Ứng xử thế nào với cầu Long Biên

2014/2/23 20:4 - Nguồn : Nguyễn Trần Đức Anh *
Trong các dự án, các phương án cải tạo, trùng tu cầu phải cân nhắc kỹ trên các nhiều phương diện: văn hóa, lịch sử, cảnh quan đô thị… chứ không đơn thuần là giải một bài toán giao thông.
 
Một biểu tượng của kiến trúc và công nghệ, một giá trị cảnh quan đô thị
 
Cho tới giờ, cầu Long Biên vẫn là cây cầu đẹp nhất Hà Nội, nếu không muốn nói là ở cả Việt Nam. Mặc dù là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng và đã trải qua hơn một thế kỷ, song cầu Long Biên vẫn bền bỉ với thời gian và minh chứng là không hề bị “lạc hậu” ở yếu tố kiến trúc, kỹ thuật xây dựng hay không gian đô thị. Dịp Lễ hội cầu Long Biên (10&11/10/2009), trong bài viết - một kiến trúc sư đã nhận định:
 
…Cho tới giờ, cầu Long Biên vẫn đắc địa về mặt giao thông, địa hình và cảnh quan đô thị. Long Biên có nhiều điểm nhìn đẹp từ hai đầu cầu, từ bờ sông, ngay cả trên cầu và dưới sông Hồng. Ở mỗi góc nhìn, mỗi thời  điểm người ta có một cảm nhận khác nhau, cảm xúc khác nhau. Từ bãi giữa sông Hồng, từ phía Chương Dương nhìn cầu Long Biên thật mảnh mai với những thanh giằng rất dài. Nhưng ở dưới chân cầu, hay đi trên cầu lại thấy sự đồ sộ hùng vĩ với hệ kết cấu thếp tầng tầng lớp lớp. Buổi sáng, Long Biên tấp nập rộn rã niềm vui của một ngày mới. Buổi chiều tối cây cầu như chìm vào nỗi u hoài…”  - (“Biểu tượng Long Biên” - KTS Nguyễn Trần Đức Anh, Tạp chí Kiến trúc Nhà đẹp 10/2009)
 

 Cầu Long Biên, nhìn từ bãi giữa sông Hồng, phía hạ lưu

Cầu Long Biên, nhìn từ bãi giữa sông Hồng, phía thượng lưu


Cầu Long Biên, nhìn từ bờ sông, phía Phúc Tân
 
Những giá trị lịch sử xứng đáng xếp hạng di sản
 
Chỉ tính riêng tuổi thôi, trải qua hơn 100 năm và vắt qua 3 thế kỷ (19-20-21), cầu Long Biên đã xứng đáng một danh hiệu nào đó. Nhưng còn hơn thế, trong hơn 100 năm tuổi của mình, cầu Long Biên đã gắn bó với bao thăng trầm của Hà Nội và là chứng nhân lịch sử của chuỗi thời gian dài dằng dặc ấy, của những thời khắc không thể nào quên.
 
Năm 1945, những đội quân cách mạng từ chiến khu về Hà Nội qua cầu Long Biên
 

Đoạn cầu không còn nguyên vẹn do trúng bom trong chiến tranh. Ảnh chụp từ bãi giữa sông Hồng
 
Năm 1947, sau 60 ngày đêm chiến đấu, những chiến sỹ quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh đã rút khỏi Hà Nội qua gầm cầu Long Biên lên chiến khu.
 
Năm 1954, như lời hẹn, đoàn quân chiến thắng trở về. Cầu Long Biên chứng kiến những người lính viễn chinh Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội để đi Hải Phòng lên tàu về nước.
 
Những năm chiến tranh chống Mỹ, cầu Long Biên là trọng điểm đánh phá của không lực Hoa Kỳ, là nơi hứng nhiều bom đạn nhất ở Hà Nội. Và không chỉ một lần cây cầu đã gục xuống lòng sông Mẹ. Nhưng với tinh thần chiến đấu quả cảm và quyết tâm của người Hà Nội, cầu Long Biên vẫn nối liền đôi bờ. Nếu nói về một điều gì biểu hiện sự đau thương mất mát bởi chiến tranh, sự kiên cường và  bất khuất của một tinh thần Hà Nội, thì đấy chính là cầu Long Biên.
 
Không còn nguyên vẹn, nhưng cầu Long Biên vẫn sừng sững thi gan với thời gian, bao nhiêu năm nay vẫn cần mẫn, lặng lẽ nối đôi bờ dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Cầu Long Biên đã trở thành một biểu trưng của Hà Nội, một phần linh hồn đậm đặc những giá trị lịch sử - văn hóa - xã hội.
 
