1 (4,7 km)
từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu vào tháng 9 năm ngoái.
Ảnh: Hữu Công
Tháng 9/2013, TP HCM đã tổ chức thông xe đợt 1 tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Bình Triệu dài 4,7 km). Dù chỉ mới đưa vào sử dựng một phần nhưng công trình đã góp phầm kéo giảm ùn tắc rất nhiều cho cửa ngõ đông bắc của thành phố. Trong năm nay, ngành giao thông TP HCM cho biết sẽ nỗ lực để hoàn thành toàn tuyến đường này.
Cầu Kinh Thanh Đa
Bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) được nối với trung tâm thành phố chỉ bằng cầu Kinh. Cây cầu bán vĩnh cửu này được xây dựng trước năm 1975 dài hơn 85 m, chịu được tải trọng 15 tấn. Nước chảy xiết và khoảng không thông thuyền quá thấp và hẹp nên tàu thuyền qua đây luôn bị đẩy, va đập vào trụ cầu dẫn tới chìm ghe, vỡ tàu...
Phối cảnh cầu Kinh Thanh Đa nối bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) với trung tâm thành phố.
Tháng 1/2011, cầu Kinh mới dài 325 m, rộng 21 m, khoang thông thuyền rộng 20 m, tĩnh không 3,5 m được khởi công xây ngay bên cạnh để thay thế cầu cũ. Dự án có tổng số vốn hơn 430 tỷ đồng nhằm góp phần cải thiện giao thông khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế cho bán đảo Thanh Đa.
Tháng 7/2013, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 đã cho thông xe giai đoạn 1 của công trình này góp phần giảm ùn tắc cho tuyến đường độc đạo nối bán đảo với trung tâm thành phố do phải đóng cầu để thi công. Dự kiến tháng 12 năm nay, giai đoạn 2 của dự án sẽ hoàn thành giúp tuyến đường Bình Quới - Thanh Đa được mở rộng xuyên suốt.
Nút giao thông trước Đại học Quốc gia TP HCM
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 465 tỷ đồng với chiều dài hơn 1,8 km, từ cổng khu du lịch Suối Tiên đến khu vực cây xăng Bình Thắng, trên địa bàn quận 9, Thủ Đức (TP HCM) và thị xã Dĩ An (Bình Dương). Dự án gồm xây dựng làn chính (8 làn xe) là một đường đào hở có chiều sâu từ 0 - 6m, dài 1,3 km dọc xa lộ Hà Nội; 2 cầu vượt qua làn chính, mỗi cầu dài 61 m, rộng 17 m, 4 làn xe (nối 2 đường song hành xa lộ Hà Nội); 2 cầu vượt dành cho người đi bộ, mỗi cầu dài 110 m. Ngoài ra, còn có 2 đường song hành 2 bên tuyến, mỗi đường dài 1.848 m, rộng 10,5 m, gồm 3 làn xe, cùng hệ thống thoát nước, cây xanh, chiếu sáng.
Phối cảnh nút giao Đại học Quốc gia TP HCM.
Theo kế hoạch trước đây, dự án sẽ thi công trong 4 năm và hoàn thành vào năm 2012, nhưng do chưa có mặt bằng nên đến nay chỉ mới thi công gói thầu xây dựng đường song hành phía nam xa lộ Hà Nội. Do chậm triển khai thi công, nên tổng vốn đầu tư của dự án đã đội lên từ 252,9 tỷ đồng lên 465 ty đồng, do trượt giá.
Dự kiến toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm nay góp phần giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên xa lộ Hà Nội, đoạn qua khu du lịch Suối Tiên và đoạn trước cổng Đại học Quốc gia TP HCM.
Nâng cấp Tỉnh lộ 9 trên địa bàn huyện Củ Chi
Phối cảnh tỉnh lộ 9 trên địa bàn huyện Củ Chi khi hoàn thành.
Dự án sửa chữa, nâng cấp tỉnh lộ 9 (10 cầu), huyện Củ Chi do Khu quản lý giao thông đô thị số 3 làm chủ đầu tư với tổng số vốn là 332 tỷ đồng. Tổng diện tích bị ảnh hưởng khoảng 59.000 m2 với 8 khu đất, gồm: Khu 1 (cầu Ông Huyện), Khu 2 (cầu Chú Cua), Khu 3 (cầu Mười Lến), Khu 4 (cầu Bình Thuận), Khu 5 (cầu Bà Đội), Khu 6 (cầu Thi Đua), Khu 7 (cầu Vàm Thầy), Khu 8 (cầu Cây Điệp).
Ngoài 8 cây cầu, công trình có chiều dài phần đường là 1,7 km, rộng 14 m, vỉa hè rộng 3,5 m; vận tốc thiết kế 60km/h giúp nâng cao năng lực giao thông của tuyến đường chính trên địa bàn huyện Cũ Chi. Dự án được Sở GTVT TP HCM dự kiến hoàn thành vào tháng 7 năm nay.
Ngoài 5 công trình quan trọng trên, trong năm 2014 ngành GTVT thành phố cũng nỗ lực hoàn thành và đưa vào sử dụng 29 công trình lớn nhỏ khác giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bảo vệ chống sạt sở kênh rạch và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn.