Cầu Long Biên: Ai sẽ đưa ra được giải pháp?

2014/2/28 8:12 - Nguồn : Hà Nội mới/Anh Vũ
1. Từ lâu, người ta đã gọi cầu Long Biên là "chứng nhân lịch sử", nổi tiếng không chỉ vì công năng mà còn bởi dấu ấn kiến trúc "như tháp Eiffel nằm ngang" và những danh hiệu "đầu tiên" của nó. Đó là cây cầu đầu tiên được bắc qua sông Hồng, là cây cầu sắt đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á. Cầu Long Biên, không còn nghi ngờ gì nữa, đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, là di sản văn hóa - lịch sử đặc biệt của Thủ đô và cả Việt Nam dù chưa tổ chức nào ra quyết định "phong" cho cây cầu ấy danh hiệu chính thức, chẳng hạn như di tích quốc gia đặc biệt mà nó xứng đáng được trao dựa trên sự thỏa mãn nhiều tiêu chí.
 
Cầu Long Biên - Một di sản sống, một dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển của Hà Nội. 
Ảnh: Anh Tuấn
 
Dễ hiểu là khi có ai đó "động" đến cầu Long Biên, "bão" dư luận nổi lên là chắc chắn, như từng chứng kiến ý kiến "ngược xuôi" trước dự án xây dựng cầu vượt ở khu vực Xã Đàn cách nay ít lâu dù về cơ bản thì hai loại hình di sản có sự khác nhau và bối cảnh liên quan cũng khác. Vấn đề quan trọng nhất là hai luồng ý kiến đối với các phương án được nêu ra dường như không dễ gặp nhau, có lúc tưởng như không thể gặp nhau, càng tranh luận gay gắt thì càng xa nhau dù lý lẽ từ cả hai luồng ý kiến chủ đạo đều đáng trân trọng: Một bên dựa trên nguyên tắc và mục tiêu bảo tồn di sản; một bên vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vì dân sinh. Ở trường hợp xây cầu đường sắt vượt sông Hồng như đã nói, không thấu hiểu đến mấy cũng có thể rõ rằng những người nêu phương án có xuất phát điểm từ lý do kinh tế - xã hội ở thế chẳng đặng đừng, mục tiêu là hướng đến một giải pháp dung hòa giữa bảo tồn và phát triển ở mức có thể chứ chẳng "ngô ngọng" hay vô tình. Những người kiên trì quan điểm bảo tồn nguyên vẹn cầu Long Biên trung thành với mục tiêu bảo vệ di sản, tất nhiên bác bỏ phương án "liên quan đến tim cầu" dựa trên các điều luật liên quan, điều đó cũng dễ hiểu.
 
Vấn đề là trong số ý kiến nêu ra trên các diễn đàn, thông qua trả lời phỏng vấn báo chí cũng như tại hội thảo khoa học về chủ đề liên quan được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 25-2, có những vấn đề gần gũi với bảo tồn cầu Long Biên chưa được làm rõ và có cả ý kiến có vẻ đi ngược nguyên tắc bảo tồn. Có người sử dụng cụm từ "bảo tồn nguyên gốc", "bảo tồn nguyên trạng" cầu Long Biên mà không đưa ra kiến giải cụ thể. Đã có ý kiến hiểu nôm na là phát huy giá trị của cầu Long Biên, phục vụ phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm bằng cách mở nhà hàng, kinh doanh dịch vụ. KTS Nguyễn Nga, như báo chí đăng lại ý kiến trong hai ngày qua là: "Đề xuất thực hiện dự án trong 3 năm và cầu Long Biên sẽ trở thành cây cầu bảo tàng và giao thông không khói". Báo dẫn tiếp ý tưởng của vị KTS: Khai thác yếu tố du lịch và cải thiện môi trường dân sinh; xây dựng cây cầu trở thành bảo tàng lịch sử cận đại, khu vườn treo và phố nghề nghệ thuật… Phương án đề xuất giữ nguyên 9 nhịp cây cầu nguyên thủy và cải tạo theo phương pháp cũ đinh tán ri vê để triển lãm 2 đầu tàu hơi nước". Và, "những toa tàu cũ biến thành các quán cà phê và nhà hàng, được đặt trên nền kính trong veo để thấy được tất cả mố trụ cầu cũ, đường ray xe lửa cũ cũng như sông Hồng chảy bên dưới". 
 
