Vì sao người dân hết lòng “đút lót” thánh thần?

2014/2/20 18:14 - Nguồn : Hà Trang – Xuân Ngọc
"Dán" tiền khắp nơi
 
Biến chốn tâm linh thành nơi “buôn bán tài lộc”!
 
PGS.TS Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) đã nhận định như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân trí về văn hóa đi lễ chùa hiện nay.
 
Ông Lê Quý Đức nói: “Đi lễ đầu năm là để mong cầu sự thanh thản, bình an, nhưng người ta đã đưa cả cái nếp sống, nếp nghĩ phàm tục của đời thường vào lễ hội. Xưa ông bà ta có dạy rằng “Đi đến chốn tâm linh đừng cầu tài lộc mà chỉ cầu bình an”. Nhưng giờ xem ra ngược lại, người ta cầu đủ thứ từ học hành đỗ đạt, thăng quan tiến chức, buôn may bán đắt. Thậm chí, để sòng phẳng họ dúi tiền vào tay tượng.
 
Hiện tượng này thể hiện sự cuồng tín, mê tín thái quá và xuống cấp tinh thần của một số người đi lễ, chùa. Tôi lấy ví dụ như lễ hội Đền Trần. Ấn Đền Trần hiểu nôm na là việc nhà vua khai ấn đầu năm mở đầu cho một thể chế chính trị ở mức độ trang trọng, linh thiêng. Nhưng hiện nay, nó diễn ra vô cùng lộn xộn, bát nháo, người ta tranh thủ cướp ấn, giằng giật lộc, hay ném tiền lẻ vào kiệu rước với hi vọng “thăng quan tiến chức”.
 
Những hình ảnh này là một sự sỉ nhục lớn đối với hình ảnh đất nước. Báo chí đã phản ánh nhiều rồi nhưng năm nào cảnh tượng trên cũng diễn ra, trong dòng người đó tôi được biết có không ít cán bộ có sự hiểu biết nhất định, nhưng không hiểu sao họ như bị vô thức tập thể, không biết liêm sỉ là gì?
 
Trước hiện trạng này, có nhiều ý kiến lý giải rằng đời sống người dân càng no đủ hơn thì những toan tính thực dụng, “buôn thần bán thánh” ở lễ hội theo đó cũng càng nhiều lên?
 
Tôi cho rằng đây là hiện tượng tham nhũng tinh thần. Tham nhũng thế tục là tham chức tham quyền còn ở đây là là muốn tranh lấy những phần mà thần thánh có thể ban cho mình nhiều lộc hơn hoặc thần thánh che tội lỗi của mình. Nhiều người đến các nơi thờ tự bỏ rất nhiều tiền không phải để công đức với mục đích trong sáng mà là để “đút lót thần thánh”, cầu mong được thần thánh ban cho nhiều tài, nhiều lộc.
 
Nhiều người quan niệm càng đi lễ to càng được thánh thần phù trợ để “thăng quan tiến chức”. Còn ở hiện thực đời sống xã hội, họ cũng dùng tiền bạc để chạy trọt mà không phải dùng năng lực sẵn có của bản thân nên mới có hiện tượng bằng giả, học giả đầy rẫy như hiện nay.
 
Vậy phải chăng là xã hội nay đang quá mê tin, thưa ông?
 
Có một thực tế buồn là hiện nay không ít các địa phương tổ chức lễ hội để tạo công ăn việc làm, kiếm lợi cho địa phương, thị trường hoá sinh hoạt tâm linh mà ít quan tâm đến yếu tố văn hóa. Đây là một vấn đề nan giải, phức tạp mà nhiều cơ quan, tổ chức phải vào cuộc để chấn chỉnh.
 
Tôi cho rằng nguyên nhân dẫn đến việc người dân quá cuồng tín, mê tín như hiện nay là do việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa hiện nay chúng ta thiếu trầm trọng 4 yếu tố: Giáo dục đạo đức con người, giáo dục trong gia đình, tâm linh và tự ý thức trong mỗi cá nhân.
 
Có nhiều người hỏi tôi về số liệu mỗi năm nước ta có khoảng 8000 lễ hội được tổ chức. Phải nói là quá nhiều. Quá nhiều lễ hội cũng ảnh hưởng tới tinh thần, năng suất lao động, nguồn lực tài chính của đất nước. 
 
“Thần linh trở thành lá chắn tinh thần”
 
Đánh nhau tại lễ Hội cướp phết  tại Đền thờ nữ tướng Thiều Hoa (Tam Nông - Phú Thọ)
 
 Lý giải điều này, nhiều người cho rằng khi niềm tin trong đời thực bị suy giảm thì con người lại càng có nhu cầu đi tìm niềm tin ở thế giới tâm linh?
 
Rõ ràng đây cũng là một lý do, đời sống hiện đại, nền kinh tế thị trường len lỏi vào từng ngóc nghách, dẫn đến con người phải đối mặt với nhiều mối đe dọa hơn như bệnh tật, đói nghèo hay tai nạn giao thông... Sự xuống cấp của đạo đức xã hội kèm theo đó là các tệ nạn cũng nhiều hơn. Chính vì vậy, con người lại càng có nhu cầu đi tìm một giá đỡ tinh thần, sự che chở của thần linh.
 
