"Cầu chữ Y" qua Đàn Xã Tắc cần tránh nhiều xung đột

2013/7/11 15:37

Khắc phục 7-8 xung đột giao thông

TS Khuất Việt Hùng, quyền vụ trưởng Vụ Vận tải (bộ GTVT) - chuyên gia giao thông đô thị, cho biết: Trong 6 phương án Hà Nội đưa ra, phương án xây dựng cầu vượt “hình chữ y” (phương án 4) là phương án tốt nhất tại nút Ô Chợ Dừa

Theo ông Hùng, với việc thiết kế thêm một nhánh từ đường Khâm Thiên đi lên cầu chính sang Đê La Thành, nếu được tổ chức, bố trí các chu kỳ đèn tín hiệu thì sẽ khắc phục được 7 - 8 xung đột tại nút giao này.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng nói rõ, để phương án này thực sự đem lại hiệu quả về giao thông thì cần phải có đánh giá cụ thể dựa trên những nghiên cứu thực tiễn lưu lượng giao thông của nút giao Ô Chợ Dừa. 

Ông Hùng phân tích: Khi cầu vượt “hình chữ y” đi vào hoạt động, lưu lượng giao thông từ phía Trung tâm Ba Đình đi xuống đường Tôn Đức Thắng sẽ tăng 180 xe ô tô và gần 6000 xe máy/h cao điểm.

Nhưng đồng thời cũng thu hút  60 ô tô và hơn 2000 xe máy/h cao điểm vào khu trung tâm. Với việc thu hút của tuyến trung tâm đi xuống thì đường Lê Duẩn cũng giảm được 100 ô tô và 3.200 xe máy/h cao điểm.

Về mặt tốc độ, đoạn Tôn Đức Thắng hướng đi từ trung tâm ra Ô Chợ Dừa tăng bình quân 1 đến 5km/h tuỳ vào phương tiện, nhưng hướng từ Ô Chợ Dừa đi xuống đường Nguyễn Lương Bằng thì tốc độ lại giảm khoảng 5km/h tuỳ vào dòng xe.

Ở chiều ngược lại hướng vào (Nguyễn Lương Bằng – Ô Chợ Dừa) vận tốc lại tăng từ 5-10kh/h. Và khi qua nút Ô Chợ Dừa thì phải giảm tốc độ ở đường Tôn Đức Thắng từ 5 – 10km/h.

Như vậy, khi xây cầu vượt “chữ y” sẽ có nguy cơ gây ách tắc ở đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng và đường Lê Duẩn cũng như nút Hoàng Cầu -  Đê La Thành. 

Tuy nhiên, nếu được bố trí chu kỳ đèn tín hiệu hợp lý khu Tôn Đức Thắng - Nguyễn Thái Học thì khu vực Cát Linh – Văn Miếu giảm được 30% hàng chờ, Khâm Thiên giảm 34%, Hoàng Cầu – Đê La Thành giảm 46% hàng chờ.

“Khi có cầu vượt không tối ưu hoá thì tốc độ trung bình trên toàn mạng tăng 1,23% . Khi có cầu vượt và tối ưu về tổ chức giao thông thì tốc độ trung bình cải thiện sẽ là 36%”, ông Hùng nói.

Cần nghiên cứu thấu đáo

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch thường trực Hội KHCN cầu đường VN cho rằng, trong 2 phương án 3 và 4, phương án 4 có nhiều vấn đề chưa được giải quyết một cách thấu đáo.

Ông Long phân tích, về mặt tổ chức giao thông, đường Khâm Thiên hẹp, mật đô giao thông đông. Do vậy nếu xây theo phương án 4 không giải phóng mặt bằng và xén vỉa hè rộng ra để bố trí 3 làn đường  (mỗi làn 1,5m) thì rất dễ xảy ra xung đột ùn tắc giao thông, nhất là khi dọc tuyến đường này có rắt nhiều cơ quan mật độ xe ra vào lớn.

“Với việc bố trí 3 làn xe trên đường Khâm Thiên, làn giữa là đường một chiều đi từ Khâm Thiên lên cầu vượt thì chỉ cần một chiếc xe ô tô dừng gây ách tắc ở bất kỳ một làn đường nào thì toàn bộ đường Khâm Thiên sẽ tắc hết do không có chỗ tránh…”, ông Long nói.

Trong khi đó, phương án 3 xây cầu vượt theo hướng Xã Đàn – Hoàng Cầu (xây lệch về phía Nam theo hướng Nguyễn Lương Bằng) có hạn chế là xuất hiện đường cong trái chiều trên cầu đôi dốc lên - xuống do tránh Đàn Xã Tắc nên dễ gây mất trật tự ATGT.

Tuy nhiên, nếu phương án 3 thiết kế khắc phục được nhược điểm đường cong trái chiều bằng cách tạo ra các đường cong êm thuận tại khúc cua tránh Đàn Xã Tắc thì vấn đề an toàn giao thông sẽ được giải quyết.

“Nếu bỏ phiếu lựa chọn giữa phương án 3 và 4, tôi chọn phương án 3. Phương án này vừa đảm bảo ATGT vừa đảm bảo kiến trúc cảnh quan trong khu vực di tích Đàn Xã Tắc”, ông Long nói.

Trước đó, như VietNamNet đã đưa tin, tại Hội nghị lấy ý kiến về quy hoạch nút giao thông Ô Chợ Dừa, sau khi lấy ý kiến của các chuyên gia, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đi đến thống nhất tiếp tục nghiên cứu 2 phương án 3 và 4.

Theo ông Thảo, 2 phương án này đều đảm bảo yêu cầu bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc, vừa đảm bảo phát triển giao thông đô thị. Nhưng, chọn phương án 3 hay phương án 4 thì phải tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan quản lý và các nhà khoa học để đi đến thống nhất cuối cùng.