Liệu có thể hiểu ngay lập tức ý tứ về "bảo tồn nguyên gốc", "bảo tồn nguyên trạng" với cùng một di sản như cầu Thăng Long? Liệu có thể mường tượng hiệu quả của phương án mà KTS Nguyễn Nga đề xuất và bỏ qua hệ lụy từ quán xá, nhà hàng mọc trên đầu cầu Long Biên?
 

2. Hôm qua, 26-2, có người nêu ý kiến với người viết rằng ông băn khoăn với ranh giới tưởng như vô hình giữa mục tiêu "bảo tồn nguyên gốc" và "bảo tồn nguyên trạng" cầu Long Biên. "Chúng ta có thể hiểu thế nào về hai mục tiêu và cũng là giải pháp này?". Ông nói tiếp, giọng không vui vẻ gì: "Nếu bảo tồn nguyên gốc tức là làm cho cây cầu trở lại hình dạng như khi các kỹ sư Pháp hoàn thành cách nay hơn một trăm năm. Vậy thì dấu ấn của cuộc chiến tranh chống đế quốc trên cây cầu còn đâu nữa, mà đó lại là điều quan trọng góp phần làm nên tầm vóc của cây cầu như ta biết, hiện nay? Liệu có thể khăng khăng phương án duy nhất, phù hợp với luật hiện hành hơn cả, là bảo tồn nguyên gốc hay nên tìm giải pháp dung hòa?".
 
Điều ông nói không phải vô lý. Cách nay ít năm, tác giả Phạm Ngọc Cảnh có bài viết cảm động về cây cầu Long Biên trong những năm tháng cả dân tộc đứng lên chống Mỹ cứu nước, tôi nhớ không nhầm thì có tựa đề "Vẽ tranh cầu Long Biên". Trong bài viết khá dài của mình, tôi nhớ nhất đoạn ông mô tả tâm trạng xót xa trước cảnh "cây cầu của mình" bị bom Mỹ đánh cho xơ xác. Ông viết, đại ý tôi ở chiến trường Đường 9 - Nam Lào ác liệt là vậy mà ra Bắc lành lặn, nhẽ nào sông Hồng và cây cầu Long Biên mang đầy thương tích thế này ư. Rồi ông kể chuyện họa sĩ Văn Đa họa cây cầu thương tích ngay sau trận bom dữ dội, gọi nó là "cây cầu dũng sĩ", như người tráng sĩ oai dũng vượt qua 13 trận bom, chỉ đến khi không quân Mỹ dùng bom thông minh ở lần dội bom thứ 14 mới bị đánh gục...
 
Tôi cũng nhớ cách nay chừng chục năm, Báo Hànộimới mở liên tiếp vài đợt thi viết về Thăng Long - Hà Nội, hướng đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Giờ không còn nhớ là ở đợt nào, chỉ biết có lần Ban giám khảo cuộc thi đã trao giải cao nhất cho một tác phẩm viết về cầu Long Biên của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, nguyên Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản thuộc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội (lúc ấy chưa đổi thành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch như hiện giờ). Hồi ấy, vài hôm sau lễ trao giải, tôi có gặp một vị trong thành phần "cầm cân, nảy mực", hỏi vì sao đề tài cũ thế mà được trao giải. Vị này nói rằng đề tài không mới nhưng viết tốt, cái chính là lột tả được hào khí Thăng Long - Hà Nội qua lịch sử một cây cầu, đặc biệt là trong những năm kháng chiến. 
 
Bảo tồn phải tuân theo nguyên tắc luật định, nhưng cũng có khi, thậm chí là nhiều khi phải linh hoạt lắm. Nếu trong trường hợp này, liên quan đến giải pháp mà nhất định phải "nguyên gốc" thì có khi sau này hậu thế phán xét ta chăng?
 
3. Nhưng, cá nhân người viết không ưng đề xuất của KTS Nguyễn Nga. Chị nghĩ ý tưởng của mình "như thế giới vẫn làm" và Nhà nước không phải bỏ tiền bởi khoản kinh phí cần có khoảng 2.500 tỷ đồng là nguồn vốn ODA. Chuyện vốn, nói trong bối cảnh nền kinh tế cho phép rủng rỉnh là một chuyện, chứ trong lúc nợ công khiến ta phải tính toán chi li thì khác gì đổ nợ cho con cháu vì một ý tưởng chưa biết có khả thi ở Việt Nam? Nói về tính khả thi vì ở ta, cũng liên quan đến chuyện mở nhà hàng này, khách sạn nọ gần khu vực di sản, chẳng phải chuyện xây khách sạn ở Vọng Cảnh, mở hàng cà phê tại khu vực lầu Tứ phương vô sự (Huế) đã bị "tuýt còi" hay sao?
 
Đến đây, người viết nhớ vào đầu tuần này, trong nhóm phóng viên có cuộc bàn luận nho nhỏ về những việc liên quan đến "số phận" cầu Long Biên. Có vài câu thôi mà ra hai cách hiểu, chẳng khác gì trong hội nghị bàn tròn của các chuyên gia, như có người đã dùng từ "chuyên gia đầu ngành cũng đá nhau" (từ đá dùng trong ngoặc kép) trong bài viết của mình giờ vẫn còn trên mạng. Một người dẫn nguồn từ cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, đại ý là "phải bảo tồn thôi". Người khác nói bảo tồn là đúng rồi, vấn đề là bảo tồn thế nào. Chẳng ai làm trọng tài, cũng không có sự phán xét, có lẽ là bởi mỗi người ra ý kiến từ "một góc" trong sự bảo tồn di sản mà mình đang theo đuổi. Rốt cuộc thì chẳng ai sai, ai cũng được nói, nhưng bảo tồn như thế nào để có lợi cho di sản đồng thời thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội thì không ai trong số hai người tham gia nói được câu nào cho tử tế.
 
Mấy hôm nay, trên các trang báo mạng đầy ứ thông tin về cầu Long Biên và những phương án liên quan mà Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra. Những bài viết có sử dụng cụm từ "phá cầu", "bức tử cầu", "không thể", "không được", "nguyên trạng", "nguyên gốc" nhiều lắm, mỏi mắt mới thấy một phóng sự ảnh về sự xuống cấp của cây cầu lịch sử cũng như sự nhếch nhác mà con người bắt nó phải chịu. Nắng mưa và sự hạn chế trong công tác bảo tồn cây cầu này, vì nhiều lý do, không thể khiến ta yên lòng về mức độ an toàn của nó trong tương lai. Liệu cầu Long Biên có thể đảm đương trọng trách nối tuyến đường sắt đô thị số 1 vượt sông Hồng?
 
Những phương án cụ thể đã được nêu ra để xin ý kiến rộng rãi. Những gì chưa hợp lý sẽ được Bộ Giao thông - Vận tải và thành phố Hà Nội tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu nhằm mục tiêu chung là bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội một cách hài hòa. Việc không dễ, không đơn giản là quyết tắp lự xây cầu mới cách xa cầu cũ bao nhiêu bởi còn phải tính toán nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn như có thể đưa vài nhịp cầu xây mới đâm xuyên khu phố cổ được không? Ga Hàng Cỏ vẫn "yên vị", xây đường sắt vượt sông ở đâu thì tránh được sự vòng vèo gây tốn kém quá mức?...
 

Thực tế đời sống nhiều khi cùng lúc đặt ra bài toán khó về bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội. Muốn giải được chúng thì cần có phương án cụ thể, khả thi mang tính liên ngành. Ai sẽ đưa ra được giải pháp giúp Hà Nội đây?