Bất cứ thời đại nào cũng vậy, khi niềm tin thế tục suy giảm thì niềm tin tâm linh trỗi dậy. Ở một góc độ khác, có không ít người sẵn sàng chi hàng trăm triệu để sắm lễ, cung tiến thần thánh, dâng sao giải hạn. Họ quan niệm, càng lễ to càng tránh được hạn nặng, càng dễ thăng quan tiến chức.
 
Tôi cho rằng phần lớn trong số này là những người kiếm tiền bất chính, làm điều khuất tất nên họ luôn có tâm lý bất an, lo sợ và tìm đến thần linh như một lá chắn tinh thần.
 
Sự tồn tại của rất nhiều lễ hội như hiện nay cũng một phần vì lợi ích từ lễ hội đem về rất lớn cho một số nhóm?
 
Đây cũng là một nguyên nhân. Bây giờ nhiều nơi thờ tự đang bị ảnh hưởng của đời sống kinh tế thị trường. Chính những toan tính vật chất này đã biến không gian văn hóa trở nên rất… phi văn hóa.
 
Trò chơi bạo lực bán đầy ở lễ Hội chùa Hương
 
GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội: Công tác quản lý lễ hội của chúng ta quá kém!
 
Lễ hội năm nay, mặc dù công tác quản lý đã được thắt chặt hơn nhưng chuyện rải tiền lẻ, đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều đền chùa miếu phủ. Có thể cắt nghĩa vấn đề này như thế nào, thưa ông?
 
Những hành động này chính là sự “bóp méo” văn hóa truyền thống và nếu nhìn ở góc độ tâm linh thì rõ ràng đây là hành vi phỉ báng thần thánh. Tôi cho rằng nguyên nhân là do người dân không có sự hiểu biết khi đi lễ chùa. Họ cứ tưởng làm như thế là sẽ được thần thánh chú ý ban cho nhiều lộc hơn, thể hiện được lòng thành tâm của mình và dễ “thăng quan tiến chức”. Đây là cách hiểu quá lệch lạc.
 
Ở góc độ tổ chức thì công tác quản lý lễ hội trong thời gian vừa qua của chúng ta chắc chắn kém, không đáp ứng được yêu cầu và chưa nghiêm túc trong việc thực thi. Thậm chí, ở nhiều nơi, người ta cố tình xuyên tạc truyền thồng, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để thêu dệt “khuếch trương” những câu chuyện không có thật nhằm thu hút người đến tham gia lễ hội nhằm thu lợi nhuận.
 
Bản thân việc đi lễ hội là truyền thống tốt đẹp, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn của dân tộc” và mang nhiều ý nghĩa tích cực, các yếu tố tiêu cực như báo chí phản ảnh là do mình tổ chức không tốt, người đi lễ chùa chưa văn minh.
 
Bao năm nay dư luận xã hội kêu ca chuyện này rồi nhưng từng mùa lễ hội lại qua đi và tình trạng xem ra không thể sửa chữa?
 
Ở đây, không đến nỗi là không có giải pháp quản lý nhưng tôi nghĩ đây là mâu thuẫn trong giải quyết quyền lợi dẫn đến “mạnh ai người nấy làm”. Phía nào cũng muốn lôi kéo quyền lợi cho mình. Hiện nay, một lễ hội có rất nhiều thành phần tham gia tổ chức nhưng lại thiếu sự đồng bộ, nên bộ phận nào cũng muốn nghĩ ra các cách để kiếm lợi. 
 
Trong khi đó, công tác quản lý của chúng ta lại đang làm theo hình thức “đối phó”, nghĩa là nghe ở đâu có tình trạng lộn xộn thì dẹp ở đó chứ không phải giải quyết vấn đề một cách căn cơ.
 
Nếu mình kiên quyết bằng 2 giải pháp: giải pháp quản lý, tổ chức, tuyên truyền, giáo dục thì chắc chắn mình sẽ khắc phục được. Tôi cho rằng về vấn đề này, công tác quản lý của nhà nước cần phải đầu tư nhiều hơn, chúng ta phải tích cực, khẩn trương và làm quyết liệt. Trong đó, các lễ hội nên phân loại thành từng loại, đồng thời vai trò của địa phương, các lực lượng tham gia quản lý cũng phải được tăng cường để quản lý cho tốt và đồng bộ.
 

Còn việc nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật hay rải tiền lẻ, tôi cho rằng ban quản lý, trụ trì ở các cơ sở tôn giáo hoàn toàn có thể làm được điều này. Rõ ràng là họ sợ ảnh hưởng đến vấn đề quyền lợi của mình. Nếu như ở các đền, chùa có quy định rõ ràng thậm chí là treo biển cấm “nhét tiền lẻ”, “đốt vàng mã”, hoặc để tiền vào hòm công đức thì tôi chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện.