Thiếu tiền “đảm bảo”, dự án PPP khó triển khai
2014/2/21 3:15 - Nguồn : VnEconomy/Anh Minh
Cụ thể, theo ông Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng - Trưởng ban Ban PPP của bộ này cho hay, đối với các dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo hình thức PPP, hiện nay hầu hết đều là các dự án có chi phí đầu tư rất lớn, suất đầu tư cao. Để hoàn vốn cho Nhà đầu tư thì mức phí cao và đặc biệt phải có khoản góp của Nhà nước để đảm bảo tính khả thi của dự án (gọi là VGF).
Trong điều kiện ngân sách nhà nước rất khó khăn thì khoản VGF thường phải đề nghị Chính phủ vay ODA để góp vào dự án. Do vậy, tiến độ các dự án cũng phụ thuộc vào thu xếp vốn các nhà tài trợ.
Chính vì vậy, 5 dự án đường bộ cao tốc đầu tư theo hình thức hợp PPP hiện nay gồm Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch và Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đều đang gặp khó khăn trong triển khai.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang quản lý 56 dự án BOT, BT, PPP với tổng mức đầu tư khoảng 165.000 tỷ đồng, gồm 14 dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác, 34 dự án đang triển khai thi công, 9 dự án sẽ sớm triển khai trong thời gian tới và đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án khác.
Trong số này, có 21 dự án trọng điểm trên Quốc lộ 1A và QL14 đang được triển khai đầu tư theo hình thức BOT; trong đó 19/21 DA đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và chính thức ký hợp đồng dự án, 18/21 DA đã ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng; tiến độ bàn giao mặt bằng đảm bảo cho các nhà đầu tư thi công từng phần.
Dự kiến trong năm 2014, ngoài 2 dự án đã khánh thành vào tháng 1 là Dự án Nút giao Vũng Tàu (cầu Đồng Nai) và QL1 đoạn Nam Bến Thủy đến tuyến tránh TP. Hà Tĩnh, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khánh thành thêm 09 dự án nữa, đồng thời sẽ phấn đấu giải ngân vốn ngoài ngân sách trên 41.000 tỷ đồng.