Có lẽ, với mỗi người Hà Nội, cầu Long Biên là một phần của ký ức và cả cuộc sống hiện tại…
 
Những dự án trùng tu, khôi phục
 
Từ những năm 2003-2004, đã có những thông tin về dự án khôi phục cầu Long Biên đầy nghiêm túc. Sau khi khảo sát, tư vấn phía Cộng hòa Pháp đã đưa ra nhiều phương án cải tạo (04 phương án) liên quan đến chức năng giao thông. Cũng liên quan đến dự án này, một thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải thời kỳ đó cho hay: Sau năm 2010, sẽ có thêm một cây cầu mới bên cạnh cầu Long Biên (cách cầu Long Biên 50m về phía thượng lưu hoặc hạ lưu) phục vụ tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi. Vì vậy, từ nay (năm 2004) đến thời điểm đó, phương án ưu tiên là khôi phục cầu Long Biên nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông như hiện tại (xe lửa ở giữa, người đi bộ và xe đạp hai bên).
 
Tháng 12 năm 2007, trong đề án phát triển Giao thông Hà Nội tới năm 2020 do UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, cầu Long Biên là một hạng mục quan trọng. Và theo đề án này: Thủ tướng nhất trí với quan điểm 2 trong 1: Xây dựng cầu Long Biên hoàn toàn mới, mang vóc dáng cầu Long Biên nguyên bản do Pháp xây dựng, có mô phỏng lại tuyến đường sắt hiện nay nằm giữa lòng cầu mới. 
 

Cầu Long Biên, nhìn từ phía Chương Dương (hạ lưu)
 
Tháng 10 năm 2009, thông tin mới nhất: Ông Trần Quốc Đông, Giám đốc Ban quản lý các dự án đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) cho biết: Tổng Công ty ĐSVN đã thống nhất dỡ bỏ hệ thống đường sắt trên cầu Long Biên. Thay vào đó, cầu đường sắt trên cao thuộc tuyến đường sắt trên cao Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 1) sẽ thực hiện nhiệm vụ cho tàu hoả lưu thông qua như cầu Long Biên hiện nay.
 
Như vậy có thể thấy rằng dự án khôi phục cầu Long Biên không thể nhanh và không hề đơn giản. Tuy nhiên, yếu tố kinh tế - kỹ thuật chỉ là một khía cạnh của vấn đề!
 
Ứng xử thế nào với cầu Long Biên?
 
Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều đã hơn một lần truy vấn về việc liệu trước kia có hay không việc người ta muốn tháo cầu Long Biên để bán sắt vụn. Một tòa soạn báo đã có “thanh minh” về vấn đề này là “không có chuyện đó”. Nhưng có thể chuyện đó hoàn toàn có thể đã xảy ra, khi mà chúng ta đã từng có những suy nghĩ và tư tưởng ấu trĩ trong một thời gian dài. Thực tế đã có nhiều di sản bị hủy hoại trong thời kỳ này. 
 

Vắng con tàu, Long Biên sẽ "vô hồn"!?  Ảnh chụp trên cầu
 
Nhà văn Băng Sơn - một tác giả chuyên viết về Hà Nội, đã bày tỏ quan điểm phản đối việc dỡ bỏ đường sắt ở Cầu Long Biên sau khi hay tin. Ông cho rằng: “Bỏ đường sắt trên cầu Long Biên, văn hóa Hà Nội sẽ không còn nguyên vẹn” - (Báo điện tử Dân trí - http://dantri.com.vn/c202/s202-360456/bo-duong-sat-tren-cau-long-bien-van-hoa-ha-noi-se-khong-con-nguyen-ven.htm)
 
Có lẽ, cầu Long Biên chưa được đeo một tấm biển “Di tích lịch sử - Cấm xâm phạm” nên người ta vẫn “coi thường” nó, và trong mắt những người làm quy hoạch giao thông, cầu Long Biên chỉ là một cây cầu – già nua–cũ kỹ, không hơn không kém. 
 
Việc dỡ bỏ đường sắt ở cầu Long Biên cần được cân nhắc kỹ. Khởi thủy cây cầu chính là dành cho đường sắt, hệ thống đường cho xe và người đi bộ hai bên là mở rộng thêm sau này. Bỏ đi điều cốt lõi ấy trái với nguyên tắc bảo tồn. Tuy nhiên việc dỡ bỏ đường sắt có thể là một việc chưa nghiêm trọng lắm. Vắng bóng tàu hỏa, có thể cầu Long Biên sẽ buồn hơn, sẽ không thi vị hay lãng mạn bằng. Nhưng điều nghiêm trọng là: “…Hiện Tổng Công ty đã phê duyệt phương án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 1 này chỉ cách cầu Long Biên khoảng 30m nằm về phía thượng lưu sông Hồng. Phương án này đã nhận được sự đồng tình từ Chính phủ và UBND TP Hà Nội”.
 

Cầu Long Biên, nhìn từ phía bãi Tứ Liên (thượng lưu), phía sau là cầu Chương Dương.  Ở điểm nhìn này thấy rõ cầu Long Biên và cầu Chương Dương bị “chập” vào nhau, dù khoảng cách 2 cây cầu khá xa.
 
Việc một cây cầu mới cách cầu Long Biên có 30m (Dự án năm 2004 là cách 50m) là một điều không tưởng tượng nổi!!! Trong không gian đô thị, với không gian sông Hồng, 30 mét không là cái gì cả. Long Biên sẽ hoàn toàn bị chập vào cây cầu mới kia. Không gian bị phá vỡ, cảnh quan bị phá vỡ, kiến trúc bị phá vỡ… Đó là điều khủng khiếp nhất. Nó giống như một ngôi biệt thự đẹp trong một khu vườn đẹp, bị xây xen cấy một cái chuồng nhốt thú kế bên. Một cây cầu mới cạnh Long Biên - về phía hạ lưu là không nên, nếu có về phía thượng lưu thì phải cách tối thiểu bằng khoảng cách từ cầu Long Biên tới cầu Chương Dương hiện nay.
 
Ở Huế, cây cầu số 2 qua sông Hương, sau cầu Tràng Tiền là cầu Phú Xuân, cách cầu Tràng Tiền cả cây số mà vẫn bị tranh chấp với cầu Tràng Tiền - đặc biệt ở điểm nhìn từ đường Lê Lợi, tại các vị trí khách sạn Hương Giang, Century, tại đập đá phía Vỹ Dạ.
 
Cầu Long Biên ở Hà Nội không thể đóng tủ kính bày bảo tàng, treo biển: “Cấm sờ vào hiện vật”, bởi nếu làm vậy, cầu Long Biên sẽ là cái xác không hồn. Bên cạnh đó, cầu Long Biên vẫn là một huyết mạch giao thông - của những người nghèo. Nhưng hiện thực thì cầu đã xuống cấp trầm trọng, và nếu sử dụng tiếp cần phải cải tạo!
 
Cải tạo theo hướng nào? Có lẽ cần ý kiến các nhà văn hóa, lịch sử, các kiến trúc sư trước… rồi mới bàn đến chuyện kinh tế hay kỹ thuật. Và chúng ta cũng phải đưa ra được một quan điểm bảo tồn với cây cầu này. Ví dụ như nếu trục vớt được những cấu kiện của cầu bị sập do trúng bom dưới lòng sông, chúng ta sẽ đưa về bảo tàng hay đem bán sắt vụn???
 
Xây một cây cầu nữa cạnh cầu Long Biên là hạ sách!
 
Ta có thể khôi phục lại cầu Long Biên như hình dáng ban đầu, thay thế các cấu kiện hỏng, làm mới những nhịp cầu bị mất, có thể mở rộng, nâng cao độ tĩnh không để đáp ứng giao thông. Cầu Long Biên về cơ bản sẽ như thủa ban đầu.
 

Cầu Tràng Tiền và cầu Phú Xuân (Huế) tranh chấp nhau. Đường thẳng ngang phía trên những vòm cong của cầu Tràng Tiền là cầu Phú Xuân phía xa. Ảnh chụp từ phía đập đá phướng Vỹ Dạ.
 
Hoặc có thể chỉ thay thế, gia cố cấu kiện và giữ nguyên hình dáng mất nhịp như bây giờ - như giữ lại một chứng tích chiến tranh; như ta đang giữ nguyên vết đạn đại bác của thực dân Pháp bắn trên Cửa Bắc khi chiếm thành Hà Nội.
 

Hai phương án sau, đều có thể là trung sách hay thượng sách tùy cách làm cụ thể. 

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

* Bài này của tác giả Nguyễn Trần Đức Anh đăng trên VOV Online từ 8/11/2009 nhưng vẫn nóng bỏng tính thời sự.